Sign In

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM

_____

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_____________________

Số: 21/2014/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 07 tháng 07 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường

không vào mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Nam

_____________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

 

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính Phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 của Chính Phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường không vào mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Quyết định này thay thế Quyết định số 27/2010/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành “Quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường không vì mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Nam”.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc tỉnh; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Giao thông vận tải; (để b/c)
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; (để b/c)
- Website Chính phủ;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Viện KSND, TAND tỉnh;
- UBMTTQ: các đoàn thể;
- CB TH;
- Lưu VT; GT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
đã ký

Mai Tiến Dũng

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM

_____

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_____________________

 

QUY ĐỊNH

Về quản lý và sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường

không vào mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Nam

(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2014/QĐ-UBND ngày 7/7/2014

của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)

____________

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định quản lý và sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường không vào mục đích giao thông tại các tuyến đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

2. Các Sở, Ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã); các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi tham gia các hoạt động có liên quan đến quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn tỉnh Hà Nam phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định của Chính phủ về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông và các nội dung của Quy định này.

Chương II

CÁC TRƯỜNG HỢP VÀ ĐIỀU KIỆN SỬ DỤNG TẠM THỜI

MỘT PHẦN HÈ PHỐ, LÒNG ĐƯỜNG KHÔNG VÀO MỤC ĐÍCH GIAO THÔNG

Điều 2. Sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông

1. Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông không được gây mất trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

2. Hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp sau:

a) Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày, trường hợp thời gian sử dụng lớn hơn 30 ngày phải được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Sở Giao thông vận tải hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện (gồm cả các tuyến đường xã) theo thẩm quyền quản lý;

b) Tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang của hộ gia đình, thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ; riêng đối với đám tang trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ;

c) Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng không quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó;

d) Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

3. Nơi hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

a) Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu 1,5m;

b) Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.

4. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông:

a) Đối với hoạt động quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 2, hộ gia đình phải thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã trước khi sử dụng.

b) Đối với các hoạt động quy định tại điểm a, c, d khoản 2, Điều 2, tổ chức, cá nhân phải làm các thủ tục đề nghị cấp phép theo quy định tại Điều 5.

Điều 3. Sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông

1. Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông không được gây mất trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

2. Lòng đường được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp sau:

a) Điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời lòng đường không quá thời gian tổ chức hoạt động đó;

b) Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

3. Nơi lòng đường được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

a) Không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị;

b) Phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu đủ 02 làn xe cho một chiều đi;

c) Lòng đường có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.

4. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông đối với các hoạt động quy định tại điểm a, b, khoản 2, Điều 3, tổ chức, cá nhân phải làm các thủ tục đề nghị cấp phép theo quy định tại Điều 5.

Điều 4. Sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông giữ xe có thu phí

1. Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe có thu phí không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.

2. Nơi hè phố, lòng đường được phép sử dụng tạm thời có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời và phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

a) Không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị;

b) Phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu đủ 02 làn xe cơ giới và 01 làn xe thô sơ cho một chiều đi;

c) Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu 1,5m.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ CẤP PHÉP SỬ DỤNG TẠM THỜI MỘT PHẦN HÈ PHỐ, LÒNG ĐƯỜNG

KHÔNG VÀO MỤC ĐÍCH GIAO THÔNG

Điều 5. Hồ sơ đề nghị cấp phép

Hồ sơ đề nghị cấp phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường đối với các hoạt động quy định tại điểm a, c, d khoản 2, Điều 2; điểm a, b, khoản 2, Điều 3 và sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông giữ xe có thu phí tại Điều 4, bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép của tổ chức, cá nhân (đối với cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú).

- Bản vẽ mặt bằng thể hiện rõ vị trí, kích thước (đối với trường hợp trông, giữ xe có thu phí vị trí phải phù hợp với vị trí đã có trong Quy hoạch được duyệt).

Điều 6. Thẩm quyền cấp phép

1. Sở Giao thông vận tải thực hiện việc cấp phép các hoạt động quy định tại điểm a, c, d khoản 2, Điều 2; điểm a, b, khoản 2, Điều 3 và Điều 4 đối với các tuyến đường tỉnh (trừ đoạn tuyến nằm trong phạm vi đô thị);

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện cấp phép các hoạt động quy định tại điểm a, c, d khoản 2, Điều 2; điểm a, b, khoản 2, Điều 3 và Điều 4 đối với các tuyến đường huyện, đường đô thị và các tuyến đường tỉnh (nằm trong phạm vi đô thị) thuộc địa bàn quản lý;

3. Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện cấp phép các hoạt động quy định tại điểm a, c, d khoản 2, Điều 2; điểm a, b, khoản 2, Điều 3 và Điều 4 trên các tuyến đường xã.

Điều 7. Thời gian cấp phép

1. Thời gian giải quyết cấp phép: 03 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan cấp phép nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định;

Trường hợp không giải quyết, cơ quan cấp phép có văn bản trả lời, nêu rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép được biết.

2. Thời hạn của giấy phép:

a) Hoạt động quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 2 không quá 30 ngày;

b) Hoạt động quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 2; điểm a, khoản 2, Điều 3 không quá thời gian tổ chức hoạt động đó;

c) Hoạt động quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 2 không quá 6 tháng;

d) Hoạt động quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 3 không quá 12 tháng;

đ) Đối với việc sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường để trông, giữ xe có thu phí không quá 24 tháng cho mỗi lần cấp phép;

Điều 8. Gia hạn giấy phép

Chỉ thực hiện gia hạn giấy phép cho các hoạt động quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 2; điểm b, khoản 2, Điều 3 và Điều 4.

1. Trước thời điểm hết hạn của giấy phép 05 ngày, các tổ chức, cá nhân phải làm đơn xin gia hạn giấy phép gửi đến cơ quan cấp phép để xem xét giải quyết. Thời gian gia hạn của giấy phép:

a) Đối với hoạt động tại điểm d, khoản 2, Điều 2 là 3 tháng và chỉ áp dụng 01 lần.

b) Đối với hoạt động tại điểm b, khoản 2, Điều 3 là 6 tháng và chỉ áp dụng 01 lần.

c) Đối với hoạt động tại Điều 4 là 12 tháng và chỉ áp dụng 01 lần.

Sau thời gian gia hạn này, tổ chức, cá nhân tiếp tục có nhu cầu sử dụng một phần hè phố, lòng đường thì phải xin cấp phép mới.

2. Thời gian giải quyết không quá 02 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.

3. Quy định đối với các giấy phép đã cấp

a) Trường hợp đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 3, Điều 2; khoản 3, Điều 3 và Điều 4 được phép tiếp tục sử dụng; khi hết thời hạn phải đề nghị gia hạn hoặc cấp phép lại.

b) Trường hợp không đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 3, Điều 2; khoản 3, Điều 3 và Điều 4 được phép tiếp tục sử dụng không quá 30 ngày kể từ ngày Quy định này có hiệu lực, sau đó phải hoàn trả đúng hiện trạng ban đầu của hè phố, lòng đường để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của các Sở, Ngành

1. Sở Giao thông vận tải:

a) Tổ chức thẩm định, cấp phép theo quy định tại khoản 1, Điều 6 của Quy định này.

b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc lập Quy hoạch các vị trí được phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông giữ xe có thu phí trên các tuyến đường tỉnh trong đô thị theo Quy định này;

c) Phối hợp với Công an và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong việc thực hiện giấy phép đã cấp theo đúng quy định của pháp luật.

2. Sở Xây dựng: Thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng tạm thời hè phố; lòng đường vào việc trông giữ xe công cộng trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã đi trong đô thị và đường đô thị do Ủy ban nhân dân cấp huyện lập.

3. Công an tỉnh: Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Sở Tài chính:

a) Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng mức thu các loại phí đối với hoạt động sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường không vào mục đích giao thông để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành;

b) Hướng dẫn các đơn vị thu, quản lý và sử dụng các khoản phí theo đúng quy định của pháp luật.

5. Các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến đầy đủ nội dung Quy định này để nhân dân, các cơ quan, đơn vị biết và thực hiện.

Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Tổ chức thẩm định, cấp phép theo quy định tại khoản 2, Điều 6 của Quy định này.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nội dung của Quy định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan trên địa bàn quản lý.

3. Chủ trì lập Quy hoạch sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường vào việc trông giữ xe công cộng đến năm 2020 trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã đi trong đô thị và đường đô thị trình Sở Xây dựng thẩm định để Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

4. Quản lý, khai thác sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông giữ xe, thu phí và nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

5. Chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các cơ quan quản lý kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm về sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường trên địa bàn theo thẩm quyền.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Tổ chức thẩm định, cấp phép theo quy định tại khoản 3, Điều 6 của Quy định này.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy định này cùng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trên địa bàn.

3. Đề xuất, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện, thành phố lập Quy hoạch các tuyến đường xã đi trong đô thị được phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường vào việc trông giữ xe công cộng đến năm 2020.

4. Chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với cơ quan quản lý kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm về sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường trên địa bàn theo thẩm quyền.

Điều 12. Điều khoản thi hành

Trong quá trình tổ chức thực hiện, các Sở, Ngành; Ủy ban nhân dân các cấp kịp thời phản ánh những phát sinh, vướng mắc, những nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế gửi về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
đã ký

Mai Tiến Dũng