• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/08/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 29/07/2005
BỘ TƯ PHÁP-BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 03/2003/TTLT-BTP-BTNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nam, ngày 4 tháng 7 năm 2003

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký và cung cấp thông tin

về thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

________________

 

Căn cứ Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất;

Căn cứ Nghị định số 79/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất;

Nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đăng ký, cung cấp thông tin trong lĩnh vực này, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về trình tự, thủ tục đăng ký và cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất như sau:

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn chi tiết các vấn đề sau đây:

1.1. Đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân trong nước; của tổ chức kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; của tổ chức, cá nhân nước ngoài mà theo quy định của pháp luật các chủ thể này được quyền thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi chung là đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh);

1.2. Trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh;

1.3. Trình tự, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh.

2. Các trường hợp đăng ký thế chấp, bảo lãnh

2.1. Các trường hợp thế chấp, bảo lãnh sau đây phải đăng ký:

a. Việc thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất hoặc bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;

b. Việc thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản gắn liền với đất mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu;

c. Việc thế chấp tài sản gắn liền với đất không thuộc trường hợp quy định tại tiết b điểm này, nhưng các bên thoả thuận để bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản đó;

d. Việc thế chấp tài sản gắn liền với đất để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ;

đ. Văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh.

2.2. Các trường hợp đăng ký theo yêu cầu:

Khi một hoặc các bên tham gia hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản gắn liền với đất không thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm 2.1 khoản này có yêu cầu, thì việc bảo lãnh đó cũng được đăng ký.

2.3. Tài sản gắn liền với đất quy định tại Thông tư này là tài sản không di, dời được, bao gồm:

a. Nhà ở, công trình xây dựng khác gắn liền với đất đai;

b. Tài sản gắn liền với nhà ở, công trình xây dựng khác quy định tại tiết a điểm này trong trường hợp việc thế chấp, bảo lãnh bao gồm nhà ở, công trình xây dựng khác và tài sản đó;

c. Vườn cây lâu năm, rừng cây;

d. Các tài sản khác gắn liền với đất đai.

3. Trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng thế chấp, bảo lãnh trong việc đăng ký

Các bên tham gia hợp đồng thế chấp, bảo lãnh phải tự chịu trách nhiệm về tính xác thực của nội dung kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký, về hồ sơ đăng ký và tính hợp pháp của hợp đồng thế chấp, bảo lãnh; nếu ghi vào đơn yêu cầu đăng ký những nội dung không đúng sự thật, không đúng thoả thuận trong hợp đồng thế chấp, trong hợp đồng bảo lãnh hoặc các bên có hành vi giả mạo hồ sơ, thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.

4. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký thế chấp, bảo lãnh

Cơ quan đăng ký thế chấp, bảo lãnh quy định tại khoản 1 mục II của Thông tư này có trách nhiệm như sau:

4.1. Đăng ký chính xác theo đúng nội dung đơn hợp lệ mà người yêu cầu đăng ký đã kê khai theo quy định của Thông tư này; nếu đăng ký không chính xác mà gây ra thiệt hại, thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

4.2. Thực hiện việc đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh theo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn quy định tại Thông tư này;

4.3. Không được yêu cầu các bên tham gia hợp đồng thế chấp, bảo lãnh nộp thêm bất kỳ loại giấy tờ nào khác ngoài các loại giấy tờ quy định tại Thông tư này.

5. Người yêu cầu đăng ký

Người yêu cầu đăng ký thế chấp, bảo lãnh trong Thông tư này là những người sau đây:

5.1. Bên thế chấp, bên nhận thế chấp;

5.2. Bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh;

5.3. Bên thế chấp mới, bên bảo lãnh mới hoặc bên nhận thế chấp mới, bên nhận bảo lãnh mới trong trường hợp thay đổi một trong các bên quy định tại điểm 5.1 và điểm 5.2 khoản này;

5.4. Người được một trong các bên tham gia hợp đồng thế chấp, bảo lãnh hoặc các bên đó ủy quyền.

6. Người kê khai đơn yêu cầu đăng ký

Bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh hoặc người được bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh ủy quyền thực hiện việc kê khai vào đơn yêu cầu đăng ký.

7. Giá trị pháp lý của việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh

7.1. Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh đã được đăng ký có giá trị pháp lý đối với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký cho đến ngày xóa đăng ký.

Trường hợp các bên ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán tài sản gắn liền với đất đang được dùng để thế chấp hoặc bảo lãnh và đã được đăng ký, thì bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh vẫn có quyền xử lý tài sản đó để thanh toán nghĩa vụ khi đến hạn mà bên thế chấp, bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Quy định này không áp dụng đối với tài sản thế chấp, bảo lãnh là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 của Nghị định số 165/1999/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.

Trước khi tham gia ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở hoặc tham gia các giao dịch khác liên quan đến quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, các bên cần yêu cầu cơ quan đăng ký nơi có đất, tài sản gắn liền với đất, cung cấp thông tin về tài sản đó theo quy định tại mục IX của Thông tư này.

7.2. Thời điểm đăng ký là thời điểm cơ quan đăng ký nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ.

Trường hợp đăng ký bổ sung tài sản thế chấp, bảo lãnh, thì thời điểm đăng ký đối với phần tài sản này là thời điểm cơ quan đăng ký nhận được hồ sơ đăng ký bổ sung hợp lệ.

Trường hợp tài sản đang dùng để thế chấp, bảo lãnh được thay thế bằng quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, thì các bên yêu cầu xóa đăng ký cũ và yêu cầu đăng ký mới (coi như đăng ký lần đầu). Trong trường hợp này thời điểm đăng ký là thời điểm cơ quan đăng ký nhận được hồ sơ đăng ký mới hợp lệ.

Hồ sơ hợp lệ khi có đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết đối với từng trường hợp quy định tại khoản 2 mục III, điểm 2.1 khoản 2 mục IV, khoản 1 mục V, khoản 1 mục VI, khoản 1 mục VII và khoản 1 mục IX của Thông tư này.

Đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin hợp lệ là đơn được kê khai đầy đủ các nội dung phải kê khai theo hướng dẫn tại mẫu đơn.

7.3. Thời điểm đăng ký thế chấp, bảo lãnh là căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa những người cùng nhận thế chấp, nhận bảo lãnh bằng một tài sản.

8. Lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh

8.1. Người yêu cầu đăng ký thế chấp, bảo lãnh; người yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp, bảo lãnh đã đăng ký; người yêu cầu sửa chữa sai sót trong nội dung đơn yêu cầu đăng ký thế chấp, bảo lãnh phải nộp lệ phí đăng ký.

8.2. Tổ chức, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh phải nộp phí cung cấp thông tin.

8.3. Mức lệ phí, phí và các nội dung liên quan đến lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 33/2002/TTLT/BTC-BTP ngày 12 tháng 4 năm 2002 giữa Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí đăng ký và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và tài sản cho thuê tài chính.

9. Biểu mẫu đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh

Người yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh phải sử dụng các loại đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin; cơ quan đăng ký phải sử dụng sổ tiếp nhận hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, sổ đăng ký giao dịch bảo đảm, các giấy tờ khác theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư này.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm quản lý thống nhất và hướng dẫn việc sử dụng các loại biểu mẫu đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh.

II. CƠ QUAN ĐĂNG KÝ THẾ CHẤP, BẢO LÃNH BẰNG QUYỀN

SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT

1. Cơ quan đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

1.1. Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất, tài sản gắn liền với đất có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh trong trường hợp bên thế chấp, bên bảo lãnh là tổ chức.

1.2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất, tài sản gắn liền với đất có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh trong trường hợp bên thế chấp, bên bảo lãnh là hộ gia đình, cá nhân.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh

2.1. Đăng ký thế chấp, bảo lãnh trong các trường hợp quy định tại khoản 2 mục I của Thông tư này;

2.2. Đăng ký thay đổi nội dung thế chấp, bảo lãnh đã đăng ký;

2.3. Cấp bản chính đơn yêu cầu đăng ký đã có chứng nhận của cơ quan đăng ký có thẩm quyền cho người có đơn yêu cầu đăng ký. Cấp bản sao đơn yêu cầu đăng ký đã có chứng nhận của cơ quan đăng ký có thẩm quyền cho các bên tham gia hợp đồng thế chấp, bảo lãnh theo yêu cầu của các bên;

2.4. Xóa đăng ký thế chấp, bảo lãnh;

2.5. Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh;

2.6. Quyết định hủy bỏ việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh theo quy định tại mục VIII của Thông tư này;

2.7. Sửa chữa sai sót trong nội dung đăng ký thế chấp, bảo lãnh;

2.8. Thu lệ phí đăng ký thế chấp, bảo lãnh;

2.9. Từ chối đăng ký thế chấp, bảo lãnh trong các trường hợp sau đây:

a. Không thuộc thẩm quyền đăng ký thế chấp, bảo lãnh;

b. Hồ sơ đăng ký thế chấp, bảo lãnh không đầy đủ; giấy tờ không hợp lệ;

c. Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp, bảo lãnh không kê khai đầy đủ các nội dung phải kê khai theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư này;

d. Người yêu cầu đăng ký thế chấp, bảo lãnh không nộp lệ phí đăng ký;

đ. Không đủ điều kiện thế chấp hoặc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

2.10. Lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu và các thông tin đã được đăng ký.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh

3.1. Cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh đã đăng ký theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân;

3.2. Thu phí cung cấp thông tin;

3.3. Từ chối cung cấp thông tin trong các trường hợp sau đây:

a. Đơn yêu cầu cung cấp thông tin không kê khai đầy đủ hoặc kê khai không đúng quy định tại các nội dung phải kê khai theo mẫu được ban hành kèm theo Thông tư này;

b. Người yêu cầu cung cấp thông tin không nộp phí cung cấp thông tin.

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THẾ CHẤP, BẢO LÃNH BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT

1. Trước khi yêu cầu đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được công chứng, nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đó phải công chứng.

2. Hồ sơ đăng ký thế chấp, bảo lãnh nộp tại cơ quan đăng ký thế chấp, bảo lãnh theo quy định sau đây:

2.1. Trường hợp đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất hoặc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, thì hồ sơ đăng ký bao gồm:

a. Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (03 bản); văn bản ủy quyền đối với trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền;

b. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (02 bản), hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất hoặc bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (03 bản);

c. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với trường hợp thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất ở, nhà ở tại đô thị;

d. Trích lục bản đồ địa chính (đối với nơi đã có bản đồ địa chính) hoặc trích đo địa chính (đối với nơi chưa có bản đồ địa chính) đối với trường hợp trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở chưa thể hiện sơ đồ thửa đất;

đ. Chứng từ nộp tiền thuê đất (trường hợp được Nhà nước cho thuê đất).

2.2. Trường hợp đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản gắn liền với đất, thì hồ sơ đăng ký bao gồm:

a) Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp, bảo lãnh (03 bản); văn bản ủy quyền đối với trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền;

b) Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu.

3. Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp, bảo lãnh, cán bộ đăng ký phải kiểm tra đơn có thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình hay không; kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ đăng ký.

Nếu việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh đúng thẩm quyền và hồ sơ hợp lệ, thì cán bộ đăng ký yêu cầu người nộp hồ sơ nộp lệ phí đăng ký; ghi thời điểm nhận hồ sơ (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào đơn yêu cầu đăng ký; vào sổ tiếp nhận hồ sơ đăng ký và cấp cho người yêu cầu đăng ký phiếu hẹn trả kết quả đăng ký trong trường hợp trả trực tiếp.

Trường hợp có một trong các căn cứ từ chối đăng ký theo quy định tại điểm 2.9 khoản 2 mục II của Thông tư này, thì cán bộ đăng ký từ chối việc đăng ký và hướng dẫn người yêu cầu đăng ký thực hiện đúng quy định.

4. Trong thời hạn bảy ngày (7 ngày) làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký phải thực hiện các công việc sau đây:

4.1. Thẩm tra giấy tờ sử dụng đất, điều kiện thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Nếu đủ điều kiện thế chấp, bảo lãnh, thì chứng thực kết quả thẩm tra vào hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng bảo lãnh; nếu không đủ điều kiện thế chấp, bảo lãnh, thì phải thông báo cho người yêu cầu đăng ký biết;

4.2. Vào sổ đăng ký giao dịch bảo đảm đối với trường hợp đủ điều kiện đăng ký thế chấp, bảo lãnh. Trường hợp thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất hoặc thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, thì đồng thời với việc vào sổ đăng ký giao dịch bảo đảm phải vào sổ địa chính và sổ theo dõi biến động đất đai theo hướng dẫn ghi trên các sổ này;

4.3. Chứng nhận việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh vào đơn yêu cầu đăng ký;

4.4. Lưu giữ đơn yêu cầu đăng ký thế chấp, bảo lãnh một (01) bản, gửi một (01) bản về Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; bản còn lại trả trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện có bảo đảm cho người yêu cầu đăng ký cùng với hợp đồng và các giấy tờ khác quy định tại khoản 2 của mục này.

IV. ĐĂNG KÝ THAY ĐỔI NỘI DUNG THẾ CHẤP, BẢO LÃNH ĐÃ ĐĂNG KÝ

1. Các trường hợp phải đăng ký khi thay đổi nội dung thế chấp, bảo lãnh đã đăng ký

1.1. Thay đổi một trong các bên ký kết hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, trừ trường hợp thay đổi bên thế chấp, bên bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất quy định tại tiết b điểm 3.1 khoản 3 mục này; thay đổi tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, số đăng ký kinh doanh, số giấy phép thành lập hoặc số giấy phép đầu tư của một hoặc các bên ký kết hợp đồng thế chấp, bảo lãnh;

1.2. Rút bớt tài sản thế chấp, bảo lãnh là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

1.3. Thay thế, bổ sung tài sản thế chấp, bảo lãnh là tài sản gắn liền với đất;

1.4. Thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh;

1.5. Khi công trình xây dựng đã hoàn thành, vườn cây lâu năm, rừng cây đã trồng mới xong, thuộc sở hữu của bên thế chấp, bên bảo lãnh (trường hợp thế chấp, bảo lãnh bằng tài sản hình thành trong tương lai).

2. Trình tự, thủ tục đăng ký khi thay đổi nội dung thế chấp, bảo lãnh đã đăng ký

2.1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp, bảo lãnh đã đăng ký nộp hồ sơ đăng ký tại cơ quan đã đăng ký thế chấp, bảo lãnh đó. Hồ sơ đăng ký gồm:

a. Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp, bảo lãnh đã đăng ký (03 bản); văn bản ủy quyền đối với trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền;

b. Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản nếu pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu đối với trường hợp quy định tại điểm 1.3 và điểm 1.5 khoản 1 mục này.

2.2. Việc tiếp nhận hồ sơ được thực hiện theo quy định tại khoản 3 mục III của Thông tư này.

2.3. Trong thời hạn bảy ngày (7 ngày) làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký phải thực hiện các công việc sau đây:

a. Thẩm tra giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, nội dung đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp, bảo lãnh đã đăng ký, đối chiếu với hồ sơ đăng ký lưu giữ tại cơ quan đăng ký. Nếu đủ điều kiện đăng ký thay đổi nội dung thế chấp, bảo lãnh, thì vào sổ đăng ký giao dịch bảo đảm và chứng nhận vào đơn yêu cầu đăng ký; nếu không đủ điều kiện đăng ký, thì phải thông báo cho người yêu cầu đăng ký biết.

Trường hợp đăng ký thay đổi nội dung thế chấp, bảo lãnh đã đăng ký làm thay đổi nội dung ghi trong sổ địa chính, sổ theo dõi biến động đất đai, thì đồng thời với việc vào sổ đăng ký giao dịch bảo đảm phải vào sổ địa chính và sổ theo dõi biến động đất đai theo hướng dẫn ghi trên các sổ này;

b. Lưu giữ đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung thế chấp, bảo lãnh đã đăng ký một (01) bản, gửi một (01) bản về Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; bản còn lại trả trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện có bảo đảm cho người yêu cầu đăng ký cùng với giấy tờ quy định tại tiết b điểm 2.1 khoản 2 mục này.

3. Những trường hợp thay đổi nội dung thế chấp, bảo lãnh đã đăng ký phải đăng ký mới

3.1. Các trường hợp phải đăng ký mới:

a. Thay thế, bổ sung tài sản thế chấp, bảo lãnh là quyền sử dụng đất;

b. Thay đổi bên thế chấp, bên bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất.

3.2. Các trường hợp quy định tại điểm 3.1 khoản này phải xóa đăng ký theo quy định tại mục V của Thông tư này trước khi đăng ký mới. Việc đăng ký mới thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại mục III của Thông tư này.

V. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÓA ĐĂNG KÝ THẾ CHẤP, BẢO LÃNH BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT

1. Người yêu cầu xóa đăng ký thế chấp, bảo lãnh phải nộp đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp, bảo lãnh (03 bản) tại cơ quan nơi đã đăng ký thế chấp, bảo lãnh. Trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là người được ủy quyền, thì phải có văn bản ủy quyền.

2. Việc tiếp nhận hồ sơ được thực hiện theo quy định tại khoản 3 mục III của Thông tư này.

3. Trong thời hạn ba ngày (03 ngày) làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký phải thực hiện việc xóa đăng ký thế chấp hoặc xóa đăng ký bảo lãnh trong sổ đăng ký giao dịch bảo đảm. Trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, thì cơ quan đăng ký đồng thời với việc xóa đăng ký thế chấp hoặc bảo lãnh trong sổ đăng ký giao dịch bảo đảm, phải xóa đăng ký thế chấp, xóa đăng ký bảo lãnh trong sổ địa chính và sổ theo dõi biến động đất đai. Chứng nhận việc xóa đăng ký thế chấp hoặc xóa đăng ký bảo lãnh vào đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp hoặc đơn yêu cầu xóa đăng ký bảo lãnh.

4. Việc lưu giữ hồ sơ và trả kết quả xóa đăng ký thế chấp, bảo lãnh thực hiện theo quy định tại điểm 4.4 khoản 4 mục III của Thông tư này.

Trường hợp người yêu cầu xóa đăng ký là bên thế chấp, bên bảo lãnh, thì cơ quan đăng ký gửi bản sao (01 bản) đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp hoặc xóa đăng ký bảo lãnh cho bên nhận thế chấp hoặc bên nhận bảo lãnh; đối với những cơ quan đăng ký không có điều kiện sao đơn, thì phải gửi văn bản thông báo về việc xóa đăng ký cho bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh.

VI. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ VĂN BẢN THÔNG BÁO

VỀ VIỆC XỬ LÝ TÀI SẢN THẾ CHẤP, BẢO LÃNH BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT

1. Trường hợp phải xử lý tài sản thế chấp hoặc bảo lãnh đã được đăng ký tại cơ quan đăng ký, thì chậm nhất mười lăm ngày (15 ngày) trước khi tiến hành xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh, bên nhận thế chấp hoặc bên nhận bảo lãnh phải nộp đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh (03 bản) tại cơ quan đã đăng ký thế chấp, bảo lãnh. Trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền, thì phải có văn bản ủy quyền.

2. Việc tiếp nhận đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh thực hiện theo quy định tại khoản 3 mục III của Thông tư này.

3. Trong thời hạn ba ngày (03 ngày) làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký thực hiện các công việc sau đây:

3.1. Thẩm tra hồ sơ, vào sổ đăng ký giao dịch bảo đảm, chứng nhận vào đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh;

3.2. Thông báo bằng văn bản về việc xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh cho các bên cùng nhận thế chấp, bảo lãnh trong trường hợp quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất được dùng để thế chấp, bảo lãnh nhằm bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ.

3.3. Việc lưu giữ hồ sơ và trả kết quả đăng ký được thực hiện theo quy định tại điểm 4.4 khoản 4 mục III của Thông tư này.

4. Khi kết thúc việc xử lý toàn bộ tài sản thế chấp, bảo lãnh, người đã yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh phải gửi đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp, bảo lãnh đến cơ quan đã đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh để cơ quan đăng ký thực hiện việc xóa đăng ký đó theo quy định tại mục V của Thông tư này.

Trường hợp chỉ xử lý một phần tài sản thế chấp, bảo lãnh, thì sau khi kết thúc việc xử lý, người đã có đơn yêu cầu đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh phải gửi đơn yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký (rút bớt tài sản thế chấp, bảo lãnh) đến cơ quan đã đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh, để cơ quan đăng ký thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký đó theo quy định tại mục IV của Thông tư này.

VII. THỰC HIỆN SỬA CHỮA SAI SÓT TRONG NỘI DUNG

ĐĂNG KÝ THẾ CHẤP, BẢO LÃNH

1. Khi một trong các bên hoặc các bên tham gia hợp đồng thế chấp, bảo lãnh phát hiện trong nội dung các loại đơn yêu cầu đăng ký thế chấp, bảo lãnh có sai sót, thì phải nộp đơn yêu cầu sửa chữa sai sót (03 bản) tại cơ quan đã đăng ký thế chấp, bảo lãnh. Trường hợp người yêu cầu sửa chữa sai sót là người được ủy quyền, thì phải có văn bản ủy quyền.

2. Cán bộ đăng ký ghi thời điểm nhận đơn (giờ, phút, ngày, tháng, năm) vào đơn yêu cầu sửa chữa sai sót. Trường hợp sửa chữa sai sót về phần kê khai của người yêu cầu đăng ký, thì thời điểm đăng ký là thời điểm cơ quan đăng ký nhận đơn yêu cầu sửa chữa sai sót hợp lệ; nếu sửa chữa sai sót về phần chứng nhận của cơ quan đăng ký, thì thời điểm đăng ký là thời điểm cơ quan đăng ký nhận đơn yêu cầu đăng ký lần đầu.

3. Trong thời hạn ba ngày (03 ngày) làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu sửa chữa sai sót hợp lệ, cơ quan đăng ký phải sửa chữa sai sót và chứng nhận vào đơn yêu cầu sửa chữa sai sót.

4. Việc lưu giữ hồ sơ và trả kết quả sửa chữa sai sót được thực hiện theo qui định tại điểm 4.4 khoản 4 mục III của Thông tư này.

VIII. HỦY KẾT QUẢ ĐĂNG KÝ THẾ CHẤP, BẢO LÃNH

Trường hợp việc thế chấp, bảo lãnh đã được đăng ký mà cơ quan đăng ký phát hiện thấy nội dung kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký không đúng sự thật, không đúng thoả thuận của các bên và các bên không yêu cầu sửa chữa sai sót, thì cơ quan đăng ký ra văn bản hủy bỏ việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh đó và xóa đăng ký theo quy định tại khoản 3 mục V của Thông tư này.

Văn bản hủy bỏ việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh phải gửi cho người yêu cầu đăng ký thế chấp, bảo lãnh và Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.

IX. CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ VIỆC THẾ CHẤP, BẢO LÃNH BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT

1. Mọi tổ chức, cá nhân muốn tìm hiểu thông tin về thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đều có quyền nộp đơn yêu cầu cung cấp thông tin tại các cơ quan nhà nước sau đây:

1.1. Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tìm hiểu thông tin về thế chấp, bảo lãnh mà bên thế chấp, bên bảo lãnh là tổ chức;

1.2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tìm hiểu thông tin về thế chấp, bảo lãnh mà bên thế chấp, bên bảo lãnh là hộ gia đình, cá nhân;

1.3. Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm hoặc các Chi nhánh của Cục để tìm hiểu thông tin về thế chấp, bảo lãnh của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong cả nước khi hệ thống dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm chính thức hoạt động.

2. Người yêu cầu cung cấp thông tin phải nộp phí cung cấp thông tin khi nộp đơn yêu cầu cung cấp thông tin.

3. Khi nhận đơn yêu cầu cung cấp thông tin, cán bộ đăng ký phải kiểm tra đơn, tra cứu thông tin trong sổ đăng ký giao dịch bảo đảm và kiểm tra việc nộp phí; cung cấp thông tin hiện có về việc thế chấp, bảo lãnh theo tên của bên thế chấp, bên bảo lãnh đã được lưu giữ trong sổ đăng ký giao dịch bảo đảm.

Trong thời hạn ba ngày (03 ngày) làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu cung cấp thông tin hợp lệ, cơ quan đăng ký cấp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện có bảo đảm văn bản cung cấp thông tin cho người yêu cầu.

X. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

2. Các hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, mà vẫn còn thời hạn thực hiện, thì cũng phải đăng ký theo quy định của Thông tư này.

3. Ban hành kèm theo Thông tư này các biểu mẫu về đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp, bảo lãnh được thực hiện tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thay thế các biểu mẫu đã được ban hành trước đây.

4. Nội dung hướng dẫn về đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các văn bản sau đây bị bãi bỏ:

4.1.Khoản 1 và khoản 3 mục của VI của Thông tư 1417/1999/TT-TCĐC ngày 18/9/1999 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999 của Chính phủ về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất;

4.2. Khoản 3 mục II của Thông tư số 1883/2001/TT-TCĐC ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn các mẫu hợp đồng để thực hiện các quyền của người sử dụng đất; mẫu hợp đồng thế chấp bằng giá trị quyền sử dụng đất và hợp đồng bảo lãnh bằng giá trị quyền sử dụng đất ban hành kèm theo Thông tư số 1883/2001/TT-TCĐC ngày 12 tháng 11 năm 2001.

5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 7 của Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương mình còn có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

5.1. Bố trí cán bộ để thực hiện việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các cơ quan đăng ký thuộc địa phương mình;

5.2 Đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật để các cơ quan đăng ký tổ chức đăng ký và cung cấp thông tin theo thẩm quyền;

5.3. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ làm công tác đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

6. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc thì phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Uông Chu Lưu

Mai Ái Trực

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.