• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/11/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 28/05/2007
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 100/2003/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 24 tháng 10 năm 2003

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ

_______________________________

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002;

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 và số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 182/2003/QĐ-TTg ngày 05/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư một số công trình giao thông, thủy lợi quan trọng của đất nước;

Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ như sau:

1. Tất cả các dự án đầu tư bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu Chính phủ đều phải được quản lý theo đúng quy định tại Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ và được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 và số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ; việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư được thực hiện theo Thông tư số 44/2003/TT-BTC ngày 15/5/2003 và số 45/2003/TT-BTC ngày 15/5/2003 của Bộ Tài chính.

2. Do đặc thù về nguồn vốn, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ như sau:

2.1- Về mục tiêu đầu tư:

Vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ chỉ bố trí cho các dự án đầu tư bằng nguồn vốn phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003-2010 thuộc danh mục quy định tại Quyết định số 182/2003/QĐ-TTg ngày 5/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ, không được sử dụng cho các dự án ngoài danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2.2- Về sử dụng vốn:

- Việc bố trí vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ cho các dự án căn cứ vào khả năng huy động và tiến độ thực hiện của dự án.

- Dự án có khả năng thực hiện vượt kế hoạch vốn do đẩy nhanh tiến độ được ứng trước kế hoạch vốn năm sau; nếu hết năm không thực hiện hết được chuyển sang năm sau tiếp tục thực hiện cho đến khi dự án kết thúc đầu tư.

2.3- Về lập kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư:

- Việc lập kế hoạch vốn hàng năm theo quy định về lập dự toán ngân sách nhà nước nhưng được lập riêng cho các dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Căn cứ vào tiến độ đầu tư đã được xác định trong Quyết định đầu tư và tình hình thực hiện các dự án, các Bộ, UBND các tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý dự án lập kế hoạch vốn đầu tư hàng năm (có chia theo quý) của từng dự án, gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Theo biểu số 01/KH-TPCP đính kèm).

- Bộ Tài chính rà soát thủ tục đầu tư và xây dựng, khả năng thực hiện của từng dự án trong kế hoạch, thông báo kế hoạch thanh toán vốn đầu tư của từng dự án cho Kho bạc nhà nước trung ương (đối với dự án do Trung ương quản lý); hoặc thông báo cho Sở Tài chính (đối với dự án do địa phương quản lý), Sở Tài chính thông báo kế hoạch thanh toán vốn đầu tư cho Kho bạc nhà nước tỉnh; đồng gửi Bộ hoặc UBND tỉnh để phối hợp quản lý.

- Trong năm kế hoạch, nếu tiến độ thực hiện và nhu cầu vốn thanh toán thực tế của các dự án có thay đổi so với kế hoạch đầu năm, các Bộ, UBND tỉnh cần lập kế hoạch vốn đầu tư điều chỉnh, bổ sung, gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Bộ Tài chính chủ động điều hành mức vốn trái phiếu phát hành và kế hoạch thanh toán vốn. Thời gian điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư là vào tháng 8 hàng năm.

2.4- Đối với các dự án đang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nay được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu Chính phủ sẽ bố trí để đầu tư tiếp, không thanh toán cho phần vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho dự án.

2.5- Các dự án đã được ứng trước vốn ngân sách nhà nước được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để hoàn ứng. Số vốn hoàn ứng được bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ hàng năm và được thu hồi bằng cách trừ ngay vào kế hoạch thanh toán vốn đầu tư của dự án.

2.6- Các dự án đang đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng nhà nước nay chuyển sang đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được tiếp tục giải ngân vốn tín dụng theo kế hoạch và chấm dứt hợp đồng tín dụng đến hết ngày 31/10/2003. Các dự án này được bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư tiếp và trả nợ vốn tín dụng đã vay (cả gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng đã ký).

Kho bạc nhà nước cấp vốn cho dự án để trả nợ vốn tín dụng theo quy định như sau:

- Căn cứ đề nghị của chủ đầu tư và hồ sơ thanh toán trả nợ (gồm hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ, thông báo trả nợ của tổ chức cho vay), Kho bạc nhà nước kiểm tra, cấp vốn cho dự án đồng thời chuyển tiền chi trả trực tiếp cho Quỹ Hỗ trợ phát triển.

- Kho bạc nhà nước chỉ kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ thanh toán trả nợ và số tiền trả nợ từng lần, không kiểm soát giá trị khối lượng XDCB hoàn thành đã được Quỹ Hỗ trợ phát triển kiểm soát khi giải ngân. Việc kiểm soát giá trị khối lượng XDCB hoàn thành được thanh toán do Quỹ Hỗ trợ phát triển chịu trách nhiệm.

- Nếu điều kiện nguồn vốn cho phép, chủ đầu tư được trả nợ vay sớm so với thời hạn trả nợ trong hợp đồng tín dụng đã ký với Quỹ Hỗ trợ phát triển.

2.7- Về hạch toán, quyết toán vốn:

- Căn cứ kế hoạch thanh toán vốn đầu tư và tiến độ thực hiện của các dự án, Bộ Tài chính chuyển vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ sang Kho bạc nhà nước trung ương (đối với các dự án do các Bộ, ngành Trung ương quản lý) hoặc chuyển về Sở Tài chính – Vật giá (đối với các dự án do địa phương quản lý), Sở Tài chính – Vật giá chuyển vốn sang Kho bạc nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thanh toán cho các dự án.

- Các chủ đầu tư thực hiện việc quyết toán vốn đầu tư hàng năm theo chế độ hiện hành về vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước nhưng quyết toán riêng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

- Các Bộ và UBND tỉnh được giao quản lý, thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tổng hợp quyết toán từ các chủ đầu tư, quyết toán riêng vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ với Bộ Tài chính (không tổng hợp vào nguồn vốn ngân sách nhà nước).

- Kho bạc nhà nước tổ chức hạch toán và theo dõi riêng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, quyết toán hàng năm với cơ quan Tài chính theo quy định. Đối với dự án do địa phương quản lý, Kho bạc nhà nước các tỉnh quyết toán với Sở Tài chính – Vật giá, Sở Tài chính – Vật giá quyết toán với Bộ Tài chính riêng nguồn vốn này (không quyết toán vào ngân sách địa phương).

- Việc quyết toán vốn đầu tư dự án đầu tư hoàn thành được thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ quyết toán vốn đầu tư đối với dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

2.8- Về chế độ báo cáo, quản lý và kiểm tra:

- Mở hồ sơ theo dõi:

+ Chủ đầu tư, các Bộ, tỉnh quản lý dự án lập và hoàn thiện toàn bộ hồ sơ của dự án phục vụ cho việc theo dõi tình hình thực hiện, báo cáo, kiểm tra và quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.

+ Hồ sơ được lập riêng cho từng dự án thành phần, tổng hợp theo từng cụm hoặc nhóm dự án hoặc theo dự án tổng thể (theo danh mục tại Quyết định số 182/2003/QĐ-TTg ngày 05/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ). Nội dung hồ sơ bao gồm toàn bộ các vấn đề liên quan đến dự án từ khi bắt đầu thực hiện và được bổ sung thường xuyên, đầy đủ theo tiến độ thực hiện dự án.

+ Các Bộ, tỉnh quản lý dự án gửi một bộ hồ sơ hoàn chỉnh cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Chế độ báo cáo định kỳ:

+ Đối với các chủ đầu tư: ngày 5 hàng tháng, chủ đầu tư dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư, kế hoạch thanh toán vốn của tháng trước, nhận xét, đánh giá và đề xuất gửi Bộ hoặc UBND tỉnh quản lý, Kho bạc nhà nước và cơ quan Tài chính đồng cấp. (Theo biểu số 02/BC-TPCP đính kèm).

+ Đối với các Bộ, UBND tỉnh quản lý dự án: ngày 10 tháng đầu quý sau, các Bộ, UBND tỉnh báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư, kế hoạch thanh toán vốn quý trước của các dự án được giao quản lý, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Riêng báo cáo quý IV được thay bằng báo cáo cả năm vào ngày 15 tháng 01 năm sau. (Theo biểu số 03/BC-TPCP đính kèm).

+ Kho bạc nhà nước trung ương báo cáo Bộ Tài chính theo quy định về chế độ báo cáo vốn đầu tư.

+ Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

- Chế độ kiểm tra: Các Bộ, UBND tỉnh quản lý dự án, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các dự án về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư, tình hình sử dụng vốn và việc chấp hành chính sách, chế độ tài chính đầu tư phát triển của Nhà nước.

- Các Bộ, UBND các tỉnh, các chủ đầu tư được giao quản lý, thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý, công tác kiểm tra việc thực hiện tiến độ, khối lượng, chất lượng công trình, tình hình sử dụng vốn, không được dùng nguồn vốn này để chi cho các nhiệm vụ, dự án ngoài danh mục dự án đã được quyết định, không để tình trạng vượt vốn đầu tư của dự án đã được duyệt và tình trạng lãng phí, thất thoát, tiêu cực.

3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Các cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Công Nghiệp

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.