THÔNG TƯ
Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng,
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) đối với khách hàng.
2. Thông tư này không điều chỉnh đối với hoạt động cho vay giữa các tổ chức tín dụng.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.
2. Tổ chức tín dụng cho vay là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm:
a) Ngân hàng thương mại;
b) Ngân hàng hợp tác xã;
c) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng;
d) Tổ chức tài chính vi mô;
đ) Quỹ tín dụng nhân dân;
e) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng) là pháp nhân, cá nhân, bao gồm:
a) Pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
b) Cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài.
4. Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống là việc tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng là cá nhân để thanh toán các chi phí cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân đó, gia đình của cá nhân đó.
5. Cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác (sau đây gọi là hoạt động kinh doanh) là việc tổ chức tín dụng cho vay đối với khách hàng là pháp nhân, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngoài quy định tại khoản 4 Điều này, bao gồm nhu cầu vốn của pháp nhân, cá nhân đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân.
6. Phương án sử dụng vốn là tập hợp các thông tin về việc sử dụng vốn của khách hàng, trong đó phải có các thông tin:
a) Tổng nguồn vốn cần sử dụng, chi tiết các loại nguồn vốn trong tổng nguồn vốn cần sử dụng (trong đó có nguồn vốn cần vay tại tổ chức tín dụng); mục đích sử dụng vốn; thời gian sử dụng vốn;
b) Nguồn trả nợ của khách hàng;
c) Phương án, dự án thực hiện hoạt động kinh doanh (trừ nhu cầu vốn phục vụ đời sống).
7. Khả năng tài chính là khả năng về vốn, tài sản, các nguồn tài chính hợp pháp khác của khách hàng.
8. Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày tiếp theo của ngày tổ chức tín dụng giải ngân vốn vay cho khách hàng cho đến thời điểm khách hàng phải trả hết nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn cho vay là ngày lễ hoặc ngày nghỉ hàng tuần, thì chuyển sang ngày làm việc tiếp theo. Đối với thời hạn cho vay không đủ một ngày thì thực hiện theo quy định tại Bộ luật dân sự về thời điểm bắt đầu thời hạn.
9. Kỳ hạn trả nợ là các khoảng thời gian trong thời hạn cho vay đã thoả thuận mà tại cuối mỗi khoảng thời gian đó khách hàng phải trả một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay cho tổ chức tín dụng.
10. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ như sau:
a) Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay của kỳ hạn trả nợ đã thoả thuận (bao gồm cả trường hợp không thay đổi về số kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận), thời hạn cho vay không thay đổi;
b) Gia hạn nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, vượt quá thời hạn cho vay đã thoả thuận.
11. Dư nợ gốc bị quá hạn bao gồm:
a) Số dư nợ gốc bị chuyển nợ quá hạn theo quy định tại Điều 20 Thông tư này;
b) Số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ trước hạn khi tổ chức tín dụng chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạntheo quy định tại khoản 1 Điều 21 Thông tư này.
Điều 3. Quyền tự chủ của tổ chức tín dụng
1. Tổ chức tín dụng có quyền tự chủ trong hoạt động cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng có quyền từ chối các yêu cầu của khách hàng không đúng với quy định tại Thông tư này và thỏa thuận cho vay.
Điều 4. Nguyên tắc cho vay, vay vốn
1. Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Khách hàng vay vốn tổ chức tín dụng phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng thời hạn đã thoả thuận với tổ chức tín dụng.
Điều 5. Áp dụng các văn bản pháp luật có liên quan
1. Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Các hoạt động cho vay cụ thể được quy định tại văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì thực hiện theo quy định tại văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; trường hợp văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định việc áp dụng Thông tư này hoặc các nội dung liên quan đến hoạt động cho vay không được quy định tại văn bản riêng, thì thực hiện theo quy định có liên quan tại Thông tư này. Các hoạt động cho vay cụ thể bao gồm:
a) Hoạt động cho vay hợp vốn;
b) Hoạt động cho vay đối với khách hàng để đầu tư ra nước ngoài;
c) Hoạt động cho vay đối với khách hàng thực hiện hoạt động kinh doanh thuộc các chính sách, chương trình kinh tế - xã hội của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
d) Hoạt động cho vay bằng ngoại tệ đối với khách hàng là người cư trú;
đ) Hoạt động cho vay, thu nợ nước ngoài đối với khách hàng là người không cư trú;
e) Hoạt động cho vay của quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;
g) Hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính;
h) Các hoạt động cho vay cụ thể khác được quy định tại văn bản riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 6. Sử dụng ngôn ngữ
1. Thỏa thuận cho vay được lập bằng tiếng Việt hoặc đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
2. Đối với các tài liệu khác trong hoạt động cho vay sử dụng tiếng nước ngoài, khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu dịch sang tiếng Việt, thì bản dịch phải có xác nhận của người có thẩm quyền của tổ chức tín dụng hoặc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Điều 7. Điều kiện vay vốn
Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
1. Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
2. Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
3. Có phương án sử dụng vốn khả thi.
4. Có khả năng tài chính để trả nợ.
5. Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Điều 8. Những nhu cầu vốn không được cho vay
Tổ chức tín dụng không được cho vay đối với các nhu cầu vốn:
1. Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.
2. Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm.
3. Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.
4. Để mua vàng miếng.
5. Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
6. Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh;
b) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;
c) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Điều 9. Hồ sơ đề nghị vay vốn
Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định tại Điều 7 Thông tư này và các tài liệu khác do tổ chức tín dụng hướng dẫn.
Điều 10. Loại cho vay
Tổ chức tín dụng xem xét quyết định cho khách hàng vay theo các loại cho vay như sau:
1. Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 01 (một) năm.
2. Cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 01 (một) năm và tối đa 05 (năm) năm.
3. Cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 05 (năm) năm.
Điều 11. Đồng tiền cho vay, trả nợ
1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về việc cho vay bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
2. Đồng tiền trả nợ là đồng tiền cho vay của khoản vay.
Điều 12. Mức cho vay
Tổ chức tín dụng căn cứ vào phương án sử dụng vốn, khả năng tài chính của khách hàng, các giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng và khả năng nguồn vốn của tổ chức tín dụng để thỏa thuận với khách hàng về mức cho vay.
Điều 13. Lãi suất cho vay
1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định củaChính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
b) Thực hiện phương ánkinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;
c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.
3. Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.
4. Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
5. Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.
Điều 14. Phí liên quan đến hoạt động cho vay
Tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận về việc thu các khoản phí liên quan đến hoạt động cho vay, gồm:
1. Phí trả nợ trước hạn trong trường hợp khách hàng trả nợ trước hạn.
2. Phí trả cho hạn mức tín dụng dự phòng.
3. Phí thu xếp cho vay hợp vốn.
4.Phí cam kết rút vốn kể từ thời điểm thỏa thuận cho vay có hiệu lực đến ngày giải ngân vốn vay lần đầu.
5. Các loại phí khác liên quan đến hoạt động cho vay được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Điều 15. Bảo đảm tiền vay
1. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận. Việc thỏa thuận về biện pháp bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật về biện pháp bảo đảm và pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức tín dụng quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay.
3. Khách hàng, bên bảo đảm phải phối hợp với tổ chức tín dụng để xử lý tài sản bảo đảm tiền vay khi có căn cứ xử lý theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm tiền vay và quy định của pháp luật.
Điều 16. Cung cấp thông tin
1. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp cho khách hàng đầy đủ các thông tin trước khi xác lập thỏa thuận cho vay: Lãi suất cho vay; nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay; các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này.
2. Khách hàng cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các tài liệu gửi cho tổ chức tín dụng:
a) Các tài liệu quy định tại Điều 9 Thông tư này;
b) Báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay;
c) Các tài liệu để chứng minh việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay.
Điều 17. Thẩm định và quyết định cho vay
1. Tổ chức tín dụng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn của khách hàng theo quy định tại Điều 7 Thông tư này để xem xét quyết định cho vay. Trong quá trình thẩm định, tổ chức tín dụng được sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, kết hợp với các thông tin tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, các kênh thông tin khác.
2. Tổ chức tín dụng phải tổ chức xét duyệt cho vay theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay.
3. Trường hợp quyết định không cho vay, tổ chức tín dụng thông báo cho khách hàng lý do khi khách hàng có yêu cầu.
Điều 18. Trả nợ gốc và lãi tiền vay
1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận về kỳ hạn trả nợ gốc và lãi tiền vay như sau:
a) Trả nợ gốc, lãi tiền vay theo kỳ hạn riêng;
b) Trả nợ gốc và lãi tiền vay trong cùng một kỳ hạn.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận về việc trả nợ trước hạn.
3. Trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, tổ chức tín dụng xem xét chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Điều 19 hoặc chuyển nợ quá hạn theo quy định tại Điều 20 Thông tư này. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận việc tính tiền lãi phải trả phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư này.
4. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền vay. Đối với khoản nợ vay bị quá hạn trả nợ, tổ chức tín dụng thực hiện theo thứ tự nợ gốc thu trước, nợ lãi tiền vay thu sau.
Điều 19. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, như sau:
1. Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi.
2. Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thoả thuận và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
3. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.
Điều 20. Nợ quá hạn
Tổ chức tín dụng chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn.
Điều 21. Chấm dứt cho vay, xử lý nợ, miễn, giảm lãi tiền vay, phí
1. Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm quy định trong thỏa thuận cho vayvà/hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay. Khi thực hiện chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo thỏa thuận trong thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về việc chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm thời điểm chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn, số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn; thời hạn hoàn trả số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với số dư nợ gốc bị thu hồi trước hạn.
2. Trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, thì tổ chức tín dụng có quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo thỏa thuận cho vay, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp thu hồi nợ nhưng vẫn không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đối với tổ chức tín dụng, thì khách hàng có trách nhiệm tiếp tục trả đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay cho tổ chức tín dụng.
3. Trường hợp khách hàng hoặc bên bảo đảm bị tòa án quyết định mở thủ tục phá sản hoặc tuyên bố phá sản, thì việc thu hồi nợ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, bên bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
4. Tổ chức tín dụng có quyền quyết định miễn, giảm lãi tiền vay, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.
Điều 22. Quy định nội bộ
1. Căn cứ quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, tổ chức tín dụng ban hành quy định nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng (sau đây gọi là quy định nội bộ về cho vay).
2. Quy định nội bộ về cho vay của tổ chức tín dụng được thực hiện trong toàn hệ thống và phải có tối thiểu các nội dung cụ thể sau:
a) Điều kiện cho vay; các nhu cầu vốn không được cho vay; phương thức cho vay; lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi tiền vay; hồ sơ cho vay và các tài liệu của khách hàng gửi tổ chức tín dụng phù hợp với đặc điểm của khoản vay, loại cho vay và đối tượng khách hàng; thu nợ; điều kiện, quy trình và thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn;
b) Quy trình thẩm định, phê duyệt và quyết định cho vay, trong đó quy định cụ thể thời hạn tối đa thẩm định, quyết định cho vay; phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thẩm định, phê duyệt, quyết định cho vay và các công việc khác thuộc quy trình hoạt động cho vay;
c) Quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng; phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;
d) Việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay, thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay, việc quản lý, giám sát, theo dõi tài sản bảo đảm tiền vay phù hợp với biện pháp bảo đảm tiền vay, đặc điểm của tài sản bảo đảm tiền vay và khách hàng;
đ) Chấm dứt cho vay, xử lý nợ; miễn, giảm lãi tiền vay, phí;
e) Nhận dạng các loại rủi ro có thể phát sinh trong quá trình cho vay; quy trình theo dõi, đánh giá và kiểm soát rủi ro; phương án xử lý rủi ro;
g) Kiểm soát việc cho vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng, trả nợ khoản vay nước ngoài nhằm phòng ngừa và ngăn chặn việc phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng. Kiểm soát việc cho vay theo phương thức cho vay tuần hoàn và phương thức cho vay quay vòng nhằm quản lý dòng tiền của khách hàng để đảm bảo khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thoả thuận, phản ánh đúng chất lượng tín dụng.
3. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định nội bộ về cho vay, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân gửi quy định nội bộ đó cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố; tổ chức tín dụng khác gửi cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
Điều 23. Thỏa thuận cho vay
1. Thỏa thuận cho vay phải được lập thành văn bản, trong đó tối thiểu có các nội dung sau:
a) Tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp của tổ chức tín dụng cho vay; tên, địa chỉ,số chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hoặc mã số doanh nghiệpcủa khách hàng;
b) Số tiền cho vay; hạn mức cho vay đối với trường hợp cho vay theo hạn mức; hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng; hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán;
c) Mục đích sử dụng vốn vay;
d) Đồng tiền cho vay, đồng tiền trả nợ;
đ) Phương thức cho vay;
e) Thời hạn cho vay; thời hạn duy trì hạn mức đối với trường hợp cho vay theo hạn mức, thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng đối với trường hợp cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng, hoặc thời hạn duy trì hạn mức thấu chi đối với trường hợp cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán;
g) Lãi suất cho vay theo thỏa thuận và mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư này; nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụngđối với lãi chậm trả; loại phí liên quan đến khoản vay và mức phí áp dụng;
h) Giải ngân vốn cho vay và việc sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay;
i) Việc trả nợ gốc, lãi tiền vay và thứ tự thu hồi nợ gốc, lãi tiền vay; trả nợ trước hạn;
k) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hình thức và nội dung thông báo chuyển nợ quá hạn theo Điều 20 Thông tư này;
l) Trách nhiệm của khách hàng trong việc phối hợp với tổ chức tín dụng và cung cấp các tài liệu liên quan đến khoản vay để tổ chức tín dụng thực hiện thẩm định và quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;
m) Các trường hợp chấm dứt cho vay; thu nợ trước hạn; chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ trước hạn khi tổ chức tín dụng chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn; hình thức và nội dung thông báo chấm dứt cho vay, thu hồi nợ trước hạn theo khoản 1 Điều 21 Thông tư này;
n) Xử lý nợ vay; phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; quyền và trách nhiệm của các bên;
o) Hiệu lực của thỏa thuận cho vay.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
3. Thỏa thuận cho vay quy định tại khoản 1 và 2 Điều này được lập dưới hình thức thỏa thuận cho vay cụ thể hoặc thỏa thuận khung và thỏa thuận cho vay cụ thể.
4. Trường hợp sử dụng hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung trong giao kết thỏa thuận cho vay, tổ chức tín dụng phải thực hiện:
a) Niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chungvề cho vay tại trụ sở và đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng;
b) Cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho khách hàng biết trước khi ký kết thỏa thuận cho vay và có xác nhận của khách hàng về việc đã được tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ thông tin.
Điều 24. Kiểm tra sử dụng tiền vay
1. Khách hàng có trách nhiệm sử dụng vốn vay và trả nợ theo nội dung thỏa thuận; báo cáo và cung cấp tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn vay theo yêu cầu của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng có quyền thực hiện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, trả nợ của khách hàng theo quy trình nội bộ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 Thông tư này.
Điều 25. Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
1. Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với trường hợp tổ chức tín dụng hoặc khách hàng không thực hiện đúng nội dung trong thỏa thuận cho vay, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư này.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp tổ chức tín dụng và khách hàng có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Điều 26. Các quy định khác
Khi thực hiện cho vay, tổ chức tín dụng có trách nhiệm:
1. Tuân thủ các quy định về những trường hợp không được cho vay, hạn chế cho vay và giới hạn cho vay tại Điều 126, Điều 127, Điều 128 Luật các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
2. Sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
3. Thực hiện việc phân loại, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với hoạt động cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
4. Thực hiện việc hạch toán kế toán, báo cáo thống kê đối với hoạt động cho vay theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ hạch toán kế toán và báo cáo thống kê của tổ chức tín dụng.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1
HOẠT ĐỘNG CHO VAY
PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
Điều 27. Phương thức cho vay
Tổ chức tín dụng thoả thuận với khách hàng việc áp dụng các phương thức cho vay như sau:
1. Cho vay từng lần: Mỗi lần cho vay, tổ chức tín dụng và khách hàng thực hiện thủ tục cho vay và ký kết thỏa thuận cho vay.
2. Cho vay hợp vốn: Là việc có từ hai tổ chức tín dụng trở lên cùng thực hiện cho vay đối với khách hàngđể thực hiện một phương án,dự án vay vốn.
3. Cho vay lưu vụ: Là việc tổ chức tín dụng thực hiện cho vay đối với khách hàng để nuôi trồng, chăm sóc các cây trồng, vật nuôi có tính chất mùa vụ theo chu kỳ sản xuất liền kề trong năm hoặc các cây lưu gốc, cây công nghiệp có thu hoạch hàng năm. Theo đó, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận dư nợ gốc của chu kỳ trước tiếp tục được sử dụng cho chu kỳ sản xuất tiếp theo nhưng không vượt quá thời gian của 02 chu kỳ sản xuất liên tiếp.
4. Cho vay theo hạn mức: Tổ chức tín dụng xác định và thỏa thuận với khách hàng một mức dư nợ cho vay tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Trong hạn mức cho vay, tổ chức tín dụng thực hiện cho vay từng lần. Một năm ít nhất một lần, tổ chức tín dụng xem xét xác định lại mức dư nợ cho vay tối đa và thời gian duy trì mức dư nợ này.
5. Cho vay theo hạn mức cho vay dự phòng: Tổ chức tín dụng cam kết đảm bảo sẵn sàng cho khách hàng vay vốn trong phạm vi mức cho vay dự phòng đã thỏa thuận. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng nhưng không vượt quá 01 (một) năm.
6. Cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán: Tổ chức tín dụng chấp thuận cho khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng một mức thấu chi tối đa để thực hiện dịch vụ thanh toán trên tài khoản thanh toán. Mức thấu chi tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian tối đa 01 (một) năm.
7. Cho vay quay vòng: Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay đối với nhu cầu vốn có chu kỳ hoạt động kinh doanh không quá 01 (một) tháng, khách hàng được sử dụng dư nợ gốc của chu kỳ hoạt động kinh doanh trước cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo nhưng thời hạn cho vay không vượt quá 03 (ba) tháng.
8. Cho vay tuần hoàn (rollover): Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay ngắn hạn đối với khách hàng với điều kiện:
a) Đến thời hạn trả nợ, khách hàng có quyền trả nợ hoặc kéo dài thời hạn trả nợ thêm một khoảng thời gian nhất định đối với một phần hoặc toàn bộ số dư nợ gốc của khoản vay;
b) Tổng thời hạn vay vốn không vượt quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân ban đầu và không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh;
c) Tại thời điểm xem xét cho vay, khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng;
d) Trong quá trình cho vay tuần hoàn, nếu khách hàng có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng thì không được thực hiện kéo dài thời hạn trả nợ theo thỏa thuận.
9. Các phương thức cho vay khác được kết hợp các phương thức cho vay quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và khoản 8 Điều này, phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng và đặc điểm của khoản vay.
Điều 28. Thời hạn cho vay
1. Tổ chức tín dụng và khách hàng căn cứ vào chu kỳ hoạt động kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn, khả năng trả nợ của khách hàng, nguồn vốn cho vay và thời hạn hoạt động còn lại của tổ chức tín dụng để thoả thuận về thời hạn cho vay.
2. Đối với khách hàng là pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thời hạn cho vay không quá thời hạn hoạt động hợp pháp còn lại của khách hàng; đối với cá nhân có quốc tịch nước ngoài cư trú tại Việt Nam, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.
Điều 29. Lưu giữ hồ sơ cho vay
1. Tổ chức tín dụng lập hồ sơ cho vay, bao gồm:
a) Hồ sơ đề nghị vay vốn;
b) Thỏa thuận cho vay;
c) Báo cáo thực trạng tài chính do khách hàng gửi tổ chức tín dụng trong thời gian vay vốn: Báo cáo tài chính nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và/hoặc báo cáo tài chính đã kiểm toán đối với trường hợp khách hàng phải lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật; báo cáo tình hình tài chính của khách hàng theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng.
d) Hồ sơ liên quan đến bảo đảm tiền vay;
đ) Quyết định cho vay có chữ ký của người có thẩm quyền; trường hợp quyết định tập thể, phải có biên bản ghi rõ quyết định được thông qua;
e) Những tài liệu phát sinh trong quá trình sử dụng khoản vay liên quan đến thỏa thuận cho vay do tổ chức tín dụng hướng dẫn.
2. Tổ chức tín dụng phải lưu giữ hồ sơ cho vay; thời hạn lưu giữ hồ sơ cho vay thực hiện theo quy định của pháp luật.
Mục 2
HOẠT ĐỘNG CHO VAY
PHỤC VỤ NHU CẦU ĐỜI SỐNG
Điều 30. Phương thức cho vay
Tổ chức tín dụng thoả thuận với khách hàng việc áp dụng các phương thức cho vay như sau:
1. Phương thức cho vay theo quy định tại khoản 1, 4 và 6 Điều 27 Thông tư này.
2. Các phương thức cho vay khác được kết hợp các phương thức cho vay quy định tại khoản 1 Điều này, phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng và đặc điểm của khoản vay.
Điều 31. Thời hạn cho vay
1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về thời hạn cho vay trên cơ sở khả năng trả nợ của khách hàng, nguồn vốn cho vay, thời hạn hoạt động còn lại của tổ chức tín dụng.
2. Đối với cá nhân có quốc tịch nước ngoài cư trú tại Việt Nam, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn được phép cư trú còn lại tại Việt Nam.
Điều 32. Lưu giữ hồ sơ cho vay
1. Tổ chức tín dụng lập hồ sơ cho vay, bao gồm:
a) Hồ sơ đề nghị vay vốn;
b) Thỏa thuận cho vay;
c) Báo cáo tình hình thu nhập của khách hàng trong thời gian vay vốn theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng;
d) Hồ sơ liên quan đến bảo đảm tiền vay;
đ) Quyết định cho vay có chữ ký của người có thẩm quyền; trường hợp quyết định tập thể, phải có biên bản ghi rõ quyết định được thông qua;
e) Những tài liệu phát sinh trong quá trình sử dụng khoản vay liên quan đến thỏa thuận cho vay do tổ chức tín dụng hướng dẫn.
2. Tổ chức tín dụng phải lưu giữ hồ sơ cho vay; thời hạn lưu giữ hồ sơ cho vay thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 33. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2017.
2. Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành:
a) Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng;
b) Quyết định số 28/2002/QĐ-NHNN ngày 11 tháng 01 năm 2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về sửa đổi Điều 2 Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng;
c) Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03 tháng 02 năm 2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;
d) Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 5 năm 2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 1 của Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03 tháng 02 năm 2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
đ)Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14 tháng 4 năm 2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận;
e) Thông tư số 05/2011/TT-NHNN ngày 10 tháng 3 năm 2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về thu phí cho vay của tổ chức tín dụng, ngân hàng hàng nước ngoài đối với khách hàng;
g) Thông tư số 33/2011/TT-NHNN ngày 08 tháng 10 năm 2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20 tháng 5 năm 2010 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
h) Thông tư số 08/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Điều 34. Quy định chuyển tiếp
Đối với các hợp đồng tín dụng được ký kết trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành:
1. Tổ chức tín dụng và khách hàng tiếp tục thực hiện các nội dung trong hợp đồng tín dụng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký kết hợp đồng đó hoặc thoả thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng tín dụng phù hợp với quy định tại Thông tư này.
2. Trường hợp áp dụng phương thức cho vay theo hạn mức tín dụng, hạn mức tín dụng dự phòng, hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán, nếu trong nội dung hợp đồng không thỏa thuận thời hạn duy trì hạn mức tín dụng, hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán, thời hạn hiệu lực của hạn mức tín dụng dự phòng, thì tổ chức tín dụng và khách hàng được tiếp tục thực hiện các nội dung trong hợp đồng tín dụng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký kết hợp đồng nhưng thời hạn duy trì của hạn mức tín dụng, hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán, thời hạn hiệu lực của hạn mức tín dụng dự phòng tối đa không vượt quá 01 (một) năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Điều 35. Tổ chức thực hiện
1. Tổ chức tín dụng căn cứ Thông tư này để quy định nội bộ về hoạt động cho vay đối với khách hàng.
2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.