Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Vụ Kế hoạch

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Điều 16 Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vụ Kế hoạch là cơ quan quản lý tổng hợp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Vụ Kế hoạch được Bộ trưởng giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển, thống kê, xúc tiến thương mại và chương trình an ninh lương thực quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, cụ thể như sau:

1. Chủ trì, tham gia xây dựng trình Bộ trưởng các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực được phân công quản lý.

2. Về xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn:

a) Hướng dẫn các địa phương, các đơn vị, các doanh nghiệp thuộc ngành về việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn.

b) Tổng hợp trình Bộ trưởng giao kế hoạch thiết kế quy hoạch, tuyển chọn tư vấn quy hoạch; xét duyệt đề cương, kiểm tra thực hiện, thẩm định, nghiệm thu tài liệu quy hoạch tổng hợp. Tham gia xét duyệt đề cương, dự toán, kiểm tra thực hiện và thẩm định nghiệm thu tài liệu quy hoạch chuyên ngành.

c) Tổng hợp, cân đối và hoàn chỉnh trình Bộ trưởng về chiến lược, quy hoạch; kế hoạch phát triển dài hạn; chương trình mục tiêu. Chủ trì xây dựng và tổng hợp chương trình hành động của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

d) Chuẩn bị hồ sơ trình Bộ trưởng về các dự án quy hoạch; quản lý và sử dụng tài liệu quy hoạch theo quy định.

đ) Thực hiện công khai chiến lược, quy hoạch ngành, ngành hàng, sản phẩm chủ yếu sau khi được phê duyệt theo quy định.

e) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch ngành đã được phê duyệt. Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý thực hiện quy hoạch.

g) Nghiên cứu, trình Bộ trưởng ban hành định mức liên quan đến việc lập và quản lý quy hoạch ngành.

3. Về kế hoạch hàng năm:

a) Hướng dẫn các địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ xây dựng kế hoạch hàng năm, gồm kế hoạch sản xuất, xuất khẩu, kế hoạch chuẩn bị đầu tư, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, kế hoạch sự nghiệp kinh tế, kế hoạch tín dụng Nhà nước.

b) Tổng hợp, cân đối và hoàn chỉnh trình Bộ trưởng về kế hoạch phát triển ngành hàng năm, giao kế hoạch, thông báo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn sự nghiệp, vốn tín dụng Nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; thông báo chỉ tiêu kế hoạch đối với các địa phương sau khi Nhà nước giao.

c) Kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch, căn cứ vào yêu cầu thực tế đề xuất trình Bộ trưởng điều chỉnh kế hoạch hàng năm.

4. Về công tác đầu tư:

a) Chủ trì xác định chủ trương, mục tiêu, cơ chế phân cấp đầu tư đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và vốn tín dụng Nhà nước.

b) Trình Bộ trưởng ra quyết định lập dự án đầu tư, chủ trì thẩm định đề cương và quản lý quá trình chuẩn bị đầu tư.

c) Phối hợp nghiên cứu cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển của ngành để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước; chủ trì tổng hợp các dự án có vốn đầu tư nước ngoài của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; phối hợp với các Cục, Vụ chức năng thực hiện các quy định về xây dựng, thẩm định và tổ chức theo dõi thực hiện dự án có vốn đầu tư trong và ngoài nước.

d) Giám sát, đánh giá thực hiện đầu tư các dự án thuộc Bộ quản lý.

đ) Giám sát, trình Bộ trưởng quyết định điều chỉnh dự án đầu tư.

e) Tham gia xây dựng, hướng dẫn thực hiện các định mức đầu tư của ngành.

5. Về công tác thống kê:

a) Hướng dẫn và kiểm tra nghiệp vụ thống kê cho toàn ngành theo quy định của pháp luật.

b) Thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

c) Cung cấp cho lãnh đạo Bộ và các cơ quan liên quan số liệu thống kê, các báo cáo tháng, quí, năm của ngành theo quy định của pháp luật.

d) Tổ chức điều tra thống kê theo yêu cầu của Nhà nước và của Bộ trưởng.

đ) Trình Bộ trưởng công bố số liệu thống kê của ngành theo thẩm quyền.

6. Thực hiện một số quyền đại diện chủ sở hữu của Bộ đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ quản lý:

a) Tổng hợp kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu, hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết kinh tế của các doanh nghiệp thuộc Bộ theo quy định của pháp luật.

b) Tổng hợp và thẩm định các dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý.

c) Tham gia thẩm định phê duyệt phương án thành lập, sáp nhập, giải thể, cổ phần hoá, chuyển đổi sở hữu, bổ sung ngành nghề đối với doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ.

7. Về xúc tiến thương mại và hội nhập:

a) Theo dõi tổng hợp, đề xuất cơ chế chính sách liên quan đến tình hình tiêu thụ hàng hóa nông lâm sản và xúc tiến thương mại trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

b) Chủ trì xây dựng, thực hiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế trong lĩnh vực thương mại nông lâm sản.

8. Hướng dẫn triển khai thực hiện và tổng hợp các cân đối chủ yếu về vật tư, thiết bị, hàng hoá thiết yếu thuộc ngành và các quỹ dự trữ quốc gia theo phân công của Bộ trưởng.

9. Theo dõi, tổng hợp, đề xuất các phương án để giải quyết những phát sinh về phòng chống giảm nhẹ thiên tai, công tác quốc phòng.

10. Theo dõi, tổng hợp và chủ trì lập báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, kế hoạch hàng năm của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

11. Tham gia cùng các Bộ, ngành thẩm định qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai của các địa phương. Theo dõi, đề xuất những biện pháp về quản lý và sử dụng đất đai đối với các đơn vị thuộc Bộ quản lý.

12. Tham gia, thực hiện Chương trình cải cách hành chính của Bộ.

13. Quản lý công chức, viên chức, tài sản và các nguồn lực khác được giao.

14. Đầu mối thực hiện các hoạt động về an ninh lương thực quốc gia.

15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

Điều 3. Tổ chức bộ máy

1. Lãnh đạo Vụ:

Lãnh đạo Vụ có Vụ trưởng và các Phó Vụ trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm theo quy định.

Vụ trưởng điều hành hoạt động của Vụ, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, trước pháp luật về các hoạt động của Vụ và thực hiện nhiệm vụ được giao.

Các Phó Vụ trưởng giúp việc Vụ trưởng và được Vụ trưởng phân công một số nhiệm vụ cụ thể; chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Số lượng Phó Vụ trưởng không quá ba người; trường hợp vượt quá phải báo cáo Bộ trưởng.

2. Công chức, viên chức của Vụ chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về việc thi hành nhiệm vụ được giao; có nghĩa vụ và quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Vụ trưởng xây dựng Quy chế làm việc của Vụ trình Bộ trưởng phê duyệt và tổ chức thực hiện; bố trí công chức, viên chức phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn và nhiệm vụ được giao.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo Chính phủ; thay thế Quyết định số 17/NN-TCCB/QĐ ngày 06 tháng 01 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Vụ Kế hoạch và quy hoạch và các quy định của Bộ trước đây trái với Quyết định này.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

1. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và quy hoạch bàn giao nguyên trạng Vụ Kế hoạch và quy hoạch cho Vụ trưởng Vụ Kế hoạch.

2. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Huy Ngọ