NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/1998/NĐ-CP
ngày 31 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ về phát triển thương mại
miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc
_________________________
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 10 tháng 5 năm 1997;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc như sau:
1. Sửa đổi Điều 9 như sau:
Điều 9. Thuế thu nhập doanh nghiệp.
1. Thương nhân được hưởng ưu đãi về miễn, giảm thuế lợi tức nay được tiếp tục miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, trong thời gian và theo mức như đã quy định tại Điều 9 (cũ) Nghị định 20/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ.
2. Thương nhân được ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải có trụ sở hoặc có đăng ký chi nhánh hoạt động tại các tỉnh miền núi hoặc có miền núi.
2. Sửa đổi Điều 10 như sau:
Điều 10. Lãi suất cho vay.
1. Thương nhân vay vốn các ngân hàng thương mại nhà nước để dự trữ, bán lẻ các mặt hàng thiết yếu và mua nông, lâm sản tại khu vực II, III miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, được giảm lãi suất cho vay 20% so với lãi suất cho vay thông thường của ngân hàng thương mại nhà nước tại thời điểm cho vay.
Thương nhân được giảm lãi suất vay vốn phải có trụ sở hoặc có đăng ký chi nhánh hoạt động tại các tỉnh miền núi hoặc có miền núi.
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện quy định này và chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước bảo đảm đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay của thương nhân ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc.
3. Chênh lệch lãi suất cho vay 20% được cân đối trong kế hoạch ngân sách hàng năm. Việc cấp bù do Bộ Tài chính quy định.
3. Sửa đổi Điều 11 như sau:
Điều 11.
1. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thương mại miền núi thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong từng thời kỳ.
2. Ngoài chế độ đào tạo theo quy định hiện hành, Bộ Thương mại tổ chức bổ sung việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho công chức, cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước hoạt động ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.
Nguồn kinh phí đào tạo một phần được ngân sách nhà nước hỗ trợ, một phần do Bộ Thương mại huy động từ kinh phí hỗ trợ các dự án về đào tạo cán bộ, xúc tiến thương mại của các nước và các tổ chức kinh tế thế giới.
4. Sửa đổi tiêu đề Chương III như sau:
Chương III. Trợ giá, trợ cước để bán hàng chính sách xã hội, mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá sản xuất ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc.
5. Sửa đổi Điều 12 như sau:
Điều 12. Mặt hàng thiết yếu có trợ giá, trợ cước vận chuyển.
Nhà nước thực hiện trợ giá, trợ cước vận chuyển để bảo đảm cho nhân dân sống ở địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc mua được các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống tương đương với giá các mặt hàng cùng loại bán tại thị xã miền núi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc và Miền núi căn cứ yêu cầu và chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội, sau khi bàn thống nhất với các Bộ, ngành liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi hoặc tỉnh có huyện miền núi, quyết định cụ thể Danh mục mặt hàng chính sách xã hội được trợ giá, trợ cước vận chuyển trong từng thời kỳ.
6. Sửa đổi Điều 13 như sau:
Điều 13. Định mức cung ứng hàng hoá được trợ giá, trợ cước vận chuyển.
Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định định mức cung ứng và kế hoạch cung ứng các mặt hàng trợ giá, trợ cước hàng năm. Căn cứ để định ra mức cung ứng và kế hoạch cung ứng là nhu cầu của từng địa phương, phù hợp với nguồn kinh phí của tỉnh trong từng năm (kể cả ngân sách do Trung ương cấp và ngân sách địa phương bổ sung). Ưu tiên đảm bảo đủ hàng hoá phục vụ vùng sâu, vùng xa.
7. Bãi bỏ Điều 14.
8. Sửa đổi Điều 16 như sau:
Điều 16. Xác định các khoản trợ giá, cự ly vận chuyển, địa điểm giao, nhận hàng có trợ giá, trợ cước.
Bộ Thương mại chủ trì cùng Ban Vật giá Chính phủ, cơ quan quản lý ngành hàng và các tỉnh có địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc xác định các khoản trợ giá, cự ly vận chuyển, kho giao hàng, các điểm nhận hàng được trợ giá, trợ cước vận chuyển để đồng bào sống, sinh hoạt ở địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc có thể mua được hàng chính sách một cách thuận tiện, tiết kiệm chi phí cho nhà nước.
Cơ quan quản lý ngành hàng có mặt hàng được trợ giá, trợ cước vận chuyển có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thuộc ngành mình ưu tiên ký hợp đồng và vận chuyển hàng theo số lượng, thời gian mà các tỉnh ở địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc yêu cầu, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của nhân dân vùng được hưởng chính sách ưu đãi.
9. Bãi bỏ khoản 2 của Điều 17.
10. Bãi bỏ khoản 1 của Điều 18.
11. Sửa đổi Điều 22 như sau:
Điều 22. Cơ cấu kinh phí mặt hàng trợ giá, trợ cước.
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc căn cứ đặc điểm, nhu cầu sử dụng của nhân dân từng địa phương, tổng kinh phí trợ giá, trợ cước vận chuyển và khả năng ngân sách của tỉnh, xác định cơ cấu kinh phí cho từng mặt hàng, ưu tiên bảo đảm nhu cầu một số mặt hàng thiết yếu nhất cho nhân dân.
2. Đối với một số vùng đặc biệt khó khăn, nếu nhân dân không có khả năng mua hàng, thì Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ tổng kinh phí trợ giá, trợ cước được phân bổ cho địa phương và khả năng ngân sách của tỉnh, xem xét, quyết định việc cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu nhất.
12. Sửa đổi Điều 23 như sau:
Điều 23. Trợ cước vận chuyển để tiêu thụ một số sản phẩm hàng hoá được sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc.
Nhằm hỗ trợ người sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc tiêu thụ được sản phẩm của mình, duy trì và phát triển sản xuất hàng hoá, góp phần tạo động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, Nhà nước thực hiện chính sách trợ cước vận chuyển theo kết quả thu mua của những thương nhân trực tiếp mua một số sản phẩm hàng hoá thuộc mặt hàng nông, lâm sản và sản phẩm chế biến từ nông, lâm sản (gọi chung là hàng nông, lâm sản) của các tổ chức, cá nhân (gọi chung là người sản xuất) ở các xã đặc biệt khó khăn. Ưu tiên mua hàng nông, lâm sản tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực III.
13. Sửa đổi khoản 2 Điều 24 như sau:
2. Căn cứ các nguyên tắc tại Điều 23 và khoản 1 Điều 24 Nghị định này, căn cứ tình hình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc và yêu cầu tiêu thụ hàng hóa trong từng thời kỳ của tỉnh, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh quyết định danh mục sản phẩm sản xuất trong tỉnh được trợ cước vận chuyển để tiêu thụ hàng năm.
Uỷ ban Dân tộc và Miền núi căn cứ khả năng ngân sách hàng năm, hướng dẫn địa phương giới hạn danh mục sản phẩm được trợ cước vận chuyển, thông báo cho địa phương để định hướng thực hiện.
14. Sửa đổi khoản 1, 2 Điều 25 như sau:
1. Khuyến khích thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trực tiếp thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá được sản xuất ra tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc. Chính phủ trợ cước vận chuyển cho thương nhân theo số lượng hàng hoá thực tế đã mua.
2. Cự ly tối đa được trợ cước vận chuyển để mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá sản xuất ở xã đặc biệt khó khăn thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc do Bộ Thương mại bàn với Ban Vật giá Chính phủ và các cơ quan hữu quan để hướng dẫn cụ thể.
15. Bãi bỏ khoản 6, sửa đổi khoản 2 và khoản 4 Điều 26 như sau:
2. Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn nguyên tắc xây dựng mức trợ cước vận chuyển và giá mua tối thiểu (giá sàn) sản phẩm được trợ cước vận chuyển để ủy ban nhân dân tỉnh quy định giá mua tối thiểu sản phẩm có trợ cước vận chuyển và mức trợ cước vận chuyển cho từng sản phẩm ở từng khu vực được trợ cước vận chuyển.
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với ủy ban Dân tộc và Miền núi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện mục tiêu này.
16. Sửa đổi Điều 28 như sau:
Điều 28. Phát triển và củng cố doanh nghiệp nhà nước hoạt động thương mại và hợp tác xã thương mại - dịch vụ trên địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc.
1. Phát triển và củng cố doanh nghiệp nhà nước hoạt động thương mại trên địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc để mua sản phẩm, bán vật tư phục vụ sản xuất và hàng tiêu dùng cho nhân dân các dân tộc ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, thực hiện các mặt hàng chính sách.
Doanh nghiệp nhà nước hoạt động thương mại phải có mạng lưới mua, bán hàng hoá đến các trung tâm cụm xã miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc. Phát triển các hợp tác xã thương mại - dịch vụ và sử dụng các tổ chức kinh tế, những người được tín nhiệm trong các thôn, bản để làm đại lý mua bán hàng hoá, kể cả mua bán hàng hoá thuộc diện chính sách trợ giá, trợ cước cho doanh nghiệp nhà nước.
2. Bộ trưởng các Bộ quản lý ngành, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm phát triển và củng cố doanh nghiệp nhà nước hoạt động thương mại, tổ chức và chỉ đạo phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước hoạt động thương mại để mở rộng giao lưu hàng hoá trên địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc và thực hiện chủ trương bảo đảm mặt hàng chính sách, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá cho nhân dân.
17. Sửa đổi Điều 29 như sau:
Điều 29. Doanh nghiệp công ích hoạt động thương mại ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc.
Doanh nghiệp nhà nước hoạt động thương mại chủ yếu ở khu vực III địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc có đủ các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 56/CP ngày 02 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ nếu có nhu cầu thì được xét chuyển sang loại hình doanh nghiệp công ích theo các quy định hiện hành.
18. Sửa đổi Điều 30 như sau:
Điều 30. Vốn cho doanh nghiệp nhà nước hoạt động thương mại ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc.
1. Doanh nghiệp nhà nước ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc được bảo đảm vốn lưu động bằng 50% nhu cầu về vốn lưu động. Nếu các doanh nghiệp nhà nước hoạt động thương mại chưa đủ vốn lưu động theo mức nêu trên thì trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét cấp bổ sung vốn theo quy định của Luật Ngân sách.
2. Doanh nghiệp nhà nước hoạt động thương mại được cấp đủ vốn dự trữ các mặt hàng chính sách. Tùy theo địa bàn và mặt hàng cụ thể, mức dự trữ bình quân đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc từ 02 đến 03 tháng. Doanh nghiệp được miễn nộp tiền thu về sử dụng vốn đối với số vốn được cấp để dự trữ mặt hàng chính sách.
3. Bộ Thương mại cùng Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan hướng dẫn thực hiện Điều này.
19. Sửa đổi Điều 31 như sau:
Điều 31. Hỗ trợ vay vốn.
Doanh nghiệp nhà nước hoạt động thương mại ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc được vay vốn trung hạn và dài hạn từ nguồn tín dụng nhà nước (kể cả quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia) với lãi suất ưu đãi nhất để đầu tư mở thêm các điểm kinh doanh phục vụ địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc đặc biệt là ở khu vực III và đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh thương mại hoặc sản xuất chế biến.
20. Sửa đổi khoản 2 Điều 33 như sau:
2. Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ủy ban Dân tộc và Miền núi, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Bộ trưởng Bộ Thương mại chủ trì theo dõi, báo cáo kết quả thực hiện các chính sách về khuyến khích, ưu đãi đối với thương nhân.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc và Miền núi chủ trì tổ chức thực hiện, theo dõi báo cáo kết quả thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước.
Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.