CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 39/CP NGÀY 5/7/1996 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.
Hơn một năm qua công tác tổ chức thực hiện Nghị định 39/CP ngày 5/7/1996 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn thành phố Hà nội tuy đã có nhiều cố gắng, song kết qủa việc giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt còn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do:
Chưa nhận thức đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của Nghị định 39/CP về trật tự an toàn giao thông đường sắt; việc phối hợp kết hợp giữa các cấp, các ngành các lực lượng còn thiếu đồng bộ; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc ngành đường sắt với chính quyền các cấp chưa được chặt chẽ; cơ chế chính sách cho công tác giải tỏa an toàn đường sắt chưa rõ ràng; đặc biệt là ngân sách Trung ương và địa phương chưa bố trí đủ nguồn kinh phí cho công tác giải tỏa nhà và các công trình nằm trong hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn thành phố.
Để thực hiện nghiêm túc Nghị định 39/CP của Chính phủ, UBND Thành phố yêu cầu các Ban, ngành liên quan của thành phố; UBND các quận, huyện, thị trấn, phường xã có đường sắt đi qua phối hợp với ngành đường sắt thực hiện tốt các công việc sau đây:
1/ Về tuyên truyền: Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để mọi cơ quan đơn vị và nhân dân nơi có đường sắt đi qua hiểu rõ và tích cực thực hiện Nghị định 39/CP của Chính phủ, đặc biệt là việc thực hiện giải tỏa hành lang đảm bảo cho công tác chạy tầu và đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
2/ Về chính sách áp dụng cho công tác giải tỏa hành lang bảo vệ đường sắt: Căn cứ quyết định số 3528/QĐ-UB ngày 13/9/1997 của UBND Thành phố và các văn bản có liên quan để thực hiện đền bù thiệt hại hoặc hỗ trợ cho những hộ có nhà, đất trên địa bàn Hà nội mà Nhà nước thu hồi để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
3/ Về việc phối hợp thực hiện : UBND các quận, huyện, thị trấn và phường, xã cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý đường sắt (Xí nghiệp đường sắt Hà Hải, Xí nghiệp đường sắt Hà Thái, Liên hiệp Xí nghiệp đường sắt khu vực I...) để thực hiện các phương án và chính sách giải tỏa theo tiến độ đã đề ra.
Các cơ quan và Xí nghiệp của ngành đường sắt; cần chủ động phối hợp trực tiếp với các quận, huyện, thị trấn, phường, xã có đường sắt đi qua và cung cấp các tài liệu pháp lý có liên quan; nhất là chứng minh phạm vi khu vực đã đền bù khi xây dựng tuyến đường sắt qua cầu Thăng Long và đoạn đường sắt nắn qua ngã tư Vọng để các huyện, và quận có căn cứ lập phương án giải tỏa.
4/ Yêu cầu UBND các quận, huyện có đường sắt đi qua thực hiện đúng thông báo cuộc họp ngày 20/11/1997 của UBND Thành phố và Ban chỉ đạo 197 của thành phố; lập phương án giải tỏa cho từng hộ gia đình, từng cơ quan nằm trong phạm vi giải tỏa và tổng hợp số liệu báo cáo UBND Thành phố, Ban chỉ đạo 197 thành phố (thông qua Tổ tư vấn Nghị định 39/CP của Thành phố) chú trọng việc phối hợp với Kiến trúc sư trưởng Thành phố và cơ quan quy hoạch để tổ chức nơi tái định cư cho các hộ bị giải tỏa, không để phát sinh những điểm nóng về an ninh trật tự.
5/ Trong các buổi giao ban Ban chỉ đạo 197 thành phố; yêu cầu UBND các quận, huyện có đường sắt đi qua phải báo cáo cụ thể về tình hình thực hiện Nghị định 39/CP trên địa bàn quản lý để UBND Thành phố cùng Bộ Giao thông có căn cứ thống nhất chỉ đạo.
Nhận được Chỉ thị này, UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ quan, đơn vị thuộc ngành đường sắt khẩn trương tổ chức thực hiện.