QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRỢ GIÚP NGƯỜI NGHÈO THÀNH PHỐ HÀ NỘI
UỶ BAN NHÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 1138/QĐ - UB ngày 15 tháng 03 năm 1999 của Chủ tịch UBND Thành phố về việc thành lập Ban chỉ đạo Trợ giúp người nghèo và bộ phận chuyên viên giúp việc;
Xét đề nghị của Trưởng Ban chỉ đạo Trợ giúp người nghèo Thành phố, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trợ giúp người nghèo,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Trợ giúp người nghèo Thành phố Hà Nội.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh văn phòng UBND quận, huyện và các thành viên Ban chỉ đạo Trơn giúp người nghèo Thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP NGƯỜI NGHÈOTHÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành theo quyết định số 58/1999/QĐ-UB ngày 22 tháng 07 năm 1999 của UBND Thành phố Hà Nội)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Ban chỉ đạo Trợ giúp người nghèo Thành phố Hà Nội và bộ phận chuyên viên giúp việc được thành lập theo quyết định số 1138/QĐ - UB ngày 15 tháng 3 năm 1999 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố. Ban chỉ đạo Trợ giúp người nghèo có trách nhiệm tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân Thành phố xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch trợ giúp người nghèo trên địa bàn thành phố.
Điều 2: Nhiệm vụ cụ thể của Ban chỉ đạo:
- Xây dựng mục tiêu, kế hoạch, nội dung hoạt động và tổ chức thực hiện chương trình Trợ giúp người nghèo của Thành phố, lập dự toán kinh phí hàng năm gửi sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Tài chính Vật giá tổng hợp trình Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt và chỉ đạo thực hiện.
- Theo dõi, kiểm tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí của chương trình trợ giúp người nghèo được phân bổ cho các ngành và quận, huyện theo đúng mục tiêu, kế hoạch và qui định của nhà nước.
- Phối hợp với các cơ sở, ban, ngành chỉ đạo các quận - huyện thực hiện việc lồng ghép hoạt động của chương trình trợ giúp người nghèo với các chính sách khác có liên quan đến xoá đói giảm nghèo .
- Tổ chức kiểm tra các hoạt động của Chương trình Trợ giúp người nghèo trên địa bàn .
- Báo cáo định kỳ kết quả trợ giúp người nghèo với Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố .
Chương 2:
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
Điều 3: Trưởng ban chỉ đạo trợ giúp người nghèo chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện và đánh giá kết quả chương trình, phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện các hoạt động của chương trình.
Điều 4: Giúp việc Ban chỉ đạo Trợ giúp người nghèo có 3 phó trưởng Ban:
+ Phó trưởng Ban thường trực: Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã Hội Hà Nội được Trưởng Ban uỷ quyền trực tiếp chỉ đạo nhóm chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo thành phố và lập kế hoạch điều hành thực hiện chương trình, trực tiếp giải quyết công việc khi Trưởng Ban đi vắng.
+ Phó trưởng ban thường trực: Chủ tịch Hội Nông dân thành phố trực tiếp chỉ đạo thực hiện chương trình hỗ trợ vốn vay cho người nghèo phát triển sản xuất, tuyên truyền phổ biến những kinh nghiệm điển hình về xoá đói giảm nghèo.
+ Phó trưởng Ban chỉ đạo: Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn trực tiếp chỉ đạo thực hiện:
- Dự án hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề đối với hộ nghèo.
- Công tác khuyến nông - lâm - ngư gắn với trợ giúp người nghèo.
- Phối hợp với đoàn thể hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo.
Điều 5: Các thành viên: phó trưởng ban, các uỷ viên và lãnh đạo của các Sở, ban, ngành, hội đoàn thể có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các chính sách và nguồn kinh phí của chương trình thuộc ngân sách Nhà nước và thành phố phân bổ cho Sở, ban ngành đúng mục đích và có hiệu quả. Trách nhiệm vụ thể giúp Trưởng ban chỉ đạo các công việc sau:
1- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính Vật giá cân đối nguồn kinh phí của Chương trình trình Uỷ ban nhân dân thành phố, giao kế hoạch chỉ tiêu hàng năm cho các quận, huyện, phối hợp, hướng dẫn thực hiện lồng ghép các chương trình và các chính sách có liên quan.
2- Sở Tài chính Vật giá:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư tổng hợp các nguồn vốn từ ngân sách và các nguồn huy động khác, dự kiến bố trí nguồn vốn ngân sách thành phố hàng năm trình Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định đầu tư cho chương trình.
- Hướng dẫn cơ chế quản lý sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí của chương trình theo đúng mục tiêu kế hoạch và chính sách chế độ tài chính Nhà nước.
3- Sở Lao động Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực chương trình trợ giúp người nghèo:
- Chủ trì phối hợp với các Cục thống kê, các ngành liên quan, UBND quận huyện xác định tiêu chí hộ nghèo và chỉ đạo điều tra thực trạng, thống kê danh sách hộ nghèo từng xã phường. Phân loại, xác định nguyên nhân nghèo để có kế hoạch biện pháp giúp đỡ thích hợp.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, quận, huyện xác định và đề xuất nhu cầu nguồn lực về tài chính ngân sách dành cho chương trình; lập kế hoạch, triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm của chương trình để trình Ban chỉ đạo thành phố.
- Đề xuất với Ban chỉ đạo phối hợp lồng ghép chương trình trợ giúp người nghèo với chương trình giải quyết việc làm, chương trình phòng chống tệ nạn xã hội và chương trình đào tạo, dạy nghề.
- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố, kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu và các chính sách trợ giúp người nghèo của các quận - huyện.
- Chủ trì phối hợp với các cơ sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất, trình Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách hỗ trợ nghèo.
- Hệ thống hoá các chương trình, chế độ, mục tiêu xoá đói giảm nghèo cung cấp thông tin cho thành viên ban chỉ đạo và phổ biến cho các ngành liên quan và quận huyện.
- Tổng hợp, lập kế hoạch công tác, đảm bảo hoạt động của Ban chỉ đạo và tổ chuyên viên.
- Lập dự toán kinh phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo - tổng hợp vào dự toán của Sở Lao động Thương binh và Xã hội gửi Sở Tài chính Vật giá xem xét trình Uỷ ban nhân dân thành phố các chính sách nguồn kinh phí hỗ trợ về quận, huyện.
4- Sở Y tế: trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện hỗ trợ người nghèo về y tế và chăm sóc sức khoẻ.
5- Sở Giáo dục và Đào tạo: trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo về giáo dục như miễn giảm học phí, tiền xây dựng cơ bản, hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết cho con hộ nghèo.
6- Ngân hàng Nhà nước thành phố: trực tiếp chỉ đạo thực hiện dưn án tín dụng đối với người nghèo.
7- Uỷ ban Bảo về và Chăm sóc trẻ em thành phố: trực tiếp chỉ đạo thực hiện dự án chăm sóc trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Điều 6: Nhóm chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện:
- Nội dung chương trình và kế hoạch triển khai thực hiện chương trình để báo cáo Sở Lao động Thương binh và Xã hội trình Ban chỉ đạo.
- Lập kế hoạch cụ thể về việc phối hợp các hoạt động của các Sở, ngành thực hiện chương trình theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo.
- Hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra, việc tổ chức thực hiện chương trình trợ giúp người nghèo ở các quận, huyện, xã, phường.
- Tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo về các hoạt động của chương trình.
- Dự toán, thanh quyết toán kinh phí được cấp cho hoạt động của Ban chỉ đạo theo chế độ tài chính của Nhà nước.
Chương 3:
NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG
Điều 7: Ban chỉ đạo trợ giúp người nghèo thảo luận tập thể và quyết định những vấn đề quan trọng của chương trình, cụ thể: Nội dung chương trình, kế hoạch thực hiện, phân bổ nguồn ngân sách của chương trình cho các sở, ban, ngành, quận, huyện trình Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định.
Điều 8: Trưởng Ban chỉ dạo chủ trì phiên họp thường kỳ, (3 tháng 1 lần) hoặc bất thường cần xử lý cấp bách (hoặc uỷ nhiệm cho phó trưởng ban thường trực chủ trì phiên họp). Các thành viên có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp của Ban chỉ đạo (trường hợp vắng mặt phải có lý do và phải uỷ nhiệm cho cán bộ giúp việc).
Điều 9: Định kỳ hàng tháng Trưởng ban chỉ đạo và các Phó trưởng Ban chỉ đạo tổ chức họp giao ban kiểm điểm đánh giá các hoạt động và bàn kế hoạch triển khai tháng tới.
Điều 10: Nhóm chuyên viên giúp việc có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiên chương trình và kế hoạch triển khai tháng tới trước phiên họp giao ban của Trưởng ban và các Phó trưởng Ban chỉ đạo.
Điều 11: Hàng năm Ban chỉ đạo tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động chung của cả chương trình và từng dự án. Thời gian, địa điểm kiểm tra do Trưởng ban chỉ đạo quyết định và thông báo cho các thành viên thực hiện.
Các thành viên Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra với Trưởng ban chỉ đạo.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12: Quy chế này được áp dụng cho Ban chỉ đạo trợ giúp người nghèo thành phố và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 13: Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Ban chỉ đạo tổng hợp ý kiến, đề xuất nội dung bổ sung, sửa đổi trình Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.