Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển  sản xuất nông nghiệp,

xây dựng hạ tầng nông thôn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016

____________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 4

(Từ ngày 03/4/2012 đến ngày 05/4/2012)

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Sau khi xem xét Tờ trình số 25/TTr-UBND ngày 29/3/2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND Thành phố; ý kiến giải trình của UBND Thành phố và ý kiến thảo luận của Đại biểu HĐND Thành phố,

NGHỊ QUYẾT:

Điều 1. Thông qua thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2016, với các nội dung chính như sau:

1. Chính sách khuyến khích thực hiện dồn điền đổi thửa

a. Đối tượng, điều kiện áp dụng: UBND cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thực hiện “dồn điền, đổi thửa” trong vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, tập trung phù hợp với qui hoạch nông nghiệp đến năm 2020, đạt yêu cầu sau khi dồn mỗi hộ chỉ còn 01-02 thửa/hộ. Phương án dồn điền đổi thửa được thông qua HĐND xã và được UBND huyện phê duyệt.

b. Nội dung và mức hỗ trợ

- Hỗ trợ toàn bộ chi phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo định mức quy định của Nhà nước. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp Thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện.

- Hỗ trợ Ban chỉ đạo cấp xã, thôn kinh phí hoạt động, tổ chức hội họp tuyên truyền. Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/ha. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp Thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện.

- Hỗ trợ 70% kinh phí đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng khi dồn điền đổi thửa, trong đó ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ 50% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%.

- Hỗ trợ toàn bộ bằng tiền để mua vật tư (khối lượng vật tư được tính theo định mức kỹ thuật quy định của Nhà nước) khi thực hiện kiên cố hóa đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Trong đó ngân sách cấp Thành phố hỗ trợ 80% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%.

c. Phương thức thực hiện: Ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho UBND các xã, hợp tác xã quản lý tổ chức thực hiện theo phương án được duyệt.

2. Chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản

a. Đối tượng, điều kiện áp dụng

Các cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới theo quy hoạch trên địa bàn Thành phố đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Cơ sở sản xuất giống cây trồng đáp ứng quy định tại Quyết định số 64/2008/QĐ-BNN, ngày 23/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy định quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm;

- Các cơ sở sản xuất giống ông, bà, sản xuất tinh dịch lợn đáp ứng điều kiện về sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi theo quy định tại Pháp lệnh giống vật nuôi;

- Các cơ sở nhân giống thủy sản đủ điều kiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02-15:2009/BNNPTNT.

b. Nội dung và mức hỗ trợ

- Được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Thông tư 11/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT, ngày 01/3/2012 của liên bộ Bộ Nông nghiệp và PTNT - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Đề án phát triển giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp, giống vật nuôi và thủy sản đến năm 2020;

- Được hỗ trợ 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh thành phố Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 70% giá trị đầu tư của dự án.

c. Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ sau khi các cơ sở hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Thành phố.

3. Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản

a. Đối tượng điều kiện áp dụng Các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản theo quy hoạch đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Cơ sở sơ chế rau, củ, quả có công suất tối thiểu 05 tấn/ngày (danh mục các loại rau, củ, quả do UBND Thành phố ban hành).

- Cơ sở chế biến chè có công suất tối thiểu 10 tấn búp tươi/ngày;

- Cơ sở sơ chế trứng gia cầm các loại có quy mô tối thiểu 50.000 quả/ngày;

- Kho lạnh bảo quản giống, rau, củ, hoa, quả, thịt, cá, trứng có thể tích tối thiểu 100 m3.

b. Nội dung và mức hỗ trợ

- Được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

- Được hỗ trợ 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh thành phố Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 70% giá trị đầu tư của dự án.

c. Phương thức hỗ trợ: hỗ trợ sau khi các cơ sở đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Thành phố.

4. Chính sách khuyến khích đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

a. Đối tượng, điều kiện áp dụng: Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp theo quy hoạch, bảo đàm cảc yêu cầu về vệ sinh thú ý, Vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

b. Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 50% chi phí giết mổ tính trên đầu con gia súc, gia cầm ở năm thứ nhất, 40% ở năm thứ hai và 30% ở năm thứ ba.

c. Phương thức hỗ trợ: UBND Thành phố quy định cụ thể về phương thức hỗ trợ, cơ chế kiểm soát, giám sát số lượng đầu gia súc, gia cầm thực tế giết mổ để làm căn cứ hỗ trợ. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Thành phố.

5. Chính sách khuyến khích đầu tư thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp

a. Đối tượng, điều kiện áp dụng: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua các loại máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến nông nghiệp bao gồm: máy làm đất; máy gieo cấy; máy gặt đập liên hợp; máy sấy hạt; máy phun thuốc có động cơ; hệ thống tưới tiết kiệm; máy phát điện chạy bằng khí sinh học; máy vắt sữa; máy thái cỏ; hệ thống làm mát chuồng trại; hệ thống cho ăn tự động; thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường; máy quạt nước trong nuôi thủy sản.

b. Nội dung và mức hỗ trợ: Được hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh thành phố Hà Nội tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 100% giá trị sản phẩm.

c. Phương thức hỗ trợ: hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông qua hợp đồng tín dụng vay vốn của các Ngân hàng Thương mại được UBND cấp xã xác nhận và UBND cấp huyện phê duyệt, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách Thành phố.

6. Chính sách khuyến khích xây dựng kiên cố hoá đường giao thông thôn, xóm

a. Đối tượng, điều kiện áp dụng: Các thôn, xóm, bản làng, khu dân cư nông thôn khi thực hiện việc kiên cố hoá đường giao thông thôn, xóm đạt chuẩn nông thôn mới.

b. Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ toàn bộ bằng tiền để mua vật tư (khối lượng vật tư được tính theo định mức kinh tế kỹ thuật theo quy định của Nhà nước).

c. Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ sau đầu tư, ngân sách các cấp hỗ trợ thông qua ngân sách xã để tổ chức thực hiện. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp Thành phố là 80% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện là 20%.

7. Giao UBND Thành phố

7.1. Chuyển tổ chức bộ máy và biên chế làm công tác thú y và bảo vệ thực vật đang công tác tại xã, phường, thị trấn, thôn, bản về Trạm, Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để ký hợp đồng trả lương, phụ cấp và quản lý.

Hàng năm, trên cơ sở trình độ chuyên môn và yêu cầu đáp ứng công tác của đội ngũ trên, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố bổ sung biên chế sự nghiệp cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tuyển dụng viên chức theo qui định của pháp luật, tiến tới đảm bảo ở mỗi xã, phường, thị trấn có 01 viên chức kỹ thuật chăn nuôi thú y và ở mỗi xã, thị trấn có 01 viên chức kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật.

UBND Thành phố sớm phê duyệt Quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với UBND các huyện, thị xã về quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp.

7.2. Sớm chỉ đạo lập và phê duyệt Đề án “Xây dựng vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung” để triển khai thực hiện từ năm 2012.

7.3. Tăng mức đầu tư hàng năm cho Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chỉ đạo xây dựng và triển khai đầu tư các dự án cung cấp nước sạch nông thôn theo quy hoạch theo hướng cấp nước tập trung phù hợp với từng vùng. Quan tâm huy động các nguồn lực để đầu tư nhanh.

Điều 2.

1. Giao UBND Thành phố:

a. Rà soát kỹ các chính sách Thành phố đang hỗ trợ đối với những lĩnh vực trên để tránh hỗ trợ trùng lặp.

b. Báo cáo các cơ quan trung ương theo thẩm quyền đối với những nội dung chính sách vượt thẩm quyền của địa phương trước khi thực hiện.

c. Xây dựng lộ trình thực hiện chính sách đảm bảo tính khả thi, cân đối nguồn lực theo hướng ưu tiên đầu tư và hỗ trợ cho những nơi làm tốt, làm tích cực, các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.

d. Tổ chức thực hiện chính sách và thông báo công khai, rộng rãi nội dung chính sách hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện; thực hiện phương thức hỗ trợ gắn với cải cách thủ tục hành chính.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND Thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND thành phố Hà Nội Khóa XIV kỳ họp thứ 4 thông qua.

 

HĐND thành phố Hà Nội

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Ngô Thị Doãn Thanh