Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp

Ủy ban nhân dân quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở địa phương

_______________________________

 

Căn cứ Nghị định số 51/2003/NĐ-CP ngày 16/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc;

Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18/02/2004 của Chính phủ về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc Uỷ bannhân dân các cấp;

Liên tịch Uỷ ban Dân tộc và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc ở địa phương như sau:

I- CƠ QUAN CHUYÊN MÔN GIÚP UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LĨNH VỰC CÔNG TÁC DÂN TỘC

1. Vị trí, chức năng:

1.1. Cơ quan chuyên môn làm công tác dân tộc thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) được kiện toàn theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 2 của Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18/02/2004 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 53/2004/NĐ-CP) bao gồm 3 loại hình tổ chức như sau:

- Ban Dân tộc (có con dấu, tài khoản riêng):

- Ban Dân tộc (có con dấu riêng, nhưng không có tài khoản riêng: được Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh đảm bảo cơ sở vật chất,kinh phí, phương tiện và điều kiện làm việc);

- Sở quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực trong đó có quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (sau đây gọi là Sở có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc).

1.2. Ban Dân tộc hoặc Sở có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh có chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc tại địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân cùng cấp; góp phần bảo đảm sự thống nhất quản lý trong lĩnh vực công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.

1.3. Ban Dân tộc, Sở có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về nghiệp vụ của Uỷ ban Dân tộc.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn

2.1. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh các quyết định, chỉ thị về lĩnh vực công tác dân tộc thuộc phạm vi quản lý;.

2.2. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh các chương trình, kế hoạch công tác dài hạn và hàng năm, các dự án quan trọng thuộc lĩnh vựcdân tộc trên địa bàn tỉnh;

2.3. Trình Uỷ ban nhân dân tỉnh các biện pháp nhằm bảo đảm điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh;

2.4. Hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án đã được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý;

2.5. Điều tra, nghiên cứu, tổng hợp về nguồn gốc lịch sử, sự phát triển của các dân tộc; đặc điểm, thành phần dân tộc, kinh tế,xã hội, đời sống văn hoá, phong tục tập quán và những vấn đề khác về dân tộc trên địa bàn tỉnh theo phân công, phân cấp;

2.6. Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương trong việc thực hiện các chủ trương,chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước về quyền dùng tiếng nói, chữ viết; về phát triển giáo dục, mở mang dân trí, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số; về chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh;

2.7. Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thựchiện chương trình, dự án, mô hình thí điểm, các chính sách ưu đãi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có khó khăn đặc biệt do Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban Dân tộc giao;

2.8. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách của Nhà nước về bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữ gìn, tăng cường đoàn kết và tương trợ giúp đỡ lần nhau giữa các dân tộc ở địa phương;

2.9. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác định canh, định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh;

2.10. Trình Uỷ ban nhân dân các biện pháp cụ thể để duy trì, bảo tồn và phát triển các tộc người trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo và tổ chức thực hiện sau khi đã được phê duyệt;

2.11. Tiếp đón, thăm hỏi đồng bào các dân tộc thiểu số; phối hợp với các cơ quan Nhà nước ở địa phương giải quyết các nguyện vọng chính đáng của đồng bào theo chế độ chính sách và quy định của pháp luật;

2.12. Tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa các dân tộc để giao lưu trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường khối đoàn kết các dân tộc trong tỉnh;

2.13. Bồi dưỡng, lựa chọn những điển hình tập thể và cá nhân tiêu biểu, có uy tín là người dân tộc thiểu số ở địa phương gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước,làm hạt nhân trong phong trào phát triển kinh tế, giữ gìn trật tự xã hội,củng cố quốc phòng, an ninh; giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh nhân rộng, các điển hỉnh tập thể, cá nhân tiêu biểu trên địa bàn;

2.14. Phối hợp thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh;

2.15. Phối hợp với Sở Nội vụ trong việc bố trí tỷ lệ biên chế là người các dân tộc thiểu số tại chỗ trong tổng số biên chế của các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân đối với những tỉnh, huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

2.16. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công tác dân tộc thuộc phạm vi quản lý;

2.17. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của cơ quan theo mục tiêu và nội dung được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt;.2.18. Thực hiện công tác thông tin báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định với Uỷ ban nhân dân tỉnh và Uỷ ban Dân tộc;

2.19. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật,đào tạo và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền;

2.20. Quản lý tài chính, tài sản của cơ quan theo quy định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh; 2.21. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.

3. Cơ cầu tổ chức và biên chế

3.1. Ban Dân tộc (quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Nghị định số 53/2004/NĐ-CP):

3.1.1. Lãnh đạo Ban:

- Ban Dân tộc có Trưởng ban và không quá 2 Phó Trưởng ban. Trưởng ban là người đứng đầu Ban, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ các hoạt động của Ban Dân tộc.

- Phó Trưởng ban là người giúp Trưởng ban phụ trách lĩnh vực công tác do Trưởng ban phân công; chịu trách nhiệm trước Trưởng ban và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được giao.

3.1.2. Cơ cấu tổ chức bao gồm:

- Văn phòng;

- Thanh tra;

- Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ;

- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm của công tác dân tộc ở địa phương, Trưởng ban Ban Dân tộc phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cụ thể tên gọi và số lượng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ để bao quát các lĩnh vực của công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh theo hướng cải cách hành chính, tinh gọn và thiết thực. Số lượng phòng chuyên môn, nghiệp vụ (không kể văn phòng, thanh tra) không quá 02 phòng.

3.2. Ban Dân tộc (quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 53/2004/NĐ-CP) Ban Dân tộc có Trưởng ban và 1 Phó Trưởng ban. Các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Trưởng ban, Phó trưởng ban thực hiện theo điểm 3.1.1 của Thông tư này.

Ban Dân tộc làm việc theo chế độ chuyên viên kết hợp với chế độ thủ trưởng, không tổ chức thành phòng chuyên môn, nghiệp vụ riêng.

3.3. Sở có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (quy định tại Điểmb, Khoản 2, Điều 2 của Nghị định số 53/2004/NĐ-CP):

Phân công một số Phó Giám đốc phụ trách công tác dân tộc, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở và trướcpháp luật về nhiệm vụ được giao. Sở có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, ngoài một số phòng chuyên môn, nghiệp vụ khác,có phòng chuyên môn thực hiện công tác dân tộc. Tên gọi của phòng do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc và Giám đốc Sở Nội vụ..

3.4. Trưởng Ban, Phó Trưởng ban Dân tộc do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm theo tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc ban hành và theo quy trình của Đảng và Nhà nước về quản lý cán bộ, công chức.

Phó Giám đốc phụ trách công tác dân tộc của Sở có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc phải đảm bảo tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ về công tác dân tộc theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc. Trưởng ban Dân tộc (hoặc Giám đốc Sở cóchức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức trực thuộc (hoặc phòng chuyên môn thực hiện công tác dân tộc).

3.5. Biên chế Căn cứ vào khối lượng, tính chất và đặc điểm cụ thể công tác dân tộc của tỉnh, Trưởng ban Ban Dân tộc (hoặc Giám đốc Sở có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc) và Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định biên chế của Ban Dân tộc hoặc phòng chuyên môn thực hiện công tác dân tộc.

Việc bố trí cán bộ, công chức của Ban phải phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức nhà nước theo quy định củapháp luật về cán bộ, công chức; đồng thời đảm bảo tỷ lệ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số tại chỗ tối thiểu là 25% tổng số biên chế của Ban Dân tộc (quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Nghị định số 53/2004/NĐ-CP) và tối thiểu là 50% tổng số biên chế của Ban Dân tộc (quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 2 của Nghị định số 53/2004/NĐ-CP) và củaphòng chuyên môn thực hiện công tác dân tộc (thuộc Sở có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 2 của Nghị định số 53/2004/NĐ-CP ngày 18/02/2004 của Chính phủ).

II. CƠ QUAN CHUYÊN MÔN GIÚP UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LĨNH VỰC CÔNG TÁC DÂN TỘC

1. Vị trí, chức năng

1.1. Cơ quan chuyên môn làm công tác dân tộc thuộc Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) được kiện toàn theo quy định tại Khoản 3, Điều 2 của Nghị định số 53/2004/NĐ-CP của Chính phủ bao gồm 3 loại hình tổ chức như sau:

- Phòng Dân tộc;

- Phòng chuyên môn quản lý đa ngành, đa lĩnh vực trong đó có công tác dân tộc (sau đây gọi là phòng có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc);

- Bộ phận chuyên trách làm công tác dân tộc thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.

1.2. Phòng Dân tộc hoặc phòng có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc là cơ quan chuyên môn, tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân huyện quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn huyện.

1.3. Phòng Dân tộc hoặc phòng có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc chịu sự quản lý toàn diện, trực tiếp của Uỷ ban nhân dân huyện đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Dân tộc.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn

2.1. Trình Uỷ ban nhân dân huyện ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác dân tộc trên địa bàn và tổ chức, triển khai thực hiện theo các văn bản đó sau khi được phê duyệt;

2.2. Trình Uỷ ban nhân dân huyện kế hoạch công tác dài hạn và hàng năm về công tác dân tộc; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác sau khi được phê duyệt;.

2.3. Giúp Uỷ ban nhân dân huyện trong việc tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc, các dự án, chương trình phát triển kinh tế -xã hội đối với đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện; công tác định canh, định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số;

2.4. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện vàcác đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách và vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và các quy định của pháp luật.

2.5. Giúp Uỷ ban nhân dân huyện giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan tới dân tộc theo quy định của pháp luật. 2.6. Giúp Uỷ ban nhân dân huyện hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác dân tộc;

2.7. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo, thống kê về đánh giá tình hình và kết quả thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn với Uỷ ban nhân dân huyện và Ban Dân tộc tỉnh;

2.8. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân huyện.

3. Cơ cấu tổ chức và biên chế:

3.1. Căn cứ khối lượng, tính chất và đặc điểm cụ thể công tác dân tộc tại địa phương, ủy ban tỉnh quyết định hình thức tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân huyện quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc theo quy định của Nghị định số 53/2004/NĐ-CP.

3.2. Biên chế của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc cấp huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện quyết định trong số tổng số biên chế hành chính của huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao; trong đó tỷ lệ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số tại chỗ tối thiểu là 50% tổng số biên chế của phòng dân tộc, phòng chuyên môn có chức năng quản lý công tác dân tộc và tối thiểu là 75% tổng số biên chế của bộ phận chuyên trách công tác dân tộc trong Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện.

III. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN (SAU ĐÂY GỌI CHUNG LÀ XÃ):

Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Uỷ ban nhân dân xã về công tác dân tộc theo quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN  

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư liên tịch số771/TTLT-UBDTMN-BTCCBCP ngày 20/10/1998 của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ. 2. Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào quy định tại Nghị định số 53/2004/NĐ-CP và Thông tư này xây dựng đề án kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc của địa phương mình trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định theo các hướng sau đây:

2.1. Đối với các tỉnh có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2, Điều 2 của Nghị định số 53/2004/NĐ- CP mà chưa thành lập cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc cấp tỉnh thì thành lập Ban Dân tộc.

2.2. Các tỉnh đã có Ban Dân tộc hoặc Ban Dân tộc và Miền núi thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh thì giữ nguyên tổ chức và thống nhất tên gọi là Ban Dân tộc, đồng thời tăng cường chất lượng, cơ cấu cán bộ theo hướng dẫn của Thông tư này.

2.3. Các tỉnh có Ban Dân tộc và Tôn giáo hoặc Ban Tôn giáo và Dân tộc, tiểu ban Dân tộc... thì phân định loại hình tổ chức, củng cố lại tổ chức với tên gọi mới đồng thời tăng cường cán bộ làm công tác dân tộc theo quy định tại Điều 2 của Nghị định số 53/2004/NĐ-CP..3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ thông tư này quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Ban Dân tộc hoặc Sở có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc; hướng dẫn Uỷ ban nhân dân huyện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức và biên chế cơ quan chuyên môn quản lý công tác dân tộc ở huyện và nhiệm vụ quyền hạn quản lý nhà nước về dân tộc của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

4. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề gì phát sinh và khó khăn, vướng mắc, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Uỷ ban Dân tộc và Bộ Nội vụ để xem xét giải quyết./.

Ủy ban dân tộc

Bộ Nội vụ

Bộ trưởng - Chủ nhiệm

Bộ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Ksor Phước

Đỗ Quang Trung