Sign In

Thông tư

Hướng dẫn thi hành Nghị định số 125/2003/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về vận tải đa phương thức quốc tế

Căn cứ qui định tại Khoản 2, Điều 4, Nghị định số 125/2003/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về vận tải đa phương thức quốc tế, sau đây gọi tắt là Nghị định, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thi hành cụ thể một số điểm sau đây :

1 . Điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức (Điều 5, Nghị định)

a/ Doanh nghiệp Việt Nam gồm:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 1999;

- Công ty Nhà nước, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003;

- Các Hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2003;

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là Công ty liên doanh, Công ty 100% vốn nước ngoài hoạt động theo quy định Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2000.

b/ Doanh nghiệp nước ngoài là doanh nghiệp theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 6 Nghị định.

c/ Doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế sau khi đã được Bộ Giao thông vận tải cấp "Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức". Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chỉ được kinh doanh vận tải đa phương thức sau khi đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp "Giấy phép đầu tư" trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đa phương thức.

 

2 . Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức (Điều 6, Nghị định)

a/ Các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài được cấp "Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức" khi có đủ các điều kiện theo qui định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 6 của Nghị định.

b/ Quy định có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp vận tải đa phương thức hoặc có bảo lãnh của ngân hàng, cụ thể như sau :

  - Doanh nghiệp phải có hợp đồng đã mua bảo hiểm nghề nghiệp vận tải đa phương thức với tổ chức bảo hiểm của Việt Nam hoặc tổ chức bảo hiểm của nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam.

  - Doanh nghiệp phải có bảo lãnh của tổ chức ngân hàng Việt Nam hoặc của tổ chức ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam.

3. Thủ tục thẩm định hồ sơ và cấp "Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức" ( Điều 7, Nghị định)

a /  Hồ sơ xin cấp "Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức"

Đối với doanh nghiệp Việt Nam gồm:

- Đơn xin cấp "Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức" phải được người đứng đầu đại diện cho doanh nghiệp đó ký, đóng dấu.

- Về các bản sao hợp lệ gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Bản kê khai tài sản của doanh nghiệp hoặc giấy tờ bảo lãnh tương đương, Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc Giấy bảo lãnh của ngân hàng phải được cơ quan Công chứng nhà nước hay cơ quan, tổ chức cấp các loại giấy tờ đó chứng thực.

- Bản kê khai tài sản của doanh nghiệp phải được cơ quan tài chính quản lý doanh nghiệp xác nhận hay giấy tờ bảo lãnh tương đương phải được  ngân hàng xác nhận.

Đối với doanh nghiệp nước ngoài gồm:

- Đơn xin cấp "Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức" theo mẫu của Bộ Giao thông vận tải.

- Bản sao "Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải đa phương thức" phải được hợp pháp hoá lãnh sự hoặc được cơ quan Đại sứ hoặc Lãnh sự của nước đó tại Việt Nam chứng thực.

Mẫu "Đơn xin cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức" theo Phụ lục 1; mẫu "Đơn xin cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức" theo Phụ lục 2.

b / Thẩm định hồ sơ và cấp phép kinh doanh vận tải đa phương thức cho các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài

- Các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh vận tải đa phương thức phải nộp cho Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải ba bộ hồ sơ. Vụ Vận tải có trách nhiệm kiểm tra và hướng dẫn doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ và ký nhận hồ sơ đã nộp.

- Sau khi nhận đủ các giấy tờ hợp lệ, sau 05 ngày làm việc Vụ Vận tải có trách nhiệm gửi hồ sơ đến các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định.

- Sau 05 ngày làm việc làm việc kể từ ngày nhận được đủ Hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận tải đa phương thức, các Cục quản lý chuyên ngành, các Vụ có liên quan có trách nhiệm tham gia ý kiến bằng văn bản gửi Vụ Vận tải. Hết thời gian quy định, nếu không có ý kiến bằng văn bản thì coi như các Cục, Vụ đồng ý chấp thuận.

           - Sau 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận ý kiến trả lời của cơ quan thẩm định có liên quan, Vụ Vận tải tổng hợp và trình giấy phép lên Bộ trưởng  Bộ Giao thông vận tải. Doanh nghiệp sẽ nhận được Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ. Trong trường hợp không chấp thuận, phải trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp trong vòng 20 ngày và nêu rõ lý do. 

c/ "Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức" có hiệu lực trong 24 tháng, kể từ ngày cấp. Mẫu "Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức" theo Phụ lục 3.

   Các doanh nghiệp được cấp "Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức" phải nộp lệ phí cấp Giấy phép theo quy định của Bộ Tài chính.

4. Về qui định đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ( Khoản 5, Điều 7 ).

Sau khi nhận được hồ sơ về việc xin cấp "Giấy phép đầu tư" trong lĩnh vực kinh doanh vận tải đa phương thức của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi, Vụ Vận tải Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức thẩm định và tổng hợp để trình Bộ Giao thông vận tải trả lời trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 5. Quản lý và thu hồi "Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức" ( Điều 8, Nghị định)

Sau một năm hoạt động (12 tháng) kể từ ngày cấp "Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức", các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đa phương thức phải có báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh vận tải đa phương thức  gửi về Vụ Vận tải - Bộ Giao thông vận tải để theo dõi.

Vụ Vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Vụ, Cục quản lý chuyên ngành có liên quan kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải đa phương thức của các doanh nghiệp. Nếu phát hiện doanh nghiệp kinh doanh vận tải đa phương thức vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 8 của Nghị định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thu hồi "Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức" theo quy định tại Khoản 2, Điều 8 của Nghị định.

6. Đăng ký chứng từ vận tải đa phương thức ( Điều 9, Nghị định)

Vụ Vận tải chứng nhận việc đăng ký mẫu Chứng từ vận tải đa phương thức cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh vận tải đa phương thức trên cơ sở nội dung được qui định tại Điều 12 của Nghị định. Mẫu chứng từ vận tải đa phương thức phải thể hiện được đặc trưng của doanh nghiệp và không được sao chụp nguyên mẫu các chứng từ khác.        

7 . Tổ chức thực hiện

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Những doanh nghiệp đã kinh doanh vận tải đa phương thức phải làm thủ tục để cấp "Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức" trong vòng 30 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những vướng mắc hoặc hiểu chưa thống nhất, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đa phương thức báo cáo Bộ để kịp thời giải quyết./.

Bộ Giao thông vận tải

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Thế Minh