QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức
của Ban Quản lý trung ương dự án Thuỷ lợi
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định 73/CP ngày 01/11/1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban Quản lý trung ương dự án thuỷ lợi (gọi tắt là Ban CPO) thành lập theo quyết định số 162 QĐ/TCCB-LĐ ngày 26/ 02/ 1994 của Bộ Thuỷ lợi ( cũ) là cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao làm chủ dự án các dự án vay vốn phát triển thuỷ lợi của Ngân hàng phát triển Châu A (ADB), Ngân hàng thế giới ( WB) và các tổ chức tài chính quốc tế để điều hành, phối hợp thực hiện dự án theo Hiệp định vay vốn giữa Chính phủ Việt Nam với các tổ chức này và các quy định của Nhà nước.
Điều 2. Ban Quản lý trung ương dự án thuỷ lợi có trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ của chủ đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 14, Điều 33, khoản 3 Điều 61 và các điều có liên quan trong Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/ 7/ 1999 của Chính phủ, được cụ thể hoá như sau:
1. Là đầu mối quan hệ với Ngân hàng phát triển Châu A (ADB), Ngân hàng thế giơí (WB) và các tổ chức tài chính quốc tế để giải quyết thủ tục, tổ chức thực hiện các dự án phát triển thuỷ lợi theo các Hiệp định, thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam với các tổ chức này, phù hợp với quy định về quản lý đầu tư và xây dựng của Nhà nước.
2. Tổng hợp kế hoạch thực hiện dự án hàng năm và định kỳ của từng tiểu dự án (dự án thành phần) do các Ban quản lý tiểu dự án (SPO, SIO) lập phù hợp với các quy định của Nhà nước và của Hiệp định quốc tế, trình Bộ và điều hành thực hiện sau khi được duyệt.
3. Tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn quốc tế, đấu thầu quốc tế mua sắm hàng hoá, xây lắp của dự án theo Hiệp định và quy chế đấu thầu của Nhà nước; ký hợp đồng thực hiện sau khi được bên cho vay chấp thuận và Bộ phê duyệt kết quả đấu thầu; quản lý thực hiện các hợp đồng này. Riêng các gói thầu xây lắp, Ban Quản lý trung ương dự án thuỷ lợi (CPO) uỷ quyền cho các Ban quản lý tiểu dự án (SPO, SIO) ký hợp đồng thực hiện và quản lý theo các quy định hiện hành.
Tổ chức thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật và chương trình đào tạo của các dự án theo Hiệp định.
4. Hướng dẫn các SPO, SIO tổ chức đấu thầu trong nước các gói thầu tư vấn, mua sắm, xây lắp theo trình tự, thủ tục quy định của Hiệp định, quy chế đấu thầu của Nhà nước và triển khai thực hiện kết quả đấu thầu sau khi được Bộ phê duyệt.
5. Tham gia ý kiến với các SPO, SIO trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán theo đúng các quy định của Hiệp định và cùng các đơn vị này trình Bộ xét duyệt.
Hướng dẫn, kiểm tra các SPO, SIO và các đơn vị khác được giao quản lý thực hiện dự án thành phần đảm bảo yêu cầu giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư, bảo vệ môi trường, tiến độ, chất lượng, nghiệm thu, bàn giao và các yêu cầu khác theo quy định của Nhà nước và của bên cho vay.
6. Thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài chính của chủ dự án:
- Làm chủ tài khoản đặc biệt và tài khoản tạm ứng của dự án tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam theo quy định của Hiệp định.
- Giải ngân toàn bộ vốn vay của dự án theo chế độ, quy định của Nhà nước, của ADB, WB và của tổ chức tài chính quốc tế cho vay.
- Quản lý toàn bộ vốn vay của dự án, thực hiện việc thanh quyết toán phần vốn vay cho các chi tiêu của các tiểu dự án theo quy định của Nhà nước và của bên cho vay, trên cơ sở đề nghị của các Ban quản lý tiểu dự án .
- Quản lý và thanh quyết toán phần vốn đối ứng Ban được giao quản lý và thực hiện.
-Tổng hợp quyết toán toàn bộ dự án trên cơ sở quyết toán của từng tiểu dự án do các SPO, SIO và các đơn vị khác được giao quản lý thực hiện dự án thành phần theo quy định của Nhà nước.
7. Thực hiện chế độ báo cáo tình hình thực hiện dự án định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của Bộ, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và của bên cho vay.
Thống nhất phát ngôn về tình hình thực hiện dự án với ADB, WB và bên cho vay.
8. Tổng hợp các phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, cùng với SPO, SIO trình Bộ xét quyết định.
9. Quản lý cán bộ, công chức và tài sản của Ban theo quy định của Nhà nước và của Bộ.
Điều 3. Ban Quản lý trung ương dự án thuỷ lợi là tổ chức sự nghiệp, có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, được tiếp nhận vốn để thanh toán cho các chi tiêu của dự án theo quy định của Nhà nước và của bên cho vay.
Chi phí hoạt động của Ban tính vào kinh phí đầu tư của dự án và được phân bố vào từng tiểu dự án theo quy định hiện hành.
Cán bộ, công chức của Ban được xếp ngạch và xếp lương theo Quyết định số 198/1999/QĐ-TTg ngày 30/ 9/ 1999 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 4. Tổ chức bộ máy Ban quản lý trung ương dự án thuỷ lợi có:
- Phòng Kế hoạch - Tổng hợp.
- Phòng Tổ chức - Hành chính - Quản trị.
- Phòng Tài chính - Kế toán.
- Phòng Tái định cư - Môi trường.
- Các tổ chuyên môn khác, do Giám đốc quyết định.
Điều 5. Căn cứ quyết định này, Giám đốc Ban quản lý trung ương dự án thuỷ lợi ban hành nội quy hoạt động và sắp xếp bố trí cán bộ của Ban theo thẩm quyền.
Các cơ quan chức năng của Bộ có liên quan giúp Bộ quản lý, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Ban Quản lý trung ương dự án thuỷ lợi theo chức năng của mình.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Các quy định trước đây về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban quản lý trung ương dự án thuỷ lợi trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưỏng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ truởng Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị thuộc Bộ có liên quan và Giám đốc Ban Quản lý trung ương dự án Thuỷ lợi chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.