NGHỊ QUYẾT
Phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các tuyến sông
có đê tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Luật Đê điều năm 2006;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP; Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều; Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Hà Tĩnh;
Căn cứ các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2009 về việc phê duyệt định hướng Chiến lược Phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050; Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2012 về việc phê duyệt Quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2012 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhín đến năm 2050;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện quy hoạch;
Sau khi xem xét Tờ trình số 654/TTr-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030; báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế và ngân sách và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030, với các nội dung chính như sau:
1. Phạm vi quy hoạch
Bao gồm các tuyến sông có đê thuộc các hệ thống sông sau đây:
- Hệ thống sông La - Lam (bao gồm: Sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố);
- Hệ thống sông Nghèn (bao gồm: Sông Cày, sông Rào Cái);
- Hệ thống sông Rác (bao gồm: Sông Gia Hội, sông Quèn);
- Hệ thống sông Trí, sông Quyền, sông Vịnh.
2. Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu quy hoạch
2.1. Phương hướng, nhiệm vụ quy hoạch
a) Đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược Quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Quy hoạch thủy lợi khu vực Miền Trung giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và Quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
b) Đáp ứng khả năng phòng, chống lũ, giảm thiểu thiên tai; bảo đảm thoát được lũ thiết kế và lũ lịch sử đã xảy ra của tuyến sông.
c) Làm cơ sở khoa học trong việc tổ chức quản lý, chỉ đạo, điều hành phòng, chống lũ của cấp ủy, chính quyền các cấp và định hướng cho quy hoạch chi tiết chuyên ngành, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, từng bước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
2.2. Mục tiêu quy hoạch
a) Xác định tiêu chuẩn phòng, chống lũ cho hệ thống sông có đê;
b) Xác định mực nước, lưu lượng lũ thiết kế;
c) Xác định mực nước lũ ứng cấp báo động trên sông La - Lam;
d) Xác định phạm vi thoát lũ của các tuyến sông có đê;
đ) Xác định các giải pháp công trình và phi công trình phòng, chống lũ;
e) Xác định những hạng mục chủ yếu và nguồn lực thực hiện quy hoạch từng giai đoạn.
3. Nội dung quy hoạch
3.1. Tiêu chuẩn phòng, chống lũ
a) Hệ thống sông La - Lam:
- Giai đoạn 2015-2020:
+ Sông Ngàn Sâu từ Cẩm Trang đến Linh Cảm và sông Ngàn Phố từ đầu đê Tân Long đến Linh Cảm: Phòng, chống lũ chính vụ tần suất 5%.
+ Sông La - Lam từ Linh Cảm đến Cửa Hội: Phòng, chống lũ chính vụ tần suất 1%.
- Định hướng giai đoạn 2021-2030: Sau khi xây dựng và đưa vào khai thác 04 hồ chứa, với các dung tích phòng lũ: Trại Dơi (Wpl = 60x106m3) và Chúc A (Wpl = 100x106m3), huyện Hương Khê; hồ Đá Gân (Wpl = 80x106m3), huyện Hương Sơn; hồ Thác Muối (Wpl = 245x106m3), tỉnh Nghệ An. Mức bảo đảm chống lũ như sau:
+ Sông Ngàn Sâu từ Cẩm Trang đến Linh Cảm và sông Ngàn Phố từ đầu đê Tân Long đến Linh Cảm: Phòng, chống lũ chính vụ tần suất 2%.
+ Sông La - Lam từ Linh Cảm đến Cửa Hội: Phòng, chống lũ chính vụ tần suất 0,6%.
b) Hệ thống sông Nghèn giai đoạn 2015-2020 và định hướng 2021-2030:
- Bảo vệ thành phố Hà Tĩnh: Phòng, chống lũ chính vụ tần suất 2%.
- Các vùng khác, gồm các huyện: Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà và Cẩm Xuyên: Phòng chống lũ Hè Thu tần suất 10%.
c) Hệ thống sông Rác giai đoạn 2015-2020 và định hướng 2021-2030: Phòng, chống lũ Hè Thu tần suất 10%.
d) Hệ thống sông Trí, sông Quyền và sông Vịnh giai đoạn 2015-2020 và định hướng 2021-2030:
- Vùng bảo vệ Khu kinh tế Vũng Áng (sông Quyền): Phòng, chống lũ chính vụ tần suất 1%.
- Các vùng phụ cận Khu kinh tế Vũng Áng (sông Trí, sông Vịnh): Phòng, chống lũ chính vụ tần suất 5%.
đ) Tiêu chuẩn cho các vùng cửa sông, ven biển:
Đối với vùng Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu và ven biển: tiêu chuẩn chống bão kết hợp với triều cường, căn cứ theo “TCVN 9901:2014 - Công trình thủy lợi - Yêu cầu thiết kế đê biển” và Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh có đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam.
3.2. Mực nước và lưu lượng lũ thiết kế
(Chi tiết có Phụ lục 1 kèm theo).
3.3. Mực nước lũ tương ứng với cấp báo động trên sông La - Lam
(Chi tiết có Phụ lục 2 kèm theo).
3.4. Xác định phạm vi thoát lũ
- Là giới hạn giữa 02 tuyến đê bên Tả và bên Hữu, hoặc giữa tuyến đê với đồi, núi, dãi đất cao phía đối diện.
- Khu vực dân cư và cơ sở hạ tầng hiện có các xã ngoài đê La Giang, huyện Đức Thọ thực hiện phương châm sống chung với lũ và tuân thủ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được phê duyệt không làm cản trở dòng chảy.
4. Các giải pháp kỹ thuật và thứ tự ưu tiên thực hiện Quy hoạch
- Xây dựng và nâng cấp, tu bổ đê điều:
+ Xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống đê đảm bảo tiêu chuẩn phòng, chống lũ; ưu tiên khép kín 02 tuyến đê từ Cầu Đông 2 đến Cầu Đông 1 và cầu Phụ Lão đến cầu Nủi kết nối với tuyến đường tránh đảm bảo chống lũ cho thành phố Hà Tĩnh;
+ Giai đoạn 2021-2030, sau khi đã xây dựng hoàn chỉnh các công trình hồ chứa thượng nguồn, tiến hành xây dựng các tuyến đê Sơn Ninh - Sơn Thịnh (Hương Sơn), Liên Minh - Tùng Châu, Đức Lạng - Đức Hòa (Đức Thọ) để xóa bỏ các khu chậm lũ này.
- Xây dựng, sử dụng hồ chứa thượng nguồn cắt, giảm lũ:
Sử dụng hồ Bản Vẽ trên sông Cả (Wpl = 300 triệu m3); hồ Ngàn Trươi (Wpl = 157 triệu m3) để vận hành, điều tiết cắt, giảm lũ cho hạ du; giai đoạn 2021-2030 tiếp tục xây dựng các hồ chứa thượng nguồn trên lưu vực sông Cả, gồm: Hồ Chúc A (Wpl = 100 triệu m3) và hồ Trại Dơi (Wpl = 60 triệu m3) trên sông Ngàn Sâu; hồ Đá Gân (Wpl = 80 triệu m3) trên sông Ngàn Phố; hồ Thác Muối (Wpl = 245 triệu m3) trên sông Giăng, tỉnh Nghệ An để giảm áp lực ngập lụt hạ du, nâng mức đảm bảo chống lũ cho các tuyến đê và xóa bỏ các khu chậm lũ hạ dụ thuộc xã Sơn Ninh - Sơn Thịnh (huyện Hương Sơn); Đức Lạng - Đức Hòa và Liên Minh - Tùng Châu (huyện Đức Thọ).
- Tăng cường năng lực quan trắc khí tượng thủy văn, vận hành hồ chứa: Củng cố, nâng cấp các trạm khí tượng thủy văn hiện có trên địa bàn tỉnh; xây dựng mới Trạm đo Thủy văn tại La Khê trên sông Ngàn Sâu; xây dựng bản đồ ngập lụt các lưu vực sông; thiết lập các trạm đo mưa tự động và cộng đồng trên các lưu vực sông, hồ chứa trọng điểm; nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo sớm mưa, lũ, ứng dụng khoa học và công nghệ thông tin phục vụ công tác cảnh báo thiên tai; tổ chức xây dựng, rà soát quy trình vận hành hồ chứa; thực hiện vận hành, điều tiết hồ chứa tham gia cắt lũ hiệu quả, đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối và giảm áp lực ngập lụt cho hạ du.
- Xác định cụ thể phạm vi các khu dân cư hiện có ngoài đê La Giang và các khu vực dân cư dự kiến trong phạm vị quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt phù hợp với quy hoạch này; tổ chức cắm mốc chỉ giới giữ nguyên hiện trạng các khu vực dân cư đang sinh sống và khu dân cư quy hoạch ngoài đê La Giang để chống lấn chiếm.
- Trồng và bảo vệ rừng: Tăng cường công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng hiện có 314.754 ha; nâng cao chất lượng rừng trồng, phục hồi và phát triển bền vững hệ thống rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; nâng cao độ che phủ rừng lên 55% vào năm 2020 và trên 55% vào những năm tiếp theo; nâng cao khả năng phòng hộ và điều tiết lũ của rừng đầu nguồn.
- Nạo vét lòng dẫn và làm thông thoáng dòng chảy thoát lũ: Nạo vét các lòng dẫn và làm thông thoáng dòng chảy thoát lũ; xây dựng cống điều tiết tại Bến Mồ trên kênh chính Kẻ Gỗ để điều tiết một phần lũ từ sông Rào Cái sang sông Gia Hội, với lưu lượng tối đa 300 m3/s để giảm áp lực cho thành phố Hà Tĩnh trong thời kỳ lũ chính vụ. Thực hiện xã hội hóa đầu tư trong việc nạo vét lòng dẫn tại các cửa sông để tăng cường thoát lũ ra biển.
- Đầu tư xây dựng các công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, đặc biệt tại các vị trí xung yếu, ưu tiên khu vực dân cư đông đúc và các cơ sở hạ tầng quan rọng theo Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.
- Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch đê điều, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng ở bãi sông phù hợp với quy hoạch này, đảm bảo phạm vi thoát lũ lòng sông tải đủ lưu lượng lũ thiết kế và quản lý việc thực hiện quy hoạch hiệu quả. Đồng thời tổ chức đánh giá thực trạng và tác động của cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu dân cư, đô thị... ảnh hưởng đến thoát lũ trên các lưu vực sông trong các đợt lũ lớn những năm vừa qua để có các giải pháp khắc phục.
- Hỗ trợ di dời dân tại những khu vực nguy hiểm, tại khu vực cản trở dòng chảy thoát lũ; khuyến khích những hộ dân có điều kiện tự di chuyển ra khỏi vùng ngập. Trong đó ưu tiên thực hiện Quyết định số 3029/QĐ-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh, tổ chức di dời, bố trí ổn định chỗ ở cho 2.385 hộ, gồm: Vùng sạt lở bờ sông, sạt lở núi (558 hộ); vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống (317 hộ); vùng thường xuyên ngập lũ (1.510 hộ). Lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư nâng cấp các cơ sở hạ tầng vùng thường bị ngập lụt, vùng chậm lũ, như: Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt; chương trình xây dựng nông thôn mới; nâng cấp cơ sở hạ tầng sống chung với lũ, tạo điều kiện cho người dân sống thích nghi và chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra ác liệt.
- Tổ chức quản lý, hộ đê và phòng, chống lụt, bão: Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ đê điều, bảo vệ các công trình phòng, chống thiên tai. Hàng năm củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, điều hành của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp từ tỉnh, huyện, xã. Quán triệt phương châm “04 tại chỗ”, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và vai trò chủ động của cộng đồng dân cư trong phòng ngừa, ứng phó, hộ đê và khắc phục hậu quả thiên tai.
- Tăng cường năng lực cứu hộ, cứu nạn: Đào tạo, huấn luyện lực lượng; xây dựng kho xưởng và trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các trung tâm tìm kiếm cứu nạn địa bàn trọng điểm thiên tai: huyện Hương Khê, huyện Hương Sơn và thị xã Kỳ Anh, trong đó lấy lực lượng của Ban Chỉ huy Quân sự 03 địa phương trên làm nòng cốt.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Đê điều và Phòng, chống thiên tai. Tiếp tục thực hiện Đề án 1002 “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2009.
5. Nguồn vốn và giải pháp huy động nguồn vốn để tổ chức thực hiện
5.1. Tổng khái toán nguồn kinh phí thực hiện Quy hoạch
Tổng khái toán nguồn kinh phí thực hiện Quy hoạch: 7.600 tỷ đồng (Trong đó: Phân kỳ đầu tư thực hiện Quy hoạch giai đoạn 2016-2020: 4.730 tỷ đồng; Giai đoạn 2021-2030: 2.870 tỷ đồng).
5.2. Nguồn vốn
Ngân sách Trung ương (vốn trái phiếu Chính phủ, vốn Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới); Ngân sách địa phương; Vốn đầu tư huy động xã hội hoá, đóng góp của người dân vùng hưởng lợi và các nguồn vốn hợp pháp khác.
5.3. Giải pháp huy động vốn
Ưu tiên vốn bố trí ngân sách (trung hạn và hàng năm) theo các chương trình nâng cấp đê sông, đê biển, đê cửa sông của Chính phủ; vốn ngân sách tỉnh; có cơ chế đặc thù để khai thác các nguồn vốn từ các dự án khác; huy động vốn từ các nguồn tài trợ, chương trình hợp tác ODA, WB, ADB, JICA, nguồn Trái phiếu Chính phủ…, đặc biệt là xây dựng mô hình phối hợp thực hiện bằng hình thức đóng góp của người dân vùng hưởng lợi và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI, Kỳ họp thứ 15 thông qua./.