Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng

giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh

 

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 4

 

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014;

Căn cứ các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, ngày 28 tháng 9 năm 2015 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng; Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2015 về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; 

Căn cứ Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Thông tư liên tịch số 128/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH, ngày 09 tháng 8 năm 2012 của Bộ Tài chính - Bộ  Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 112/TTLT-BTC-BLĐTBXH;

Căn cứ các thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 20 tháng 10 năm 2015quy định về đào tạo trình độ sơ cấp; Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 20 tháng 10 năm 2015 quy định về đào tạo thường xuyên;Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 28 tháng 12 năm 2016 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ; Thông tư số 44/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2016 hướng dẫn thực hiện chính sách đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù;

Thực hiệnQuyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg; Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;  Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ  tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”;

Sau khi xem xét Tờ trình số 239/TTr-UBND, ngày 03 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2017 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

 

          Điều 1. Mục tiêu chung

          1. Đa dạng hoá ngành, nghề đào tạo gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trên địa bàn tỉnh cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo; hình thành đội ngũ lao động có tay nghề, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 70% vào năm 2020; tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.

          2. Đối với các ngành nghề phi nông nghiệp: Tập trung đào tạo các nghề để phát triển công nghiệp phụ trợ; đào tạo theo vị trí việc làm tại doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các làng nghề; đào tạo nghề tạo điều kiện cho người lao động vào làm việc tại các khu kinh tế, cụm công nghiệp; đào tạo theo định hướng xuất khẩu lao động, các nghề có thể tự tạo việc làm, tổ chức sản xuất tại địa phương, nhất là khu vực nông thôn.

          3. Đối với các ngành nghề nông nghiệp: Đào tạo phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất công nghệ cao và an sinh xã hội nông thôn tại các địa phương; đào tạo gắn với quy hoạch sản phẩm chủ lực, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, với các mô hình sản xuất và kế hoạch xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

 Điều 2. Mục tiêu cụ thể

          1. Giai đoạn 2017 – 2020:Tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 53.570 người. Trong đó:Nhóm nghề công nghiệp - xây dựng 17.142 người, chiếm 32%; nhóm nghề thương mại - dịch vụ 17.678 người, chiếm 33%; nhóm nghề nông - lâm - ngư nghiệp 18.750 người, chiếm 35% (Phụ lục 01).

          2. Sau đào tạo tỷ lệ lao động có việc làm mới hoặc tiếp tục làm việc cũ nhưng có thu nhập cao hơn đạt từ 75 - 80%.

Điều 3. Đối tượng

          1. Lao động có độ tuổi từ 15 tuổi đến 60 tuổi đối với nam, từ 15 tuổi đến 55 tuổi đối với nữ; có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, bao gồm:

          a) Người lao động là phụ nữ; người khuyết tật;

          b) Người lao động có hộ khẩu thường trú tại các xã, phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc người thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp, đất kinh doanh bị thu hồi;

          c) Người lao động thuộc các hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt;

          d) Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tìnhnguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tham gia học nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ, nhiệm vụ (sau đây gọi tắt là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ);

          đ) Người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng, chưa được xoá án tích (sau đây gọi tắt là người chấp hành xong án phạt tù).

          2. Ưu tiên đào tạo nghề cho lao động là người khuyết tật; người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; lao động nữ bị mất việc làm; ngư dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển.

 Điều 4. Ngành nghề và định mức chi phí đào tạo

          1. Theo danh mục đính kèm (Phụ lục 02).

          2. Trường hợp có phát sinh các nghề mới cần phải bổ sung vào danh mục, Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định phù hợp nhu cầu của người lao động và tình hình thực tế hàng năm của tỉnh.

 Điều 5. Trình độ đào tạo

          1. Đào tạo sơ cấp:

          a)Được thực hiện từ 03 tháng đến dưới 01 năm học; khối lượng kiến thức, kỹ năng tối thiểu là 03 mô - đun đào tạo, với thời gian thực học tối thiểu là 300 giờ,trong đó thời gian thực hành, thực tập tối thiểu chiếm từ 70% thời gian thực học;

          b) Yêu cầu về kiến thức: Hiểu biết và có kiến thức cơ bản về các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với từng công việc của nghề; hiểu biết và có kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động đối với công việc, vị trí làm việc và nơi làm việc; áp dụng được một số kiến thức nhất định khi thực hiện công việc và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn;

          c) Yêu cầu về kỹ năng: Làm được các công việc đơn giản hoặc công việc có tính lặp lại của một nghề và các kỹ năng cần thiết khác tương thích với nghề; có khả năng tiếp nhận, ghi chép và chuyển thông tin theo yêu cầu; biết được yêu cầu, tiêu chuẩn, kết quả đối với công việc ở các vị trí làm việc xung quanh hoặc công việc có liên quan; chịu trách nhiệm đối với kết quả công việc, sản phẩm của mình.

          2. Đào tạo dưới 03 tháng:

          Có thời gian khóa học (từ khi khai giảng đến khi bế giảng) dưới 03 tháng; thời gian thực học từ 100 giờ đến dưới 300 giờ trong đó thời gian thực hành, thực tập tối thiểu chiếm từ 80% thời gian thực học; nhằm trang bị cho học viên năng lực thực hành một nghề đơn giản hoặc năng lực thực hành một số công việc của một nghề hoặc năng lực thực hành theo yêu cầu của vị trí làm việc.

Điều 6. Hình thức đào tạo

          a) Đối với các nghề phi nông nghiệp:Có thể theo các khoá học tập trung toàn bộ thời gian (đào tạo chính quy) do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc các doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thực hiện.

b) Đối với các nghề nông nghiệp:Đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học (đào tạo thường xuyên); tổ chức đào tạo trên thực địa, tại các vườn, ruộng, ao, chuồng, trang trại sản xuất; thời gian đào tạo phù hợp với nhu cầu, điều kiện, tập quán sản xuất của người lao động, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và chu trình sinh trưởng của vật nuôi, cây trồng trên địa bàn.

Điều 7. Các cơ sở tham gia đào tạo

           Các trường cao đẳng; trường trung cấp; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; các doanh nghiệp, đơn vị có đủ điều kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

          Điều 8. Mức kinh phí hỗ trợ đào tạo

          1. Mức kinh phí hỗ trợ đào tạo:

a) Người khuyết tật; người lao động thuộc các hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt (Đối tượng 1): Mức tối đa 06 triệu đồng/người/khóa học.

          b)Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (Đối tượng 2): Mức tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học.

          c) Người dân tộc thiểu số; người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; lao động nữ bị mất việc làm; ngư dân (Đối tượng 3): Mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học.

          d) Người thuộc hộ cận nghèo (Đối tượng 4): Mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học.

          đ) Người học là phụ nữ; người chấp hành xong án phạt tù; lao động nông thôn không thuộc các đối tượng nêu trên (Đối tượng 5): Mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học.

          e) Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ (Đối tượng 6): Mức tối đa 14,520 triệu đồng/người/khóa học (theo mức hỗ trợ ghi trong thẻ đào tạo nghề, có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm tính toán).

2. Trường hợp người học đồng thời thuộc các đối tượng ưu tiên chỉ được hưởng một mức hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất.

          3. Mức hỗ trợ chi phí đào tạo cụ thể cho từng nghề theo danh mục đính kèm (Phụ lục 02). Đối với các nghề chưa có tên trong danh mục, thực hiện theo mức hỗ trợ của nghề trong cùng lĩnh vực, có đặc điểm tương đương và cùng một thời gian đào tạo.

          4. Trường hợp mức hỗ trợ chi phí đào tạo thấp hơn định mức chi phí đào tạo, cơ sở đào tạo huy động kinh phí đóng góp của người học,hỗ trợ của doanh nghiệp và nguồn tài trợ hợp pháp khác để bảo đảm chi phí đào tạo.

5. Người lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách này. Trường hợp đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo theo chính sách này. Riêng những người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm theo chính sách này nhưng tối đa không quá 03 lần.

Điều 9. Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại

          1. Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ; người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; lao động thuộc các hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển; lao động nữ bị mất việc làm; người chấp hành xong án phạt tù, được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học và hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.

          2. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 05km trở lên.

 Điều 10. Hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp

          1 Giáo viên tham gia đào tạo nghề, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp thường xuyên phải đến các xã đặc biệt khó khăn và biên giới theo Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ để đào tạo nghề từ 15 ngày trở lên/01 tháng được phụ cấp 0,2 lần so với mức lương cơ sở.

          2. Giáo viên dạy thực hành các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, được hưởng phụ cấp theo quy định tại Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ.

Điều 11. Kinh phí thực hiện

          1. Tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo là172.441,830 triệu đồng. Trong đó:

a) Ngân sách trung ương từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 42.800 triệu đồng;

b) Ngân sách trung ương thực hiện Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” 54.000 triệu đồng(thực hiện từ năm 2017 đến năm 2018);

c) Ngân sách trung ương thực hiện các chính sách khác4.825,902triệu đồng;

d) Ngân sách tỉnh15.000.000 triệu đồng; ngân sách cấp huyện3.621,278 triệu đồng;

đ) Nguồn huy động xã hội hoá và lồng ghép từ các chương trình, dự án khác: 52.194.650 triệu đồng(Phụ lục 03, 04).     

2. Bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo quy định tại Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ.

          Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.Trong quá trình thực hiện, nếu có thay đổi Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi quyết định.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 15 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2017./.

HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Đình Sơn