Sign In

NGHỊ QUYẾT

Một số chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025

 

 

HỘI ÐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH

KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 11

         

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015; Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019; Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 về khuyến công; số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ; số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; số 66/2020/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ; số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Thông tư số 28/2018/TT-BTC ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công; Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ;

Thực hiện Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 8/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét Tờ trình số 493/TTr-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết một số chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025; Báo cáo thẩm tra số 549/BC-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

 

QUYẾT NGHỊ:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bao gồm chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và chính sách khuyến công.

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng

1. Trong cùng một nội dung hỗ trợ nhưng ở nhiều chính sách khác nhau, các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện được hưởng nhiều mức ưu đãi, hỗ trợ khác nhau thì được lựa chọn áp dụng một mức ưu đãi, hỗ trợ cao nhất.

2. Các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ sử dụng vốn ngân sách nhà nước đúng mục đích, đúng chế độ và phát huy hiệu quả, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện việc đầu tư và thanh toán, quyết toán vốn đã sử dụng theo quy định hiện hành.

 Điều 3. Nguồn kinh phí

1. Ngân sách tỉnh bao gồm vốn đầu tư công, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và sự nghiệp ngành công thương.

2. Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước.

3. Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Lập, phân bổ, chấp hành dự toán, công tác hạch toán, quyết toán kinh phí

1. Chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp

Thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản quy định hiện hành.

2. Chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ

Thực hiện theo quy định tại Điều 14, 15, 16 Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

3. Chính sách khuyến công

Thực hiện theo quy định tại Điều 10, khoản b Điều 11, Điều 12, Điều 13 Thông tư số 28/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công.

 

 

Chương II

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP

Điều 5. Đối tượng hỗ trợ

1. Chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã được được giao làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo hình thức xã hội hóa (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng).

Điều 6. Điều kiện hỗ trợ

1. Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện được giao làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp

a) Cụm công nghiệp được thành lập, mở rộng theo quy định của pháp luật;

b) Đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương đầu tư; phê duyệt quy hoạch chi tiết; phê duyệt dự án, thiết kế - dự toán;

c) Các điều kiện khác theo Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng.

2. Đối với Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp

a) Cụm công nghiệp được thành lập, mở rộng theo quy định của pháp luật;

b) Đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; phê duyệt quy hoạch chi tiết; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường;

c) Đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng (nếu có) hoặc được Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận có tỷ lệ lấp đầy cụm nghiệp do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng đạt từ 30% trở lên.

Điều 7. Nội dung và mức hỗ trợ

1. Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông, đường gom và hệ thống thu gom, thoát nước, cấp nước kết nối từ bên ngoài đến ranh giới cụm công nghiệp.

2. Cụm công nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp huyện làm chủ đầu tư, được bố trí ngân sách để hoàn thiện hạ tầng đồng bộ theo dự án được duyệt, trong đó ưu tiên đầu tư hoàn thành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

3. Cụm công nghiệp do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng theo giai đoạn đã được phân kỳ đầu tư hoặc toàn bộ dự án, được hỗ trợ 0,5 tỷ đồng/ha, nhưng không quá 20 tỷ đồng/cụm công nghiệp đối với các cụm công nghiệp đầu tư ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (gồm địa bàn các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Lộc Hà, Kỳ Anh); không quá 10 tỷ đồng/cụm công nghiệp đối với các cụm công nghiệp đầu tư ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (gồm các địa bàn huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc và thị xã Kỳ Anh (trừ Khu kinh tế Vũng Áng)).

Điều 8. Quy trình thực hiện

1. Năm lập dự toán: Chủ đầu tư đề xuất danh mục hỗ trợ kèm khái toán, quy mô công trình, dự án gửi Sở Công Thương tổng hợp.

2. Năm thực hiện:

a) Chủ đầu tư đề nghị hỗ trợ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 02 bộ hồ sơ theo quy định về Sở Công Thương (qua Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh);

b) Căn cứ vào hồ sơ đề nghị hỗ trợ chính sách, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan kiểm tra đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ, tổng hợp đề xuất gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Tài chính;

c) Trên cơ sở đề xuất của Sở Công Thương, Sở Tài chính chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan soát xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định;

d) Sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ đầu tư làm tờ trình đề nghị cấp phát kinh phí hỗ trợ (cung cấp các thông tin về số tài khoản, mã quan hệ ngân sách) gửi đến Sở Tài chính (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện). Sở Tài chính thực hiện cấp phát theo đúng chế độ quy định. 

Điều 9. Hồ sơ

1. Đối với khoản 1, khoản 2 Điều 7

a) Tờ trình đề nghị hỗ trợ (Mẫu 1 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị quyết này);

b) Bản sao Nghị quyết chủ trương đầu tư; quyết định phê duyệt dự án của cơ quan có thẩm quyền; quyết định phê duyệt thiết kế - dự toán; quyết định thành lập cụm công nghiệp.

2. Đối với khoản 3 Điều 7

a) Tờ trình đề nghị hỗ trợ (Mẫu 1 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị quyết này);

b) Bản sao: Giấy đăng ký doanh nghiệp; quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cụm công nghiệp; quyết định phê duyệt dự án đầu tư; quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; phê duyệt báo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường; quyết định cho thuê đất; hợp đồng thuê đất của cơ quan có thẩm quyền;

c) Biên bản nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng (toàn bộ công trình hoặc giai đoạn) hoặc thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng của cơ quan có thẩm quyền (nếu có) kèm báo cáo quyết toán công trình;

d) Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận có tỷ lệ lấp đầy cụm nghiệp do doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng đạt từ 30% trở lên;

đ) Báo cáo tình hình được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp trong thời gian qua.

 

Chương III

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ

Điều 10. Đối tượng hỗ trợ

1. Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đóng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức, cá nhân khác liên quan tới quản lý, hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 11. Điều kiện hỗ trợ

1. Thực hiện theo Điều 5, Thông tư số 29/2018/TT-BTC ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Dự án được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.

3. Dự án được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

4. Đối với hỗ trợ chuyển giao công nghệ:

a) Công nghệ chuyển giao phải thuộc Danh mục khuyến khích chuyển giao theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ;

b) Dự án phải có hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ còn hiệu lực (nếu thuộc đối tượng phải đăng ký chuyển giao công nghệ).

5. Đối với hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Có hợp đồng đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước hoặc quốc tế về chuyên ngành quản lý, kỹ thuật theo từng cấp độ (công nhân kỹ thuật, trung cấp nghề, đại học và sau đại học) trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Điều 12. Nội dung và mức hỗ trợ

1. Hỗ trợ 50% kinh phí hợp đồng chuyển giao công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị mới; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nằm trong danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, tối đa 03 tỷ đồng/doanh nghiệp.

2. Hỗ trợ 70% chi phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tối đa 6 triệu đồng/người/01 lần duy nhất, không quá 100 người/doanh nghiệp/năm.

3. Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, đăng ký thương hiệu

a) Hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Mức hỗ trợ tối đa 70% nhưng không quá 50 triệu đồng/thương hiệu;

b) Tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ trên báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm và các hình thức phổ biến thông tin khác. Mức hỗ trợ tối đa 70% nhưng không quá 70 triệu đồng/1 chuyên đề tuyên truyền.

4. Chi khảo sát, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo (bao gồm cả các sản phẩm cơ khí trọng điểm), công nghiệp công nghệ cao, mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/01 đợt.

Điều 13. Quy trình thực hiện

1. Khoản 1, khoản 2 Điều 12:

a) Các đối tượng đề nghị hỗ trợ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 02 bộ hồ sơ theo quy định về Sở Công Thương (qua Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh);

b) Căn cứ vào hồ sơ đề nghị hỗ trợ chính sách, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan kiểm tra đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cụ thể trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định;

c) Sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, các đối tượng được hỗ trợ làm tờ trình đề nghị cấp phát kinh phí hỗ trợ (cung cấp các thông tin về số tài khoản, mã quan hệ ngân sách) gửi đến Sở Tài chính (gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện). Sở Tài chính thực hiện cấp phát theo đúng chế độ quy định sau khi nhận được Tờ trình của đơn vị thụ hưởng và hồ sơ do Sở Công Thương cung cấp.

2. Khoản 3, khoản 4 Điều 12:

a) Hàng năm, Sở Công Thương xây dựng dự toán kinh phí để tổng hợp vào dự toán ngân sách của Sở Công Thương, gửi Sở Tài chính để tổng hợp vào dự toán ngân sách trình Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định hiện hành;

b) Căn cứ dự toán được giao, sau khi thống nhất với Sở Tài chính, Sở Công Thương thực hiện phân bổ kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ trong dự toán thu, chi ngân sách nhà nước của Sở Công Thương.

Điều 14. Hồ sơ

1. Đối với khoản 1 Điều 12

a) Tờ trình đề nghị hỗ trợ (Mẫu 1 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị quyết này);

b) Hợp đồng, biên bản nghiệm thu thanh lý hợp đồng chuyển giao công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị mới; catalogue, tài liệu liên quan thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị mới (nếu có); giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (nếu thuộc đối tượng phải đăng ký chuyển giao công nghệ) và các hóa đơn, chứng từ có liên quan;

c) Các văn bản thể hiện nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 11.

2. Đối với khoản 2 Điều 12

a) Tờ trình đề nghị hỗ trợ;

b) Hồ sơ tài chính chứng minh (hợp đồng đào tạo nghề, thanh lý hợp đồng, hóa đơn);

c) Bản sao quyết định công nhận hoàn thành khoá đào tạo kèm theo danh sách người lao động của cơ sở đã đào tạo.

 Các văn bản thể hiện nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 11.

3. Đối với khoản 3 Điều 12:

a)  Hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, đăng ký thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ:

- Tờ trình đề nghị hỗ trợ (Mẫu 1 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị quyết này);

- Hợp đồng, thanh lý hợp đồng và hóa đơn tài chính;

- Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về nhãn hiệu sản phẩm; mã số mã vạch theo quy định;

b) Tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ

- Tờ trình đề nghị hỗ trợ (Mẫu 1 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị quyết này);

- Hợp đồng, thanh lý hợp đồng và hóa đơn tài chính;

- Lịch phát sóng hoặc số báo giấy, báo điện tử kèm theo;

- Hình ảnh chứng minh đơn vị đã thực hiện tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng (Ảnh chụp của Website thực hiện tuyên truyền, quảng bá, hoặc cung cấp đoạn phim đã quảng bá; hình ảnh, tin, bài đã đăng trong các báo, tạp chí.

4. Khoản 4 Điều 12:

a) Kế hoạch khảo sát, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

b) Chi văn phòng phẩm, điện thoại, bưu chính, điện nước theo hóa đơn cụ thể; làm thêm giờ, công tác phí… theo quy định tại Nghị quyết 70/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.

 

Chương IV

CHÍNH SÁCH KHUYẾN CÔNG

Điều 15. Đối tượng hỗ trợ

Thực hiện theo khoản 2 Điều 1 Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công.

Điều 16. Điều kiện hỗ trợ

Thực hiện theo Điều 5 Thông tư số 28/2018/TT-BTC ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính.

Điều 17. Nội dung và mức hỗ trợ

1. Nội dung và mức chi chung cho hoạt động khuyến công địa phương được áp dụng theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư số 28/2018/TT-BTC ngày 28/3/2018 của Bộ Tài Chính.

2. Nội dung chi và mức chi cụ thể hoạt động khuyến công địa phương

a) Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn:

- Hỗ trợ 30% chi phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, nhưng không quá 500 triệu đồng/mô hình;

- Mô hình của các cơ sở công nghiệp nông thôn đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức, cá nhân khác học tập, bao gồm các chi phí: Hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ; hoàn thiện quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/mô hình;

b) Chi hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp; bao gồm các chi phí: Thay thế nguyên, nhiên, vật liệu; đổi mới máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ; đào tạo nâng cao năng lực quản lý; đào tạo nâng cao trình độ tay nghề công nhân; tiêu thụ sản phẩm; hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí nhưng không quá 400 triệu đồng/mô hình;

c) Chi hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp;

Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở. Trường hợp chi hỗ trợ dây chuyền công nghệ thì mức hỗ trợ tối đa không quá 1,5 lần mức hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp;

d) Hỗ trợ tổ chức bình chọn, cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và tham gia bình chọn cấp khu vực, cấp quốc gia:

- Hỗ trợ 100% chi phí tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, nhưng không quá 200 triệu đồng/lần;

- Chi thưởng cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh không quá 05 triệu đồng/sản phẩm;

- Hỗ trợ 100% chi phí tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực, cấp quốc gia nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/lần;

- Hỗ trợ 100% chi phí thiết kế, in ấn tem nhãn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/lần.

đ) Chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Mức hỗ trợ tối đa không quá 35 triệu đồng/nhãn hiệu;

e) Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn lập báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, nhưng không quá 50 triệu đồng/cụm công nghiệp;

f) Hỗ trợ 30% chi phí thành lập hội, hiệp hội ngành nghề cấp tỉnh nhưng tối đa 50 triệu đồng/hội, hiệp hội cấp tỉnh;

g) Chi hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở công nghiệp nông thôn. Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở;

h) Hỗ trợ 50% chi phí lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, nhưng không quá 400 triệu đồng/cụm công nghiệp;

i) Chi quản lý chương trình đề án khuyến công:

- Cơ quan quản lý kinh phí khuyến công được sử dụng tối đa 1,5% kinh phí khuyến công do cơ quan có thẩm quyền giao hàng năm để hỗ trợ xây dựng các chương trình, đề án, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu;

- Đối với tổ chức thực hiện hoạt động dịch vụ khuyến công địa phương chi cho công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, chi khác (nếu có): Đơn vị triển khai thực hiện đề án khuyến công được chi tối đa 3% dự toán đề án khuyến công (riêng đề án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, huyện nghèo theo quy định của Chính phủ được chi không quá 4%).

Điều 18. Quy trình, hồ sơ

Chi tiết tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

 

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Điều khoản thi hành

1. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 86/2018/NQ-HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

2. Trong quá trình thực hiện, các văn bản được viện dẫn để áp dụng tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó theo đúng quy định.

Điều 20. Quy định chuyển tiếp

Các nội dung, đối tượng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực hiện đang triển khai thực hiện thì tiếp tục được hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết số 86/2018/NQ-HĐND.

Điều 21. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 27 tháng 12 năm 2022./.

 

 

 

HĐND tỉnh Hà Tĩnh

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Hoàng Trung Dũng