Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 – 2015

__________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản pháp luật ngày 3/12/2004;

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 19/5/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 122/2010/NQ-HĐND ngày 30/7/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh, về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2010 - 2015;

Theo đề nghị của Giám đốc các Sở Tài chính (Văn bản số 1175/STC-NS ngày 11/7/2011), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn bản số 928/SNN-KHTC ngày 31/3/2011) và các sở, ngành có liên quan, kèm theo Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 593/BC-STP ngày 08/7/2011;

Sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, tại Văn bản số 178/HĐND ngày 08/8/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành, bãi bỏ Quyết định 252/QĐ-UBND ngày 20/01/2006 của UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi - thú y, Quyết định 2956/QĐ-UBND ngày 15/12/2006 của UBND tỉnh ban hành tiêu chí và chính sách hỗ trợ phát triển vùng trang trại chăn nuôi thâm canh tập trung, Quyết định 77/2005/QĐ-UBND ngày 7/9/2005 của UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 2005 - 2010, Quyết định 2336/2004/QĐ/UB-NL1 ngày 20/12/2004 của UBND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác và hợp tác xã giai đoạn 2005 - 2010.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH

Võ Kim Cự

 

QUY ĐỊNH

Một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015

 (Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 09/8/2011 của UBND tỉnh Hà Tĩnh)

__________________

Chương I

 NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh và giải thích từ ngữ

1. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (gọi chung là người sản xuất) trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Phạm vi điều chỉnh: Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh. Các nội dung quy định tại chính sách này, nếu có văn bản khác của cấp có thẩm quyền cùng điều chỉnh thì đối tượng áp dụng chỉ được hưởng mức cao nhất của một trong các chính sách hiện hành.

3. Giải thích từ ngữ:

a) “Giống mới” tại Quy định này được hiểu là giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản được cơ quan có thẩm quyền công nhận giống lần đầu du nhập vào địa bàn Hà Tĩnh.

b) “Công nghệ cao” tại Quy định này được hiểu là những công nghệ tiên tiến được công nhận ở cấp quốc gia, cấp tỉnh, lần đầu áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

c) “Khu sản xuất công nghệ cao” tại quy định này được hiểu là Khu sản xuất các sản phẩm áp dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm có năng suất vượt trội, chất lượng, hiệu quả cao (giá trị gia tăng cao hơn hiện tại ít nhất 1,5 lần), đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo quy định của pháp luật.

d) “VietGAP” là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Hàng năm ngân sách tỉnh bố trí đảm bảo cho thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn (đối với phần ngân sách tỉnh đảm bảo).

2. Ngân sách huyện, thành phố, thị xã (gọi chung là ngân sách huyện) cân đối bố trí từ nguồn sự nghiệp kinh tế, tăng thu ngân sách và các nguồn khác đảm bảo mức 10% trên tổng nhu cầu thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn hàng năm của tỉnh.

3. Ngân sách các xã, phường, thị trấn cân đối bố trí ngân sách đảm bảo mức 5% tổng nhu cầu thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

4. Lồng ghép các nguồn vốn (Quy hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn kinh phí sự nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí phát triển kinh tế tập thể, các dự án đầu tư và các nguồn hợp pháp khác) để thực hiện.

Chương II

  NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Phần I. NHỮNG CHÍNH SÁCH CHUNG

Điều 3. Về quy hoạch

Ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí lập quy hoạch chi tiết các khu sản xuất công nghệ cao, tối đa không quá 200 triệu đồng/khu.

Điều 4. Về đất đai, mặt nước

1. Đối với các cơ sở chế biến (nông sản, chăn nuôi, lâm sản xuất khẩu, thủy sản và muối), cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, xây dựng khu công nghệ cao, sản xuất giống được giao hoặc cho thuê đất (kể cả diện tích để xây dựng văn phòng làm việc) với thời hạn tối thiểu 20 năm, tối đa theo Điều 67 Luật Đất đai năm 2003.

2. Người sản xuất tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa đạt tiêu chí trang trại được ngân sách hỗ trợ kinh phí xây dựng bờ vùng, bờ thửa mức 5 triệu đồng/ha.

Điều 5. Về đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào

Đối với các cơ sở chế biến, làng nghề, khu sản xuất công nghệ cao, nuôi tôm trên cát, vùng sản xuất giống, vùng chăn nuôi lợn tập trung (gọi tắt là cơ sở) doanh thu tối thiểu 5 tỷ đồng/năm (theo dự án hoặc phương án được duyệt), được ngân sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào như sau:

a) Đường giao thông: Được ưu tiên lồng ghép các dự án đường giao thông, nếu người sản xuất tự bỏ vốn đầu tư được hỗ trợ 50% kinh phí nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/cơ sở;

b) Đường điện: Được ưu tiên lồng ghép các dự án đường điện 3 pha vào khu sản xuất; trường hợp người sản xuất tự bỏ vốn đầu tư xây dựng được hỗ trợ 50% kinh phí nhưng không quá 120 triệu đồng/cơ sở.

c) Nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt: Được ưu tiên lồng ghép các dự án đầu tư; trường hợp người sản xuất tự bỏ vốn đầu tư xây dựng được hỗ trợ 50% kinh phí nhưng tối đa 30 triệu đồng/cơ sở.

d) Hệ thống công trình xử lý môi trường: Được ngân sách hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/cơ sở.

Tổng kinh phí hỗ trợ tại các điểm a, b, c, d không quá 500 triệu đồng/cơ sở và với điều kiện có quyết toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 6. Về khoa học công nghệ

Người sản xuất ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất thành công được ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí thuê chuyên gia, 100% kinh phí mua tài liệu hướng dẫn và một phần kinh phí chuyển giao nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 50% giá chuyển giao của 1 công nghệ và không quá 150 triệu đồng/1 công nghệ.

Điều 7. Về củng cố và phát triển các loại hình tổ chức sản xuất

1. Hỗ trợ thành lập mới.

a) Hợp tác xã (HTX): HTX thành lập mới được ngân sách hỗ trợ 1 lần với số kinh phí 20 triệu đồng/HTX.

b) Tổ hợp tác (chỉ điều chỉnh đối với lĩnh vực thủy sản): Tổ hợp tác thành lập mới được ngân sách hỗ trợ 1 lần kinh phí thành lập, với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/Tổ hợp tác.

c) Hiệp hội kinh tế ngành hàng, khi thành lập mới được hỗ trợ 1 lần kinh phí thành lập, mức 15 triệu đồng/hiệp hội.

2. Các HTX chưa chuyển đổi khi chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX năm 2003 được hỗ trợ 15 triệu đồng.

3. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn cán bộ HTX.

a) Các thành viên Ban quản trị, Ban kiểm soát, kế toán, cán bộ chuyên môn kỹ thuật, cán bộ kinh doanh 2 năm được đào tạo, tập huấn ngắn hạn 1 lần, mức hỗ trợ theo quy định hiện hành của nhà nước.

b) Hỗ trợ 100% học phí đào tạo nâng cao trình độ cho các chức danh Ban quản trị, Ban kiểm soát, kế toán trưởng, cán bộ làm công tác chuyên môn nghiệp vụ đương nhiệm. Các đối tượng được quy định tại khoản này có cam kết bằng văn bản làm việc cho hợp tác xã ít nhất 5 năm sau khi tốt nghiệp, trường hợp không thực hiện đúng cam kết thì phải bồi thường toàn bộ kinh phí đã được hỗ trợ.

4. Hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại

a) Ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí lập hồ sơ (đo vẽ bản đồ địa chính, phí lệ phí) để cấp giấy chứng nhận trang trại nhưng tối đa không quá 3 triệu đồng/trang trại. Trang trại đã được cấp “Chứng nhận trang trại” được hỗ trợ kinh phí phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm (lùn sọc đen đối với lúa, ngô; lở mồm long móng đối với gia súc; tai xanh đối với lợn; H5N1 đối với gia cầm; đốm trắng, taura đối với tôm) khi có nguy cơ phát dịch cao, mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/trang trại.

b) Hỗ trợ 100% kinh phí để tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho nông dân, các chủ trang trại theo các chương trình được cấp thẩm quyền phê duyệt.

5. Hỗ trợ xây dựng mô hình mẫu vườn hộ

Các xã điểm xây dựng nông thôn mới chỉ đạo đến năm 2013 (13 xã) và 2015 (48 xã) hoàn thành 19/19 tiêu chí được ngân sách hỗ trợ kinh phí để xây dựng mỗi xã 5 mô hình mẫu phát triển kinh tế vườn hộ (vườn mẫu có diện tích tối thiểu 2.000 m2, hộ gia đình có phương án gửi phòng chuyên môn huyện, thành phố, thị xã cho ý kiến và được UBND xã phê duyệt), mức hỗ trợ 10 triệu đồng/vườn.

6. Hỗ trợ tổ chức kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

a) Các tổ chức kinh tế có Dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được hưởng các chính sách quy định tại Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 30/2007/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2007 của UBND tỉnh Hà Tĩnh Quy định một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2007 Quy định một số Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào Khu Kinh tế Vũng Áng và các Khu Công nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh, các quyết định điều chỉnh, bổ sung, thay thế các quyết định trên (nếu có) và các quy định hiện hành có liên quan.

b) Đối với tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, ngành nghề nông thôn, doanh thu tối thiểu đạt 700 triệu đồng/năm, được ngân sách hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng trong hàng rào, mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/cơ sở (hỗ trợ một lần).

Điều 8. Về thuế, tín dụng

Người sản xuất được hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND ngày 27/4/2007 của UBND tỉnh về quy định một số chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư vào khu kinh tế Vũng Áng, các khu công nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh, các quyết định điều chỉnh, bổ sung, thay thế các quyết định trên (nếu có) và các quy định về vay vốn, tín dụng, về miễn giảm thuế hiện hành khác có liên quan. Ngoài ra người sản xuất đầu tư xây dựng cơ sở chế biến (nông sản, sản phẩm chăn nuôi, lâm sản xuất khẩu, thủy sản, muối sạch), giết mổ gia súc, gia cầm, khu công nghệ cao, trang trại, chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP được vay vốn ưu đãi hoặc được ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay vốn phần chênh lệch giữa lãi suất vay vốn của tổ chức tín dụng khác với lãi suất tín dụng ưu đãi.

Điều 9. Về công tác quảng bá xúc tiến thương mại

Hỗ trợ kinh phí để xây dựng, quảng bá thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đăng ký thương hiệu, được hỗ trợ một lần và mức hỗ trợ 10 triệu đồng/sản phẩm đã được đăng ký bản quyền.

Phần II. NHỮNG CHÍNH SÁCH RIÊNG THEO CHUYÊN NGÀNH

I. TRỒNG TRỌT

Điều 10. Giống cây trồng

1. Hỗ trợ sản xuất giống:

a) Hỗ trợ kinh phí mua hạt giống:

Sản xuất giống nguyên chủng: Tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân và đủ điều kiện sản xuất giống nguyên chủng theo quy định pháp luật hiện hành, sản xuất giống nguyên chủng phục vụ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, được ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí mua giống siêu nguyên chủng, mức hỗ trợ theo định mức sản xuất giống và giá hiện hành (chỉ được hỗ trợ một lần đối với một loại giống).

Sản xuất giống xác nhận: Tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân và đủ điều kiện sản xuất giống theo quy định pháp luật hiện hành, sản xuất giống xác nhận phục vụ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (chỉ áp dụng đối với giống lần đầu đưa vào sản xuất đại trà) được ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí mua giống nguyên chủng hoặc siêu nguyên chủng, mức tối đa không quá 100 triệu đồng/giống (chỉ được hỗ trợ một lần đối với một loại giống).

b) Hỗ trợ kinh phí kiên cố hóa kênh mương: Đối với vùng sản xuất giống tại các huyện, thành phố, thị xã có quy mô từ 20 ha trở lên nếu kênh tưới tiêu chưa được kiên cố hóa, được ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng, tối đa không quá 300 triệu/vùng sản xuất.

2. Khảo nghiệm giống mới: Ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí khảo nghiệm sản xuất các loại giống mới được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyển chọn, tổng kinh phí mỗi năm 200 triệu đồng.

3. Sản xuất thử: Giống mới đã qua khảo nghiệm thành công đưa vào sản xuất thử được hỗ trợ phần chênh lệch giữa giá giống mới và giá giống sản xuất chủ lực tại địa phương cấp huyện, mỗi năm ngân sách hỗ trợ không quá 300 triệu đồng trên địa bàn toàn tỉnh.

Điều 11. Sản xuất các loại sản phẩm đặc sản (áp dụng đối với bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn).

Ngân sách hỗ trợ:

a) Kinh phí chuyển giao kỹ thuật, mỗi năm không quá 300 triệu đồng;

b) Kinh phí phá bỏ vườn cây Cam Bù bị nhiễm bệnh Greenning, mức hỗ trợ 50 nghìn đồng/cây.

c) Trồng mới: Hỗ trợ giống cây 10 nghìn đồng/cây.

Điều 12. Cơ giới hóa trong nông nghiệp

1. Hỗ trợ mua máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp:

Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được hỗ trợ lãi suất mua máy nông nghiệp theo quy định tại Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 2213/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số điều Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009.

Các xã hoàn thành quy hoạch nông thôn mới, hoàn thành dồn điền, đổi thửa, làm xong bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông nội đồng đúng tiêu chuẩn quy định về xây dựng nông thôn mới, có thành lập HTX hoặc Tổ hợp tác hoạt động dịch vụ theo quy định được hỗ trợ một lần kinh phí mua 01 máy cấy và 01 máy gặt đập liên hợp; mức hỗ trợ bằng 40% kinh phí mua máy nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/máy và tổng kinh phí hỗ trợ cho một xã tối đa không quá 200 triệu đồng.

2. Hỗ trợ mua máy chế biến

Ngoài chính sách hỗ trợ lãi vay theo quy định tại Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở chế biến có doanh thu từ 700 triệu đồng/năm trở lên được hỗ trợ 50 triệu đồng/cơ sở, cơ sở chế biến được chủ động sử dụng số kinh phí trên mua máy móc, thiết bị hoặc hạ tầng thông tin liên lạc.

Điều 13. Sản xuất theo VietGAP

Người sản xuất đăng ký sản xuất theo hướng VietGAP với quy mô tối thiểu 05 ha/1 vùng (riêng rau tối thiểu 02 ha/vùng), sau khi đã có phương án được UBND cấp xã phê duyệt (có ý kiến thống nhất của UBND cấp huyện) được ngân sách hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng để phân tích mẫu đất, nước, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất.

II. CHĂN NUÔI

Điều 14. Giống và thụ tinh nhân tạo

1. Hỗ trợ kinh phí nuôi giữ giống gốc

Người sản xuất đủ điều kiện sản xuất giống gốc theo quy định tại Điều 19 của Pháp lệnh giống vật nuôi, cung ứng giống cấp bố mẹ, ông bà trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT/BTC-BNN&PTNT ngày 13/12/2007 của Liên Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quyết định số 2489/QĐ-BNN ngày 16/9/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (riêng đối với nuôi giữ giống gốc lợn ngoài được hưởng quy định tại Khoản này còn được hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều 15).

2. Hỗ trợ thụ tinh nhân tạo

a) Đào tạo dẫn tinh viên: Những người có trình độ từ trung cấp chăn nuôi thú y trở lên, tuổi đời dưới 40 có nguyện vọng trở thành dẫn tinh viên gia súc được UBND cấp xã cử đi học được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nhưng mức tối đa không quá 6 triệu đồng/người.

b) Hỗ trợ mua bình bảo quản tinh cấp phát cho các điểm chuyển giao; dụng cụ phối giống trâu bò (bình ni tơ, súng bắn tinh) cấp cho dẫn tinh viên đã qua đào tạo, có chứng chỉ (mức hỗ trợ 5 triệu đồng/dẫn tinh viên).

c) Hỗ trợ 50% kinh phí mua bổ sung lợn đực giống hàng năm cho các cơ sở thụ tinh nhân tạo đảm bảo các tiêu chuẩn quy định giống chuẩn Quốc gia và theo giá giống tại thời điểm.

Điều 15. Phát triển chăn nuôi lợn

1. Các cơ sở chăn nuôi lợn giống ông bà, bố mẹ, ngoài được hưởng chính sách tại Điều 5, Mục 1 Điều 14 còn được hỗ trợ, như sau:

a) Kinh phí xây dựng quy hoạch chi tiết được hỗ trợ 50 triệu đồng.

b) Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào và chuồng trại (hỗ trợ một lần/cơ sở, sau khi dự án hoàn thành đưa vào hoạt động):

Cơ sở chăn nuôi lợn giống ông bà có quy mô 300 nái sinh sản trở lên, lợn bố mẹ có quy mô 1.000 nái sinh sản trở lên, được hỗ trợ 600 triệu đồng/cơ sở.

c) Về Đất đai: Tổ chức, cá nhân xây dựng mới cơ sở chăn nuôi lợn giống gốc ông bà, bố mẹ, ngoài được hưởng chính sách tại Điều 4, còn được hỗ trợ, như sau:

Cơ sở chăn nuôi lợn giống ông bà có quy mô 300 nái sinh sản trở lên, lợn bố mẹ có quy mô 1.000 nái sinh sản trở lên được hỗ trợ 30% tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, tối đa không quá 500 triệu đồng/cơ sở.

d) Về thú y:

Cơ sở chăn nuôi lợn giống ông bà có quy mô trên 300 nái sinh sản trở lên và cơ sở chăn nuôi lợn bố mẹ có quy mô trên 1000 nái sinh sản, ngoài được hưởng chính sách tại Mục 4 Điều 7, còn được hỗ trợ 120.000 đồng/nái/năm để mua các loại vắc xin, thuốc phòng chữa bệnh và hóa chất tiêu độc khử trùng.

2. Các cơ sở chăn nuôi lợn thịt với quy mô trang trại lớn (500 con trở lên) được hỗ trợ:

a) Kinh phí xây dựng quy hoạch chi tiết khu chăn nuôi lợn tập trung, tách khỏi khu dân cư với mức 40 triệu đồng/khu (có diện tích từ 3 ha trở lên đối với đồng bằng và 5 ha trở lên đối với miền núi).

b) Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào và chuồng trại (hỗ trợ một lần/cơ sở, sau khi dự án hoàn thành đưa vào hoạt động) được hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở (chỉ hỗ trợ một lần).

3. Các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trước năm 2015 được hỗ trợ (trong 02 năm kể từ ngày hoàn thành) như sau:

a) Hỗ trợ 100% kinh phí mua vắc xin tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm ở lợn (dịch tả, tụ huyết trùng): lợn nái, đực giống 02 liều/năm; lợn thịt 01 liều/con/lứa;

b) Hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn nâng cao kiến thức về chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, số lượng 2 lớp/xã/năm, thời gian mỗi lớp 2 ngày.

4. Đối với các vùng tái định cư: Hộ chăn nuôi lợn tại vùng tái định cư có quy mô từ 15 đến 20 con, ngoài được hưởng chính sách quy định tại Khoản 3 Điều 15 còn được hỗ trợ, như sau:

a) Phần chênh lệch lãi suất cho người chăn nuôi vay vốn tại các Ngân hàng để được hưởng mức lãi suất ưu đãi (0,65%/tháng), trong vòng không quá 02 năm, với định mức tiền vay tối đa 40 triệu đồng/hộ, để xây dựng chuồng trại, mua giống lợn và thức ăn chăn nuôi.

b) Hỗ trợ một lần với mức 3 triệu đồng/hộ để xây bể biogas xử lý chất thải.

Điều 16. Phát triển chăn nuôi hươu

Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới trang trại chăn nuôi hưu phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có quy mô 10 con hươu cái sinh sản trở lên, được hỗ trợ một lần mua hươu cái hậu bị, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/con, tối đa không quá 10 triệu đồng/cơ sở.

Điều 17. Công tác Thú y

1. Hỗ trợ xây dựng vùng, cơ sở an oàn dịch bệnh động vật: Các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm (trang trại chăn nuôi tập trung, xã, phường) đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật đảm bảo các quy định tại Quyết định số 66/2008/QĐ-BNN, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn làm điểm để nhân rộng, được hỗ trợ:

a) Đối với xã, phường, thị trấn: 60 triệu đồng/địa phương (hỗ trợ 1 lần) để mua sắm tủ thuốc thú y, xét nghiệm, chỉ đạo, quản lý và thẩm định (đối với các xã, phường, thị trấn có chăn nuôi chiếm trên 45% cơ cấu trong kinh tế nông nghiệp).

b) Cơ sở sản xuất giống đảm bảo quy mô quy định: 30 triệu đồng/cơ sở (hỗ trợ 1 lần) để xét nghiệm, chẩn đoán, chỉ đạo, quản lý và thẩm định.

2. Hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: Xây dựng mới cơ sở giết mổ tập trung có công suất từ 70 con gia súc hoặc 1.500 con gia cầm/ngày đêm trở lên, được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở. Khuyến khích xây dựng cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn có công suất từ 500 con gia súc hoặc 10.000 con gia cầm trở lên, mức hỗ trợ 500 triệu đồng/cơ sở.

3. Trưởng ban chăn nuôi - thú y xã, phường, thị trấn được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 1,0 mức lương tối thiểu theo Quyết định số 25/2010/QĐ-UBND ngày 09/12/2010 của UBND tỉnh về quy định chức danh, số lượng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; số lượng, chế độ phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Điều 18. Chế biến sản phẩm chăn nuôi và chăn nuôi lợn vệ tinh

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi (thịt hộp, dăm bông, xúc xích, lạp sườn…), có công suất từ 15 ngàn tấn nguyên liệu/năm trở lên, ngoài được hưởng các chính sách quy định tại Điều 4, Điều 8 và Điều 9, còn được hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng (nếu có).

2. Tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo hướng liên doanh, liên kết trọn gói với hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (từ cung ứng giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm chính) được hỗ trợ sau thu mua, với mức 50.000 đồng/1 con lợn thịt.

III. LÂM NGHIỆP:

Điều 19. Đầu tư rừng giống, vườn ươm

Tổ chức, cá nhân đầu tư vườn ươm sản xuất giống cây lâm nghiệp (cơ cấu các loại giống phải được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, trình UBND tỉnh quyết định theo từng giai đoạn, ưu tiên các giống dài ngày, chất lượng) tại các xã miền núi, quy mô tối thiểu 500 nghìn cây giống đạt tiêu chuẩn/năm, được ngân sách hỗ trợ 1 lần tối đa 200 triệu đồng/vườn, 30% giá trị công trình kết cấu hạ tầng được quyết toán.

Điều 20. Trồng rừng sản xuất

Tổ chức, cá nhân trồng rừng sản xuất ngoài được hưởng chính sách theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007, nếu trồng các loài cây gỗ lớn, các loài cây bản địa, đặc hữu, quý hiếm có giá trị cao (lim, pơ mu, sến, táu, dổi) và giống mới quý hiếm còn được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha nhưng không quá 80 triệu đồng/tổ chức, cá nhân.

IV. THỦY SẢN:

Điều 21. Sản xuất, ương nuôi giống

1. Giống bố mẹ

Tổ chức được UBND tỉnh giao nhiệm vụ sản xuất và cung ứng giống trên địa bàn tỉnh (có cơ cấu giống phù hợp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến bộ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng năm tổng hợp, xem xét, trình UBND tỉnh quyết định) đạt tối thiểu 20 triệu cá bột và 50 tấn cá giống/năm được ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí mua giống cá bố mẹ theo định mức (chỉ hỗ trợ 1 lần); ngoài ra hàng năm được hỗ trợ 30% kinh phí mua thay thế giống cá bố mẹ theo quy định, tối đa không quá 200 triệu đồng/năm/cơ sở.

2. Xây dựng kết cấu hạ tầng, mua sắm trang thiết bị sản xuất giống

a) Sản xuất giống mặn, lợ: Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống tôm đạt công suất tối thiểu 10 triệu con/năm hoặc sản xuất các loại giống thủy sản mặn, lợ khác đạt giá trị tương đương 10 triệu tôm giống được ngân sách hỗ trợ 15 triệu đồng/1 triệu tôm giống hoặc tương đương 1 triệu tôm giống, tối đa không quá 200 triệu đồng/cơ sở sản xuất tôm giống và 50 triệu đồng/cơ sở đối với các loại thủy sản mặn lợ khác.

b) Sản xuất giống nước ngọt: Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống nước ngọt đạt giá trị tương đương 5 triệu tôm giống, được ngân sách hỗ trợ 5 triệu đồng/1 triệu con giống, tối đa không quá 50 triệu đồng/cơ sở.

c) Ương dưỡng giống mặn, lợ: Cơ sở ương dưỡng giống tôm đạt công suất từ 15 triệu con/năm được ngân sách hỗ trợ 5 triệu đồng/1 triệu tôm giống, tối đa không quá 50 triệu đồng/cơ sở. Đối với ương dưỡng các loại giống thủy sản mặn, lợ khác đạt giá trị tương đương 5 triệu tôm giống được hỗ trợ 4 triệu đồng/1 triệu tôm giống, tối đa không quá 30 triệu đồng/cơ sở.

d) Các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống theo điểm a, b, c khoản này phải có cơ cấu giống phù hợp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến bộ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng năm tổng hợp, xem xét, trình UBND tỉnh quyết định.

Điều 22. Nuôi trồng

1. Nuôi trồng thử nghiệm giống mới: Ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí nuôi trồng thử nghiệm các loại giống mới được UBND tỉnh chỉ định nhưng tổng kinh phí tối đa mỗi năm không quá 300 triệu đồng.

2. Đưa giống mới vào nuôi trồng: Tổ chức, cá nhân đưa giống mới vào nuôi trồng với diện tích tối thiểu 0,5 ha đối với ao hồ hoặc 100 m2 đối với ô bể và 50 m3 đối với nuôi lồng, bè được ngân sách hỗ trợ 50% giá giống mới, tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ hoặc cơ sở.

3. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng mới ao, hồ nuôi thâm canh hoặc nâng cấp ao hồ từ nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh, có quy mô từ 01 ha trở lên được ngân sách hỗ trợ 50% chi phí mua con giống (hỗ trợ 01 lần), mức hỗ trợ tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ hoặc cơ sở.

4. Hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi đất từ mục đích sử dụng khác sang nuôi trồng thủy sản đảm bảo hiệu quả cao hơn, với diện tích 01 ha trở lên đối với mặn, lợ; 0,5 ha trở lên đối với nước ngọt được ngân sách hỗ trợ 1 lần, với mức 10 triệu đồng/1 ha, tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ, cá nhân.

5. Các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo quy hoạch có diện tích từ 7,0 ha trở lên, được ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí mua hóa chất để xử lý dập dịch đối với các bệnh thủy sản nguy hiểm (đốm trắng, taura đối với tôm) ở thời điểm ngăn chặn không để dịch lây lan diện rộng.

6. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản bằng lồng (loại lồng 15 m3 trở lên), quy mô 05 lồng trở lên được hỗ trợ 1 lần, mức hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng, tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ, cơ sở.

7. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản trong bể xi măng, ao lót bạt có diện tích 200m2 trở lên, được ngân sách hỗ trợ 50% giá trị mua giống (hỗ trợ 1 lần), tối đa không quá 20 triệu đồng/tổ chức, cá nhân.

Điều 23. Phát triển khai thác thủy sản

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cải hoán tàu khai thác hải sản có công suất < 30 CV sang tàu có công suất ≥ 50 CV, được ngân sách hỗ trợ 0,35 triệu đồng cho 01 CV tăng thêm.

2. Đầu tư đối với đóng mới tàu cá.

a) Đóng mới tàu cá công suất từ 250CV/chiếc trở lên được ngân sách hỗ trợ 100 triệu đồng/tàu/năm, thời gian hỗ trợ 2 năm.

b) Đóng mới tàu cá công suất từ 90CV/chiếc đến dưới 250CV/chiếc được ngân sách hỗ trợ 50 triệu đồng/tàu/năm, thời gian hỗ trợ 2 năm.

3. Tổ chức sản xuất, kinh doanh, chế biến thủy sản theo hướng liên kết với hộ ngư dân và có hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm, được hỗ trợ 2% giá thu mua/kg sản phẩm, theo giá thu mua.

4. Thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá được đào tạo cấp chứng chỉ, ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, mức hỗ trợ tối đa không quá 800 nghìn đồng/người.

5. Ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí mua một máy thông tin liên lạc tầm xa cho một tổ hợp tác (5 tàu công suất từ 90CV/tàu trở lên); 01 máy thông tin liên lạc tầm trung cho một tổ hợp tác (6 tàu có công suất từ 40CV-90CV/tàu) và 01 bộ phao cứu sinh cho 01 lao động đi khai thác hải sản trên biển thuộc đối tượng ngư dân nghèo và gia đình chính sách.

V. DIÊM NGHIỆP

Điều 24. Sản xuất muối sạch

1. Ngân sách hỗ trợ 70% kinh phí kiên cố hóa kênh mương thủy lợi nội đồng.

2. Hộ diêm dân ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất muối sạch quy mô 250 m2 trở lên (sử dụng tấm hấp thụ nhiệt, xây dựng chạt lọc cải tiến đảm bảo tiêu chuẩn quy định) được ngân sách hỗ trợ 500 nghìn đồng/chạt; 20% kinh phí ứng dụng tấm hấp thụ nhiệt, tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ/năm.

3. Khi giá muối sụt giảm bằng hoặc thấp hơn 70% giá bình quân 3 năm liền kề (đã tính trượt giá theo chỉ số tiêu dùng Nhà nước công bố), hộ diêm dân sản xuất muối sạch được tỉnh hỗ trợ phần giá trị sụt giảm, tối đa không quá 5 triệu đồng/hộ/năm.

4. Đối với diện tích chuyển đổi từ sản xuất muối sang nuôi tôm phù hợp với quy hoạch được hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng (bờ ao, hệ thống cấp thoát nước…), mức hỗ trợ 20 triệu đồng/ha chuyển đổi, tối đa không quá 100 triệu đồng/cơ sở.

Chương III

 TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020 phải thể hiện rõ quy hoạch các cơ sở sản xuất giống, trang trại, vùng trang trại chăn nuôi lợn tập trung.

b) Biên soạn các tài liệu hướng dẫn về quy mô, tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành.

c) Phối hợp với các sở, ngành: Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan để thống nhất lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chính sách trên.

d) Hàng năm lập kế hoạch về khối lượng nhiệm vụ cụ thể, dự toán nhu cầu hỗ trợ kinh phí thực hiện các chính sách nông nghiệp, nông thôn theo hướng lồng ghép các nguồn vốn gửi Sở Tài chính để tổng hợp.

e) Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các ngành có liên quan thực hiện phân bổ nguồn kinh phí chính sách nông nghiệp, nông thôn hàng năm đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả.

g) Hàng năm tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện, tính hiệu quả của các chính sách nông nghiệp, nông thôn và phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp quyết toán riêng nguồn kinh phí thực hiện chính sách quy định tại quyết định này báo cáo UBND tỉnh xem xét.

2. Sở Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, dự kiến bố trí kinh phí thực hiện chính sách trên từ các nguồn: Vốn quy hoạch, chính sách ngành nông nghiệp, sự nghiệp đào tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

b) Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục, thanh quyết toán kinh phí.

c) Hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã đưa vào dự toán ngân sách cấp huyện hàng năm về kinh phí để thực hiện chính sách này.

d) Căn cứ dự toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khả năng ngân sách tỉnh để phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành có liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn trong dự toán thu, chi ngân sách tỉnh hàng năm.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bố trí lồng ghép các nguồn vốn: Đầu tư xây dựng cơ bản, Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn hỗ trợ có mục tiêu từ Ngân sách trung ương để thực hiện các chính sách nông nghiệp, nông thôn hàng năm.

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

Trên cơ sở khả năng nguồn vốn sự nghiệp Khoa học và Công nghệ hàng năm, chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính bố trí lồng ghép kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ để thực hiện chính sách này.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Tổ chức thực hiện các chính sách về đất đai và xử lý môi trường.

b) Chủ trì, phối hợp với các huyện, thị, thành phố kiểm tra, thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân thực hiện chính sách này.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính bố trí lồng ghép kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề cho lao động nông thôn để thực hiện chính sách này.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Chủ động bố trí ngân sách huyện đảm bảo mức 10% trên tổng nhu cầu thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn hàng năm của tỉnh trên địa bàn huyện.

b) Quản lý, cấp phát và thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn hàng năm theo đúng quy định.

c) Định kỳ hàng quý tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính.

d) Hàng năm lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

e) Hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình cá nhân đối với diện tích đất người sản xuất đang sử dụng hợp pháp, theo đúng quy định của pháp luật.

8. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

a) Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trên địa bàn hiểu và triển khai thực hiện tốt chính sách này.

b) Chủ động bố trí ngân sách xã đảm bảo mức 5% trên tổng nhu cầu thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn hàng năm của tỉnh trên địa bàn xã.

c) Thực hiện hỗ trợ kinh phí theo đúng chính sách và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo đúng chế độ quy định.

d) Định kỳ hàng quý tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND các huyện, thành phố, thị xã.

9. Các ngân hàng:

a) Ngân hàng Phát triển Hà Tĩnh, Ngân hàng chính sách xã hội bố trí đủ vốn cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay theo chính sách được ban hành.

b) Các Ngân hàng Thương mại (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương…) tạo điều kiện bố trí vốn, hướng dẫn thủ tục vay cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn thực hiện chính sách;

c) Tất cả các ngân hàng có hướng dẫn chi tiết về thủ tục, điều kiện vay vốn thông báo rộng rãi đến cấp xã, thôn, xóm và toàn thể nhân dân được biết để được tiếp cận nguồn vốn.

10. Trách nhiệm của người sản xuất: Quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả.

11. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Hà Tĩnh, các cơ quan thông tin, đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng để các địa phương, đơn vị, gia đình, Đảng viên, hội viên biết, tổ chức thực hiện có hiệu quả quyết định này.

12. Các cơ quan liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, thống nhất với Sở Tài chính để trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

UBND tỉnh Hà Tĩnh

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Võ Kim Cự