QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định về tuyển dụng và nâng ngạch công chức
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 28/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 93/2010/NĐ-CP ngày 31/8/2010 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP; Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BNV ngày 25/6/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ; Thông tư số 05/2012/TT-BNV ngày 22/10/2012 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV; Thông tư số 06/2013/TT-BNV ngày 17/7/2013 của Bộ Nội vụ bãi bỏ Điều 19 Thông tư số 13/2010/TT-BNV; Thông tư số 03/2015/TT-BNV ngày 10/3/2015 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư số 13/2010/TT-BNV;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Văn bản số 740/SNV-CCVC ngày 30/6/2015 (kèm theo Báo cáo thẩm định số 1039b/BC-STP ngày 24/6/2015 của Sở Tư pháp),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tuyển dụng và nâng ngạch công chức.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện việc tuyển dụng và nâng ngạch công chức theo đúng quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành và thay thế Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 21/6/2011 của UBND tỉnh.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban,
ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
VỀ TUYỂN DỤNG VÀ NÂNG NGẠCH CÔNG CHỨC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi:
Quy định về tuyển dụng và nâng ngạch công chức các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (sau đây gọi tắt là sở, ban, ngành); UBND các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi tắt là cấp huyện);
b) Cán bộ, công chức các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện.
Điều 2. Nguyên tắc
1. Đảm bảo tuân thủ Luật Cán bộ, công chức, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật; công khai, dân chủ, khách quan, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, trách nhiệm của cá nhân và người đứng đầu;
2. Đảm bảo số lượng, chất lượng, đúng vị trí việc làm, cơ cấu của ngành cần tuyển, cần nâng ngạch theo quy định; phát huy quyền tự chủ về biên chế, tự chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao;
3. Phân cấp tuyển dụng phải gắn với việc quản lý thống nhất thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chương II
TUYỂN DỤNG CÔNG CHỨC
Điều 3. Việc tuyển dụng công chức thực hiện theo quy định tại các Điều 35, 36, 37, 38, 39 Luật Cán bộ, công chức, Chương II Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và các Điều 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 Thông tư số 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP.
Điều 4. Cơ quan chịu trách nhiệm tuyển dụng công chức
1. Nhiệm vụ và thẩm quyền của UBND tỉnh:
a) Phê duyệt kế hoạch tuyển dụng hàng năm, chỉ tiêu, cơ cấu chuyên ngành cần tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị đã được thẩm định;
b) Thông báo tuyển dụng;
c) Tổ chức tuyển dụng;
d) Thành lập:
- Hội đồng tuyển dụng;
- Hội đồng kiểm tra, sát hạch;
- Các Ban, Tổ theo quy định;
đ) Phê duyệt kết quả;
e) Báo cáo kết quả với Bộ Nội vụ;
g) Quyết định tuyển dụng đối với trường hợp không qua thi. Đối với tuyển dụng qua thi tuyển thì UBND tỉnh phê duyệt kết quả tuyển dụng, ủy quyền Sở Nội vụ ra quyết định tuyển dụng;
h) Quyết định hình thức thi tuyển công chức; phân cấp thi tuyển công chức đối với một số ngành, địa phương đủ điều kiện tổ chức; quyết định cho một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa đủ điều kiện xét tuyển công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.
2. Nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện:
a) Báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ):
- Kế hoạch, chỉ tiêu, cơ cấu chuyên ngành cần tuyển cho các vị trí việc làm còn thiếu nhưng phải phù hợp với cơ cấu ngạch công chức, khung năng lực theo Đề án vị trí việc làm đã được thẩm định, phê duyệt;
- Số lượng, cơ cấu chuyên ngành đề nghị tiếp nhận không qua thi theo Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP;
- Số lượng, cơ cấu chuyên ngành đề nghị tuyển dụng;
Tháng 2 của Quý I hàng năm báo cáo về Sở Nội vụ để tổng hợp trình UBND tỉnh.
b) Xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi để phục vụ công tác ra đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành đảm bảo phù hợp vị trí việc làm, ngạch công chức cần tuyển;
c) Phối hợp tổ chức kiểm tra, sát hạch đối với trường hợp tiếp nhận, trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng, trường hợp chuyển cán bộ công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên theo Thông tư số 13/2010/TT-BNV.
3. Nhiệm vụ của Sở Nội vụ:
a) Giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tuyển dụng công chức hàng năm;
b) Tham mưu giúp UBND tỉnh:
- Thông báo tuyển dụng công chức;
- Thành lập Hội đồng kiểm tra sát hạch đối với trường hợp tiếp nhận, trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng, trường hợp chuyển cán bộ công chức cấp xã thành công chức cấp huyện trở lên (theo Điều 13 Thông tư số 13/2010/TT-BNV); Hội đồng tuyển dụng công chức theo hướng dẫn tại Thông tư số 13/2010/TT-BNV;
- Tuyển dụng công chức khi có Quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển, xét tuyển của UBND tỉnh;
- Tham mưu giúp UBND tỉnh lập hồ sơ trình Bộ Nội vụ đối với trường hợp đặc biệt tại Điểm a, Điểm b Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP (một quý một lần);
- Tham mưu việc quyết định hình thức tuyển dụng công chức hàng năm; tổ chức thí điểm phân cấp tuyển dụng công chức khi được UBND tỉnh giao;
- Báo cáo kết quả tuyển dụng công chức hàng năm cho Bộ Nội vụ và cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Điều 5. Trường hợp không thành lập hội đồng tuyển dụng, giám sát thi tuyển, xét tuyển, quyết định tuyển dụng và nhận việc, xếp ngạch, bậc lương đối với trường hợp đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi được tuyển dụng, trường hợp được miễn thực hiện chế độ tập sự, thực hiện theo các Điều 5, 9 và 11 Thông tư số 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ; Điều 18, Điều 29 (Phụ lục số 2) Quy chế thi tuyển, xét tuyển công chức ban hành kèm theo Thông tư số 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ.
Chương III
NÂNG NGẠCH CÔNG CHỨC
Điều 6. Xây dựng kế hoạch thi nâng ngạch công chức: Nhân viên lên cán sự; nhân viên, cán sự lên chuyên viên.
1. Cơ quan sử dụng cán bộ, công chức báo cáo số lượng, cơ cấu ngạch công chức hiện có; đề nghị số lượng còn thiếu dự thi và những công chức có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện tham dự kỳ thi nâng ngạch của từng ngạch gửi Sở Nội vụ để xây dựng Đề án trình UBND tỉnh gửi Bộ Nội vụ phê duyệt trước khi tổ chức kỳ thi.
2. Sau khi được Bộ Nội vụ phê duyệt về số lượng, chỉ tiêu, cơ cấu; tuỳ theo tình hình thực tế Sở Nội vụ tham mưu giúp UBND tỉnh lập kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch.
Điều 7. Tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch, cử công chức dự thi nâng ngạch, nội dung, hình thức thi nâng ngạch, hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch công chức, thực hiện theo Điều 16 Thông tư số 13/2010/TT-BNV; Điều 2, Điều 3, Điều 4 Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Thông tư số 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ;
Điều 8. Cơ quan chịu trách nhiệm thi nâng ngạch công chức
1. Nhiệm vụ và thẩm quyền của UBND tỉnh
a) Khi Đề án được Bộ Nội vụ phê duyệt, UBND tỉnh thông báo kỳ thi nâng ngạch;
b) UBND tỉnh tổ chức thi nâng ngạch nhân viên lên cán sự, nhân viên, cán sự lên chuyên viên theo Quy chế, Nội quy thi nâng ngạch công chức ban hành kèm theo Thông tư số 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ;
c) Thành lập Hội đồng thi nâng ngạch;
d) Phê duyệt kết quả kỳ thi;
đ) Quyết định nâng ngạch khi có kết quả thi.
2. Nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện:
- Báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ):
+ Xây dựng số lượng, cơ cấu ngạch công chức dự thi trong cơ cấu công chức vị trí việc làm đã được duyệt;
+ Tháng 01 hàng năm gửi văn bản và danh sách báo cáo Sở Nội vụ để tổng hợp trình UBND tỉnh.
3. Nhiệm vụ của Sở Nội vụ:
a) Giúp UBND tỉnh tổng hợp số lượng, cơ cấu ngạch công chức và danh sách những người đủ tiêu chuẩn và điều kiện dự thi nâng ngạch;
b)Tham mưu giúp UBND tỉnh:
- Thông báo thi nâng ngạch công chức;
- Thành lập Hội đồng thi nâng ngạch công chức;
- Tổ chức thi nâng ngạch công chức;
- Phê duyệt kết quả thi nâng ngạch công chức;
- Báo cáo kết quả nâng ngạch công chức hàng năm cho Bộ Nội vụ.
Điều 9. Bổ nhiệm ngạch và xếp lương.
Căn cứ thông báo kết quả kỳ thi nâng ngạch công chức, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh bổ nhiệm vào ngạch (theo phân cấp) đối với công chức trúng tuyển theo quy định tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức.
Điều 10. Giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.