• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 21/01/2011
UBND TỈNH HÀ TĨNH
Số: 03/2011/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Tĩnh, ngày 21 tháng 1 năm 2011

CHỈ THỊ

Về việc triển khai các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng

trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão 2011

 

 Thời gian qua, các cấp, các ngành, chủ rừng và nhân dân đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, có hiệu quả nên diện tích rừng được bảo vệ tương đối tốt, không xảy ra điểm nóng, độ che phủ rừng ngày càng tăng; các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, chủ rừng dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh, chính quyền địa phương huyện, xã mở nhiều đợt truy quét, đã phát hiện, xử lý nghiêm các vụ vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bảo vệ rừng. Tuy vậy, công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng vẫn còn một số tồn tại, các hành vi khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép, cháy rừng vẫn diễn ra ở một số địa phương; tình hình chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân. Tết Nguyên đán "Tân Mão" đến gần, tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép trong thời gian trước, trong và sau Tết có thể diễn ra ở một số địa phương, chủ rừng.

Để ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm, tăng cường trật tự kỷ cương pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Đối với các chủ rừng:

Các đơn vị có hoạt động sản xuất lâm nghiệp, trồng cây cao su, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các chủ rừng hộ gia đình phải nghiêm túc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ rừng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định pháp luật; chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán trình UBND huyện phê duyệt để tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả; đầu tư kinh phí, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương huy động lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng tại gốc để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đảm bảo khu rừng nào cũng được bảo vệ tốt. Nếu chủ rừng nào để xảy ra tình trạng khai thác, tàng trữ, chế biến, tiêu thụ lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép trên lâm phần của mình mà không có thông tin, báo cáo, tổ chức truy quét hoặc các vụ vi phạm mà tang vật là lâm sản có nguồn gốc từ rừng của mình quản lý, bảo vệ thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã:

- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến mọi người dân về các quy định của pháp luật, các văn bản của bộ, ngành, UBND tỉnh về bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện quyết liệt các biện pháp cấp bách trong bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003, Chỉ thị 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn để bảo vệ và phát triển rừng, Chỉ thị số 25/CT-BNN-TCLN ngày 06/01/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2011; kiện toàn Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng các cấp; phân công trách nhiệm rõ ràng cho các thành viên gắn với địa bàn trực tiếp chỉ đạo; thành lập các đoàn liên ngành đồng loạt tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét lâm sản khai thác trái phép tại gốc; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các xưởng chế biến, kiên quyết tháo dỡ các cơ sở cưa xẻ gỗ thành lập trái phép, thu hồi giấy phép các cơ sở vi phạm; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các diện tích rừng được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đồng thời xử lý dứt điểm các vụ tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn; các trọng điểm về bảo vệ rừng như các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Kỳ Anh, khu chế biến gỗ tại Đức Thọ phải xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng và tổ chức thực hiện theo quy định.

- Tiếp tục rà soát, phân cấp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lâm nghiệp, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương án giao rừng, cho thuê rừng theo quy định, đảm bảo gắn trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, tiêu cực để xảy ra vi phạm về khai thác, tập kết, chế biến lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép, chống người thi hành công vụ. Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, chống người thi hành công vụ, không quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ do lơ là, thiếu trách nhiệm, tiêu cực trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Đôn đốc, chỉ đạo, theo dõi, giám sát các chủ rừng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm bảo vệ rừng tại gốc; yêu cầu chủ rừng xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng trên lâm phần do đơn vị quản lý; củng cố và kiện toàn mạng lưới trạm bảo vệ rừng, huy động lực lượng đủ mạnh tổ chức kiểm tra rừng tại gốc, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm;

- Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm giúp UBND huyện, xã đôn đốc, thẩm định kế hoạch bảo vệ rừng của chủ rừng; thường xuyên nắm chắc tình hình, hỗ trợ chủ rừng truy quét, ngăn chặn, xóa bỏ các tụ điểm khai thác, kinh doanh, chế biến, vận chuyển gỗ và động vật hoang dã trái pháp luật, đặc biệt là các vùng trọng điểm; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, các nhà hàng, khách sạn có kinh doanh sản phẩm động vật hoang dã; kiểm tra ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác trái phép cây cổ thụ, cây có nguồn gốc từ rừng tự nhiên để làm "cây cảnh" cây "bóng mát"; phối hợp với các lực lượng chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án bảo vệ rừng.

- Xây dựng phương án quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được trích từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chống buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, bán phát mại lâm sản tịch thu theo quy định tại Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04/7/2008 của Bộ Tài chính, Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14/4/2010 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 59/2008/TT-BTC; kịp thời hỗ trợ các địa phương, chủ rừng để có kinh phí mua sắm thiết bị, công cụ bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, mua vật tư, phân bón trồng rừng, phát triển rừng; phối hợp các địa phương, đơn vị tổ chức trồng cây trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi đất của một số chủ rừng, đơn vị quản lý, sử dụng và bảo vệ không hiệu quả để giao cho địa phương quản lý, bảo vệ và thực hiện giao, cho thuê đất, rừng theo quy định để quản lý, sử dụng và bảo vệ hiệu quả hơn.

4. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh rà soát quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương, chủ rừng tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.

5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh nguồn kinh phí từ xử phạt vi phạm buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, bán phát mại lâm sản tịch thu và nguồn từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán;

6. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý chặt chẽ rừng và đất lâm nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất gắn giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng để quản lý, bảo vệ đất, rừng có hiệu quả.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kịp thời nêu gương những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, lên án những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể tổ chức xã hội phối hợp tuyên truyền, vận động các đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành chức năng kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn phòng thường trực Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh) trực tiếp đôn đốc, theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ hàng tháng báo cáo kịp thời Ủy ban nhân dân tỉnh./. 

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Đình Sơn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.