• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/10/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 10/12/2010
BỘ XÂY DỰNG
Số: 08/2007/TT-BXD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Tĩnh, ngày 10 tháng 9 năm 2007

THÔNG TƯ

Hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị

_____________________________

Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 29/2007/NĐ-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ về Quản lý kiến trúc đô thị;

Bộ Xây dựng hướng dẫn nội dung lập, thẩm định, phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị được quy định tại Điều 18, Điều 27, Điều 30, Điều 31 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng (sau đây viết tắt là Nghị định 08/2005/NĐ-CP) và Điều 5, Điều 26, Điều 27 Nghị định số 29/2007/NĐ-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ về Quản lý kiến trúc đô thị (sau đây viết tắt là Nghị định 29/2007/NĐ-CP) như sau :

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị (sau đây viết tắt là KTĐT) cho các khu vực nội thành, nội thị, các khu vực cửa ngõ, khu vực đặc thù của các đô thị từ loại đặc biệt đến đô thị loại 4 và các thị trấn (đô thị loại 5). Đối với khu vực ngoại thành, ngoại thị  khuyến khích việc lập Quy chế quản lý kiến trúc đô thị, tuỳ thuộc vào yêu cầu thực tế của từng địa phương. 

2. Đối tượng áp dụng bao gồm: Chính quyền đô thị, các cơ quan có trách nhiệm quản lý đô thị, các cơ quan chuyên môn về quản lý quy hoạch kiến trúc xây dựng các cấp; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động xây dựng.

3. Quy chế quản lý kiến trúc đô thị là các quy định hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện việc đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang trong đô thị phù hợp với  các đồ án QHXD đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đồ án Thiết kế đô thị (đã và đang được nghiên cứu); làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương quản lý việc quy hoạch và đầu tư xây dựng theo đơn vị hành chính (Thành phố, quận, thị xã, phường, thị trấn), các khu vực đặc thù và các khu chức năng trong đô thị một cách hiệu quả, làm căn cứ để quản lý cấp phép xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan trong đô thị nhằm nâng cao chất lượng và thẩm mĩ kiến trúc cho toàn đô thị.

4. Để tạo điều kiện cho chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân chủ động nắm bắt các thông tin, chỉ dẫn, các quy định cần thiết phù hợp với các đồ án QHXD đã được phê duyệt để triển khai công tác quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng đô thị trên các địa bàn, từ phạm vi rộng toàn thành phố đến phạm vi hẹp (các quận, phường, các khu vực đặc thù, các khu chức năng) một cách hiệu quả, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị được chia làm 2 cấp:

- Quy chế cấp I:  là Quy chế quản lý kiến trúc đô thị cho toàn thành phố được lập trên cơ sở đồ án QHCXD toàn Thành phố đã được phê duyệt và đồ án Thiết kế đô thị cho toàn thành phố đã và đang được nghiên cứu (trong đó bao gồm một số quy định chủ yếu về quản lý KTĐT cho từng khu vực trong đô thị được phân chia theo tính chất như : khu bảo vệ tôn tạo, khu cải tạo chỉnh trang, khu vực xây dựng mới, khu phát triển mở rộng), các khu vực đặc thù (tạo nên hình ảnh, bản sắc của đô thị v.v..).Quy chế này hướng dẫn Điều 18 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP quy định về quản lý QHCXD đô thị, Điều 30 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Thiết kế đô thị trong Quy hoạch chung xây dựng.

-  Quy chế cấp II: là Quy chế quản lý kiến trúc đô thị được lập cho các đơn vị hành chính (quận, thị xã, thị trấn) trên cơ sở đồ án QHCXD, QHCTXD của các quận, thị xã, thị trấn hoặc các khu vực đặc thù đã được phê duyệt và đồ án Thiết kế đô thị đã và đang được nghiên cứu (bao gồm các quy định cụ thể về quản lý KTĐT cho từng đường phố, các khu chức năng trong từng ô phố trong phạm vi ranh giới các quận, phường phù hợp với các quy định quản lý KTĐT của Quy chế cấp I); đồng thời làm căn cứ để xác lập nhiệm vụ và nội dung quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500 cho các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị). Quy chế này hướng dẫn Điều 5 của Nghị định số 29/2007/NĐ-CP; Điều 27 của Nghị định số 08/2005/NĐ-CP về quy định quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng và Điều 31 của Nghị định số 08/2005/NĐ-CP về Thiết kế đô thị trong Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị.

5. Đô thị loại 2 trở lên cần phải lập Quy chế cấp I và Quy chế cấp II; đối với đô thị loại 3 (thành phố thuộc tỉnh) tuỳ theo quy mô, năng lực quản lý và yêu cầu của từng địa phương, chính quyền cấp Tỉnh quyết định xây dựng 1 hoặc 2 Quy chế (cấp I hoặc cấp II). Đối với đô thị loại 4, 5 (đơn vị hành chính cấp thị xã, thị trấn) có thể kết hợp nội dung giữa Quy chế cấp I và Quy chế cấp II để lập một Quy chế quản lý KTĐT chung cho toàn đô thị.

6. Nội dung Quy chế quản lý kiến trúc đô thị được cập nhật, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với nội dung điều chỉnh cục bộ các đồ án Quy hoạch xây dựng và Thiết kế đô thị. Việc điều chỉnh, bổ sung quy chế do các cơ quan được giao trách nhiệm tổ chức lập Quy chế thực hiện.

7. Trường hợp các khu vực do tốc độ đô thị hoá nhanh hoặc do việc sáp nhập, chia tách, bổ sung đơn vị hành chính (quận, phường) việc lập đồ án QHXD chưa đáp ứng kịp thời thì chính quyền địa phương cần kết hợp với Sở QHKT, Sở XD và Sở Giao thông công chính để có sự trao đổi, thống nhất, đề ra các quy định quản lý KTĐT phù hợp với định hướng phát triển chung của đô thị.

II. CƠ QUAN LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT QUY CHẾ QUẢN LÝ KIẾN TRÚC  ĐÔ THỊ

1. Cơ quan lập Quy chế:

- Đối với Quy chế cấp I : UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở QHKT (thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), Sở Xây dựng (các tỉnh còn lại) tổ chức lập Quy chế và điều chỉnh bổ sung Quy chế trong trường hợp cần thiết. 

- Đối với Quy chế cấp II : UBND cấp quận, huyện phối hợp với Sở QHKT (thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), Sở Xây dựng (các tỉnh còn lại) tổ chức lập Quy chế và điều chỉnh bổ sung Quy chế trong trường hợp cần thiết. 

2. Cơ quan thẩm định và phê duyệt:

a) Quy chế cấp I:

- Đối với các đô thị từ loại 1 trở lên và các đô thị trực thuộc Trung ương: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị  sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng.

- Đối với các đô thị từ loại 2 trở xuống Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị  sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Xây dựng.

b) Quy chế cấp II :

-  Đối với các quận thuộc đô thị loại 1 trở lên và các đô thị trực thuộc Trung ương, thành phố tỉnh lỵ và thị xã do Uỷ ban nhân dân cấp Tỉnh phê duyệt và ban hành Quy chế sau khi có ý kiến thẩm định của Sở QHKT (thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), Sở Xây dựng (các tỉnh còn lại).

- Đối với các thị trấn (đô thị loại 5) do UBND cấp huyện, thị xã phê duyệt và ban hành theo phân cấp của Tỉnh.

- Đối với các khu vực đặc thù, các khu chức năng đặc biệt, cơ quan phê duyệt Quy chế là cơ quan  phê duyệt QHXD khu vực đó.

III. NỘI DUNG SOẠN THẢO QUY CHẾ QUẢN LÝ KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ

1.  Quy chế cấp I

Nội dung Quy chế quản lý kiến trúc đô thị cấp I là quy định về quản lý KTĐT cho toàn thành phố (chủ yếu trong phạm vi khu vực nội thành, các khu vực cửa ngõ, khu vực đặc thù của thành phố) thông qua việc giới thiệu, phân tích khái quát những đặc điểm chính của phạm vi ranh giới thành phố; trên cơ sở đánh giá điều kiện hiện trạng tự nhiên và xã hội, cụ thể hoá các nội dung đồ án QHCXD đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồ án thiết kế đô thị đã và đang được nghiên cứu; đưa ra các yêu cầu quy định quản lý KTĐT cho từng khu vực kiểm soát phát triển (khu bảo vệ tôn tạo, khu cải tạo chỉnh trang, khu vực xây dựng mới, khu phát triển mở rộng) và các khu vực đặc thù trong đô thị, bao gồm:

a) Việc mô tả hiện trạng về vị trí, phạm vi ranh giới, các đơn vị hành chính (quận, huyện); quy mô diện tích và dân số (nội, ngoại thành), phân loại đô thị v.v. được thể hiện kết hợp trên bản đồ hành chính. Phân tích một số nét khái quát của thành phố về: điều kiện tự nhiên (địa hình, cảnh quan thiên nhiên), lịch sử phát triển, cấu trúc của thành phố, định hướng phát triển không gian phải có sơ đồ minh hoạ kèm theo. Phân tích những yếu tố tạo nên hình ảnh, ấn tượng của đô thị như: các không gian mở có quy mô lớn ( hồ nước, dòng sông, khu công viên cây xanh), các khu vực đặc thù của đô thị (ví dụ ở Hà Nội có khu Trung tâm chính trị Ba Đình, Khu phố cổ, khu vực hồ Tây, xung quanh hồ Gươm v.v.) cần có hình ảnh minh hoạ kèm theo.

Trên cơ sở QHCXD toàn thành phố đã được phê duyệt, quy định các hướng phát triển của thành phố (có sơ đồ minh hoạ); Quy chế  quản lý KTĐT cho toàn thành phố chủ yếu tập trung vào các quy định về quản lý kiến trúc đô thị cho từng phân vùng kiểm soát phát triển  và cho các khu vực đặc thù.

b) Quy định về quản lý KTĐT cho từng phân vùng kiểm soát phát triển  bao gồm: quy định quản lý KTĐT  cho khu vực đô thị cần được bảo vệ, tôn tạo; khu vực đô thị cải tạo chỉnh trang; khu vực đô thị  phát triển mới, với nội dung cần quy định rõ: vị trí, quy mô, phạm vi ranh giới, các quy định về kiến trúc quy hoạch: mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, một số yêu cầu chủ yếu về tính chất, hình thức kiến trúc công trình, chiều cao công trình (tối đa), cao độ khống chế xây dựng cho các khu vực; các quy định về hệ thống hạ tầng kỹ thuật: quy định về giao thông, san nền, thoát nước, cấp nước, cấp điện, hệ thống thông tin liên lạc, quy định về bảo vệ môi trường,  quy định về quảng cáo,  quy định về bảo vệ cảnh quan v.v...

c) Quy định về quản lý KTĐT cho các khu vực đặc thù được lập trên cơ sở tính chất của từng loại khu để đề ra các yêu cầu, quy định phù hợp, bao gồm: phạm vi ranh giới (thuộc quận A, B, C…), diện tích đất,  các yêu cầu chính về kiến trúc quy hoạch: chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, ranh giới bảo vệ, khoảng cách li (không được phép xây dựng công trình), hình thức công trình, sân vườn, tường rào, cổng, bãi đỗ xe v.v..  quy định về bảo vệ môi trường,  quy định về quảng cáo trong các khu vực nêu trên,  quy định về bảo vệ cảnh quan,  các quy định về hệ thống hạ tầng kỹ thuật v.v..

Quy chế cấp I được lập theo mẫu Phụ lục 1 của Thông tư này

2. Quy chế cấp II 

a) Đối với các đô thị từ loại I trở lên và các đô thị trực thuộc Trung ương (đã lập Quy chế cấp I): trên cơ sở nội dung Quy chế quản lý kiến trúc đô thị cấp I về các quy định theo phân vùng phát triển và các khu vực đặc thù trong đô thị,  Quy chế quản lý kiến trúc đô thị cấp II là cụ thể hoá các quy định về quản lý KTĐT cấp I của toàn Thành phố cho từng quận thông qua việc giới thiệu, phân tích khái quát những nét chính của từng quận, trên cơ sở đánh giá điều kiện hiện trạng tự nhiên và xã hội của từng quận; cụ thể hoá các nội dung đồ án QHCXD quận đã được phê duyệt, đồ án thiết kế đô thị đã và đang được nghiên cứu đưa ra các yêu cầu quy định về quản lý KTĐT cho từng phường, cho từng đường phố, ô phố.

b)Việc mô tả hiện trạng về vị trí, phạm vi ranh giới, các đơn vị hành chính (phường); quy mô diện tích và dân số được thể hiện kết hợp trên bản đồ hành chính. Việc phân tích điều kiện tự nhiên (địa hình, cảnh quan thiên nhiên, lịch sử phát triển, cấu trúc của quận, thị xã; định hướng phát triển không gian phải có sơ đồ minh hoạ kèm theo. Thống kê các ô phố, tuyến phố theo từng phường (tên đường phố, chiều dài, chiều rộng, chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng); các ô phố (ký hiệu  ô phố, diện tích, dân số) theo hiện trạng .

c) Các quy định về quản lý KTĐT của từng quận, thị xã theo QHCXD hoặc QHCT đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đồ án thiết kế đô thị (đã và đang nghiên cứu) được thể hiện thông qua việc quy định quản lý KTĐT cho từng đường phố, ô phố, các khu chức năng (khu dân cư, khu  cơ quan, dịch vụ công cộng, cây xanh công viên, khu công nghiệp v.v..) nằm trong phạm vi các ô phố liên quan. Đối với các khu chức năng có diện tích nằm trên địa bàn 2 quận hoặc trên 2 đường phố, ô phố thì việc quy định về quản lý KTĐT phải được thống nhất, không được khác biệt trên 2 địa bàn liên quan.

d) Quy định cụ thể quản lý KTĐT cho từng đường phố, bao gồm: quy định tính chất công trình kiến trúc được phép xây dựng, khoảng lùi của công trình, các phần đua ra ngoài công trình (mặt quay ra đường phố, dọc theo ranh giới cạnh bên của lô đất); thống nhất độ nhô và chiều cao (tính từ mặt đất) của các ban công, ô văng của các dãy nhà liền kề trên từng đoạn phố, chiều cao công trình, kích thước lô đất, một số khuyến cáo về hình thức kiến trúc công trình (vật liệu xây dựng, màu sắc, hình thức mặt đứng); hình thức các công trình ở các góc phố giao nhau, vị trí công trình điểm nhấn; quy định hình thức quảng cáo, việc bố trí, tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên toàn tuyến đường.

Đối với các tuyến phố mới mở hoặc sắp mở cần phải có nghiên cứu trước về quy định cụ thể kiến trúc cảnh quan 2 bên đường.

e) Quy định cụ thể quản lý KTĐT cho từng ô phố  bao gồm: quy định mật độ xây dựng, chiều cao trung bình của toàn ô phố, chiều cao tối đa, vị trí các công trình điểm nhấn trong từng ô phố.

f) Đối với các khu chức năng hiện hữu nằm trong các ô phố hoặc dự kiến xây dựng theo đồ án QHXD đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quy hoạch xây dựng đợt đầu (dự kiến sẽ triển khai thực hiện trong vòng 5 năm) như: khu cơ quan, công trình dịch vụ công cộng, công viên cây xanh, thì  quy định cụ thể quản lý KTĐT chủ yếu là các nội dung: vị trí, quy mô, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, hình thức kiến trúc, sân vườn, tường rào, cổng, bãi đỗ xe; quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan; các quy định về hệ thống hạ tầng kỹ thuật: cốt khống chế xây dựng, hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện, hệ thống thông tin liên lạc v.v.

g) Đối với khu chức năng có tính chất là khu ở thì việc quy định quản lý KTĐT được lập dựa theo tính chất, lịch sử hình thành và phát triển của từng khu ở như: khu phố cổ, khu phố cũ, khu chung cư, khu làng xóm đô thị hoá, khu đô thị mới v.v.. Việc giám sát và triển khai thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc đô thị trong các khu ở này thuộc phường nào thì do UBND các phường đó có trách nhiệm thực hiện và giám sát.

h) Đối với các công trình kiến trúc đặc biệt (công trình điểm nhấn, công trình có ý nghĩa lịch sử-văn hoá của địa phương) quy định cụ thể quản lý KTĐT chủ yếu là các nội dung: quy định vị trí, ranh giới, quy mô, tính chất, chức năng, phạm vi ranh giới bảo vệ (cấm xây dựng), hình thức kiến trúc, tường rào, cổng, bố trí sân vườn, cây xanh, quảng cáo, đèn chiếu sáng, bãi đỗ xe, quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan v.v..

Quy chế cấp II được lập theo mẫu Phụ lục 2 của Thông tư này

IV. LẤY Ý KIẾN VỀ QUY CHẾ QUẢN LÝ KIẾN TRÚC ĐÔ THỊ 

1. Quy chế cấp I

- Quy chế cấp I được lập trên cơ sở các đồ án QHCXD đựơc phê duyệt và đồ án Thiết kế đô thị đã và đang nghiên cứu. Trong quá trình soạn thảo, cần lấy ý kiến của các Hội chuyên môn nghề nghiệp và các tổ chức liên quan. 

- Đối với các khu đặc thù, nếu khu vực đó có ảnh hưởng, liên quan đến hình thức kiến trúc, cảnh quan đô thị thì đơn vị soạn thảo cần lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân sống trong khu vực có liên quan.

2. Quy chế cấp II

Trong quá trình lập và hoàn chỉnh Quy chế cấp II, đơn vị soạn thảo có thể tách Quy chế thành từng phần liên quan đến mỗi đơn vị hành chính (phường), hoặc các khu chức năng trên địa bàn để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân sống trong các khu vực (ô phố, đường phố) liên quan đến Quy chế.

3.  Hình thức lấy ý kiến:

- Đối với Quy chế cấp I: đơn vị soạn thảo gửi Dự thảo Quy chế đến các tổ chức, cơ quan để xin ý kiến hoặc trao đổi trực tiếp về các vấn đề liên quan;  niêm yết Dự thảo Quy chế ở các Trung tâm thông tin của Thành phố để nhân dân dễ tiếp cận và góp ý.

- Đối với Quy chế cấp II: trích các nội dung cụ thể liên quan đến từng địa  bàn, niêm yết dự thảo Quy chế tại Trụ sở UBND quận, cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, UBND phường, các Trung tâm văn hoá thông tin của các quận, phường để nhân dân dễ tiếp cận, tham khảo và cho ý kiến bằng phiếu.

- Trước khi trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt Quy chế, đơn vị soạn thảo có trách nhiệm báo cáo với cơ quan thẩm định và phê duyệt về kết quả lấy ý kiến, làm cơ sở cho việc thẩm định và phê duyệt Quy chế.

V. HÌNH THỨC CÔNG BỐ, CÔNG KHAI QUY CHẾ QUẢN LÝ KTĐT

a) Quy chế cấp I 

- Đối với các đô thị từ loại 1 trở lên và các đô thị trực thuộc Trung ương: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và ban hành Quy chế, UBND cấp quận có trách nhiệm tổ chức công bố Quy chế quản lý kiến trúc đô thị đã được phê duyệt thuộc địa giới hành chính do mình quản lý để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.

- Đối với các đô thị từ loại 2 trở xuống : Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị, UBND cấp phường có trách nhiệm tổ chức công bố Quy chế quản lý kiến trúc đô thị đã được phê duyệt thuộc địa giới hành chính do mình quản lý để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.

b) Quy chế cấp II :

-  Quy chế cấp II của các quận thuộc đô thị loại 1 trở lên và các đô thị trực thuộc Trung ương, thành phố tỉnh lỵ và thị xã do Uỷ ban nhân dân cấp Tỉnh phê duyệt và ban hành Quy chế, UBND các cấp quận, thị xã, phường có trách nhiệm tổ chức công bố Quy chế quản lý kiến trúc đô thị đã được phê duyệt thuộc địa giới hành chính do mình quản lý để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng đô thị cấp quận, thị xã, phường có thể tách từng phần Quy chế quản lý cho các khu phố, ô phố, đường phố hoặc các khu chức năng để công bố công khai ở các địa điểm thích hợp giúp nhân dân có thể dễ dàng tiếp cận và nắm bắt kịp thời, triển khai thực hiện theo Quy chế và tạo điều kiện để chính quyền địa phương có thể kiểm tra giám sát, quản lý  việc đầu tư xây dựng một cách hiệu quả.

- Quy chế cấp II của thị trấn (đô thị loại 5) do UBND cấp huyện, thị xã phê duyệt và ban hành, UBND thị trấn tổ chức công bố  Quy chế quản lý kiến trúc đô thị đã được phê duyệt thuộc địa giới hành chính do mình quản lý để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện.

- Quy chế quản lý KTĐT cấp I, II được niêm yết thường xuyên, phổ biến công khai tại các Trung tâm thông tin của địa phương, tại nơi trưng bày, triển lãm công cộng và các phương tiện thông tin đại chúng. Có thể phát hành đĩa CD, tài liệu, Tờ rơi để phổ biến cho nhân dân biết. Cơ quan quản lý QHXD đô thị cấp quận là đầu mối quản lý, lưu giữ quy chế, có trách nhiệm thường xuyên hướng dẫn, giải thích, cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về đầu tư xây dựng.

VI. TRÁCH NHIỆM CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP , CÁC TỔ CHỨC, CƠ QUAN VỀ GIÁM SÁT, KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN QUY CHẾ

- UBND cấp Tỉnh ban hành các chế tài thực hiện, xử lý vi phạm và phân công trách nhiệm cho UBND cấp quận giám sát, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm việc thực hiện Quy chế.

- Đối với các khu chức năng và các khu vực đặc thù, việc giám sát và triển khai thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc đô thị do các tổ chức, cơ quan liên quan trong khu vực ảnh hưởng bởi Quy chế thực hiện.

VII.  HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành  sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị UBND Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để nghiên cứu, giải quyết hoặc tổng hợp báo cáo Chính phủ./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Ngọc Chính

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.