CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÀO CAI
Về công tác giáo dục và đào tạo
______________________
Trong những năm gần đây, nhất là khi có Nghị quyết 4 Ban chấp hành TW Đảng cộng sản Việt nam (khóa 7) sự nghiệp giáo dục và đào tạo Lào Cai đã có những bước phát triển mới: số học sinh các cấp học, ngành học đều tăng nhanh, chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực, đội ngũ giáo viên đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất và các điều kiện khác cho giáo dục được nâng cao hơn trước. Nhu cầu học tập và sự quan tâm của toàn xã hội đến sự nghiệp giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đưa sự nghiệp của tỉnh ngày một phát triển hơn. Tuy nhiên, tốc độc phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ còn chậm, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi chưa được đến trường còn nhiều. Giáo dục mầm non phát triển chậm. Hiệu quả cũng như chất lượng giáo dục đặc biệt ở vùng cao, vùng sâu chưa cao, phong trào xã hội hóa giáo dục chưa phát triển mạnh và rộng khắp. Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những mặt tồn tại nhằm đưa sự nghiệp giáo dục Lào Cai ngày càng có chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn theo yêu cầu và mục tiêu của Nghị quyết 4 Ban chấp hành TW Đảng đã đề ra, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, các sở ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội của tỉnh làm tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. UBND các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo và xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục của huyện thị, có mục tiêu phấn đấu hàng năm và lâu dài. Đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục tiểu học, tích cực xóa mù chữ, tập trung vào các đối tượng cán bộ chủ chốt của xã, phường, đoàn thể. Phấn đấu từ nay đến năm 2000 hoàn thành xóa mù chữ cho những người trong độ tuổi từ 15 - 25 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học ở vùng thấp, huy động 60% trẻ em từ 6 - 14 tuổi đến trường ở vùng cao, vùng sâu. Có chủ trương, biện pháp tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt" ngày toàn dân đưa trẻ đến trường" đạt kết quả cao.
Huy động cao nhất mọi khả năng sẵn có của địa phương, của nhân dân và các tổ chức xã hội khác đóng góp sức người, sức của trong việc xây dựng trường lớp, chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là những giáo viên, ởvùng sâu, vùng xa đang còn gặp khó khăn, xây dựng môi trường giáo dục tiến bộ. Các huyện thị xã huy động xây dựng quỹ "vì sự phát triển của giáo dục" nhằm góp phần làm cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngày 1 tốt hơn.
2. Ngành giáo dục và đào tạo có trách nhiệm phối hợp cùng với UBND các huyện thị xã, các sở, ban ngành làm chuyển biến công tác xã hội hoa giáo dục 1 cách sâu rộng hơn. Xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục trước mắt (1995 - 1996) và từ nay đến năm 2000. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các ngành học, các loại hình trường lớp. Xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý vững về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn tăng nhanh giáo viên ở các xã vùng cao.
Chú trọng phát triển mạng lưới trường lớp vùng cao, củng cố và nâng cao chất lượng các trường nội trú, phát triển các trường bán trú để thu hút trẻ em ở các thôn bản xa đi học, nâng cao tỷ lệ huy động, duy trì số lượng dạy và học có hiệu quả. Thực nghiệm và triển khai để từng bước tiến tới dạy chữ Mông với kế hoạch theo chương trình của Bộ giáo dục và đào tạo. Thực hiện giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh phổ thông, đáp ứng 1 phần dạy nghề cho người lao động có nhu cầu. Quản lý và làm tốt các chương trình mục tiêu giáo dục trong đó có việc quản lý và sử dụng có hiệu qua nguồn kinh phí đầu tư cho sự nghiệp giáo dục.
3. Các cơ quan ban ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội với chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp chặt chẽ với cơ quan giáo dục các cấp, chính quyền địa phương, đề ra những chương trình mục tiêu, có biện pháp thiết thực nhằm tuyên truyền vận động cán bộ công nhân viên chức và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đưa con em mình trong độ tuổi đi học đến trường. Tham gia mở các lớp xóa mù chữ cho cán bộ và nhân dân, giúp đỡ về tài chính, xây dựng cơ sở vật chất và đóng góp nhân lực theo khả năng từng ngành góp phần đẩy nhanh tốc độ phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ trợ giúp học sinh nghèo khó khăn, học sinh khuyết tật và khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên giỏi. Các doanh nghiệp giành một tỷ lệ phúc lợi hàng năm của mình để xây dựng quỹ "vì sự phát triển giáo dục" coi đây là sự đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục.
Hội đồng thi đua khen thưởng của tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo phát động phong trào thi đua "phát triển sự nghiệp giáo dục" bắt đầu từ năm học 1995 - 1996 (có văn bản kèm theo chỉ thị này).
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, các sở, ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội triển khai tổ chức thực hiện chỉ thị này bằng những chương tình, hành động cụ thể, thiết thực nhằm góp phần đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển vững chắc hơn.