• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/07/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 18/09/2009
BỘ THƯƠNG MẠI
Số: 0938/2000/QĐ-BTM
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Tĩnh, ngày 30 tháng 6 năm 2000

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Ban hành Quy chế về hàng hoá của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào

quá cảnh lãnh thổ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam

_____________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI

Căn cứ Hiệp định Quá cảnh hàng hoá giữa Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào ngày 23/4/1994 và Hiệp định ngày 18/01/2000 giữa Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào sửa đổi bổ sung một số điều của Hiệp định Quá cảnh hàng hoá ký ngày 23/4/1994;

Căn cứ Nghị định 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại và hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài;

Sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Hải quan,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về hàng hoá của Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào quá cảnh lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quy chế này thay thế cho Quy chế về hàng hoá của Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào quá cảnh lãnh thổ Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1163/TM-XNK ngày 20/9/1994 và Quyết định số 690/TM-XNK ngày 09/8/1996 của Bộ trưởng Bộ Thương mại.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký./.

 

QUY CHẾ

VỀ HÀNG HOÁ CỦA CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO QUÁ CẢNH

LÃNH THỔ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


(Ban hành kèm theo Quyết định số 0938/2000/QĐ-BTM
ngày 30 tháng 6 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Thương mại)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Hàng quá cảnh nêu trong Quy chế này là hàng hoá của chủ hàng quá cảnh Lào đi qua lãnh thổ Việt Nam để sang nước thứ ba hoặc từ nước thứ ba về Lào hoặc đưa từ địa phương này sang địa phương khác của Lào có đi qua lãnh thổ Việt Nam.

2. Việc quá cảnh hàng hoá thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu được quy định như sau:

a) Cấm quá cảnh hàng hoá mà pháp luật và tập quán quốc tế nghiêm cấm gồm: đồ cổ; ma tuý; hoá chất độc; chất phóng xạ; sản phẩm văn hoá đồi trụy, phá hoại sự ổn định chính trị của hai nước; các loại thực vật và động vật quý hiếm.

b) Phải được phép bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam trên cơ sở văn bản đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Lào khi quá cảnh lãnh thổ Việt Nam vũ khí đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị quân sự nhằm mục đích quốc phòng và an ninh quốc gia của Lào.

c) Đối với việc quá cảnh gỗ tròn, gỗ xẻ thì vào đầu năm, Bộ Thương mại và Du lịch Lào thông báo kế hoạch quá cảnh trong năm, cụ thể về số lượng, chủng loại, cửa khẩu, tuyến đường. Căn cứ đơn xin quá cảnh có xác nhận của Bộ Thương mại và Du lịch Lào hoặc cơ quan được Bộ Thương mại và Du lịch Lào uỷ quyền, Bộ Thương mại Việt Nam cấp Giấy phép Quá cảnh một lần và được phép vận chuyển quá cảnh nhiều lần cho đến hết theo quy định trong Giấy phép.

d) Quá cảnh hàng hoá thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (trừ các hàng hoá đã nêu tại các mục a, b, c ở trên) phải được phép của Bộ Thương mại Việt Nam (Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội hoặc Đà Nẵng) trên cơ sở đơn xin quá cảnh có xác nhận của Bộ Thương mại và Du lịch Lào hoặc cơ quan được Bộ Thương mại và Du lịch Lào uỷ quyền.

3. Các loại hàng hoá mà Việt Nam không cấm xuất khẩu, không cấm nhập khẩu (dưới đây gọi tắt là hàng quá cảnh thông thường), được phép làm thủ tục quá cảnh trực tiếp tại Hải quan cửa khẩu Việt Nam.

4. Hàng quá cảnh chịu sự giám sát của Hải quan Việt Nam trong suốt thời gian lưu chuyển trên lãnh thổ Việt Nam; vào và ra khỏi Việt Nam theo đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định; lượng hàng xuất ra phải đúng bằng lượng hàng nhập vào, nguyên đai nguyên kiện.

5. Hàng quá cảnh được lưu lại trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tối đa là 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập khẩu. Thời hạn này có thể được Bộ Thương mại (nếu là hàng quá cảnh theo giấy phép) hoặc Cục hải quan tỉnh, thành phố đang giám sát lô hàng quá cảnh (nếu là hàng quá cảnh thông thường) gia hạn. Mỗi lần gia hạn không quá 30 ngày và tối đa không quá 3 lần gia hạn cho một lô hàng quá cảnh.

6. Chủ hàng quá cảnh phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác áp dụng cho hàng quá cảnh theo quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam.

7. Hàng quá cảnh không được tiêu thụ trên lãnh thổ Việt Nam; trường hợp đặc biệt phải được phép của Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam.

8. Thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh phương tiện vận chuyển và người áp tải; thủ tục lưu kho, lưu bãi hàng quá cảnh; thủ tục sang mạn, thay đổi phương tiện vận chuyển hàng quá cảnh được thực hiện theo hướng dẫn của Hải quan Việt Nam.

II. CỬA KHẨU QUÁ CẢNH HÀNG HOÁ

Việc quá cảnh hàng hoá qua biên giới Việt - Lào được thực hiện qua các cấp cửa khẩu sau đây:

 

Tên cửa khẩu phía Việt Nam

Đường qua biên giới

Tên cửa khẩu phía Lào

Lao Bảo

Đường 9

Đen Savan

Keo Nưa (cầu treo)

Đường 8

Nậm Phao (Na Pe)

Na Mèo

Đường 217

Bản Lơi

Tây Trang

Đường 42

Xốp Hun

Pa Háng

Đường 43

Sốp Bau

Nậm Cắn

Đường 7

Nậm Cắn

Cha Lo (đèo Mụ Gia)

Đường 12

Thông Khảm

Bê Y

Đường 18

Phou Nhang

 

 

III. CÁC QUY ĐỊNH VỀ GIẤY PHÉP VÀ VẬN CHUYỂN HÀNG QUÁ CẢNH

1. Đối với hàng quá cảnh theo giấy phép nêu tại điểm 2, phần I quy chế này, chủ hàng quá cảnh Lào gửi đơn xin quá cảnh hàng hoá tới Bộ Thương mại Việt Nam (đơn được lập theo mẫu 01 đính kèm Quy chế này).

Việc gia hạn Giấy phép Quá cảnh được thực hiện trên cơ sở đơn đề nghị của chủ hàng quá cảnh Lào gửi đến Bộ Thương mại Việt Nam trước khi hết thời hạn quá cảnh.

2. Đối với hàng quá cảnh thông thường, việc gia hạn thời gian quá cảnh được thực hiện trên cơ sở văn bản đề nghị của chủ hàng quá cảnh Lào gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố đang giám sát lô hàng trước khi đến hạn xuất ra khỏi Việt Nam.

3. Chủ hàng quá cảnh Lào được phép tự vận chuyển và làm thủ tục quá cảnh hoặc thuê doanh nghiệp Việt Nam thực hiện.

4. Chủ hàng quá cảnh Lào phải xuất trình cho Hải quan cửa khẩu Việt Nam các văn bản sau:

a) Các chứng từ hàng hoá có liên quan theo quy định của Tổng cục Hải quan.

b) Giấy phép Quá cảnh của Bộ Thương mại (trường hợp quá cảnh theo giấy phép).

c) Giấy phép lưu hành tạm thời do Sở Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có cửa khẩu nhập hàng quá cảnh, cấp cho phương tiện vận chuyển hàng quá cảnh (nếu có):

d) Văn bản của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố cho phép lưu kho lưu bãi trên 30 ngày, thay đổi phương tiện vận chuyển hoặc thay đổi bao bì hàng hoá (nếu có); văn bản gia hạn Giấy phép Quá cảnh (nếu có).

e) Trường hợp chủ hàng quá cảnh Lào thuê doanh nghiệp Việt Nam làm dịch vụ vận chuyển hàng hoá quá cảnh thì doanh nghiệp Việt Nam, ngoài các hồ sơ nêu tại mục a, b, c, d nói trên, phải xuất trình thêm cho cơ quan Hải quan hợp đồng vận chuyển hàng hoá quá cảnh ký với chủ hàng quá cảnh Lào hoặc đại lý giao nhận được chủ hàng quá cảnh Lào uỷ nhiệm.

5. Các phương tiện của Việt Nam và Lào tham gia vận chuyển hàng hoá quá cảnh bằng đường bộ đều phải tuân thủ Hiệp định vận tải đường bộ, Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào và các quy định khác có liên quan của Việt Nam.

IV. NHỮNG QUY ĐỊNH KHÁC

1. Việc thay đổi tuyến đường vận chuyển hoặc cửa khẩu xuất, nhập hàng hoá quá cảnh sẽ do Bộ Thương mại xem xét giải quyết (nếu là hàng quá cảnh có giấy phép) hoặc do Cục Hải quan tỉnh, thành phố đang giám sát lô hàng xem xét giải quyết (nếu là hàng quá cảnh thông thường) trên cơ sở văn bản đề nghị của chủ hàng quá cảnh Lào.

2. Trong quá trình vận chuyển lưu kho trên lãnh thổ Việt Nam nếu hàng hoá quá cảnh có sự cố (đổ vỡ, mất mát, hư hỏng...) thì chủ hàng quá cảnh Lào (hoặc doanh nghiệp vận chuyển) phải kịp thời thông báo cho Hải quan (nơi nào không có Hải quan thì thông báo cho chính quyền địa phương nơi gần nhất từ cấp xã trở lên) nơi xảy ra sự cố lập biên bản xác nhận tình trạng hàng hoá. Biên bản xác nhận sự cố là cơ sở để Hải quan cửa khẩu xuất hàng làm thủ tục xuất khẩu cho lô hàng.

3. Tranh chấp phát sinh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và chủ hàng quá cảnh Lào trong quá trình thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng quá cảnh sẽ do các bên giải quyết thông qua thương lượng. Nếu thương lượng không đạt được kết quả thì tranh chấp sẽ do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam giải quyết.

4. Việc thanh toán lệ phí và chi phí phát sinh tõ hoạt động quá cảnh sẽ được thực hiện phù hợp với các quy định trong Hiệp định thanh toán xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ cho từng thời kỳ giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

5. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế này sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành của Việt Nam./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Khoan

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.