Uỷ ban nhân dânCHỈ THỊ CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
Về việc ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp lệnh về đê điều,
Pháp lệnh phòng, chống lụt bão, pháp lệnh khai thác
và bảo vệ công trình thuỷ lợi
Đê điều, công trình thuỷ lợi là cơ sở kinh tế kỹ thuật thuộc kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất, dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội. Việc bảo vệ và chấp hành các quy định của pháp luật là trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc, Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang... trong thời gian qua một số cơ quan, đơn vị, tổ chức đã làm tốt công tác này.
Tuy vậy, qua kiểm tra tình hình cho thấy nhiều cá nhân xây dựng nhà ở, lều quán, khai thác vật liệu làm lò gạch, đào ao thả cá, đào giếng... ngay sát và trên lòng kênh, bờ kênh, hồ đập, thân đê.
Những việc làm trên đã gây mất an toàn công trình, cản trở cho việc bảo vệ và khai thác công trình phục vụ sản xuất.
Để tiếp tục thực hiện Pháp lệnh về đê điều, Pháp lệnh phòng, chống lụt bão, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện một số việc cấp bách say đây:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho mọi người hiểu và thực hiện nghiêm các quy định của Pháp lệnh.
2. Tiếp tục kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng hệ thống đê, kè, cống, các hồ chứa nước và các công trình phòng chống bão lụt khác, khẩn trương hoàn thành kế hoạch tu bổ các công trình, đặc biệt là các công trình xung yếu. Củng cố lực lượng hộ đê và chống lũ, tổ chức tập huấn, tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý ngay các ẩn hoạ phát sinh.
Các huyện ven biển cần hướng dẫn cho Ngư dân các biện pháp chủ động phòng, tránh bão nhất là Ngư dân đi trên tàu thuyền đánh cá xa bờ.
Các huyện miền Núi phải có kế hoạch hướng dẫn cho nhân dân phòng, tránh lũ quét ở những nơi có khả năng xẩy ra.
3. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã phân loại và xử lý dứt điểm các vi phạm về đê điều, các công trình thuỷ lợi còn tồn đọng lâu nay, kịp thời phát hiện và chặn đứng mọi hành vi vi phạm pháp lệnh ngay từ khi mới xẩy ra, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và lập lại trật tự kỷ cương theo Pháp luật.
Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh thống nhất với Uỷ ban nhân dân huyện Đức Thọ, Uỷ ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh để có phương án giải toả các công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê La Giang trong phạm vi 5m. Thực hiện trong đợt diễn tập phòng chống lụt bão năm 1996 này. Công tác giải toả phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng nơi để có biện pháp, bước đi thích hợp đảm bảo đúng quy định của Nhà nước.
Trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình, các ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị phải kiên quyết xử lý, chỉ báo cáo cấp trên để có sự hỗ trợ khi vượt quá quyền hạn của mình. Đối với những trường hợp cố ý xâm phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn của công trình, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã kiến nghị với các cơ quan nội chính phối hợp xử lý theo pháp luật.
4. Tiếp tục rà soát, bổ sung số lượng chủng loại vật tư, phương tiện dụng cụ hộ đê từng tuyến. Ngoài các vật tư dự trữ của Nhà nước, các địa phương phải nắm chắc để khi cần có thể huy động thêm vật tư, phương tiện của các Công ty, Xí nghiệp đóng trên địa bàn và vật tư trong nhân dân, chú ý chuẩn bị thêm đất dự trữ ở những đoạn đê có nhu cầu cần thiết.
Việc ngăn chặn và xử lý vi phạm Pháp lệnh về đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt bão, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi là cần thiết và có nhiều khó khăn phức tạp, yêu cầu Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, các đơn vị, tổ chức có liên quan tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.