Sign In

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2005/TT-BLĐTBXH ngày 22/6/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/2/2005 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm và Nghị định số 71/2008/NĐ-CP ngày 05/06/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP

__________________

Thi hành Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/02/2005 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm, Nghị định số 71/2008/NĐ-CP ngày 05/06/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2005/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2005/TT-BLĐTBXH ngày 22/6/2005 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP như sau:

I. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA THÔNG TƯ SỐ 20/2005/TT-BLĐTBXH

1. Sửa đổi khoản 2 Mục I như sau:

“2. Doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm theo quy định tại khoản 2 Điều 2 và Điều 4 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung là Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Các Doanh nghiệp được thành lập hợp pháp trước thời điểm Luật Doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực đã được cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm còn hiệu lực thì được tiếp tục hoạt động giới thiệu việc làm theo giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm đã được cấp nhưng tối đa đến trước ngày 01 tháng 07 năm 2010.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập hợp pháp trước thời điểm Luật Doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực nhưng không đăng ký kinh doanh lại theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì không thuộc đối tượng được cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm.

Doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm sau đây gọi chung là Doanh nghiệp.”

2. Bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4, Mục II như sau:

“4a. Nhiệm vụ của Trung tâm theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung được hướng dẫn như sau:

a) Hoạt động tư vấn, bao gồm:

- Tư vấn học nghề cho người lao động về lựa chọn nghề, trình độ đào tạo, nơi học phù hợp với khả năng và nguyện vọng;

- Tư vấn việc làm cho người lao động về lựa chọn công việc phù hợp với khả năng và nguyện vọng; về kỹ năng thi tuyển; về tự tạo việc làm, tìm việc làm trong và ngoài nước;

- Tư vấn cho người sử dụng lao động về tuyển dụng lao động; về quản trị và phát triển nguồn nhân lực; về sử dụng lao động và phát triển việc làm;

- Tư vấn về các chính sách, pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động.

b) Hoạt động giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động, bao gồm:

- Giới thiệu cho người lao động cần tìm việc làm với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân cần tuyển lao động;

- Cung ứng lao động đã được lựa chọn thông qua hồ sơ tuyển dụng phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động;

- Tuyển lao động thông qua thi tuyển để lựa chọn những người đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động;

c) Hoạt động thu thập, phân tích và cung ứng thông tin về thị trường lao động, bao gồm: nhu cầu tuyển lao động, nhu cầu cần việc làm, tiêu chuẩn lao động, tiền lương, tiền công trên địa bàn hoạt động, của vùng và cả nước.

d) Tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm theo quy định của pháp luật”

3. Bổ sung khoản 7a vào sau khoản 7 Mục III như sau:

“7a. Các hoạt động giới thiệu việc làm của Doanh nghiệp theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung được hướng dẫn như sau:

a) Hoạt động tư vấn, bao gồm:

- Tư vấn học nghề cho người lao động về lựa chọn nghề, trình độ đào tạo, nơi học phù hợp với khả năng và nguyện vọng;

- Tư vấn việc làm cho người lao động về lựa chọn công việc phù hợp với khả năng và nguyện vọng; về kỹ năng thi tuyển; về tự tạo việc làm, tìm việc làm trong và ngoài nước;

- Tư vấn cho người sử dụng lao động về tuyển lao động; về quản trị và phát triển nguồn nhân lực; về sử dụng lao động và phát triển việc làm;

- Tư vấn về các chính sách, pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động.

b) Hoạt động giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động, bao gồm:

- Giới thiệu cho người lao động cần tìm việc làm với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân cần tuyển lao động;

- Cung ứng lao động đã được lựa chọn thông qua hồ sơ tuyển dụng phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động;

- Tuyển lao động thông qua thi tuyển để lựa chọn những người đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động.

c) Hoạt động thu thập, phân tích và cung ứng thông tin về thị trường lao động, bao gồm: nhu cầu tuyển lao động, nhu cầu cần việc làm, tiêu chuẩn lao động, tiền lương, tiền công trên địa bàn hoạt động, của vùng và cả nước.

d) Tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm theo quy định của pháp luật”.

4. Bổ sung khoản 10 vào Mục III như sau:

“10. Thủ tục đăng ký hoạt động giới thiệu việc làm cho Chi nhánh của Doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 19a của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung như sau:

a) Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đăng ký hoạt động giới thiệu việc làm cho Chi nhánh hoạt động ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Doanh nghiệp được cấp giấy phép, bao gồm các giấy tờ sau:

- Bản đăng ký hoạt động giới thiệu việc làm cho Chi nhánh bao gồm những nội dung chủ yếu: Tên Doanh nghiệp; địa chỉ; số điện thoại, fax, email; số tài khoản giao dịch; số giấy phép đăng ký kinh doanh; số giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm được cấp; họ và tên Tổng Giám đốc (Giám đốc); Tên Chi nhánh; địa chỉ, số điện thoại, fax, email; số tài khoản giao dịch; họ và tên người đứng đầu chi nhánh; số Giấy Chứng nhận đăng ký hoạt động của Chi nhánh; kế hoạch hoạt động giới thiệu việc làm của Chi nhánh (theo mẫu số 05a ban hành kèm Thông tư này);

- Bản sao giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm của Doanh nghiệp (có chứng thực theo quy định của pháp luật);

- Các giấy tờ và văn bản chứng minh Doanh nghiệp đảm bảo đủ các điều kiện để Chi nhánh hoạt động giới thiệu việc làm, bao gồm: bản sao (có chứng thực theo quy định của pháp luật) giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc văn bản giao trụ sở làm việc cho Chi nhánh sử dụng của cơ quan có thẩm quyền hoặc hợp đồng thuê trụ sở làm việc để đảm bảo cho hoạt động giới thiệu việc làm trong thời hạn tối thiểu 36 tháng; bản kê khai trang thiết bị, phương tiện làm việc phục vụ cho hoạt động giới thiệu việc làm; danh sách nhân viên của Chi nhánh tại thời điểm đề nghị chấp thuận hoạt động.

b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ và có trách nhiệm trao giấy biên nhận hồ sơ cho Doanh nghiệp. Giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ, các văn bản có trong hồ sơ và thời hạn trả lời.

c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra Thông báo việc Chi nhánh được hoạt động giới thiệu việc làm trên địa bàn (theo mẫu số 06a kèm theo Thông tư này). Trường hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nhận thấy Chi nhánh không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật thì phải trả lời cho Doanh nghiệp bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Bổ sung khoản 11 vào Mục III như sau:

a) Thời hạn hoạt động giới thiệu việc làm của Chi nhánh theo thời hạn giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm của Doanh nghiệp. Khi Doanh nghiệp được gia hạn giấy phép, thời hạn hoạt động giới thiệu việc làm của Chi nhánh cũng được gia hạn theo giấy phép của Doanh nghiệp mà không phải thực hiện các thủ tục đăng ký lại. Khi Doanh nghiệp không tiếp tục hoạt động giới thiệu việc làm hoặc không muốn cho Chi nhánh tiếp tục hoạt động giới thiệu việc làm phải thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi Chi nhánh hoạt động trước 15 ngày kể từ ngày chấm dứt hoạt động giới thiệu việc làm của Chi nhánh.

b) Tại trụ sở Chi nhánh phải niêm yết công khai Quyết định của Doanh nghiệp giao nhiệm vụ hoạt động giới thiệu việc làm cho Chi nhánh, Thông báo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc Chi nhánh được hoạt động giới thiệu việc làm kèm theo bản sao Giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm, các Quyết định gia hạn Giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm của Doanh nghiệp tại những nơi dễ nhận biết, theo dõi như cổng ra vào, lối đi, hành lang.

c) Chi nhánh phải báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định tại điểm 8, Mục III của Thông tư số 20/2005/TT-BLĐTBXH đã được sửa đổi, bổ sung và chịu sự thanh tra, kiểm tra của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương nơi Chi nhánh hoạt động”.

6. Sửa đổi, bổ sung phần Phụ lục kèm theo Thông tư như sau:

a. Bổ sung Phụ lục số 05a, 06a vào Thông tư;

b. Sửa đổi, bổ sung các cụm từ:

- “ Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/02/2005 của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm”; thành “Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/02/2005 của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 71/2008/NĐ-CP ngày 05/6/2008 của Chính phủ:”.

- “Thông tư số 20/2005/TT-BLĐTBXH ngày 22/6/2005 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/02/2005 của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm,” thành “Thông tư số 20/2005/TT-BLĐTBXH ngày 22/6/2005 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã được sửa đổi, bổ sung”.

- “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2002” thành “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2002 và năm 2006”.

II. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết./.

 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Kim Ngân