Sign In
NGHỊ QUYẾT
Thông qua Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh
tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025
_____________________
 
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
KHÓA IX KỲ HỌP THỨ 19

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13  tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật An ninh mạng ngày 12 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Xét Tờ trình số 1953/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết thông qua Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1. Thông qua Đề án Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025 với các nội dung chính như sau:

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

a) Phạm vi: Đề án triển khai trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

b) Đối tượng áp dụng: Các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Triển khai các ứng dụng và dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh, đến năm 2025, Hậu Giang nằm trong nhóm 30 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Vietnam ICT Index).  

b) Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước

+ 100% dịch vụ công được đưa lên trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm thiết bị di động.

+ 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

+ 100% báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được thực hiện qua hệ thống báo cáo của tỉnh.

+ Kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, tư pháp… để cung cấp dịch vụ công trực tuyến kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

- Phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số

+ Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình, 100% xã.

+ Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh, các khu công nghiệp được phủ sóng 5G năm 2021.

+ Các hệ thống thông tin của tỉnh được đảm bảo an toàn, an ninh theo mô hình 4 lớp. Hậu Giang đạt chỉ số an toàn thông tin mạng thuộc nhóm B.

+ Mỗi hộ gia đình có một mã bưu chính, có thể tra cứu địa chỉ bằng bản đồ số.

+ Hoàn thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, chia sẻ và tích hợp để phục vụ công tác quản lý điều hành và cung cấp dịch vụ công cho người dân.        

+ Xây dựng một số ứng dụng thông minh trọng điểm trong các lĩnh vực: nông nghiệp, giáo dục, an ninh trật tự, tài nguyên môi trường, y tế, du lịch.

+ Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Hậu Giang, bao gồm: Đào tạo đội ngũ cán bộ  chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin cho các sở, ngành, UBND cấp huyện (dự kiến 50 người); đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

+ Triển khai đồng bộ các dịch vụ đô thị thông minh tại thành phố Vị Thanh, để Vị Thanh trở thành đô thị thông minh tiêu biểu vùng Tây Nam Bộ.

3. Nhiệm vụ và giải pháp

a) Chuyển đổi nhận thức

- Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trực tiếp triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách.

- Xây dựng chuyên mục tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng; chia sẻ, phổ biến câu chuyện thành công, tôn vinh gương thành công điển hình về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử.

- Truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua bán trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

b) Xây dựng thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh.

- Triển khai thử nghiệm các quy định, chính sách để xây dựng thí điểm thành phố Vị Thanh trở thành đô thị thông minh tiêu biểu.

c) Xây dựng các nền tảng kỹ thuật

- Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

 - Xây dựng hạ tầng dữ liệu phục vụ chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

- Xây dựng các ứng dụng nền tảng dùng chung.

- Xây dựng các ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh.

- Trang bị các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin.

d) Xây dựng tiềm lực phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh bền vững

- Tìm kiếm, huy động các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật trong và ngoài nước để xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

- Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn lực chất lượng cao.

4. Danh mục các nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện

(Đính kèm Phụ lục I, II, III, IV, V)

5. Cơ quan chủ trì thực hiện Đề án: Sở Thông tin và Truyền thông 

 6. Kinh phí thực hiện

a) Ước tính tổng kinh phí thực hiện Đề án là 445.8 tỷ đồng, trong đó:

- Kinh phí năm 2020 là: 23,8 tỷ đồng (đang triển khai).

- Kinh phí giai đoạn 2021 - 2025 là 422 tỷ đồng, trong đó:

+ Vốn sự nghiệp là: 25 tỷ đồng.

 + Vốn sự nghiệp khoa học công nghệ là: 02 tỷ đồng.

+ Vốn đầu tư là: 321,5 tỷ đồng.

+ Kinh phí xã hội hoá là: 73,5 tỷ đồng.

b) Nguồn kinh phí

Kinh phí để thực hiện Đề án này bao gồm: Ngân sách nhà nước của tỉnh (bao gồm: Vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp); nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

(Đính kèm Đề án)

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân tỉnh Hậu Giang Khoá IX, Kỳ họp thứ 19 thông qua ngày 04 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 14 tháng 12 năm 2020./.

 

HĐND tỉnh Hậu Giang

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Văn Huyến