Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu

sinh học với nhiên liệu truyền thống

____________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống,

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống dùng cho động cơ xăng và động cơ đi-ê-zen của các phương tiện cơ giới đường bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, phối chế, phân phối và kinh doanh xăng, dầu tại Việt Nam để sử dụng cho động cơ xăng và động cơ đi-zen của các phương tiện cơ giới đường bộ, trừ các loại xăng, dầu đặc chủng của quân đội, công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định.

Điều 3. Tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học

Tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống bao gồm các mức sau đây:

1. Hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 4% đến 5% theo thể tích và được gọi là xăng E5.

2. Hỗn hợp của xăng không chì và ethanol nhiên liệu biến tính với hàm lượng ethanol từ 9% đến 10% theo thể tích và được gọi là xăng E10.

3. Hỗn hợp của nhiên liệu đi-ê-zen và nhiên liệu đi-ê-zen sinh học gốc với hàm lượng este metyl axit béo (FAME) từ 4% đến 5% theo thể tích và được gọi là đi-ê-zen B5.

4. Hỗn hợp của nhiên liệu đi-ê-zen và nhiên liệu đi-ê-zen sinh học gốc với hàm lượng este metyl axit béo (FAME) từ 9% đến 10% theo thể tích và được gọi là đi-ê-zen B10.

Điều 4. Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn

Lộ trình thực hiện tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống như sau:

1. Xăng E5

a) Từ ngày 01 tháng 12 năm 2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E5.

b) Từ ngày 01 tháng 12 năm 2015 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5.

2. Xăng E10

a) Từ ngày 01 tháng 12 năm 2016, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E10.

b) Từ ngày 01 tháng 12 năm 2017 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E10.

3. Khuyến khích áp dụng

Trong thời gian chưa thực hiện áp dụng tỷ lệ phối trộn theo Lộ trình, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, phối chế và kinh doanh xăng E5, E10 và đi-ê-zen B5 và B10.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện lộ trình này, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức xây dựng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện phát triển vùng nguyên liệu bền vững, cơ sở sản xuất, hệ thống phân phối sản phẩm nhiên liệu sinh học phục vụ lộ trình.

c) Chủ trì xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến tồn trữ, vận chuyển, phân phối sản phẩm nhiên liệu sinh học; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan và các địa phương chỉ đạo thực hiện kiểm tra, giám sát việc đảm bảo tỷ lệ phối trộn và chất lượng nhiên liệu sinh học theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, phân phối nhiên liệu sinh học.

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường hoạt động truyền thông, khuyến khích cộng đồng sử dụng nhiên liệu sinh học.

đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương tổ chức và triển khai các dự án thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học trong hoạt động giao thông vận tải công cộng.

e) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ các nguồn lực về kỹ thuật và công nghệ phục vụ thực hiện lộ trình.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan phát triển và đảm bảo các vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học theo hướng bền vững.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho sản xuất nguyên liệu sinh khối phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học.

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu, nhập khẩu, phát triển các nguồn giống cây trồng, kỹ thuật canh tác cho năng suất sinh khối cao, chất lượng phù hợp làm nguyên liệu cho ngành sản xuất nhiên liệu sinh học phục vụ lộ trình.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhiên liệu sinh học phục vụ thực hiện lộ trình.

b) Chỉ đạo việc kiểm tra, kiểm định nghiêm ngặt các thiết bị đo lường trong sản xuất, phân phối nhiên liệu sinh học và việc đảm bảo tỷ lệ phối trộn, chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với các sản phẩm nhiên liệu sinh học.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách ưu đãi về đầu tư đối với các dự án sản xuất, phối trộn, phân phối nhiên liệu sinh học đảm bảo thực hiện lộ trình.

b) Nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi thích hợp để khuyến khích, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho phát triển nhiên liệu sinh học.

5. Bộ Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu thiết bị, phụ tùng trong nước chưa sản xuất được của các dự án phát triển mạng lưới phối trộn, phân phối, kinh doanh sản phẩm nhiên liệu sinh học.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi về thuế đối với các sản phẩm nhiên liệu sinh học theo từng giai đoạn của lộ trình.

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định về thuế đối với nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan tổ chức xây dựng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu bền vững, cơ sở sản xuất, hệ thống phân phối sản phẩm nhiên liệu sinh học phục vụ lộ trình.

7. Trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhiên liệu sinh học

a) Các dự án đầu tư sản xuất ethanol nhiên liệu và đi-ê-zen sinh học gốc để được cấp giấy phép đầu tư phải có phương án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu của dự án.

b) Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhiên liệu sinh học phải tuân thủ các quy hoạch phát triển, các quy định đảm bảo tỷ lệ phối trộn, chất lượng sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với các sản phẩm nhiên liệu sinh học.

Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2013.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.