Sign In

 

CHỈ THỊ

Về thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và dạy nghề trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm học 2011 - 2012

______________________

Năm học 2011-2012 được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang xác định là năm học “Tiếp tục đổi mới toàn diện về giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục, đào tạo gắn chặt với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; đổi mới công tác quản lý giáo dục; chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và các nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên - giáo dục chuyên nghiệp.

Nhằm triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 3398/CT-BGDĐT ngày 12 tháng 8 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp và nhiệm vụ đào tạo nghề năm học 2011 - 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục:

- Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai, quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Văn kiện Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ Hậu Giang lần thứ XII; triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, của ngành nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đẩy mạnh cuộc vận động "mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực".

- Chú trọng và tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, ý thức trách nhiệm xã hội của học sinh, sinh viên.

- Quan tâm đến các chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh, đặc biệt đối với học sinh dân tộc, học sinh vùng đặc biệt khó khăn.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy, học và công tác quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông.

- Tập trung thanh tra chuyên đề, tăng cường thanh tra chuyên ngành; tập trung thanh tra các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập và các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.

- Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và học sinh, sinh viên trong toàn ngành.

- Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở, đẩy nhanh tiến độ thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông và tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới; triển khai Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020; từng bước đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông theo chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA); tiếp tục thực hiện kiểm định chất lượng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đồng thời từng bước triển khai đến các cơ sở giáo dục mầm non.

- Nâng cao nhận thức cho mọi người về ý thức học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; củng cố mô hình hoạt động của các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng; tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học của chương trình giáo dục thường xuyên.

- Quan tâm công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp, thực hiện phân luồng và tăng quy mô, chất lượng, hiệu quả đào tạo trung cấp chuyên nghiệp; triển khai thực hiện các giải pháp để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề; tiếp tục triển khai nhiệm vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội, đáp ứng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

b) Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục:

- Tăng cường phân cấp quản lý theo quy định tại Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó đẩy mạnh quản lý các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

- Tiếp tục triển khai thực hiện việc thu học phí các cấp học mầm non và phổ thông theo tinh thần Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2010 về việc quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông công lập kể từ năm học 2010 – 2011; đồng thời, tiếp tục thực hiện tự chủ tài chính và công khai trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập.

- Triển khai đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức; tăng cường kiểm tra các hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.

- Tích cực tham mưu triển khai thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để huy động nhiều nguồn lực tập trung cho giáo dục.

c) Chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục:

- Tăng cường công tác xây dựng, thực hiện quy hoạch đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời triển khai tập huấn cho tất cả hiệu trưởng từ ngành học mầm non đến cấp trung học phổ thông về công tác quản lý trường học.

- Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và viên chức làm công tác thiết bị, thư viện, kế toán, chủ tài khoản và y tế trường học, đặc biệt chú trọng nội dung bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá.

- Triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học, chuẩn hiệu trưởng trường trung học; tập huấn đánh giá chuẩn hiệu trưởng trường mầm non, chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học và chuẩn giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên.

- Thực hiện Đề án “Đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề giai đoạn 2010 - 2020” theo Quyết định số 472/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo lộ trình đào tạo hàng năm, đến năm 2016 có đủ giáo viên đạt chuẩn quy định giảng dạy môn giáo dục quốc phòng - an ninh cấp trung học phổ thông.

d) Phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục:

- Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 theo tinh thần quy hoạch phát triển ngành đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1548/QĐ-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2009.

- Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất trường học, trong đó chủ động xây dựng phòng học bộ môn, phòng thiết bị từ các nguồn kinh phí của tỉnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; đầu tư xây dựng Trường Trung học phổ thông chuyên Vị Thanh; củng cố và phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú; đầu tư cơ sở vật chất cho các trường trung cấp chuyên nghiệp; tiếp tục thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012, chuẩn bị danh mục, dự án, công trình đầu tư của Đề án này giai đoạn 2012 - 2015.

- Tăng cường các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và bảo quản tốt các cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đã được cung cấp, trang bị. Chủ động tổ chức rà soát, mua sắm bổ sung sách, thiết bị dạy học và vật tư tiêu hao hàng năm, kịp thời phục vụ năm học mới.

- Triển khai có hiệu quả các dự án vốn ODA cho giáo dục và đào tạo, thu hút các nguồn tài trợ, các dự án vay vốn nước ngoài để phát triển cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

 a) Tổ chức tốt công tác thông tin truyền thông và tuyển sinh học nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề nhằm đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

 b) Hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề trong tỉnh; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho các trường, trung tâm dạy nghề công lập, từng bước đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề.

 c) Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, giảng dạy cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từ đó nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường, trung tâm dạy nghề.

 d) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và triển khai tốt chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên thuộc đối tượng chính sách theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

 - Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về chủ trương đầu tư và cân đối vốn xây dựng trường, lớp học phục vụ năm học, đặc biệt quan tâm tham mưu bố trí vốn thực hiện kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2010 - 2015, Đề án Trường Trung học phổ thông chuyên Vị Thanh và Đề án xây dựng trường trung cấp chuyên nghiệp; thực hiện phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ kịp thời theo kế hoạch của các Bộ, ngành Trung ương cho Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; đồng thời, cân đối nguồn ngân sách địa phương cho huyện, thị xã, thành phố thực hiện giải phóng mặt bằng;

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về bố trí vốn hoàn chỉnh các cơ sở dạy nghề.

4. Sở Tài chính phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu trong việc sử dụng và cân đối ngân sách đảm bảo chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề, ưu tiên chi công tác phổ cập mẫu giáo cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học phổ thông, kinh phí thực hiện mua sắm sách, thiết bị dạy học; đảm bảo chi kinh phí cho thực hiện Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

5. Sở Xây dựng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu trong việc góp ý quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp học và thực hiện kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng cơ bản.

6. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất và xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề nhằm tăng cường đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp giảng dạy, cũng như các giải pháp hiệu quả để phát triển ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.

7. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc phát triển và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về những chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề nhằm kêu gọi, khuyến khích phát triển công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn.

- Phối hợp với Công an tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra các điểm Internet trên địa bàn.

8. Sở Tư pháp phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong trường học, ưu tiên cấp phát các loại tài liệu phục vụ cho tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật để hỗ trợ nhà trường thực hiện  tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

9. Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với các cơ sở giáo dục và dạy nghề trên địa bàn trong việc thực hiện công tác y tế trường học nhằm chăm sóc sức khỏe giáo viên và học sinh (khám sức khỏe định kỳ cho trẻ mầm non, khám sức khỏe ban đầu, hỗ trợ tủ thuốc học đường, phòng chống các dịch bệnh), đặc biệt là đối với công tác phòng, chống bệnh tay, chân, miệng, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (kiểm tra các cơ sở bán trú có bếp ăn, căn tin trường học), phòng chống sốt xuất huyết và công tác nha học đường.

10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ cho học sinh, sinh viên trong tỉnh; phát động và kiểm tra trường học có đời sống văn hóa tốt.

11. Đề nghị Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Khuyến học, Hội Cựu Giáo chức và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh:

a) Phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tích cực tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục lòng yêu quê hương, yêu đất nước, yêu thương con người và đặc biệt là truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, vận động học sinh đến lớp và có các hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

b) Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc phát triển các phong trào đoàn, hội, đội trong nhà trường; thực hiện các chương trình tiếp sức đến trường.

c) Hội Khuyến học tăng cường vận động để tạo các nguồn quỹ nhằm hỗ trợ cho những học sinh diện chính sách, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn vươn lên học giỏi; đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.

12. Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, Báo Hậu Giang tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan đến giáo dục và đào tạo, kêu gọi các tập thể, cá nhân và toàn xã hội cùng quan tâm chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, dạy nghề của địa phương, đồng thời tiếp tục thực hiện chuyên mục “Khuyến học, khuyến tài” theo định kỳ và chuyên trang giáo dục.

13. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tăng cường quan tâm chỉ đạo đối với các mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề trên địa bàn, cụ thể: thực hiện tốt công tác huy động học sinh đến trường; ưu tiên các nguồn lực để đảm bảo lộ trình thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; tích cực chỉ đạo xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp phục vụ công tác giảng dạy và học tập; hỗ trợ triển khai thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên, Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục (SEQAP) và đặc biệt là việc xây dựng trường mầm non tại các xã chưa có trường mầm non và các nhiệm vụ trọng tâm năm học do ngành Giáo dục và Đào tạo phát động; phối hợp tốt với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về học nghề trong nhân dân.

14. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc do vượt thẩm quyền, đề nghị các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo lĩnh vực để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

UBND tỉnh Hậu Giang

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Thành Lập