Sign In

CHỈ THỊ

Về tăng cường công tác tham mưu, đề xuất xử lý công việc trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính quyền trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

______________________

Trong những năm qua, việc tham mưu, đề xuất xử lý công việc của các ngành, các cấp; của từng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và sự tham gia đóng góp ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, góp phần đưa nền kinh tế Hậu Giang ngày càng phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức khá cao (bình quân tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2006-2010 trên 12%), cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên, công tác tổ chức bộ máy chính quyền từng bước củng cố kiện toàn, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, ổn định và giữ vững.

Đạt được những thành tựu trên là rất quan trọng, song trong quá trình phát triển đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh, nhất là những kết quả đạt được chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của tỉnh; tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, thiếu bền vững; khả năng cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa vững chắc; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng lúc, từng nơi chưa đồng bộ; công tác quản lý điều hành, kỷ luật, kỷ cương từng lúc chưa được chấp hành nghiêm; năng lực, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa được phát huy, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới

Để đảm bảo kinh tế xã hội tỉnh phát triển tốt, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên, tổ chức bộ máy, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định, cũng như có giải pháp tối ưu giải quyết hiệu quả những hạn chế nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Các ngành, các cấp tăng cường củng cố tổ chức, bộ máy; thực hiện nghiêm minh trật tự, kỷ cương pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước;

2. Đảm bảo thực hiện chế độ làm việc đúng theo Quy chế làm việc của UBND tỉnh, nhất là việc tổ chức các cuộc họp của UBND tỉnh phải được trang nghiêm, đạt về hình thức, chất lượng nội dung, đúng thành phần tham dự. Cán bộ, công chức và cá nhân có liên quan dự họp phải tập trung nghiên cứu, trao đổi, xử lý những vấn đề thuộc nội dung của cuộc họp; không được sử dụng thời gian trong giờ họp làm việc riêng, nói chuyện, trao đổi qua điện thoại gây mất tập trung, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc họp.

3. Thành viên UBND tỉnh

a) Thường trực UBND tỉnh:

Tổ chức hoạt động, chỉ đạo điều hành theo Quy chế làm việc của UBND tỉnh; xử lý theo thẩm quyền được giao trong bảng phân công của Thường trực UBND tỉnh và sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh;

Trực tiếp xử lý các vấn đề liên quan đến ban chỉ đạo, hội đồng mà mình tham gia;

Có kế hoạch định kỳ làm việc với các cơ quan chuyên môn; đi công tác cơ sở để kịp thời giải quyết những việc còn vướng, hạn chế việc xử lý phải thông qua cuộc họp UBND tỉnh và chỉ tổ chức họp khi thấy thật sự cần thiết.

Trong trường hợp đi kiểm tra, khảo sát cơ sở, các công trình có sự tham gia của nhiều sở, ngành nên tổ chức phương tiện đi lại dùng chung, hạn chế mỗi đơn vị dùng một phương tiện đi riêng lẻ gây lãng phí thời gian và kinh phí.

b) Ủy viên UBND tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp cùng các ngành, địa phương xử lý hoặc tham gia, góp ý kiến để giải quyết hiệu quả công việc của UBND tỉnh.

c) Quyết định những chính sách, những vấn đề thật sự cần thiết, vượt thẩm quyền phải trình xin ý kiến Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh hay bộ, ngành Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước khi triển khai thực hiện;

d) Phối hợp cùng các Ban Đảng, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và cơ quan đoàn thể cùng cấp thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính quyền trên địa bàn tỉnh.

4. Các sở, ban, ngành tỉnh:

a) Hàng năm theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính quyền và các yêu cầu nhiệm vụ của Trung ương được UBND tỉnh giao, chủ động quán triệt và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện ở đơn vị mình hoặc phối hợp cùng các ngành, địa phương liên quan thực hiện nhằm đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.

Trong năm 2011, căn cứ bốn chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện tại cơ quan, đơn vị.

b) Chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan trực thuộc và cán bộ công chức, viên chức nâng cao chất lượng tham mưu, xử lý công việc theo đúng thẩm quyền của cấp mình, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc.

Trường hợp vấn đề đòi hỏi nhiều cơ quan giải quyết, phải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết hoặc nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình, chuyển cơ quan chức năng xử lý nhưng phải có văn bản trả lời để tổ chức, cá nhân biết;

Trường hợp vượt thẩm quyền, các sở ngành cần có sự phối hợp và thống nhất ý kiến giải quyết những khó khăn, vướng mắc trước khi trình UBND tỉnh.

c) Hàng năm có kế hoạch thanh, kiểm tra để kịp thời xử lý, hỗ trợ, hướng dẫn cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Việc thanh, kiểm tra phải đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

d) Giám đốc Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ tổ chức nghiên cứu, tham mưu giúp UBND tỉnh điều hành hiệu quả bốn chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2011-2015.

5. UBND cấp huyện:

a) Đẩy mạnh công tác triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến các phòng, ban, cơ quan trực thuộc và UBND xã, phường, thị trấn để thực hiện đồng loạt, thống nhất.

b) Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tham mưu, giải quyết dứt điểm, hiệu quả công việc ngay từ cơ sở, không được xử lý kéo dài, đùn đẩy công việc và chuyển hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết lên cấp trên.

c) Trong trường hợp những vấn đề xét thấy cần có ý kiến chỉ đạo của UBND, cơ quan được giao nhiệm vụ phải phối hợp với cơ quan chuyên môn cùng cấp để thống nhất ý kiến trước khi trình UBND cùng cấp hoặc cấp trên giải quyết.

d) Giữ mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đoàn thể cùng cấp và các cơ quan chuyên môn cấp trên xuyên suốt trong quá trình quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại cấp mình.

6. Cơ quan đoàn thể các cấp

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thành viên thuộc mình quản lý tích cực đóng góp xây dựng, hỗ trợ, tuyên truyền vận động toàn xã hội tham gia vào quá trình xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính quyền tỉnh.

Theo dõi, quản lý chặt chẽ việc tổ chức hoạt động của các cơ quan, tổ chức thành viên thuộc mình quản lý và việc tổ chức sơ tổng kết các văn bản ký kết liên tịch với cơ quan cùng cấp, kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm, góp phần tích cực hiệu quả vào giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

7. Tổ chức, cá nhân

Khuyến khích toàn thể nhân dân không phân biệt thành phần, tổ chức, cá nhân, tôn giáo… tích cực tham gia đóng góp xây dựng, có những sáng kiến, phản ánh, kiến nghị vào quá trình quản lý, chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền,  cơ quan đoàn thể các cấp, góp phần thông tin kịp thời đến các cơ quan, tổ chức những bất cập để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đem lại hiệu quả cao cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính quyền của tỉnh.

 Những tập thể, cá nhân có những sáng kiến, phản ánh, kiến nghị vào quá trình quản lý, chỉ đạo điều hành và được ghi nhận của các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể các cấp trong quá trình thực hiện sẽ được tuyên dương, khen thưởng kịp thời.

8. Khen thưởng

a) Các ngành, các cấp; cơ quan đảng, đoàn thể các cấp; cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong quá trình làm việc, nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến giải quyết hiệu quả công việc hoặc các sáng kiến khi đề xuất được cơ quan, đơn vị mình, UBND tỉnh chấp thuận hoặc được UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết để triển khai thực hiện, sẽ được xét khen thưởng đột xuất hoặc khen vào thành tích năm.

Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện; cơ quan đoàn thể các cấp kịp thời tổng hợp, lập danh sách những tập thể, tổ chức, cá nhân và công dân có thành tích nêu trên trình cơ quan có thẩm quyền xem xét khen thưởng theo quy định.

b) Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp Văn phòng UBND tỉnh kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh xét khen thưởng những tập thể, tổ chức, cá nhân và công dân thực hiện tốt Chỉ thị.

9. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.

a) Giám đốc sở; Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này; đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm:

- Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 29/8/2011 của Tỉnh ủy Hậu Giang về việc chấn chỉnh đạo đức, tác phong và lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên;

- Chỉ thị số 09/2009/CT-UBND ngày 04/9/2009 của UBND tỉnh về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc của cán bộ công chức, viên chức Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;

- Chỉ thị số 13/2009/CT-UBND ngày 26/11/2009 của UBND tỉnh về việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và gửi nhận văn bản qua mạng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;

- Chỉ thị số 02/2011/CT-UBND ngày 16/02/2011 của UBND tỉnh về chấn chỉnh việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo;

- Chỉ thị số 05/2011/CT-UBND ngày 30/3/2011 của UBND tỉnh về việc tổ chức triển khai thi hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và tiếp tục tăng cường việc thực hiện Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

b) Chánh Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn và định kỳ sáu tháng tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị, có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh) để có hướng chỉ đạo kịp thời./.

UBND tỉnh Hậu Giang

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Công Chánh