Sign In

CHỈ THỊ

Về việc phát động “Tháng hành động vì trẻ em” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

_____________________

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thời gian qua được cả hệ thống chính trị của tỉnh quan tâm chỉ đạo trên nhiều mặt và lồng ghép trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, văn nghệ, thể thao, xóa đói giảm nghèo, các hoạt động trợ giúp xã hội... Tuy nhiên, do điều kiện tỉnh còn khó khăn và tổ chức bộ máy làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cả nước nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng, thời gian qua thường xuyên biến động, nên việc huy động về nhân lực, vật lực và tài lực cho các hoạt động chưa được tập trung đúng mức, chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Để góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang phát động “Tháng hành động vì trẻ em” từ ngày 15 tháng 5 đến ngày 30 tháng 6 hàng năm; đề nghị các sở, ban ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã phối hợp thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm cụ thể như sau: 

1. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành tỉnh, Tổng Biên tập Báo Hậu Giang, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã có kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Nội dung tuyên truyền, giáo dục là các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó đặc biệt chú ý quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trẻ em; Chỉ thị số 55/CT-TW ngày 28 tháng 6 năm 2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em; Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

2.1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể các cấp và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã có kế hoạch tổ chức triển khai “Tháng hành động vì trẻ em” gắn với ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, đảm bảo nội dung thiết thực, bám sát chủ đề hướng dẫn hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

2.2 Phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan kiểm tra tình hình  thực hiện các chính sách về trẻ em, trong đó rà soát đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, 100% trẻ em được đăng ký giấy khai sinh, 100% trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng chế độ, chính sách trợ giúp của nhà nước theo quy định.

2.3 Phối hợp với các ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt các tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em quy định tại Quyết định số 37/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em vào Quy chế công nhận các danh hiệu văn hóa, theo hướng công nhận xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em trước khi công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa.

2.4 Phối hợp với Sở Tài chính đảm bảo kinh phí cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.

2.5 Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh đoàn và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã có kế hoạch đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí cho trẻ em, trước mắt mỗi năm phấn đấu đầu tư xây dựng một Nhà Văn hóa Thiếu nhi hoặc công trình tương đương tại các huyện, thị xã có nhu cầu.

2.6 Tăng cường xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó chú ý khuyến khích xã hội đầu tư xây dựng các điểm vui chơi giải trí; tích cực vận động đóng góp Quỹ bảo trợ trẻ em của tỉnh.

2.7 Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan rà soát văn bản pháp luật, chính sách của Trung ương và địa phương liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới và đặc điểm của địa phương.

2.8 Phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 55/CT-TW ngày 28 tháng 6 năm 2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo:

3.1 Chỉ đạo toàn ngành, nhất là các trường học tổ chức các hoạt động thiết thực nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 hàng năm.

3.2 Phối hợp với các ngành, đoàn thể quan tâm hỗ trợ cho trẻ em lưu ban, bỏ học, có nguy cơ bỏ học, không để một trẻ em nào vì nghèo mà bỏ học.

3.3 Tích cực triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực; xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục mầm non.

4. Sở Y tế:

4.1 Chỉ đạo tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin đúng độ tuổi, uống Vi-ta-min A vào dịp cao điểm của “Tháng hành động vì trẻ em” và “Ngày vi chất dinh dưỡng cho trẻ em 1-6”.

4.2 Tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, trong đó chú ý các nội dung về chăm sóc thai, chăm sóc sinh.

5. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã:

5.1 Quan tâm chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, tổ chức bộ máy làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em” trên địa bàn, đảm bảo thiết thực, phong phú và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

5.2 Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách về trẻ em trên địa bàn, đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, 100% trẻ em được đăng ký khai sinh, 100% trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng chế độ, chính sách trợ giúp của Nhà nước theo quy định; không để một trẻ em nào vì nghèo mà bỏ học.

5.3 Triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, vận động toàn dân đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin đúng độ tuổi, uống Vi-ta-min A vào dịp cao điểm của “Tháng hành động vì trẻ em” và “Ngày vi chất dinh dưỡng cho trẻ em 1-6”..

5.4 Có kế hoạch chi tiết, có biện pháp cụ thể chăm lo tốt hơn nữa cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức các hoạt động rà soát, kiểm tra, theo dõi và giám sát những trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bóc lột lao động; ngăn ngừa, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, bị ngược đãi; xử lý nghiêm các hành vi ngược đãi, xâm hại, lạm dụng trẻ em.

5.5 Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm lo cho trẻ em bằng nhiều hình thức thiết thực, trong đó chú ý vận động, quyên góp trên tinh thần tự nguyện trong cán bộ, công chức, viên chức, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân và nhân dân tham gia ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em.

6. Đề nghị Tỉnh đoàn Hậu Giang:

6.1 Chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể và các địa phương tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em”, trong đó chú ý trẻ em nghèo, trẻ em tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

6.2 Phối hợp với các địa phương tổ chức thành lập và duy trì hoạt động đội tình nguyện bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại xã, phường, thị trấn với thành phần huy động từ Đoàn Thanh niên và chính bản thân trẻ em tại cộng đồng tham gia vào đội để phối hợp tổ chức tốt “Tháng hành động vì trẻ em” tại các địa phương.

6.3 Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh các phong trào thanh thiếu nhi trong trường học, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi bổ ích, thiết thực.

7. Đề nghị Hội Liên Hiệp phụ nữ quan tâm tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng các phong trào của phụ nữ liên quan đến trẻ em, nhất là trong “Tháng hành động vì trẻ em”, trong đó chú ý phong trào “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

8. Đề nghị các sở, ban ngành tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành mình có kế hoạch cụ thể chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong hệ thống dọc và tại cơ quan đơn vị mình; đồng thời, tích cực phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Tỉnh đoàn Hậu Giang và các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt các nội dung trọng tâm về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hàng năm trên địa bàn tỉnh nói chung, “Tháng hành động vì trẻ em” nói riêng.

9. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này; đồng thời, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nhgiệm, tổng hợp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

10. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký, thay thế Chỉ thị số 08/2008/CT-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc tổ chức “Tháng hành động vì trẻ em” và “Ngày Gia đình Việt Nam 28-6”./.

UBND tỉnh Hậu Giang

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trịnh Quang Hưng