• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 20/10/2012
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 06/2008/CT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hậu Giang, ngày 31 tháng 12 năm 2008

CHỈ THỊ

Về thực hiện các biện pháp nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

______________________________

Bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, nền kinh tế nước ta có điều kiện để duy trì tăng trưởng kinh tế nhưng sẽ gặp khó khăn, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và Chỉ thị số 35/2008/CT-TTg ngày 09 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng như sau:

1. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đối với nền kinh tế, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong nước để chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra theo Chỉ thị số 05/2008/CT-NHNN ngày 09 tháng 10 năm 2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về một số biện pháp đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn; điều chỉnh cơ cấu và kỳ hạn nguồn vốn huy động phù hợp với cơ cấu và kỳ hạn tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh; đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi trả tiền gửi, nhất là dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009.

3. Mở rộng tín dụng có hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật; áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trong điều kiện doanh nghiệp, hộ sản xuất đang gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh; xử lý kịp thời các vướng mắc về nợ vay và tiếp cận tín dụng của khách hàng, cụ thể:

a) Đánh giá tình hình hoạt động tín dụng năm 2008 để thực hiện phương án thích hợp về quy mô, cơ cấu, tốc độ tăng tín dụng năm 2009, phù hợp với khả năng và cơ cấu vốn huy động, theo định hướng và mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế trong năm 2009; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng.

b) Xây dựng và triển khai kịp thời các chương trình tín dụng cụ thể ngay từ đầu năm 2009, bố trí vốn và áp dụng lãi suất hợp lý theo chính sách ưu tiên khách hàng của mình đối với nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất hàng hoá thay thế hàng nhập khẩu và sử dụng nguyên liệu trong nước, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Cho vay mua lúa, gạo và các chương trình tín dụng khác theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; bố trí đủ vốn để giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký kết đối với các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, các dự án được đầu tư theo chủ trương kích cầu đầu tư của Chính phủ.

c) Thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 5 năm 2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn của hộ nông dân bị thiệt hại do thiên tai, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá và đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm; tiếp tục xem xét cho vay mới đối với các nhu cầu vốn vay có hiệu quả và đảm bảo khả năng trả nợ; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thực hiện việc nhận bảo lãnh, cho vay vốn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

d) Miễn, giảm lãi vốn vay theo quy định tại Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

đ) Cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất, dự trữ, kinh doanh hàng hoá để đáp ứng yêu cầu của thị trường trước và trong dịp Tết Nguyên đán, nhất là hàng hoá tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

e) Xem xét điều chỉnh áp dụng lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành; không phạt do quá hạn trả nợ vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới.

g) Các ngân hàng thương mại nhà nước mà chủ đạo là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đẩy mạnh việc mở rộng tín dụng đối với khu vực nông nghiệp và nông thôn; các ngân hàng thương mại khác dành tỷ lệ vốn thích hợp để mở rộng tín dụng đối với khu vùc nông nghiệp, nông thôn.

4. Ngân hàng Chính sách Xã hội chủ động xây dựng phương án huy động vốn theo cơ chế hiện hành và trình cơ quan có thẩm quyền bổ sung các nguồn vốn khác để đảm bảo có thêm vốn cho vay hộ nghèo, học sinh, sinh viên và các đối tượng chính sách khác; rà soát, chỉnh sửa các quy định về nghiệp vụ, thñ tôc cho vay để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách vay vốn kịp thời.

5. Tăng cường công tác kiểm tra và kiểm toán nội bộ, quản lý vốn khả dụng, chấp hành đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro; rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện các quy trình nội bộ về hoạt động tín dụng, kinh doanh tiền tệ, ngoại hối, thanh toán, chuyển tiền, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với các quy định của pháp luật; đánh giá các rủi ro có thể xảy ra trong từng quy trình nghiệp vụ để triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro.

6. Đẩy nhanh việc thực hiện các dự án hiện đại hoá công nghệ ngân hàng nhằm nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, tập trung thanh toán tại trụ sở chính và kết nối toàn hệ thống; chú trọng nâng cao các dịch vụ và tiện ích ngân hàng cho khách hàng.

7. Thực hiện đúng thời hạn và đảm bảo tính chính xác của các thông tin, báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

8. Tổ chức thực hiện:

a) Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

b) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

c) Văn phòng chủ trì, phối hợp với các Vụ liên quan kiểm tra và đôn đốc, tổng hợp và báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước việc thực hiện Chỉ thị này./.

 

Thống đốc

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Giàu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.