• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 16/12/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 15/07/2020
BỘ NGOẠI GIAO
Số: 2535/2004/QĐ-BNG
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hậu Giang, ngày 1 tháng 12 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của cơ quan lãnh sự 

nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài

_____________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO

 

Căn cứ Pháp lệnh Lãnh sự ngày 13/11/1990 và Nghị định số 189/HĐBT ngày 04/06/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh lãnh sự;

Căn cứ Pháp lệnh về Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 02/12/1993 và Nghị định số 183/CP ngày 18/11/1994 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 21/2003/NĐ-CP ngày 10/03/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lãnh sự,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Cơ quan lãnh sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (trừ Cơ quan lãnh sự do Lãnh sự danh dự đứng đầu sẽ ban hành Quy chế riêng).

Điều 2. Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các Quy chế về tổ chức và hoạt động của Cơ quan lãnh sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đã ban hành trước đây. Quy chế này không áp dụng đối với Lãnh sự quán Việt Nam tại Thụy Sĩ.

Điều 3. Các ông: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Vụ trưởng Vụ Quản trị - Tài vụ, người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan lãnh sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

QUY CHẾ

 

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN LÃNH SỰ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

(Ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao số 2535/2004/QĐ-BNG,

ngày 01 tháng 12 năm 2004)

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CƠ QUAN LÃNH SỰ

Điều 1.

Cơ quan lãnh sự hoạt động theo các quy định của Pháp lệnh Lãnh sự, Pháp lệnh về Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, các quy định khác của pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật nước tiếp nhận và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước tiếp nhận ký kết hoặc gia nhập và phù hợp với tập quán quốc tế.

Cơ quan lãnh sự (gồm Tổng Lãnh sự quán, Lãnh sự quán) là Cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, hoạt động trong phạm vi khu vực lãnh sự. Khu vực lãnh sự được quy định trong Hiệp định, Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước tiếp nhận và được ghi trong Giấy ủy nhiệm lãnh sự cấp cho người đứng đầu Cơ quan lãnh sự.

Điều 2.

Cơ quan lãnh sự có chức năng, nhiệm vụ sau:

1. Thực hiện mọi biện pháp, phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật nước tiếp nhận, các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước tiếp nhận ký kết hoặc gia nhập và tập quán quốc tế, để bảo vệ các quyền và lợi ích của Nhà nước, pháp nhân và công dân Việt Nam trong khu vực lãnh sự và khôi phục quyền và lợi ích chính đáng của pháp nhân và công dân Việt Nam khi các quyền và lợi ích đó bị vi phạm.

2. Nghiên cứu, tìm hiểu tình hình cộng đồng người Việt Nam trong khu vực lãnh sự; giáo dục công dân Việt Nam chấp hành pháp luật, tôn trọng phong tục tập quán của nước tiếp nhận, giúp đỡ cần thiết để họ hòa nhập với cuộc sống tại nước sở tại; hỗ trợ và giúp đỡ các hoạt động thương mại, kinh tế, văn hóa, xã hội của công dân Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi để công dân Việt Nam thường xuyên giữ quan hệ gắn bó với gia đình, với quê hương, đất nước; tuyên truyền và vận động cộng đồng người Việt Nam tại khu vực lãnh sự đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng đất nước.

3. Bằng mọi biện pháp hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận thường xuyên tìm hiểu, báo cáo hoặc cung cấp thông tin cho Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam ở nước tiếp nhận hoặc nước kiêm nhiệm về tình hình pháp luật, kinh tế, đầu tư, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật, du lịch v.v... tại khu vực lãnh sự, góp phần thúc đẩy và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và nước tiếp nhận.

4. Nghiên cứu khả năng phát triển quan hệ lãnh sự giữa Việt Nam và nước tiếp nhận, tìm hiểu quan hệ lãnh sự giữa nước tiếp nhận với các nước khác; báo cáo Đại sứ Việt Nam ở nước tiếp nhận hoặc nước kiêm nhiệm đề xuất kiến nghị Bộ Ngoại giao việc ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế liên quan đến quan hệ lãnh sự.

5. Thực hiện các chức năng lãnh sự trong khu vực lãnh sự: đăng ký và thống kê công dân; cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi hộ chiếu, giấy tờ đi lại cho công dân Việt Nam; cấp, gia hạn, bổ sung, sửa đổi thị thực cho người nước ngoài; thực hiện việc bảo hộ và giúp đỡ công dân Việt Nam trong trường hợp bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị tù, bị chết, hoặc tai nạn; hỗ trợ và giúp đỡ công dân Việt Nam trong trường hợp họ gặp hoạn nạn, khó khăn; đại diện hoặc bảo đảm việc đại diện cho pháp nhân và công dân Việt Nam; giải quyết các yêu cầu của công dân về quốc tịch, thực hiện các công tác về hộ tịch; công chứng, hợp pháp hóa các giấy tờ tài liệu theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận; thực hiện các chức năng lãnh sự về thừa kế, ủy thác tư pháp; xử lý các vụ việc liên quan đến tàu biển, máy bay và các phương tiện giao thông vận tải khác của Việt Nam trong khu vực lãnh sự; thực hiện các chức năng liên quan đến phòng dịch, bảo vệ thực vật, động vật và thực hiện các chức năng khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với pháp luật nước tiếp nhận.

6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ủy nhiệm hoặc Đại sứ Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc nước kiêm nhiệm ủy quyền phù hợp với pháp luật nước tiếp nhận.

II. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN LÃNH SỰ

Điều 3. Cơ quan lãnh sự hoạt động dưới sự quản lý và thống nhất chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng thời chịu sự lãnh đạo của Đại sứ Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc nước kiêm nhiệm.

Điều 4. Người đứng đầu Cơ quan lãnh sự có những quyền hạn và trách nhiệm sau:

1. Chỉ đạo hoạt động của cơ quan theo chế độ thủ trưởng, chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động của cơ quan trước Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và trước Đại sứ Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc nước kiêm nhiệm; định kỳ hàng quý, sáu tháng đầu năm và hàng năm có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Đại sứ Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc nước kiêm nhiệm về tình hình và kết quả hoạt động của cơ quan lãnh sự.

2. Tổ chức việc thực hiện các Quyết định, Chỉ thị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về hoạt động đối ngoại, phục vụ các đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm hữu nghị và làm việc tại khu vực lãnh sự; đồng thời quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại khác mang danh nghĩa Nhà nước CHXHCN Việt Nam trong khu vực lãnh sự.

3. Quản lý và chỉ đạo cán bộ, nhân viên trong cơ quan thực hiện toàn bộ công tác của cơ quan lãnh sự và thực hiện đầy đủ chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước và quy định hiện hành của pháp luật, tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ hoàn thành nhiệm vụ; thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước và của Bộ Ngoại giao đối với cán bộ, nhân viên.

Điều 5. Viên chức và nhân viên lãnh sự có nhiệm vụ và trách nhiệm sau:

1. Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo sự phân công của người đứng đầu cơ quan lãnh sự; chấp hành nghiêm chỉnh chế độ thỉnh thị báo cáo người đứng đầu cơ quan lãnh sự về các vấn đề thuộc phạm vi công việc của mình.

2. Trung thành với Tổ quốc; giữ gìn và bảo vệ danh dự, uy tính và lợi ích của Nhà nước và cơ quan; thực hiện đầy đủ chính sách đường lối của Đảng, Nhà nước và quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

3. Tích cực góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với nước tiếp nhận, tôn trọng pháp luật, phong tục tập quán của nước tiếp nhận và pháp luật, tập quán quốc tế.

4. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo vệ bí mật quốc gia;

5. Tăng cường đoàn kết nội bộ; giữ gìn tư cách đại diện của Nhà nước và dân tộc Việt Nam.

Điều 6.

1. Trong khi thực hiện các chức năng lãnh sự, cơ quan lãnh sự được quyền liên hệ trực tiếp với chính quyền, tổ chức và nhân dân địa phương, với cơ quan đại diện các nước khác trong khu vực lãnh sự. Khi cần liên hệ với cơ quan Trung ương của nước tiếp nhận, Cơ quan lãnh sự phải thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại nước đó. Trường hợp ở nước tiếp nhận không có đại sứ quán Việt Nam, Cơ quan lãnh sự có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan Trung ương của nước đó nếu được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ủy nhiệm và được nước tiếp nhận chấp thuận. Ngoài ra, Cơ quan lãnh sự có thể thực hiện chức năng lãnh sự ở nước thứ ba nếu được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ủy nhiệm và được nước thứ ba đó chấp nhận hoặc thực hiện chức năng lãnh sự do nước thứ ba ủy quyền nếu được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và nước tiếp nhận đồng ý.

2. Cơ quan lãnh sự thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc nước kiêm nhiệm để liên hệ với các cơ quan, tổ chức ở trong nước để giải quyết các công việc lãnh sự, các công việc liên quan tới quan hệ song phương giữa Việt Nam với nước tiếp nhận. Trong trường hợp được ủy quyền hoặc trường hợp cấp bách, cơ quan lãnh sự có thể liên hệ trực tiếp với các cơ quan trong nước nhưng phải đồng thời báo cáo Bộ Ngoại giao và Đại sứ Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc nước kiêm nhiệm.

3. Quan hệ giữa cơ quan lãnh sự với các bộ phận chuyên trách khác của Đại sứ quán Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc nước kiêm nhiệm (như bộ phận thương mại, quân sự v.v....), với các cơ quan, tổ chức khác của Việt Nam không thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan lãnh sự (như đại diện Thông tấn xã, đại diện Hàng không Việt Nam v.v...) và với Phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại nước tiếp nhận (nếu có) là quan hệ hợp tác, phối hợp dưới sự chỉ đạo chung của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Đại sứ Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc nước kiêm nhiệm.

4. Quan hệ giữa Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao và cơ quan lãnh sự là quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn và nghiệp vụ lãnh sự của Cục Lãnh sự.

Điều 7. Các đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại nước tiếp nhận hoặc nước kiêm nhiệm có nhiệm vụ thường xuyên, kịp thời thông báo cho cơ quan lãnh sự tình hình trong nước, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ Ngoại giao; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết khác cho hoạt động của cơ quan lãnh sự và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, giúp đỡ cho các hoạt động của cơ quan lãnh sự.

Điều 8. Cơ quan lãnh sự có nhiệm vụ lưu trữ và bảo mật hồ sơ lưu trữ của cơ quan lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Về tài chính và chế độ chính sách

1. Cơ quan lãnh sự được cấp kinh phí riêng và chi tiêu trên cơ sở dự trù kinh phí hàng năm của cơ quan được Bộ Ngoại giao duyệt. Người đứng đầu cơ quan lãnh sự căn cứ vào hoạt động của các bộ phận công tác trong cơ quan chịu trách nhiệm lập kế hoạch thu, chi ngân sách hàng năm gửi Bộ Ngoại giao; quản lý sử dụng kinh phí, tài sản của cơ quan theo đúng chế độ hiện hành của Nhà nước; định kỳ hàng tháng báo cáo quyết toán về Bộ Ngoại giao theo quy định hiện hành.

2. Cơ quan lãnh sự có trụ sở và con dấu riêng. Trụ sở, nhà ở của người đứng đầu cơ quan lãnh sự và của cán bộ, nhân viên Cơ quan lãnh sự được giải quyết theo chế độ chung và phù hợp với điều kiện thực tế./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Công Phụng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.