• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/11/2023
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 17/2023/TT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hậu Giang, ngày 10 tháng 10 năm 2023

THÔNG TƯ

Ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia

 

 
  1/01/clip_image001.gif" width="131" />

 

 

 

 

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 11 năm 2023 và thay thế Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT ngày 25/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế trên (Thông tư số 41/2012/TT-BGDĐT ngày 19 tháng 11 năm 2012, Thông tư số 37/2013/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 11 năm 2013 và Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 01 năm 2023).

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học; Hiệu trưởng các trường phổ thông chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

QUY CHẾ

THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2023/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 10 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia (gọi tắt là Quy chế thi) bao gồm: Quy định chung; chuẩn bị tổ chức thi: đề thi; coi thi; chấm thi và phúc khảo; xử lý kết quả thi; chế độ báo cáo và lưu trữ; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và khen thưởng; tổ chức thực hiện.

2. Quy chế này áp dụng đối với các trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp trung học phổ thông) sau đây gọi chung là trường trung học phổ thông (THPT); các sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT); các đại học, học viện, trường đại học có trường THPT; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Mục đích, yêu cầu

1. Thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; đồng thời, phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.

2. Thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia phải bảo đảm yêu cầu an toàn, nghiêm túc, chính xác, khách quan, công bằng.

Điều 3. Tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia

1. Hằng năm, Bộ GDĐT tổ chức hai kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, gồm: Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông (gọi tắt là kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia) và kỳ thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực (gọi tắt là kỳ thi chọn đội tuyển Olympic).

2. Mỗi sở GDĐT, mỗi đại học, trường đại học (không thuộc đại học) có trường THPT tổ chức giảng dạy chương trình chuyên sâu là một đơn vị dự thi; Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc được đăng ký là một đơn vị dự thi.

Điều 4. Đối tượng dự thi

1. Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia:

a) Học sinh đang học THPT, có xếp loại rèn luyện (hoặc hạnh kiểm) và học tập (hoặc học lực) từ khá trở lên theo kết quả cuối học kỳ (hoặc năm học) liền kề với kỳ thi và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi;

b) Mỗi thí sinh chỉ được phép tham dự một môn thi trong một năm học.

2. Đối với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic:

Học sinh đang học THPT và thuộc một trong các diện sau đây:

a) Được Bộ GDĐT tuyển chọn trong số các học sinh đã đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm học theo nguyên tắc từ cao xuống thấp theo điểm thi, bảo đảm số học sinh được tuyển chọn cho mỗi môn thi không vượt quá tám (08) lần số học sinh cần chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn đó:

b) Không tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng năm học, nhưng đã là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực; thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế trong năm học liền kề trước đó.

Điều 5. Môn thi, nội dung thi, hình thức thi, thời gian làm bài thi

1. Môn thi:

a) Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tổ chức thi các môn: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và môn Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc). Chỉ xem xét tổ chức thi đối với môn thi có ít nhất 05 đơn vị đăng ký dự thi trở lên. Việc điều chỉnh môn thi (nếu có) sẽ được Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét quyết định;

b) Đối với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic, tổ chức thi các môn: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học.

2. Nội dung thi: Nằm trong Chương trình giáo dục phổ thông, nội dung dạy học các môn chuyên cấp THPT; riêng kỳ thi chọn đội tuyển Olympic, nội dung thi tiếp cận với Olympic quốc tế và khu vực.

3. Hình thức thi, thời gian làm bài thi:

a) Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia: Có hai buổi thi đối với các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học và các môn Ngoại ngữ; có một buổi thi đối với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí; thời làm bài thi là 180 phút. Môn Tin học thi theo hình thức lập trình trên máy vi tính; các môn khác thi theo hình thức viết trên giấy: các môn Ngoại ngữ có thêm hình thức thi nói, thí sinh có 05 phút chuẩn bị và 05 phút để ghi âm;

b) Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: Có hai buổi thi đối với mỗi môn thi; riêng các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học có thêm một buổi thi thực hành; thời gian làm bài thi đối với môn Tin học là 300 phút/bài thi, môn Toán là 270 phút/bài thi, các môn còn lại là 240 phút/bài thi. Thời gian làm bài thi của buổi thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học là 180 phút.

Điều 6. Lịch thi, địa điểm tổ chức kỳ thi

1. Lịch thi theo Hướng dẫn tổ chức thi. Lịch thi đề thi dự bị (nếu có) được Bộ GDĐT công bố ngay sau khi có quyết định phải thi đề thi dự bị.

2. Địa điểm tổ chức thi:

a) Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia: Tại mỗi đơn vị dự thi có một Hội đồng coi thi; có thể ghép các đơn vị dự thi cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) chung vào một Hội đồng coi thi;

b) Đối với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Điều 7. Sử dụng công nghệ thông tin trong kỳ thi

1. Các đơn vị dự thi sử dụng thống nhất phần mềm quản lý thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia do Bộ GDĐT cung cấp; thiết lập hệ thống trao đổi thông tin; thực hiện đúng quy trình, thời hạn xử lý dữ liệu và chế độ báo cáo theo Hướng dẫn tổ chức thi.

2. Các đơn vị dự thi phải cử công chức, viên chức theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy chế này để sử dụng máy vi tính và phần mềm quản lý thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia; đăng ký địa chỉ thư điện tử và số điện thoại theo Hướng dẫn tổ chức thi.

Điều 8. Tiêu chuẩn đối với những người tham gia tổ chức các kỳ thi

1. Thành viên của Ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia và của các Hội đồng ra đề thi, Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi, Hội đồng phúc khảo được gọi là những người tham gia tổ chức kỳ thi.

2. Những người tham gia tổ chức kỳ thi phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau:

a) Có phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao;

b) Nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi;

c) Không có vợ, chồng, con, anh, chị, em, cháu ruột hoặc con, anh, chị, em, cháu ruột của vợ (hoặc chồng) hoặc người giám hộ, người đỡ đầu, người được giám hộ, người được đỡ đầu tham dự kỳ thi;

d) Không trong thời gian bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Ngoài các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều này, thành viên của các Hội đồng ra đề thi, Hội đồng chấm thi, Hội đồng phúc khảo còn phải là những người có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Điều 9. Công tác chỉ đạo và tổ chức thi

1. Bộ GDĐT chỉ đạo và tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia; xem xét, quyết định xử lý những trường hợp đặc biệt liên quan bảo đảm mục đích, yêu cầu tổ chức thi.

2. Hằng năm, Bộ trưởng Bộ GDĐT ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia (gọi tắt là Ban Chỉ đạo thi).

a) Trưởng ban là Thứ trưởng Bộ GDĐT; Phó Trưởng ban là lãnh đạo các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ GDĐT, trong đó Phó Trưởng ban thường trực là lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (QLCL); Ủy viên là lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ GDĐT, Bộ Công an; Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo thi là công chức, viên chức của các đơn vị liên quan thuộc Bộ GDĐT, Bộ Công an;

b) Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo thi: Giúp Bộ trưởng Bộ GDĐT chỉ đạo triển khai kế hoạch tổ chức thi; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các khâu ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo; xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thi, báo cáo Bộ trưởng Bộ GDĐT và các cấp có thẩm quyền về tình hình tổ chức thi.

c) Nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên Ban Chỉ đạo thi: Trưởng ban chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo thi và tổ chức cho các thành viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; các Phó Trưởng ban, Ủy viên và Thư ký chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo phân công hoặc ủy nhiệm của Trưởng ban.

3. Cục QLCL chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các công việc sau:

a) Xây dựng kế hoạch tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, trình Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt;

b) Hướng dẫn tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia;

c) Điều động các đơn vị dự thi làm nhiệm vụ coi thi trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia;

d) Tổ chức ra đề thi và bàn giao đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi;

đ) Tổ chức coi thi kỳ thi chọn đội tuyển Olympic;

e) Tổ chức chấm thi, phúc khảo các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.

4. Thanh tra Bộ GDĐT: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra các khâu tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.

Điều 10. Xử lý các sự cố bất thường

1. Trường hợp đề thi có những sai sót, lãnh đạo Hội đồng phải báo cáo ngay với Ban Chỉ đạo thi để có phương án xử lý.

2. Các trường hợp bất thường về đề thi đều phải được báo cáo về Ban Chỉ đạo thì để xem xét, quyết định.

3. Trường hợp đĩa CD chứa phần thi nghe hiểu môn Ngoại ngữ bị hỏng:

a) Trường hợp đĩa CD chính bị hỏng nhưng đĩa CD dự phòng không bị hỏng, Chủ tịch Hội đồng coi thi lập biên bản về tình trạng của các đĩa CD và cho sử dụng đĩa CD dự phòng;

b) Trường hợp đĩa CD chính và đĩa CD dự phòng đều bị hỏng, Chủ tịch Hội đồng coi thi lập biên bản về tình trạng của các đĩa CD, cho dừng thi môn Ngoại ngữ có đĩa CD bị hỏng và báo cáo ngay với Trưởng Ban Chỉ đạo thi; Trưởng Ban Chỉ đạo thi có trách nhiệm chỉ đạo Hội đồng coi thi tổ chức thi bằng đĩa CD chứa phần thi nghe hiểu của đề thi dự bị môn Ngoại ngữ có đĩa CD bị hỏng theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

4. Trường hợp đề thi bị lộ:

a) Ban Chỉ đạo thi chịu trách nhiệm toàn bộ về xử lý tình huống lộ đề thi. Khi có kết luận chính thức về lộ đề thi, Ban Chỉ đạo thi quyết định đình chỉ môn thi của buổi thi bị lộ đề thi và tổ chức thi lại bằng đề thi dự bị vào thời gian thích hợp theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

b) Bộ GDĐT có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng để kiểm tra, xác minh, kết luận nguyên nhân lộ đề thi; xử lý người làm lộ đề thi và những người liên quan theo các quy định của pháp luật.

5. Trường hợp có sự cố nguồn điện hoặc phải đổi máy vi tính của phòng thi môn Tin học:

a) Chủ tịch Hội đồng coi thi nơi xảy ra sự cố cho dừng buổi thi môn Tin học đối với những thí sinh bị ảnh hưởng bởi sự cố hoặc cho dừng buổi thi môn Tin học và chỉ đạo, tổ chức khắc phục sự cố theo một trong hai phương án sau: (i) Tiếp tục buổi thi môn Tin học ngay sau khi khắc phục xong sự cố và bù thời gian đã bị mất cho thí sinh, nếu thời gian khắc phục sự cố không nhiều hơn 30 phút; (ii) Hủy buổi thi môn Tin học, nếu thời gian khắc phục sự cố nhiều hơn 30 phút. Phải báo cáo ngay Trưởng Ban Chỉ đạo thi về sự cố và phương án khắc phục xử lý;

b) Trường hợp phải hủy buổi thi môn Tin học, tổ chức thi lại bằng đề thi dự bị vào thời gian thích hợp theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT;

c) Các đơn vị dự thi cố tình gây ra sự cố sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

6. Trường hợp thiên tai nghiêm trọng xảy ra, Trưởng Ban Chỉ đạo thi quyết định lùi buổi thi và chỉ đạo tổ chức thi theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

7. Trong quá trình tổ chức kỳ thi, nếu xảy ra sự cố bất thường khác, các tổ chức, cá nhân liên quan phải báo cáo ngay cho Trưởng Ban Chỉ đạo thi để có phương án xử lý thích hợp, kịp thời.

 

Chương II

CHUẨN BỊ TỔ CHỨC THI

 

Điều 11. Thành lập đội tuyển dự thi

1. Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia:

a) Các đơn vị dự thi thành lập đội tuyển tham dự kỳ thi của đơn vị mình bảo đảm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 4 và khoản 1 Điều 12 Quy chế này;

b) Các đơn vị gửi bản đăng ký môn thi, số lượng thí sinh dự thi từng môn, danh sách thí sinh dự thi từng môn về Cục QLCL trước ngày thi ít nhất 30 ngày. Sau thời hạn này, không điều chỉnh danh sách thí sinh đăng ký dự thi.

2. Đối với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: Bộ GDĐT thực hiện việc tuyển chọn, triệu tập thí sinh tham dự kỳ thi, đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 4 và khoản 2 Điều 12 Quy chế này.

Điều 12. Số lượng thí sinh

1. Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia: Mỗi đơn vị dự thi được đăng ký tối đa 10 thí sinh cho đội tuyển mỗi môn thi (riêng đơn vị dự thi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được đăng ký tối đa 20 thí sinh cho mỗi đội tuyển).

2. Đối với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: Số lượng thí sinh dự thi mỗi môn hằng năm do Bộ GDĐT triệu tập, bảo đảm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế này.

Điều 13. Hồ sơ thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia

1. Hồ sơ thí sinh bao gồm:

a) Quyết định của Thủ trưởng đơn vị dự thi về việc thành lập các đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (kèm theo danh sách học sinh của mỗi đội tuyển);

b) Học bạ của cấp học (trong trường hợp kỳ thi được tổ chức trước khi kết thúc Học kỳ 1 của năm học) hoặc kết quả xếp loại rèn luyện (hoặc hạnh kiểm) và học tập (hoặc học lực) của học kỳ liền kề với kỳ thi của từng thí sinh, có xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường (trong trường hợp kỳ thi được tổ chức ngay sau khi kết thúc Học kỳ I của năm học).

2. Việc cấp Thẻ dự thi:

a) Thủ trưởng đơn vị dự thi cấp Thẻ dự thi cho thí sinh thuộc đơn vị mình; việc cấp Thẻ dự thi phải hoàn thành trước ngày thi ít nhất 10 ngày;

b) Thẻ dự thi phải dán ảnh màu cỡ 04cm x 06cm của thí sinh, được chụp theo kiểu ảnh Căn cước công dân trước kỳ thi không quá 06 tháng và đóng dấu của đơn vị.

 

Chương III

ĐỀ THI

 

Điều 14. Đề thi đề xuất

1. Đề thi đề xuất là căn cứ tham khảo quan trọng cho Hội đồng ra đề thi.

2. Đề thi đề xuất do một số nghiên cứu viên, giảng viên, giáo viên có uy tín khoa học và năng lực chuyên môn tốt đã hoặc đang công tác ở các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, viện nghiên cứu, hội chuyên ngành soạn thảo theo yêu cầu của Bộ GDĐT.

3. Nội dung của đề thi đề xuất phải đáp ứng các yêu cầu được quy định tại Điều 5 Quy chế này; đề thi đề xuất phải được chính người ra đề thi đề xuất niêm phong và gửi Cục QLCL.

4. Người ra đề thi đề xuất phải giữ bí mật tuyệt đối về nội dung của đề thi đề xuất, không được phép công bố dưới bất kỳ hình thức nào.

5. Cục QLCL chịu trách nhiệm tiếp nhận, lưu trữ và bàn giao đề thi đề xuất còn nguyên niêm phong cho Hội đồng ra đề thi.

Điều 15. Đề thi chính thức và Đề thi dự bị

1. Trong một kỳ thi, mỗi bài thi/môn thi có một đề thi chính thức và một đề thi dự bị với mức độ tương đương nhau; không có dạng đề tự chọn đối với mỗi môn thi.

2. Nội dung đề thi phải theo đúng quy định tại Điều 5 Quy chế này; phải bảo đảm chính xác, khoa học, phân loại được trình độ thí sinh; đề thi các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có nội dung câu hỏi đánh giá kỹ năng, năng lực thực hiện thí nghiệm, thực hành của thí sinh; đề thi kỳ thi chọn đội tuyển Olympic phải đạt được yêu cầu tiếp cận với cấu trúc và phạm vi kiến thức của đề thi trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.

3. Đề thi phải được diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, không gây hiểu nhầm; phải ghi rõ có mấy trang, đánh số từng trang và có chữ "HẾT" tại nơi kết thúc đề thi.

4. Đề thi chính thức, dự bị và hướng dẫn chấm kèm theo đề thi chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật”. Theo đó, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ “Tối mật” đối với đề thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài thi.

5. Đề thi dự bị chưa sử dụng, được giải mật sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng của mỗi kỳ thi.

6. Đề thi chính thức của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đáp án kèm theo được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT sau khi công bố kết quả thi.

Điều 16. Khu vực làm đề thi và các yêu cầu bảo mật

1. Nơi làm đề thi phải là một địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập và được lực lượng công an kiểm tra bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy, cách ly thông tin với bên ngoài và tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt; có đầy đủ điều kiện về thông tin liên lạc, phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy. Người làm việc trong khu vực làm đề thi phải đeo phù hiệu riêng và chỉ hoạt động trong phạm vi cho phép.

2. Trong khu vực làm đề thi không được sử dụng điện thoại di động hoặc bất kỳ thiết bị thu phát, truyền đưa thông tin, ghi âm, ghi hình, trừ một điện thoại cố định có chức năng ghi âm, loa ngoài đã được lực lượng công an kiểm tra. Trong trường hợp cần thiết và có sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng ra đề thi, mới được liên hệ bằng điện thoại cố định và bật loa ngoài, ghi âm, dưới sự giám sát và ghi nhật ký của công an. Trong trường hợp đặc biệt, được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng ra đề thi, các thành viên mới được phép ra khỏi khu vực làm đề thi dưới sự giám sát 24 giờ/ngày của công an (cho đến khi quay lại Hội đồng ra đề thi hoặc đến khi kết thúc môn thi cuối cùng). Thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly theo ba vòng độc lập tại khu vực ra đề thi.

a) Vòng 1: Khu vực làm việc của các thành viên Hội đồng ra đề thi có tiếp xúc trực tiếp với đề thi;

b) Vòng 2: Là khu vực tiếp giáp giữa vòng 1 với vòng 3 do lực lượng công an đảm nhiệm, có nhiệm vụ: giám sát mọi cuộc liên lạc bằng điện thoại cố định theo quy định tại khoản này, là đầu mối giao tiếp thông tin với bên ngoài, kiểm soát người, đồ vật từ vòng 3 vào vòng 2 và ngược lại. Công an tại vòng 2 không được trao đổi về đề thi hoặc việc riêng với bất kỳ thành viên của Hội đồng ra đề thi và vòng 3;

c) Vòng 3: Là khu vực tiếp giáp với vòng 2 do lực lượng công an đảm nhiệm, có nhiệm vụ: bảo đảm an ninh trật tự xung quanh khu vực ra đề thi 24 giờ/ngày; kiểm soát không để người không có nhiệm vụ hoặc đồ vật cấm vào khu vực ra đề thi; mở sổ theo dõi người, đồ vật ra/vào khu vực bảo vệ; yêu cầu tất cả những người ra/vào phải đeo thẻ do Hội đồng ra đề thi cấp.

3. Các thiết bị đặt tại nơi làm đề thi, dù bị hư hỏng hay không dùng đến, chỉ được đưa ra ngoài khu vực làm đề thi sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng.

4. Giấy nháp và các bản in nháp, in hỏng, giấy nến đã sử dụng của máy in, máy photocopy phải được bảo mật, bảo quản tại phòng làm việc của Hội đồng ra đề thi và phải được hủy trước khi kết thúc buổi thi cuối cùng.

5. Yêu cầu bảo mật đối với công tác làm đề thi thực hành trong kỳ thi chọn đội tuyển Olympic do Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định.

Điều 17. Hội đồng ra đề thi

1. Hội đồng ra đề thi do Bộ trưởng Bộ GDĐT thành lập.

2. Cơ cấu và thành phần của Hội đồng ra đề thi:

a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Cục QLCL;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ GDĐT, Trưởng Phòng Quản lý thi Cục QLCL, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học;

c) Ủy viên, Thư ký: Công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ GDĐT và các cơ sở giáo dục đại học, trường trung học phổ thông; trong đó, Ủy viên thường trực là công chức Cục QLCL;

d) Mỗi môn thi có một Tổ ra đề thi gồm Tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi. Người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi thuộc các đối tượng sau: công chức, viên chức, nghiên cứu viên, giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 Quy chế này; trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét quyết định. Trong năm tổ chức thi, người có học sinh do mình trực tiếp dạy trên lớp tham gia kỳ thi hoặc chủ trì/phụ trách bồi dưỡng đội tuyển của đơn vị dự thi không được tham gia Tổ ra đề thi;

đ) Lực lượng công an do Bộ Công an điều động; cán bộ, kỹ thuật viên do Ban Cơ yếu Chính phủ điều động;

e) Bảo vệ, y tế, nhân viên phục vụ do Bộ GDĐT điều động.

3. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng ra đề thi:

a) Hội đồng làm việc tập trung theo nguyên tắc cách ly triệt để từ khi mở đề thi đề xuất đến hết thời gian của buổi thi cuối cùng của kỳ thi; các Tổ ra đề thi và các thành viên khác làm việc độc lập và trực tiếp với lãnh đạo Hội đồng;

b) Mỗi thành viên của Hội đồng phải chịu trách nhiệm cá nhân về nội dung của đề thi và bảo đảm bí mật, an toàn đề thi theo đúng chức trách của mình và theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

4. Nhiệm vụ của Hội đồng ra đề thi:

a) Tổ chức soạn thảo các đề thi chính thức và đề thi dự bị, hướng dẫn chấm thi (gồm đáp án, biểu điểm) của đề thi chính thức và đề thi dự bị;

b) Tổ chức phản biện đề thi và hướng dẫn chấm thi;

c) Trong trường hợp cần thiết, tổ chức in sao đề thi, kể cả in sao đĩa CD chứa phần thi nghe hiểu của các môn Ngoại ngữ (đối với mỗi đề thi, in sao một đĩa chính thức và một đĩa dự phòng); đóng gói, niêm phong đề thi và bàn giao cho bộ phận vận chuyển đề thi để chuyển tới Hội đồng coi thi;

d) Bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn đối với đề thi và hướng dẫn chấm thi, từ thời điểm bắt đầu soạn thảo đề thi cho tới khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi.

5. Trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng ra đề thi:

a) Chủ tịch Hội đồng: Điều hành toàn bộ công việc của Hội đồng; ban hành quy định làm việc, phân công công việc cho các thành viên của Hội đồng; cùng các thành viên được phân công đọc, soát đề thi và yêu cầu chỉnh, sửa đề thi khi cần thiết; ký duyệt các đề thi chính thức và đề thi dự bị, hướng dẫn chấm thi của đề thi chính thức và đề thi dự bị; bàn giao các tệp tin chứa đề thi chính thức đã được mã hóa; trong trường hợp cần thiết, tổ chức in sao, đóng gói, niêm phong đề thi và bàn giao đề thi để chuyển đến các Hội đồng coi thi; xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý sự cố về đề thi; xem xét, quyết định hoặc đề nghị khen thưởng, kỷ luật đối với các thành viên trong Hội đồng;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng giúp Chủ tịch Hội đồng trong công tác điều hành theo phân công của Chủ tịch Hội đồng;

c) Tổ trưởng Tổ ra đề thi và người soạn thảo đề thi: Thực hiện soạn thảo đề thi theo quy trình tại Điều 18 Quy chế này; Tổ trưởng Tổ ra đề thi trình đề thi, hướng dẫn chấm thi đã soạn thảo cho Chủ tịch Hội đồng để tổ chức phản biện, chỉnh sửa và ký duyệt; đọc, rà soát lại đề thi; kiểm tra lại dữ liệu phần thi nghe hiểu đối với các môn Ngoại ngữ; thực hiện các công việc khác do Chủ tịch Hội đồng phân công; thực hiện đánh giá tất cả các đề thi đề xuất trong kỳ thi;

d) Người phản biện đề thi: Thực hiện phản biện đề thi theo quy trình tại Điều 18 Quy chế này; đọc, rà soát lại đề thi; kiểm tra đĩa CD chứa phần thi nghe hiểu đối với các môn Ngoại ngữ; thực hiện các công việc khác do Chủ tịch Hội đồng phân công;

đ) Ủy viên, Thư ký giúp lãnh đạo Hội đồng thực hiện các công việc sau: Xây dựng kế hoạch làm việc của Hội đồng, soạn thảo văn bản, lập bảng biểu, ghi biên bản các cuộc họp của Hội đồng; chuẩn bị các số liệu, tài liệu, điều kiện và phương tiện để Hội đồng làm việc; đóng gói, giao đề thi cho bộ phận vận chuyển đề thi tới các Hội đồng coi thi; thực hiện các công việc khác do Chủ tịch Hội đồng phân công;

e) Lực lượng công an: có trách nhiệm xây dựng, triển khai phương án, bảo đảm an ninh an toàn, cách ly thông tin, kiểm soát người, đồ vật ra/vào, các cuộc liên lạc bằng điện thoại cố định tại khu vực làm việc của Hội đồng ra đề thi; tham mưu Chủ tịch Hội đồng ra đề thi xử lý các tình huống về an ninh, an toàn và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng ra đề thi phân công;

g) Người làm nhiệm vụ cơ yếu, bảo vệ, y tế, nhân viên phục vụ: thực hiện các công việc do Chủ tịch Hội đồng phân công;

h) Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm cá nhân trước Bộ trưởng Bộ GDĐT và trước pháp luật về việc thực hiện các công việc được giao; các thành viên khác của Hội đồng chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Hội đồng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

Điều 18. Quy trình ra đề thi

1. Soạn thảo đề thi:

a) Tổ trưởng Tổ ra đề thi phối hợp với Tổ thư ký loại bỏ tất cả thông tin liên quan đến người soạn thảo đề thi đề xuất. Tổ ra đề thi rà soát, phân loại câu hỏi thi trong đề thi đề xuất (gọi tắt là câu hỏi thi đề xuất) theo cấu trúc đề thi. Tổ ra đề thi tổ chức đánh giá từng câu hỏi thi đề xuất, lựa chọn các câu hỏi thi đề xuất đáp ứng yêu cầu làm nguồn tham khảo để soạn thảo đề thi và báo cáo Lãnh đạo Hội đồng bằng văn bản; trường hợp có từ hai câu hỏi thi đề xuất trở lên đã được lựa chọn trong cùng một đơn vị cấu trúc của đề thi thì lựa chọn theo phương thức bốc thăm bằng phiếu. Việc soạn thảo đề thi bảo đảm nguyên tắc biến đổi câu hỏi thi đề xuất và không sử dụng quá một câu hỏi của một người ra đề thi đề xuất. Riêng đối với các môn Ngoại ngữ, việc tham khảo và lựa chọn các câu hỏi thi đề xuất để soạn thảo đề thi từ một người ra đề thi đề xuất không được vượt quá 20% tổng số điểm bài thi.

b) Nếu nguồn đề thi đề xuất không đủ để tham khảo sử dụng trong soạn thảo đề thi Tổ trưởng Tổ ra đề thi báo cáo Chủ tịch Hội đồng ra đề thi để phân công các thành viên đề xuất ý tưởng và tổ chức cho cả Tổ ra đề thi phản biện nội bộ và điều chỉnh, biến đổi các ý tưởng được đề xuất để soạn thảo đề thi cho kỳ thi;

c) Tổ trưởng Tổ ra đề thi phải báo cáo đầy đủ với Chủ tịch Hội đồng về quan điểm, quy trình soạn thảo, nội dung cơ bản của đề thi được soạn thảo; đặc biệt, cần nêu rõ mỗi nội dung được soạn thảo từ đề thi đề xuất nào, nội dung nào được soạn thảo trên cơ sở ý tưởng đề xuất của thành viên Tổ ra đề thi.

2. Phản biện đề thi:

a) Người phản biện đề thi có trách nhiệm đọc, đánh giá đề thi đã được Tổ ra đề thi soạn thảo theo các yêu cầu quy định tại Điều 15 Quy chế này và đề xuất phương án chính, sửa đề thi nếu thấy cần thiết;

b) Ý kiến đánh giá của người phản biện đề thi đối với các đề thi đã được soạn thảo là một căn cứ giúp Chủ tịch Hội đồng ra đề thi ký duyệt đề thi.

3. Hoàn thiện đề thi: Trên cơ sở ý kiến của những người phản biện đề thi, tất cả các thành viên của Tổ ra đề thi cùng tinh chỉnh, hoàn thiện đề thi, ký tên và trình Chủ tịch Hội đồng ra đề thi phê duyệt.

4. Trực thi: Tổ ra đề thi môn nào phải trực trong suốt thời gian thí sinh làm bài thi môn đó để xử lý các vấn đề liên quan đến đề thi (nếu có).

5. Việc tổ chức ra đề thi thực hành đối với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học được thực hiện theo Hướng dẫn ra đề thi thực hành.

Điều 19. Chuyển giao đề thi

Trưởng ban Chỉ đạo thi quyết định lựa chọn phương thức chuyển giao đề thi:

1. Phương thức chuyển giao đề thi trực tiếp:

a) Chủ tịch Hội đồng ra đề thi tổ chức in sao, đóng gói, niêm phong, đóng dấu chỉ độ “Tối mật” trên túi đề thi và bàn giao cho bộ phận vận chuyển đề thi để chuyển đến các Hội đồng coi thi. Đề thi được bảo quản theo quy định bảo vệ tài liệu nhà nước độ Tối mật;

b) Toàn bộ quá trình bàn giao và vận chuyển đề thi phải có sự chứng kiến, bảo vệ của công an; phải lập biên bản giao nhận, ghi rõ tình trạng đóng gói, niêm phong túi đề thi.

2. Phương thức chuyển giao để thi qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ được thực hiện theo Hướng dẫn của Bộ GDĐT.

 

Chương IV

COI THI

 

Điều 20. Hội đồng coi thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia

1. Thành lập Hội đồng coi thi:

a) Thành lập một Hội đồng coi thi tại mỗi đơn vị dự thi; có thể thành lập một Hội đồng coi thi ghép, chung cho các đơn vị dự thi cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Hội đồng coi thi do Thủ trưởng đơn vị dự thi nơi đặt Hội đồng coi thi ra quyết định thành lập.

2. Cơ cấu và thành phần Hội đồng coi thi:

a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo đơn vị dự thi hoặc Trưởng phòng/ban của đơn vị dự thi không có thí sinh dự thi tại Hội đồng coi thi đó (gọi tắt là đơn vị dự thi khác);

b) Có không quá ba Phó Chủ tịch Hội đồng; trong đó, chỉ có một Phó Chủ tịch là người của đơn vị dự thi nơi đặt Hội đồng coi thi (gọi tắt là đơn vị dự thi sở tại). Người làm nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng thuộc các đối tượng sau: Lãnh đạo đơn vị dự thi, Lãnh đạo phòng/ban của đơn vị dự thi, lãnh đạo trường THPT;

c) Có không quá năm Thư ký; trong đó, chỉ có một người thuộc đơn vị dự thi sở tại. Người làm nhiệm vụ Thư ký thuộc các đối tượng sau: công chức, viên chức, giảng viên, giáo viên cấp THPT;

d) Người làm nhiệm vụ giám thị thuộc các đối tượng sau: công chức, viên chức, chuyên viên, giảng viên, giáo viên cấp THPT của các đơn vị dự thi khác. Trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng giáo viên trung học cơ sở đối với môn Ngoại ngữ;

đ) Bộ phận kỹ thuật: Mỗi Hội đồng coi thi có không quá ba người phụ trách kỹ thuật công nghệ thông tin của đơn vị dự thi sở tại;

e) Công an, bảo vệ, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ: Do Thủ trưởng đơn vị dự thi Sở tại phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan hữu quan trên địa bàn nơi đặt Hội đồng coi thi điều động;

g) Trong trường hợp chuyển đề thi qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ, nhân sự tham gia được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

3. Nhiệm vụ của Hội đồng coi thi:

a) Kiểm tra hồ sơ thi, hồ sơ của thí sinh bảo đảm đầy đủ theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 13 và đáp ứng yêu cầu tại khoản 1 Điều 4 Quy chế này. Nếu phát hiện có sai sót phải báo ngay cho Thủ trưởng đơn vị dự thi sở tại để kịp thời xử lý;

b) Kiểm tra công tác chuẩn bị các điều kiện thiết yếu, đặc biệt là cơ sở vật chất và thiết bị cho kỳ thi;

c) Phổ biến Quy chế thi và những quy định của kỳ thi cho thí sinh;

d) Tổ chức thực hiện các khâu trong quy trình coi thi bảo đảm nghiêm túc, an toàn, đúng Quy chế thi và các văn bản Hướng dẫn tổ chức thi;

đ) Tiếp nhận, bảo quản, sử dụng đề thi theo đúng quy định của Quy chế thi và hướng dẫn của Bộ GDĐT. Trường hợp đề thi được chuyển qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ thì việc in đề thi được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GDĐT;

e) Bảo quản đề thi, bài thi; chuyển bài thi, hồ sơ thi về Cục QLCL theo đúng nguyên tắc bảo mật và Hướng dẫn tổ chức thi.

4. Trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng coi thi:

a) Chủ tịch Hội đồng: Điều hành toàn bộ công việc của Hội đồng; tổ chức cho các thành viên của Hội đồng và thí sinh học tập, nắm vững, thực hiện đúng Quy chế thi, Hướng dẫn tổ chức thi và các văn bản khác liên quan; xử lý các sự cố bất thường trong quá trình coi thi theo quy định tại Điều 10 Quy chế này; xem xét, quyết định hoặc đề nghị hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với các thí sinh và các thành viên của Hội đồng;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Giúp Chủ tịch Hội đồng trong công tác điều hành theo phân công của Chủ tịch Hội đồng;

c) Ủy viên, Thư ký: Giúp Chủ tịch Hội đồng soạn thảo các văn bản, lập bảng biểu và ghi biên bản các cuộc họp của Hội đồng; thực hiện các công việc khác do Chủ tịch Hội đồng phân công;

d) Giám thị: Thực hiện các công việc được quy định tại Điều 25 Quy chế này; thực hiện các công việc khác do Chủ tịch Hội đồng phân công;

đ) Bộ phận kỹ thuật: Thực hiện các công việc được quy định tại Điều 25 Quy chế này; thực hiện các công việc khác do Chủ tịch Hội đồng phân công; thường trực trong thời gian thi để đáp ứng các yêu cầu đột xuất của thí sinh và giám thị; chỉ được vào phòng thi trong thời gian thí sinh làm bài thi để xử lý các sự cố kỹ thuật khi được Chủ tịch Hội đồng cho phép;

e) Công an, bảo vệ, nhân viên y tế và nhân viên phục vụ kỳ thi: Thực hiện theo phân công của Chủ tịch Hội đồng coi thi; không được tham gia vào các công việc dành cho các thành viên khác của Hội đồng; không được vào phòng thi trong thời gian thí sinh làm bài thi. Trong trường hợp thí sinh có sự cố về sức khỏe trong phòng thi, nhân viên y tế chỉ được vào phòng thi để xử lý khi nhận được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng coi thi;

g) Trong thời gian coi thi, tính từ thời điểm mở túi đề thi cho tới thời điểm kết thúc từng buổi thi, mọi thành viên của Hội đồng coi thi có trách nhiệm bảo mật đề thi; không được mang và sử dụng: điện thoại di động, thiết bị thu phát và truyền đưa thông tin, thiết bị ghi âm, thiết bị ghi hình. Trong trường hợp cần thiết, chỉ lãnh đạo Hội đồng coi thi được liên hệ bằng điện thoại cố định, có loa ngoài dưới sự giám sát của công an, bảo vệ (phải lập biên bản về địa chỉ và nội dung liên hệ);

h) Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ trưởng đơn vị dự thi và pháp luật về việc thực hiện các công việc được giao; các thành viên khác của Hội đồng chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Hội đồng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

Điều 21. Hội đồng coi thi kỳ thi chọn đội tuyển Olympic

1. Thành lập Hội đồng coi thi: Hội đồng coi thi do Bộ trưởng Bộ GDĐT ra quyết định thành lập.

2. Cơ cấu và thành phần Hội đồng coi thi:

a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Cục QLCL;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ GDĐT, lãnh đạo cấp phòng của Cục QLCL, lãnh đạo của cơ sở giáo dục đại học, lãnh đạo sở GDĐT;

c) Ủy viên, Thư ký và giám thị là: Công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ GDĐT và giảng viên, giáo viên của các cơ sở giáo dục đại học, trường THPT;

d) Nhân viên kỹ thuật, nhân viên thực hành: Do Bộ GDĐT phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan hữu quan điều động;

đ) Công an, bảo vệ, y tế, nhân viên phục vụ: Do Bộ GDĐT phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan hữu quan điều động.

3. Nhiệm vụ của Hội đồng coi thi:

a) Kiểm tra hồ sơ thi, đối chiếu danh sách thí sinh dự thi và danh sách thí sinh được Bộ GDĐT triệu tập tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic;

b) Thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại điểm b, c, d, đ, e khoản 3 Điều 20 Quy chế này.

4. Trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng coi thi: thực hiện như quy định tại khoản 4 Điều 20 Quy chế này.

Điều 22. Bố trí phòng thi

1. Các quy định chung:

a) Xếp số báo danh theo thứ tự a, b, c... của tên thí sinh trong danh sách dự thi của mỗi môn thi;

b) Đối với buổi thi viết, sắp xếp chỗ ngồi cho các thí sinh trong phòng thi bảo đảm khoảng cách tối thiểu theo hàng ngang giữa hai thí sinh là 1,2 mét;

c) Mỗi phòng thi có ít nhất ba giám thị, gồm ít nhất hai giám thị trong phòng thi và một giám thị ngoài phòng thi;

d) Đối với phòng thi môn Tin học, bảo đảm: Mỗi thí sinh được sử dụng một máy vi tính riêng biệt; mỗi phòng thi có ít nhất một máy vi tính kèm máy in laser dùng riêng để in bài làm của thí sinh; có ít nhất hai máy vi tính và một máy in laser dự phòng; các máy vi tính trong phòng thi tương đương về cấu hình, có ổ đọc và ghi đĩa CD; được đặt ngày, giờ chính xác trong hệ thống; được quét sạch virus; được cài đặt phần mềm trước ngày thi theo quy định, không được cài đặt bất kỳ phần mềm và tài liệu nào khác; các máy vi tính trong phòng thi được bố trí sao cho hai máy cách nhau tối thiểu 1,2 mét theo hàng ngang và mỗi thí sinh không nhìn thấy màn hình máy vi tính của thí sinh khác.

2. Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia:

a) Mỗi phòng thi bố trí không quá 24 thí sinh;

b) Bố trí phòng thi đối với môn Tin học: Các thí sinh dự thi môn Tin học được bố trí một phòng thi riêng; các máy tính được cô lập, không liên hệ với bất kỳ thiết bị, phương tiện nào trong và ngoài phòng thi;

c) Bố trí phòng thi đối với môn Ngoại ngữ: Buổi thi viết, mỗi môn Ngoại ngữ được bố trí một phòng thi riêng có một bộ máy nghe đĩa CD và loa, có ít nhất hai bộ máy nghe đĩa CD và loa dự phòng chung cho tất cả các phòng thi Ngoại ngữ; buổi thi nói, thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi;

d) Bố trí phòng thi đối với các môn thi khác: Mỗi phòng thi có tối thiểu hai môn thi.

3. Đối với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: Việc bố trí và sắp xếp chỗ ngồi cho các thí sinh trong phòng thi lý thuyết đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, bảo đảm mỗi giám thị bao quát không quá 10 thí sinh. Việc bố trí sắp xếp chỗ ngồi cho các thí sinh trong phòng thi môn Tin học và phòng thi thực hành các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học tiếp cận với tổ chức thi Olympic quốc tế và khu vực; thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi.

Điều 23. Quy định về các tài liệu, vật dụng được mang vào phòng thi

1. Thí sinh được phép mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng liên quan đến việc làm bài thi, gồm:

a) Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình;

b) Máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; riêng đối với môn thi Toán, thí sinh không được mang máy tính cầm tay vào phòng thi.

2. Việc mang tài liệu, vật dụng vào phòng thi nói các môn Ngoại ngữ được thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi.

3. Việc mang tài liệu, vật dụng vào phòng thi kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: Thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi, bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng môn thi, tiếp cận với tổ chức thi Olympic quốc tế và khu vực.

Điều 24. Trách nhiệm của thí sinh

1. Có mặt tại địa điểm thi đúng ngày, giờ quy định. Thí sinh đến muộn sau thời điểm tính giờ làm bài sẽ không được dự thi.

2. Xuất trình Thẻ dự thi (đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia) hoặc Căn cước công dân (đối với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic) trước khi vào phòng thi.

3. Ngồi đúng chỗ theo số báo danh quy định trong phòng thi; ký tên vào danh sách thí sinh dự thi từng buổi thi.

4. Chỉ được mang vào phòng thi những tài liệu, vật dụng quy định tại Điều 23 Quy chế này. Không được mang vào phòng thi: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.

5. Khi nhận đề thi, phải kiểm tra số trang của đề thi, ghi số báo danh vào đề thi. Nếu phát hiện thấy đề thi thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cho giám thị trong phòng thi chậm nhất 10 phút kể từ khi bắt đầu tính giờ làm bài.

6. Trong thời gian ở phòng thi phải giữ trật tự; không được trao đổi, bàn bạc, quay cóp bài thi; khi muốn có ý kiến phải giơ tay xin phép và chỉ được phát biểu ý kiến khi giám thị trong phòng thi cho phép; không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi. Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của giám thị và phải chịu sự giám sát của giám thị ngoài phòng thi; việc ra khỏi phòng thi, khu vực thi của thí sinh trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của công an cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi và do Chủ tịch Hội đồng coi thi quyết định. Báo cáo người có trách nhiệm nếu phát hiện hành vi gian lận trong kỳ thi.

7. Bài thi phải được viết bằng một loại bút, một thứ mực; không được viết bằng mực đỏ, bút chì (trừ trường hợp vẽ đường tròn bằng compa); không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng trong bài thi; phần viết hỏng phải gạch chéo, không được tẩy, xóa bằng bất kỳ cách nào.

8. Thí sinh môn Tin học làm bài và ghi bài làm vào ổ đĩa cứng của máy vi tính; phải giữ nguyên niêm phong tất cả các vị trí đã được niêm phong trên máy vi tính cho đến hết giờ thi. Trong trường hợp thi trên máy vi tính kết nối mạng cục bộ/nội bộ, thí sinh thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi.

9. Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài:

a) Đối với buổi thi viết: Tất cả thí sinh phải ngừng viết ngay để nộp bài thi; ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi (kể cả trường hợp không làm được bài);

b) Đối với buổi thi môn Tin học: Tất cả thí sinh phải tắt ngay màn hình máy vi tính. Khi giám thị cho phép, thí sinh được bật lại màn hình máy vi tính và mở niêm phong ổ đĩa CD để ghi bài làm vào đĩa CD; tiếp đó, thí sinh chứng kiến giám thị in bài của mình từ đĩa CD ra giấy; thí sinh ký tên vào đĩa CD và giấy đã in bài làm. Trong trường hợp thi trên máy vi tính kết nối mạng cục bộ/nội bộ, thí sinh thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi;

c) Đối với buổi thi nói của các môn Ngoại ngữ trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và thi thực hành của các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học trong kỳ thi chọn đội tuyển Olympic: Thí sinh thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi.

10. Sau khi hết giờ thi, thí sinh chỉ được rời phòng thi khi giám thị trong phòng thi cho phép.

11. Thí sinh có trách nhiệm bảo quản đề thi của mình trong suốt thời gian từ lúc nhận đề thi đến hết thời gian làm bài thi.

Điều 25. Quy trình coi thi

1. Trước ngày thi ít nhất hai ngày, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên, Thư ký, bộ phận kỹ thuật, công an và bảo vệ của Hội đồng coi thi có mặt tại địa điểm thi để thực hiện các công việc sau đây:

a) Kiểm tra việc chuẩn bị cho kỳ thi; tiếp nhận địa điểm thi, cơ sở vật chất và các thiết bị, phương tiện phục vụ công tác tổ chức thi;

b) Chuẩn bị các thiết bị, cài đặt phần mềm cho máy vi tính theo quy định của Bộ GDĐT (không được cài đặt bất kỳ phần mềm và tài liệu nào khác), bảo đảm thiết bị vận hành tốt;

c) Tiếp nhận hồ sơ thi, xác nhận quyền dự thi của từng thí sinh, niêm yết danh sách thí sinh dự thi;

d) Giải quyết những công việc cần thiết của kỳ thi, thống nhất những quy định chung và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Hội đồng coi thi.

2. Trước ngày thi ít nhất một ngày:

a) Giám thị, nhân viên y tế, nhân viên phục vụ có mặt tại địa điểm thi để họp Hội đồng coi thi, quán triệt Quy chế thi và các văn bản liên quan đến kỳ thi; kiểm tra hồ sơ thi; kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ công tác tổ chức thi, niêm phong các phòng thi sau khi đã kiểm tra và hoàn thành các công việc chuẩn bị khác cho kỳ thi;

b) Giám thị môn Tin học có trách nhiệm kiểm tra việc cài đặt phần mềm của các máy vi tính, đánh số và niêm phong mỗi máy vi tính trong phòng thi môn Tin học ở các vị trí “cổng” kết nối bảo đảm không thể sử dụng kết nối mạng, USB và ổ đĩa CD. Trong trường hợp thi trên máy vi tính trực tuyến kết nối mạng cục bộ/nội bộ, giám thị thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi;

c) Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, giám thị môn Ngoại ngữ có trách nhiệm thực hiện các công việc sau: Dùng đĩa CD ghi ca nhạc để kiểm tra và thực hành sử dụng máy nghe đĩa CD; sau khi thực hành, niêm phong ổ đĩa CD trước sự chứng kiến của lãnh đạo Hội đồng coi thi; phối hợp với bộ phận kỹ thuật kiểm tra việc cài đặt và thực hành sử dụng phần mềm ghi âm của các máy vi tính phục vụ buổi thi nói.

3. Ngay trước buổi thi đầu tiên, tổ chức khai mạc kỳ thi.

4. Trước mỗi buổi thi, họp Hội đồng coi thi để phổ biến những việc cần làm, lập biên bản xác nhận tình trạng niêm phong của các bì đựng đề thi, phân công công việc cho từng thành viên của Hội đồng trong buổi thi đó và yêu cầu thực hiện theo đúng các mốc thời gian được quy định tại Hướng dẫn tổ chức thi.

5. Trước giờ thi:

a) Giám thị nhận giấy thi (bao gồm cả các hộp đĩa CD còn nguyên nilon bảo vệ, dùng cho môn Tin học và buổi thi nói môn Ngoại ngữ), giấy nháp, túi chứa đề thi từ Chủ tịch Hội đồng; kiểm tra niêm phong phòng thi; kiểm tra Thẻ dự thi (đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia) hoặc Căn cước công dân (đối với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic), tài liệu, vật dụng của thí sinh; cho thí sinh vào phòng thi và bảo đảm thí sinh ngồi đúng vị trí của mình. Giám thị phổ biến rõ cho thí sinh đề thi là tài liệu bí mật nhà nước độ “Tối mật”, thời hạn bảo mật với đề thi, mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy chế thi và quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

b) Đối với các buổi thi viết, giám thị trong phòng thi ký tên và ghi rõ họ tên vào các tờ giấy thi, giấy nháp và phát giấy thi, giấy nháp cho thí sinh, hướng dẫn thí sinh điền các thông tin cần thiết theo quy định vào giấy thi;

c) Đối với buổi thi môn Tin học, giám thị trong phòng thi kiểm tra nguồn điện và niêm phong của các máy vi tính;

d) Đối với buổi thi thực hành của các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học trong kỳ thi chọn đội tuyển Olympic và buổi thi nói của các môn Ngoại ngữ trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia: Giám thị thực hiện các công việc theo Hướng dẫn tổ chức thi;

đ) Khi có hiệu lệnh, giám thị phát đề thi cho từng thí sinh (đối với các phòng thi có thí sinh của ít nhất hai môn thi, việc phát đề thi được thực hiện lần lượt theo từng môn thi).

6. Trong thời gian làm bài thi:

a) Giám thị trong phòng thi giám sát chặt chẽ phòng thi, kiểm soát số tờ giấy thi, giấy nháp của thí sinh không cho thí sinh quay cóp, trao đổi với nhau;

b) Trường hợp cần phải cho thí sinh ra ngoài phòng thi, giám thị trong phòng thi chỉ cho từng thí sinh ra ngoài và báo cho giám thị ngoài phòng thi;

c) Trường hợp có thí sinh vi phạm Quy chế thi, giám thị trong phòng thi lập biên bản và báo cáo ngay Chủ tịch Hội đồng coi thi để có biện pháp xử lý thích hợp;

d) Giám thị ngoài phòng thi giám sát thí sinh và giám thị trong phòng thi tại khu vực được Chủ tịch Hội đồng phân công; đồng thời giám sát và không cho phép thí sinh được ra ngoài phòng thi (nếu có) tiếp xúc với bất kỳ người nào khác.

7. Thu bài thi đối với buổi thi viết:

a) Giám thị trong phòng thi yêu cầu tất cả thí sinh dừng làm bài ngay khi có hiệu lệnh, lần lượt thu bài thi của từng thí sinh (kiểm tra số tờ giấy thi của mỗi thí sinh và yêu cầu thí sinh ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi), kiểm tra đủ số bài thi và số tờ giấy thi, nộp đầy đủ cho Chủ tịch Hội đồng coi thi hoặc người được Chủ tịch Hội đồng coi thi ủy quyền;

b) Giám thị ngoài phòng thi giám sát thí sinh, giám thị trong phòng thi và hỗ trợ giám thị trong phòng thi giữ trật tự phòng thi suốt quá trình thu bài thi của thí sinh, tại khu vực được Chủ tịch Hội đồng phân công.

8. Thu bài thi đối với buổi thi môn Tin học:

a) Giám thị trong phòng thi yêu cầu tất cả thí sinh tắt màn hình máy vi tính ngay khi có hiệu lệnh; lần lượt thu bài thi của từng thí sinh theo quy trình: kiểm tra số của máy vi tính theo số báo danh của thí sinh; nếu hợp lệ, cho thí sinh mở niêm phong ổ đĩa CD trên máy vi tính và ghi bài làm của mình vào đĩa CD; cùng với một thí sinh khác trong phòng thi giám sát việc ghi bài làm vào đĩa CD của thí sinh; yêu cầu thí sinh tắt máy vi tính của mình ngay sau khi hoàn tất việc ghi bài làm vào đĩa CD; yêu cầu thí sinh ký tên trên đĩa CD (đã ghi bài làm) của mình; in bài làm từ đĩa CD của thí sinh ra giấy, với sự chứng kiến của hai thí sinh và giám thị thứ hai, cùng giám thị thứ hai và hai thí sinh chứng kiến ký tên trên đĩa CD và giấy đã in bài làm; thu đĩa CD và giấy đã in bài làm (đã có đầy đủ các chữ ký); kiểm tra đủ số đĩa CD, số tờ giấy thi đã in bài làm của thí sinh và nộp đầy đủ cho Chủ tịch Hội đồng coi thi hoặc người được Chủ tịch Hội đồng coi thi ủy quyền;

b) Giám thị ngoài phòng thi giám sát thí sinh, giám thị trong phòng thi và hỗ trợ giám thị trong phòng thi giữ trật tự phòng thi suốt quá trình thu bài thi của thí sinh, tại khu vực được Chủ tịch Hội đồng phân công;

c) Bộ phận kỹ thuật xóa hết các dữ liệu liên quan đến bài làm của thí sinh trên các máy vi tính, ngay sau khi tất cả thí sinh đã ra khỏi phòng thi;

d) Trong trường hợp thi trên máy vi tính kết nối mạng cục bộ/nội bộ, giám thị và thí sinh thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi.

9. Thu bài thi đối với buổi thi thực hành của các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học trong kỳ thi chọn đội tuyển Olympic và buổi thi nói của các môn Ngoại ngữ trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia: Giám thị thực hiện các công việc theo Hướng dẫn tổ chức thi.

10. Sau mỗi buổi thi, lãnh đạo Hội đồng coi thi phải niêm phong ngay bài thi của buổi thi đó trước toàn thể Hội đồng coi thi.

11. Đóng gói, niêm phong:

a) Túi số 1: Chứa bài thi của mỗi môn thi trong một phòng thi và Phiếu thu bài thi của phòng thi; riêng môn Tin học có hai túi: một túi chứa đĩa CD, một túi chứa bản in bài làm của thí sinh và Phiếu thu bài thi. Giám thị trong phòng thi thu bài, nộp bài thi cho Chủ tịch Hội đồng coi thi hoặc người được Chủ tịch Hội đồng coi thi ủy quyền và niêm phong túi số 1. Bên ngoài túi số 1 có chữ ký vào mép giấy niêm phong của hai giám thị và người trực tiếp nhận bài thi;

b) Túi số 2: Chứa bài thi chung của kỳ thi, chứa tất cả các túi số 1; được niêm phong trước toàn thể Hội đồng coi thi. Bên ngoài túi số 2 có chữ ký vào mép giấy niêm phong của một đại diện giám thị, một thư ký và Chủ tịch Hội đồng coi thi;

c) Túi số 3: Chứa hồ sơ thi, gồm danh sách thí sinh dự thi đã có chữ ký của các thí sinh dự thi, các loại biên bản lập tại phòng thi và biên bản của Hội đồng coi thi. Bên ngoài túi số 3 có chữ ký vào mép giấy niêm phong của 01 đại diện giám thị, 01 thư ký và Chủ tịch Hội đồng coi thi;

d) Túi số 4: Chứa các túi số 2, số 3 và đề thi dự bị còn nguyên niêm phong để gửi theo đường bưu điện. Bên ngoài túi số 4 có chữ ký vào mép giấy niêm phong của 01 đại diện giám thị, 01 thư ký và Chủ tịch Hội đồng coi thi.

12. Lập biên bản riêng về từng việc: trực bảo vệ; niêm phong, mở niêm phong; mở túi đề thi đầu giờ thi; bàn giao đề thi, bài thi, hồ sơ thi; sự cố bất thường (nếu có).

13. Sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng của kỳ thi, tổ chức họp Hội đồng coi thi để:

a) Nhận xét, đánh giá việc tổ chức coi thi;

b) Đề nghị khen thưởng, kỷ luật;

c) Chứng kiến và ký xác nhận việc niêm phong các túi chứa bài thi, hồ sơ thi của kỳ thi: ký vào biên bản tổng kết coi thi.

Điều 26. Bảo quản đề thi và bài thi

1. Bảo quản đề thi:

a) Đối với phương thức vận chuyển đề thi trực tiếp: Lãnh đạo đơn vị dự thi sở tại chịu trách nhiệm bảo quản đề thi từ lúc tiếp nhận đề thi đến khi Hội đồng coi thi làm việc: Chủ tịch Hội đồng coi thi chịu trách nhiệm bảo quản đề thi từ khi tiếp nhận từ Lãnh đạo đơn vị dự thi sở tại cho đến khi kết thúc buổi thi cuối cùng;

b) Đối với phương thức vận chuyển đề thi qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ: Hội đồng coi thi chịu trách nhiệm bảo quản đề thi từ khi tiếp nhận cho đến khi kết thúc công tác coi thi.

2. Bảo quản bài thi: Chủ tịch Hội đồng coi thi chịu trách nhiệm bảo quản các túi bài thi đã niêm phong và hồ sơ thi cho tới khi hoàn tất việc gửi bài thi, hồ sơ thi và đề thi dự bị chưa sử dụng về địa điểm quy định.

3. Các thùng, tủ chứa túi đề thi, bài thi, hồ sơ thi phải được khóa và niêm phong, để trong một phòng chắc chắn, an toàn; được tổ chức bảo vệ 24 giờ/ngày.

4. Ngay sau khi thi xong, toàn bộ bài thi và hồ sơ thi phải được vận chuyển trực tiếp hoặc gửi chuyển phát nhanh qua đường bưu điện theo Hướng dẫn tổ chức thi. Thành phần tối thiểu của bộ phận vận chuyển trực tiếp hoặc đi gửi bài thi và hồ sơ thi bao gồm: một lãnh đạo Hội đồng coi thi, một thư ký và một công an.

 

Chương V

CHẤM THI VÀ PHÚC KHẢO

 

Điều 27. Khu vực chấm thi, làm phách

1. Khu vực chấm thi phải bảo đảm an ninh an toàn, có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy, có công an bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày; nơi chấm thi và nơi bảo quản bài thi được bố trí gần nhau. Phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi phải an toàn, chắc chắn, phải được khóa và niêm phong. Chìa khóa cửa các phòng chứa bài thi do lãnh đạo Hội đồng (hoặc người được lãnh đạo Hội đồng ủy quyền bằng văn bản) giữ; chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi do Thư ký Hội đồng giữ; mỗi lần niêm phong, mở niêm phong phòng chứa bài thi phải có sự chứng kiến của lãnh đạo Hội đồng (hoặc người được lãnh đạo Hội đồng ủy quyền bằng văn bản) và công an, được ghi nhật ký đầy đủ. Phòng chứa bài thi, phòng chấm thi, nơi thực hiện nhiệm vụ của Thư ký Hội đồng thi phải có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng liên tục 24 giờ/ngày.

2. Khu vực làm phách phải bảo đảm an ninh, an toàn có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy và có công an bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày; không có thiết bị thu phát thông tin và hình ảnh; người tham gia làm phách không được mang các thiết bị thu phát thông tin vào khu vực làm phách.

3. Không được mang các phương tiện sao chép, tài liệu có liên quan và các loại bút không nằm trong quy định của Hội đồng chấm thi vào và ra khỏi khu vực chấm thi, làm phách.

Điều 28. Hội đồng chấm thi

1. Bộ trưởng Bộ GDĐT ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thi và các Tổ gồm: Tổ thư ký, Tổ làm phách, Tổ chấm thi.

2. Thành phần Hội đồng chấm thi:

a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Cục QLCL;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ GDĐT, Trưởng phòng của Cục QLCL;

c) Ủy viên: Lãnh đạo cấp phòng và công chức của một số đơn vị liên quan thuộc Bộ GDĐT. Chủ tịch Hội đồng phân công tối thiểu 01 Ủy viên làm nhiệm vụ giám sát để giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng;

d) Tổ thư ký: Công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ GDĐT và giảng viên, giáo viên, chuyên viên của các cơ sở giáo dục đại học, trường THPT;

đ) Tổ chấm thi: Mỗi môn thi có một Tổ chấm thi do Tổ trưởng phụ trách trực tiếp. Các giám khảo là các nghiên cứu viên, chuyên viên, giảng viên đại học, giáo viên cấp THPT đã hoặc đang công tác, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 8 Quy chế này. Trong năm tổ chức thi, người có học sinh do mình trực tiếp dạy trên lớp tham gia kỳ thi hoặc chủ trì/phụ trách bồi dưỡng đội tuyển của đơn vị dự thi không được tham gia Tổ chấm thi;

e) Tổ làm phách: Công chức, viên chức, của các đơn vị thuộc Bộ GDĐT và giảng viên, giáo viên, chuyên viên của các cơ sở giáo dục đại học, trường THPT. Trong đó Tổ trưởng Tổ làm phách do Phó Chủ tịch Hội đồng hoặc Ủy viên Hội đồng kiêm nhiệm;

g) Lực lượng công an do Bộ Công an điều động;

h) Bảo vệ, y tế, nhân viên phục vụ: do Bộ GDĐT điều động.

3. Nhiệm vụ của Hội đồng chấm thi:

a) Kiểm tra và tiếp nhận địa điểm, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của Hội đồng chấm thi; nhận bàn giao toàn bộ bài thi, hồ sơ coi thi và chịu trách nhiệm bảo quản trong thời gian chấm thi; chấm bài thi của thí sinh theo Quy chế thi và văn bản hướng dẫn chấm thi; đề xuất phương án xử lý kết quả thi; làm phách, ghép phách, lên điểm thi;

b) Không chấm bài thi của những thí sinh vi phạm Quy chế thi đã bị Hội đồng coi thi lập biên bản đề nghị hủy kết quả thi; lập biên bản và báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo thi về những bài thi vi phạm Quy chế thi bị xử lý, hủy kết quả do Hội đồng chấm thi phát hiện; đề nghị hình thức kỷ luật đối với các trường hợp vi phạm Quy chế thi vượt quá quyền hạn xử lý của Chủ tịch Hội đồng chấm thi.

4. Trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Hội đồng chấm thi:

a) Chủ tịch Hội đồng: Điều hành toàn bộ công việc của Hội đồng chấm thi; yêu cầu Tổ chấm thực hiện rà soát kết quả chấm, chấm lại, chấm chung một số bài thi khi thấy cần thiết; đình chỉ việc chấm thi của giám khảo khi giám khảo cố tình vi phạm Quy chế thi; xây dựng phương án xử lý kết quả thi, trình Trưởng ban Chỉ đạo thi phê duyệt; xem xét và kết luận các hình thức kỷ luật đối với những người vi phạm Quy chế thi và các văn bản Hướng dẫn tổ chức thi; đề nghị khen thưởng các thành viên có thành tích;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công hoặc ủy nhiệm của Chủ tịch Hội đồng;

c) Ủy viên, Tổ thư ký: Chịu trách việc soạn thảo các văn bản, lập các bảng, biểu theo quy định, ghi biên bản các cuộc họp Hội đồng; ghép phách, lên điểm thi; thực hiện các công việc khác do Chủ tịch Hội đồng phân công;

d) Tổ làm phách: tiếp nhận các túi bài thi còn nguyên niêm phong; làm phách, bảo mật số phách, niêm phong và bảo quản đầu phách theo chế độ mật trong suốt thời gian chấm thi, cho đến khi hoàn thành việc chấm thi; bàn giao các túi bài thi đã cắt phách và được niêm phong bởi Tổ làm phách cho Chủ tịch Hội đồng hoặc người được Chủ tịch Hội đồng phân công hoặc ủy nhiệm; thực hiện ghép điểm các ngày thi của thí sinh theo số phách khi được Chủ tịch Hội đồng yêu cầu; phối hợp với Tổ thư ký để ghép phách khi có yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng;

đ) Tổ chấm thi chịu trách nhiệm chấm thi theo quy định tại Điều 30 Quy chế này; phối hợp ghép phách, lên điểm thi; đề xuất phương án xử lý kết quả thi đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 32 và Điều 33 Quy chế này, làm cơ sở để Chủ tịch Hội đồng chấm thi phê duyệt;

e) Công an, bảo vệ, nhân viên phục vụ: Thực hiện các công việc theo sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng;

g) Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm cá nhân trước Bộ trưởng Bộ GDĐT và trước pháp luật về việc thực hiện các công việc được giao; các thành viên còn lại của Hội đồng chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Hội đồng và trước pháp luật về phần việc được phân công.

Điều 29. Làm phách

1. Quy định chung

a) Tổ làm phách làm việc độc lập với các Tổ khác của Hội đồng chấm thi;

b) Trước khi thực hiện nhiệm vụ, Tổ làm phách phối hợp với lực lượng công an bảo vệ khu vực làm phách để rà soát an ninh, an toàn khu vực làm phách theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Quy chế này;

c) Tổ làm phách làm việc theo nguyên tắc cách ly triệt để trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ;

d) Tổ trưởng/Phó Tổ trưởng Tổ làm phách trực tiếp thực hiện việc gieo phách trên phần mềm trong khu vực cách ly và có trách nhiệm bảo vệ mã khóa bí mật. Chỉ cung cấp mã khóa bí mật để thực hiện ghép phách khi Tổ chấm thi đã hoàn thành công tác chấm thi và được Chủ tịch Hội đồng xác nhận bằng văn bản.

2. Chủ tịch Hội đồng lựa chọn phương thức làm phách theo một trong các phương thức sau:

a) Làm phách 1 (một) vòng: Tổ làm phách phải được cách ly triệt để trong suốt thời gian được tập trung làm phách cho đến khi hoàn thành chấm bài thi;

b) Làm phách 2 (hai) vòng độc lập: Những người tham làm phách được chia thành hai nhóm gồm nhóm làm phách vòng 1 và nhóm làm phách vòng 2; các nhóm làm việc độc lập và cách ly triệt để với nhau. Nhóm làm phách vòng 1 chỉ được ra khỏi khu vực cách ly sau khi nhóm làm phách vòng 2 được cách ly; nhóm làm phách vòng 2 phải được cách ly triệt để trong suốt thời gian được tập trung làm phách cho đến khi hoàn thành chấm bài thi.

3. Bàn giao bài thi và đầu phách

a) Tổ làm phách bàn giao các túi bài thi đã được cắt phách và niêm phong cho Chủ tịch Hội đồng hoặc người được Chủ tịch Hội đồng phân công hoặc ủy nhiệm. Chủ tịch Hội đồng quyết định việc bàn giao bài thi một lần hoặc theo tiến độ chấm thi;

b) Tổ làm phách chỉ cung cấp thông tin đầy đủ thí sinh kèm số phách (đầu phách) khi Tổ chấm thi đã hoàn thành công việc chấm thi và được Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo bằng văn bản.

Điều 30. Quy trình chấm thi

1. Giao nhận và lưu giữ bài thi:

a) Lãnh đạo Hội đồng chấm thi nhận bài thi đã được cắt phách từ Tổ làm phách, bàn giao cho Tổ thư ký; phải lập biên bản giao nhận;

b) Theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng chấm thi, Thư ký bàn giao các túi bài thi cho Tổ trưởng Tổ chấm thi; Tổ trưởng Tổ chấm thi giao túi bài thi cho giám khảo theo hình thức bốc thăm bằng phiếu;

c) Chấm xong túi nào Tổ chấm thi bàn giao lại túi đó cho Thư ký Hội đồng; phải lập biên bản giao nhận.

2. Chấm thi:

a) Tổ chấm thi có trách nhiệm thảo luận, chi tiết hóa Hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm. Phiếu chấm do Hội đồng ra đề thi cung cấp; ghi biên bản thống nhất của Tổ và trình Chủ tịch Hội đồng chấm thi phê duyệt. Sau khi Chủ tịch Hội đồng chấm thi phê duyệt Hướng dẫn chấm, Phiếu chấm, Tổ chấm thi mới tiến hành chấm thi;

b) Mỗi Tổ chấm thi phải chấm chung tối thiểu 10 bài tin để thống nhất cách chấm theo Hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm, Phiếu chấm đã được phê duyệt trước khi tiến hành chia cặp chấm. Trên bài thi chấm chung phải được ghi chữ “CHẤM CHUNG”, có chữ ký của toàn bộ thành viên trong Tổ chấm thi; lập biên bản chấm chung; sau khi chấm chung, Tổ chấm thi có thể đề xuất Chủ tịch Hội đồng duyệt lại Hướng dẫn chấm (nếu thấy cần thiết);

c) Trước khi chấm bài thi, giám khảo phải kiểm tra kỹ từng bài thi, bảo đảm đủ số phách, số tờ và gạch chéo tất cả những phần giấy trắng còn thừa do thí sinh không viết hết; trường hợp phát hiện những bài thi có dấu hiệu đánh dấu bài hoặc làm bằng loại giấy khác với giấy dùng cho kỳ thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi phải báo cáo ngay với Chủ tịch Hội đồng chấm thi để xử lý theo quy định;

d) Nếu giám khảo phát hiện có hiện tượng nghi vấn trong bài làm của thí sinh, phải đưa ra toàn Tổ chấm thi để xem xét, xác nhận, đề xuất cách xử lý và lập biên bản báo cáo Chủ tịch Hội đồng chấm thi quyết định;

đ) Việc chấm thi phải bảo đảm sự chính xác, công bằng, khách quan, đánh giá đúng kết quả bài làm của thí sinh; chấm điểm bài thi phải theo đúng thang điểm đã được Chủ tịch Hội đồng chấm thi phê duyệt; điểm của một câu trong bài thi là tổng các điểm thành phần của câu; điểm của bài thi là tổng điểm của các câu trong bài thi, không làm tròn;

e) Mỗi bài thi của các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và các môn Ngoại ngữ được ít nhất hai giám khảo chấm độc lập. Riêng các môn Toán, Vật lí, Hóa học và Sinh học, mỗi phân môn phải được chấm độc lập bởi hai giám khảo. Điểm thành phần, điểm toàn bài và các nhận xét (nếu có) được ghi vào Phiếu chấm; trên Phiếu chấm ghi rõ họ tên và chữ ký của giám khảo;

g) Việc chấm độc lập được thực hiện như sau: Giám khảo chấm lần thứ nhất chỉ chấm điểm vào Phiếu chấm lần thứ nhất, không được ghi điểm trên bài làm của thí sinh; Giám khảo chấm lần thứ hai ghi điểm chi tiết từng ý/từng câu vào vị trí bên lề bài thi tương ứng với ý/câu được chấm đồng thời ghi điểm vào Phiếu chấm lần thứ hai. Thư ký thực hiện kiểm tra việc cộng điểm trên các Phiếu chấm lần thứ nhất và Phiếu chấm lần thứ hai;

h) Đối với bài thi nói các môn Ngoại ngữ, các giám khảo thực hiện trực tiếp trên phần mềm thi nói của các môn Ngoại ngữ. Các mã phách được phần mềm tự mã hóa một cách ngẫu nhiên;

i) Bài thi môn Tin học được chấm trên máy vi tính bằng phần mềm chấm thi chuyên dụng hoặc được chấm qua kết nối mạng cục bộ/nội bộ trong quá trình tổ chức thi.

3. Xử lý kết quả hai lần chấm:

Tổ trưởng Tổ chấm thi tiếp nhận bài thi, phiếu chấm đã được Tổ thư ký kiểm tra việc cộng điểm và xử lý như sau:

a) Đối với bài thi có sự chênh lệch điểm giữa các lần chấm do cộng nhầm điểm, Tổ trưởng Tổ chấm thi cho phép giám khảo điều chỉnh và ký tên vào vị trí điều chỉnh;

b) Đối với bài thi có sự chênh lệch điểm không phải do cộng nhầm điểm, Tổ trưởng Tổ chấm thi tổ chức xử lý chênh lệch điểm như sau:

Tình huống

Cách xử lý

Nếu điểm giữa hai lần chấm lệch nhau không vượt quá 5% so với mức tối đa của thang điểm chấm thi đối với bài thi các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học (gọi tắt là các môn Khoa học Tự nhiên) và không vượt quá 10% so với mức tối đa của thang điểm chấm thi đối với bài thi các môn Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa lý (gọi tắt là các môn Khoa học Xã hội) và các môn Ngoại ngữ.

Các giám khảo đã chấm bài thảo luận để thống nhất điểm; trường hợp không thống nhất được điểm, các giám khảo báo cáo Tổ trưởng để cùng thảo luận, thống nhất điểm.

Nếu điểm giữa hai lần chấm lệch nhau trong khoảng trên 5% và không vượt quá 10% so với mức tối đa của thang điểm chấm thi đối với bài thi các môn Khoa học Tự nhiên và trong khoảng trên 10% và không vượt quá 15% so với mức tối đa của thang điểm chấm thi đối với bài thi các môn Khoa học Xã hội và các môn Ngoại ngữ.

Các giám khảo đã chấm bài báo cáo Tổ trưởng để cùng thảo luận, thống nhất điểm.

Nếu điểm giữa hai lần chấm lệch nhau trên 10% so với mức tối đa của thang điểm chấm thi đối với bài thi các môn Khoa học Tự nhiên và trên 15% so với mức tối đa của thang điểm chấm thi đối với bài thi các môn Khoa học Xã hội và Ngoại ngữ.

Tổ trưởng có thể yêu cầu toàn Tổ chấm thi chấm chung bài thi hoặc yêu cầu giám khảo thứ ba chấm lại bài thi, sau đó Tổ trưởng và ba giám khảo đã chấm bài thảo luận, thống nhất điểm.

Mọi trường hợp không đạt được sự thống nhất điểm giữa Tổ trưởng Tổ chấm thi và các giám khảo đã chấm bài đều phải được đưa ra Tổ chấm thi để chấm chung.

c) Các bài thi không có sự chênh lệch điểm giữa hai lần chấm hoặc có sự chênh lệch điểm giữa hai lần chấm và đã được xử lý theo quy định tại điểm a, điểm b khoản này được các giám khảo ghi điểm từng câu, ghi tổng điểm bài thi (bằng chữ và bằng số) vào các ô quy định ở trang đầu của bài thi. Các giám khảo ghi họ, tên và ký vào ô chữ ký của giám khảo.

4. Chấm bài thi kỳ thi chọn đội tuyển Olympic:

a) Thực hiện chấm chung toàn bộ các bài thi môn Toán, Vật lí, Hóa học và Sinh học;

b) Thực hiện chấm trực tiếp ngay trong quá trình tổ chức thi thông qua kết nối mạng cục bộ/nội bộ đối với bài thi môn Tin học.

5. Nhập điểm:

a) Khi đã hoàn thành việc chấm bài thi và ghi điểm vào biên bản chấm thi, đại diện Tổ chấm thi và Tổ thư ký nhập điểm vào máy tính theo số phách: một người đọc điểm, một người nhập điểm và một người kiểm tra giám sát; sau khi nhập điểm, thực hiện đối chiếu với điểm trên bài thi để bảo đảm chính xác và cùng ký xác nhận;

b) Đối với các môn thi có hai ngày thi, sau khi đã thống nhất điểm của mỗi ngày thi, Tổ trưởng báo cáo lãnh đạo Hội đồng chấm thi để bàn giao cho Tổ làm phách thực hiện việc ghép điểm hai ngày thi trên phần mềm; nhận lại bản đối chiếu phách giữa hai ngày thi của các thí sinh. Điểm thi của thí sinh là tổng điểm bài thi của hai ngày thi, không làm tròn;

c) Sau khi đã hoàn thành lên điểm, túi bài thi của từng môn thi được niêm phong và Tổ chấm thi ký niêm phong toàn bộ túi bài thi bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng chấm thi.

6. Ghép phách, lên điểm thi:

a) Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, việc ghép phách, lên điểm thi chỉ được thực hiện sau khi Chủ tịch Hội đồng chấm thi phê duyệt phương án xếp giải của tất cả các môn thi và báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo thi;

b) Đối với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic, việc ghép phách, lên điểm thi chỉ được thực hiện sau khi Chủ tịch Hội đồng chấm thi đã phê duyệt danh sách các thí sinh (theo số phách bài thi) được tuyển chọn vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo thi;

c) Việc ghép phách, lên điểm thi do Lãnh đạo, Ủy viên, Thư ký Hội đồng chấm thi chịu trách nhiệm thực hiện và phải được tiến hành dưới sự giám sát của Ủy viên Hội đồng được giao nhiệm vụ giám sát.

7. Bảo quản bài thi tại Hội đồng chấm tin:

a) Cục trưởng Cục QLCL chịu trách nhiệm về bảo quản bài thi và các hồ sơ thi từ lúc tiếp nhận bài thi của các Hội đồng coi thi đến khi Hội đồng chấm thi làm việc;

b) Chủ tịch Hội đồng chấm thi chịu trách nhiệm về bảo quản bài thi và các hồ sơ thi trong thời gian Hội đồng chấm thi làm việc. Các thùng, tủ đựng bài thi và hồ sơ thi phải được khóa và niêm phong, được bảo vệ 24 giờ/ngày;

c) Phải thực hiện đúng các quy định về việc niêm phong, mở niêm phong, giao nhận bài thi, hồ sơ thi, trực bảo vệ;

d) Trong từng buổi chấm thi, giám khảo trực tiếp bảo quản bài thi từ khi nhận cho đến khi giao lại cho Tổ thư ký (qua Tổ trưởng Tổ chấm thi).

Điều 31. Phúc khảo bài thi

1. Thí sinh được quyền đề nghị phúc khảo bài thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và phải nộp đơn đề nghị phúc khảo theo quy định.

2. Hồ sơ đề nghị phúc khảo gồm:

a) Đơn đề nghị phúc khảo bài thi của thí sinh (lưu tại đơn vị dự thi);

b) Công văn đề nghị phúc khảo bài thi của Thủ trưởng đơn vị dự thi có kèm danh sách của các thí sinh đề nghị phúc khảo.

3. Địa điểm và thời hạn nhận hồ sơ đề nghị phúc khảo: Công văn đề nghị phúc khảo bài thi gửi về Cục QLCL trong vòng 15 ngày kể từ ngày công bố kết quả thi. Quá thời hạn trên, Công văn đề nghị phúc khảo không được chấp nhận.

4. Hội đồng phúc khảo kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia:

a) Hội đồng phúc khảo do Bộ trưởng Bộ GDĐT ra quyết định thành lập khi có thí sinh đề nghị phúc khảo; Hội đồng phúc khảo có nhiệm vụ chấm lại các bài thi đề nghị phúc khảo và quyết định điểm của các bài thi đó; Thành phần của Hội đồng phúc khảo tương tự như Hội đồng chấm thi được quy định tại khoản 2 Điều 28 Quy chế này;

b) Giám khảo của Hội đồng chấm thi của kỳ thi không được tham gia Hội đồng phúc khảo.

5. Rút bài, làm phách mới:

a) Khu vực rút bài thi của các thí sinh đề nghị phúc khảo được bảo vệ của công an;

b) Trong quá trình làm phách mới, phải che khuất phách cũ, đánh phách mới bảo đảm chính xác theo đúng quy định trên tờ giấy thi, không để xảy ra tình trạng bị nhầm phách, nhầm bài, rách phách;

c) Bài thi sau khi được làm phách mới phải được niêm phong trong các túi, ngoài bì ghi rõ số bài, số tờ trước khi bàn giao cho Hội đồng phúc khảo, có sự giám sát của công an;

d) Riêng đối với môn Tin học, sau khi kiểm đếm bài làm thí sinh đã in ra giấy, đĩa CD thì sắp xếp theo mã của đơn vị và bàn giao cho Hội đồng phúc khảo thực hiện chấm thi tự động trên máy vi tính.

6. Chấm phúc khảo:

a) Tổ Chấm phúc khảo sử dụng Hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm do Hội đồng chấm thi cung cấp;

b) Việc chấm phúc khảo bài thi được thực hiện theo hình thức chấm chung;

c) Trước khi phúc khảo phải kiểm tra kỹ từng bài thi, bảo đảm đủ số phách, số tờ;

d) Bài thi chỉ được xem xét thay đổi điểm khi kết quả chấm phúc khảo và kết quả chấm thi có sự chênh lệch từ 5% trở lên so với mức tối đa của thang điểm chấm thi. Tất cả các trường hợp được thay đổi điểm khi phúc khảo đều phải có sự thống nhất của Tổ Chấm phúc khảo và đại diện của Tổ chấm thi;

đ) Các Tổ Chấm phúc khảo tổng hợp kết quả phúc khảo, trình Chủ tịch Hội đồng phê duyệt và báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo thi;

e) Kết quả phúc khảo được công bố chậm nhất sau 20 ngày, kể từ ngày hết hạn nhận hồ sơ phúc khảo.

 

Chương VI

XỬ LÝ KẾT QUẢ THI

 

Điều 32. Xếp giải kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia

1. Chỉ xếp giải cá nhân (Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích), theo từng môn thi.

2. Sau khi hoàn tất việc chấm điểm bài thi, xếp thứ tự số phách theo điểm thi từ cao xuống thấp, để xếp giải.

3. Tỷ lệ giải đối với mỗi môn thi:

Tổng số giải, từ Khuyến khích trở lên, không vượt quá 60% số thí sinh dự thi; trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.

4. Tổ chấm thi xây dựng phương án xếp giải và trình Chủ tịch Hội đồng chấm thi để xem xét xử lý theo quy định.

Điều 33. Chọn học sinh vào các đội tuyển Olympic

1. Sau khi hoàn tất việc chấm điểm bài thi kỳ thi chọn đội tuyển Olympic, xếp bài thi chưa ghép phách theo thứ tự điểm thi từ cao xuống thấp để xét chọn thí sinh vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và Olympic quốc tế (đối với những môn không tổ chức đoàn tham gia Olympic khu vực) bảo đảm số thí sinh được tuyển chọn bằng số thành viên của mỗi đội tuyển.

2. Học sinh trong đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế của những môn có tổ chức đoàn tham gia Olympic khu vực được tuyển chọn trong số các học sinh đã dự thi Olympic khu vực cùng năm, theo nguyên tắc sau:

a) Xếp thứ tự các học sinh có tổng điểm thi của kỳ thi chọn đội tuyển Olympic và kỳ thi Olympic khu vực (điểm của hai kỳ thi quy đổi về cùng một thang điểm) từ cao xuống thấp để xét chọn, bảo đảm số học sinh được tuyển chọn bằng số thành viên của đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế;

b) Trường hợp phải lựa chọn giữa các học sinh có tổng điểm của cả hai kỳ thi trên bằng nhau, học sinh có điểm thi cao hơn trong kỳ thi Olympic khu vực sẽ được chọn; trường hợp phải lựa chọn giữa các học sinh có điểm thi bằng nhau trong kỳ thi Olympic khu vực, Bộ GDĐT sẽ tổ chức cho các học sinh đó làm bài kiểm tra để lựa chọn.

3. Cục trưởng Cục QLCL chịu trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt danh sách học sinh của các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực.

Điều 34. Cấp Giấy chứng nhận

1. Giấy chứng nhận trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia

a) Giấy chứng nhận học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông được cấp cho các thí sinh đoạt giải trong kỳ thi;

b) Giấy chứng nhận học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông được cấp cho các thí sinh tham dự kỳ thi nhưng không đoạt giải;

c) Giấy chứng nhận học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực được cấp cho các thí sinh tham dự kỳ thi.

2. Căn cứ kết quả của kỳ thi, Cục trưởng Cục QLCL cấp Giấy chứng nhận cho thí sinh. Giấy chứng nhận chỉ được cấp một lần.

3. Cục trưởng Cục QLCL có quyền thu hồi, hủy bỏ Giấy chứng nhận đã cấp nếu phát hiện người được cấp Giấy chứng nhận vi phạm Quy chế thi trong kỳ thi hoặc việc xếp giải và cấp Giấy chứng nhận được thực hiện không đúng quy định.

Điều 35. Quyền lợi của học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia

1. Học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được cấp Giấy chứng nhận và được khen thưởng.

2. Học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đã tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo quy định của Quy chế thi tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non hiện hành.

3. Học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi chọn đội tuyển Olympic được miễn thi tốt nghiệp THPT.

4. Học sinh là thành viên đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực được tuyển thẳng vào các trường đại học theo quy định hiện hành và được ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng ngân sách nhà nước.

 

Chương VII

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ LƯU TRỮ

 

Điều 36. Chế độ báo cáo

1. Báo cáo coi thi: thực hiện theo Hướng dẫn tổ chức thi.

2. Chậm nhất sau 15 ngày, kể từ ngày tổ chức kỳ thi lập đội tuyển dự thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, các đơn vị dự thi gửi đề thi và hướng dẫn chấm thi của các môn thi của kỳ thi lập đội tuyển của đơn vị về Bộ GDĐT (qua Cục QLCL).

Điều 37. Lưu trữ hồ sơ thi

1. Cục QLCL có trách nhiệm:

a) Lưu trữ không thời hạn đối với: Biên bản xét duyệt kết quả thi và xếp giải; danh sách thí sinh dự thi kèm theo kết quả thi; danh sách học sinh là thành viên các đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực; Sổ cấp giấy chứng nhận;

b) Lưu trữ có thời hạn, tính từ ngày thi môn cuối cùng của kỳ thi: 05 năm (60 tháng) đối với đề thi và hướng dẫn chấm thi đã sử dụng; 02 năm (24 tháng) đối với bài thi của thí sinh; 01 năm (12 tháng) đối với hồ sơ của Hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo;

c) Đề thi đề xuất và hồ sơ ra đề thi 02 năm (24 tháng).

2. Đơn vị dự thi có trách nhiệm lưu trữ không thời hạn đối với Quyết định thành lập đội tuyển.

 

Chương VIII

THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG

 

Điều 38. Thanh tra, kiểm tra

1. Chánh Thanh tra Bộ GDĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi đối với các đơn vị dự thi và Hội đồng coi thi; thanh tra, kiểm tra công tác chấm thi, phúc khảo theo quy định pháp luật; trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định thành lập đoàn kiểm tra.

2. Sở GDĐT bố trí cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu để tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GDĐT khi có yêu cầu hoặc được giao nhiệm vụ theo quy định.

Điều 39. Khen thưởng

1. Đối tượng khen thưởng: những người tham gia tổ chức kỳ thi, thí sinh có thành tích trong tổ chức kỳ thi.

2. Hình thức khen thưởng:

a) Giấy khen của Giám đốc sở GDĐT;

b) Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là UBND tỉnh).

3. Hồ sơ và thủ tục: Ban Chỉ đạo thi, Hội đồng ra đề thi, Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi là đơn vị có trách nhiệm xem xét, quyết định khen thưởng trong phạm vi quyền hạn và lập hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng đối với những người tham gia tổ chức thi, thí sinh có thành tích trong tổ chức kỳ thi.

Điều 40. Tiếp nhận và xử lý thông tin, bằng chứng về vi phạm Quy chế thi

1. Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm Quy chế thi:

a) Ban Chỉ đạo thi;

b) Hội đồng coi thi;

c) Thanh tra giáo dục và đào tạo các cấp.

2. Các bằng chứng vi phạm Quy chế thi sau khi đã được xác minh là căn cứ để xử lý đối tượng vi phạm.

3. Cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi:

a) Khuyến khích thí sinh, thành viên của các Hội đồng và mọi công dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm Quy chế thi;

b) Người phát hiện những hành vi vi phạm Quy chế thi cần kịp thời báo cho nơi tiếp nhận quy định tại khoản 1 Điều này để có biện pháp xử lý;

c) Người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi báo ngay cho nơi tiếp nhận được quy định tại khoản 1 Điều này để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật. Việc tiếp nhận và xử lý các tố cáo vi phạm Quy chế thi được thực hiện theo pháp luật về tố cáo;

d) Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự tin cậy, chính xác của thông tin, bằng chứng đã cung cấp; không được lợi dụng việc này để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi.

4. Tổ chức, cá nhân được giao tiếp nhận thông tin, bằng chứng về tiêu cực, vi phạm Quy chế thi cần:

a) Tổ chức việc tiếp nhận thông tin, bằng chứng theo quy định; bảo vệ nguyên trạng bằng chứng; xác thực thông tin, bằng chứng sau khi tiếp nhận và đề xuất cấp có thẩm quyền về biện pháp xử lý tiêu cực, vi phạm Quy chế thi;

b) Triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn tiêu cực, vi phạm Quy chế thi theo quy định;

c) Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý và công bố công khai kết quả xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi tiêu cực, vi phạm Quy chế thi;

d) Bảo mật thông tin và danh tính người cung cấp thông tin, bằng chứng liên quan đến tiêu cực, vi phạm Quy chế thi.

5. Việc xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo về kỳ thi sau khi Hội đồng thi giải thể được giải quyết theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại và tố cáo.

Điều 41. Xử lý các cá nhân tham gia tổ chức thi và cá nhân liên quan vi phạm Quy chế thi

1. Người tham gia tổ chức thi là công chức, viên chức có hành vi vi phạm Quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), sẽ bị đình chỉ làm công tác thi và đề nghị cơ quan quản lý công chức, viên chức áp dụng quy định của pháp luật về công chức, viên chức để xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

a) Khiển trách đối với những người vi phạm lần đầu các hành vi dưới mức quy định tại các điểm b, c, d khoản này trong khi thi hành nhiệm vụ;

b) Cảnh cáo đối với những người vi phạm một trong các lỗi sau đây: Để cho thí sinh quay cóp và mang tài liệu, vật dụng trái phép vào phòng thi; chấm thi không đúng hướng dẫn chấm hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót; ra đề thi nằm ngoài nội dung quy định tại Điều 5 Quy chế này; gửi dữ liệu thi không đúng quy định của Bộ GDĐT;

c) Tùy theo mức độ vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác đối với những người có hành vi vi phạm một trong các lỗi sau đây: ra đề thi không đúng nội dung khoa học của bài thi/môn thi; trực tiếp giải bài thi hoặc hướng dẫn cho thí sinh lúc đang thi; lấy bài thi của thí sinh này giao cho thí sinh khác; gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của thí sinh;

d) Buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi vi phạm sau đây: Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi; làm lộ đề thi, mua, bán đề thi; làm lộ số phách bài thi; sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh; cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm; đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh; gian dối trong việc sửa chữa học bạ, hồ sơ của thí sinh;

đ) Người làm mất bài thi của thí sinh khi thu bài thi, vận chuyển và bảo quản bài thi, chấm thi hoặc có những vi phạm khác trong công tác tổ chức thi, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức kỷ luật quy định tại Điều này.

2. Công chức, viên chức không tham gia tổ chức thi nhưng có các hành động như: Thi hộ, tổ chức lấy đề thi ra và đưa bài giải vào cho thí sinh, đưa thông tin sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến kỳ thi, gây rối làm mất trật tự tại khu vực thi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và đề nghị buộc thôi việc.

3. Người tham gia tổ chức thi và những người có liên quan đến việc tổ chức thi không phải là công chức, viên chức có hành vi vi phạm Quy chế thi (bị phát hiện trong kỳ thi hoặc sau kỳ thi), tùy theo mức độ, sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và xử lý theo quy định của pháp luật về lao động; bị đình chỉ học tập có thời hạn hoặc buộc thôi học (nếu là học sinh, sinh viên, học viên) khi có một trong các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều này.

4. Các hình thức xử lý vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định theo quy trình quy định.

Điều 42. Xử lý thí sinh vi phạm Quy chế thi

Mọi vi phạm Quy chế thi đều bị lập biên bản, xử lý kỷ luật và thông báo cho thí sinh.

1. Khiển trách:

a) Đối với những thí sinh phạm lỗi một lần; nhìn bài hoặc trao đổi bài với thí sinh khác;

b) Hình thức này do giám thị quyết định tại biên bản được lập.

2. Cảnh cáo:

a) Đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: Đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm Quy chế thi ở mức khiển trách; trao đổi bài làm hoặc giấy nháp với thí sinh khác; chép bài của thí sinh khác hoặc để thi sinh khác chép bài của mình;

b) Hình thức kỷ luật cảnh cáo do giám thị quyết định tại biên bản được lập, kèm tang vật (nếu có).

3. Đình chỉ thi:

a) Đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: Đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép theo quy định vào phòng thi; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác;

b) Giám thị lập biên bản, thu tang vật (nếu có) và báo cáo Chủ tịch Hội đồng coi thi. Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho giám thị, phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định và chỉ được rời khỏi khu vực thi khi hết thời gian của buổi thi;

c) Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả trong kỳ thi năm đó.

4. Trừ điểm bài thi

a) Thí sinh bị khiển trách trong khi thi bài thi nào sẽ bị trừ 25% tổng số điểm của bài thi đó;

b) Thí sinh bị cảnh cáo trong khi thi bài thi nào sẽ bị trừ 50% tổng số điểm của bài thi đó;

c) Những bài thi có đánh dấu bị phát hiện trong khi chấm sẽ bị trừ 50% tổng số điểm của bài thi đó;

d) Cho điểm 0 (không): Bài thi được chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; có hai bài làm trở lên đối với một bài thi; bài thi có chữ viết của hai người trở lên; những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy thi không đúng quy định:

đ) Thí sinh bị đình chỉ thi bài thi nào sẽ bị điểm 0 (không) bài thi đó và không được tiếp tục dự thi các bài thi tiếp theo;

e) Việc trừ điểm bài thi nêu tại điểm c và d khoản này do Chủ tịch Hội đồng chấm thi quyết định trên cơ sở căn cứ báo cáo bằng văn bản của Tổ chấm thi.

5. Hủy bỏ kết quả thi đối với những thí sinh: Viết, vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi; để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp.

6. Hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây:

a) Để người khác dự thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức;

b) Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung những người tham gia công tác tổ chức thi hoặc thí sinh khác.

7. Đối với các vi phạm có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan quản lý giáo dục lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định; đối với các trường hợp vi phạm khác, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ xử lý kỷ luật theo các hình thức đã quy định tại Điều này.

 

Chương IX

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 43. Trách nhiệm của Bộ GDĐT

1. Thành lập Ban Chỉ đạo thi để chỉ đạo tổ chức kỳ thi; quyết định phương án xử lý các trường hợp đặc biệt do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các tình huống bất thường khác.

2. Chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế thi, Hướng dẫn tổ chức thi.

3. Xây dựng đề thi, tổ chức chấm thi các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hằng năm.

Điều 44. Trách nhiệm của UBND tỉnh

1. Duyệt phương án, kế hoạch và kinh phí tổ chức kỳ thi do Sở GDĐT trình.

2. Chỉ đạo các sở/ban/ngành có liên quan của tỉnh phối hợp với Sở GDĐT để chuẩn bị các điều kiện cần thiết và tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia theo đúng quy định.

Điều 45. Trách nhiệm của Sở GDĐT

1. Tham mưu UBND tỉnh phương án, kế hoạch và kinh phí tổ chức kỳ thi tại địa phương.

2. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các kỳ thi học sinh giỏi tại địa phương, thực hiện nhiệm vụ coi thi theo Quy chế thi và hướng dẫn của Bộ GDĐT.

3. Chỉ đạo, tổ chức, quản lý hồ sơ thi, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ tổ chức các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thi các kỳ thi học sinh giỏi.

4. Công khai phương thức tuyển chọn học sinh vào đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia của đơn vị; tổ chức tuyển chọn và thành lập các Đội tuyển để tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thực hiện các quy định và yêu cầu về đăng ký dự thi, chịu trách nhiệm về hồ sơ dự thi của thí sinh; gửi danh sách thí sinh các đội tuyển dự thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cùng với đề thi và hướng dẫn chấm thi trong kỳ thi chọn đội tuyển của đơn vị về Bộ GDĐT.

5. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm điều động và tạo mọi điều kiện cần thiết để các công chức, viên chức, giáo viên tham gia kỳ thi theo yêu cầu, đề nghị của Bộ GDĐT.

6. Tổ chức bàn giao các Giấy chứng nhận của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cho thí sinh.

7. Thực hiện việc khen thưởng, kỷ luật đối với những người tham gia tổ chức kỳ thi, thí sinh và những người trong phạm vi quyền hạn quy định; đề nghị các cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật theo quy định Quy chế thi và các quy định của pháp luật đối với những người tham gia tổ chức kỳ thi, thí sinh.

8. Các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức kỳ thi phải kịp thời báo cáo Bộ GDĐT (qua Cục QLCL) để được xem xét giải quyết.

Điều 46. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học

1. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm điều động và tạo mọi điều kiện cần thiết để các viên chức, giảng viên, giáo viên tham gia kỳ thi theo yêu cầu, đề nghị của Bộ GDĐT.

2. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia khi được Bộ GDĐT giao.

3. Các cơ sở giáo dục đại học có trường THPT chuyên thực hiện các nhiệm vụ tại khoản 2, 3, 4, 6, 7, 8 Điều 45 Quy chế này.

Điều 47. Trách nhiệm của trường trung học phổ thông

1. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm tạo mọi điều kiện cần thiết để các viên chức, giáo viên tham gia kỳ thi theo yêu cầu, đề nghị của Bộ GDĐT và sở GDĐT.

2. Thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức kỳ thi khi được Bộ GDĐT, Sở GDĐT và/hoặc cơ sở giáo dục đại học (đối với trường THPT chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học) phân công./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Ngọc Thưởng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.