• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 27/02/2006
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 34/2006/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hậu Giang, ngày 8 tháng 2 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn người dân tộc thiểu số giai đoạn 2006 - 2010

______________________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Quyết định số 122/2003/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

Căn cứ Quyết định số 03/2004/QĐ-TTg ngày 07 tháng 01 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đến năm 2010;

Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) người dân tộc thiểu số giai đoạn 2006 - 2010 với nội dung chính sau đây:

I. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và năng lực, bảo đảm về tiêu chuẩn, cơ cấu dân tộc, trình độ, tính kế thừa giữa các thế hệ nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số.

b) Mục tiêu cụ thể

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý hành chính nhà nước, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số theo tiêu chuẩn chức danh đảm nhiệm, phấn đấu đến năm 2010 đạt :

- Về văn hoá : 100% cán bộ chuyên trách giữ chức vụ qua bầu cử có trình độ tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên, trong đó 60% tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Về chuyên môn nghiệp vụ : 100% cán bộ chuyên trách giữ chức vụ qua bầu cử và công chức chuyên môn được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh quy định, trong đó 50% có trình trung cấp trở lên;

- Về lý luận chính trị : 100% cán bộ chuyên trách giữ chức vụ qua bầu cử và công chức chuyên môn được đào tạo, bồi dưỡng đạt trình độ sơ cấp trở lên, trong đó 40% có trình độ trung cấp;

- Về quản lý hành chính nhà nước : 100% cán bộ chủ chốt được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước;

- Về tin học văn phòng : 100% cán bộ, công chức được bồi dưỡng kiến thức về tin học văn phòng.

2. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số

Cán bộ, công chức theo quy định tại Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ và nguồn trong quy hoạch chuẩn bị bổ sung, thay thế cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức dưới 45 tuổi trong quy hoạch cho các chức danh chủ chốt xã và các dân tộc thiểu số chưa có người làm cán bộ, công chức xã cụ thể :

a) Đối với cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số (đương nhiệm) :

- Đào tạo, đào tạo bổ sung kiến thức về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức đang giữ các chức danh chủ chốt dưới 45 tuổi đạt trình độ theo tiêu chuẩn chức danh quy định;

- Đào tạo văn hoá cho cán bộ, công chức dưới 35 tuổi chưa tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông để có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông, gắn với đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị;

- Bồi dưỡng kiến thức về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức từ 45 tuổi trở lên để hoàn thành nhiệm vụ theo chức danh quy định;

- Bồi dưỡng kỹ năng tin học văn phòng cho 100% cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số.

b) Đối với nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số :

- Đào tạo văn hoá gắn với đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức quy định cho những người dưới 30 tuổi đã hoàn thành nghĩa vụ trong các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, dân tộc thiểu số chưa có người làm cán bộ, công chức xã trong quy hoạch chuẩn bị bổ sung, thay thế cho cán bộ, công chức xã;

- Bồi dưỡng các kiến thức còn thiếu theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức cho những học sinh mới tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học chưa có việc làm, cư trú tại địa phương, trong quy hoạch chuẩn bị bổ sung, thay thế cho cán bộ, công chức xã.

II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Điều tra, thống kê, phân tích, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số; xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số 5 năm (2006 - 2010) và hàng năm; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.

2. Đổi mới nội dung, chương trình và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số theo hướng nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành và cập nhật kiến thức hiện đại, phù hợp với từng loại đối tượng, chức danh và vùng dân tộc về văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý hành chính nhà nước, lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác dân tộc và tiếng dân tộc.

3. Củng cố hệ thống các trư­ờng chính trị, quân sự, chuyên môn nghiệp vụ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học của các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số.

4. Xây dựng, hoàn thiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đãi ngộ đối với cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Căn cứ vào Quy định tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ) và mục tiêu, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng trong Quyết định này để xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số về văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý hành chính nhà nước, lý luận chính trị. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng các chức danh chủ chốt xã (đương nhiệm và quy hoạch), cán bộ nữ và các dân tộc thiểu số rất ít người; cán bộ, công chức các xã biên giới, hải đảo và khu vực III.

2. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số

a) Các trường nghiệp vụ, trường chính trị ở Trung ương và địa phương cần đổi mới về nội dung, chương trình và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số phù hợp với từng loại đối tượng, chức danh và vùng dân tộc khác nhau (Tây Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam Bộ); xây dựng chương trình và hình thức liên thông trong đào tạo, để đảm bảo vừa nâng cao trình độ văn hoá, vừa đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước cho cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số;

b) Căn cứ vào chương trình khung quy định, các trường chính trị, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số theo hướng nâng cao năng lực điều hành, quản lý công việc cụ thể, phù hợp với từng loại đối tượng, chức danh, địa phương, vùng khác nhau đạt hiệu quả cao;

c) Tập trung bồi dưỡng văn hoá và chuyên môn nghiệp vụ để chuẩn hoá cán bộ, công chức theo hình thức liên thông đào tạo nhằm đáp ứng ngay yêu cầu của công việc quản lý, điều hành ở địa phương cho cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn về cán bộ;

d) Kết hợp bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng hành chính với nghiệp vụ quản lý kinh tế, văn hoá, giáo dục, xã hội và khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.

3. Củng cố, kiện toàn hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở

a) Các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương củng cố, kiện toàn các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số;

b) Xây dựng đề án thành lập Trường đào tạo cán bộ, công chức xã tại 3 vùng : Tây Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam Bộ làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã nói chung và cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số nói riêng;

c) Củng cố, nâng cấp các trường dân tộc nội trú, các trung tâm giáo dục thường xuyên để làm nhiệm vụ đào tạo, bổ túc văn hoá cho cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số;

d) Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, xây dựng ký túc xá… bảo đảm điều kiện sinh hoạt, học tập cho cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số;

đ) Xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên ngành cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, bảo đảm đủ về số lượng, có năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có phương pháp sư phạm, có phẩm chất, có kinh nghiệm về công tác dân tộc.

4. Xây dựng, hoàn thiện chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số và cho giảng viên tham gia giảng dạy cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Kinh phí thực hiện đề án được sử dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hàng năm dành cho Chương trình đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng cán bộ, công chức .

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nội vụ

a) Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số; tổng hợp quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số trong phạm vi cả nước;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng thống nhất chương trình khung về đào tạo, bồi dưỡng cho từng loại đối tượng, chức danh cán bộ, công chức xã nói chung và áp dụng cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số nói riêng;

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số khi tham gia các khoá đạo tạo, bồi dưỡng;

d) Xây dựng đề án nâng cấp hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho xã, phường, thị trấn trong toàn quốc; xây dựng đề án thành lập Trường đào tạo cán bộ, công chức xã tại 3 vùng : Tây Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ;

đ) Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thống nhất với các Bộ : Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính để lập dự toán ngân sách năm kế hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ;

e) Theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bổ túc văn hoá cho cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số theo kế hoạch của địa phương; xây dựng chế độ, chính sách cử tuyển đào tạo trung học, cao đẳng, đại học về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số, trình Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân đối kế hoạch ngân sách hàng năm và 5 năm dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số; lập dự toán ngân sách hàng năm cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số, trình Thủ tướng Chính phủ.

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học cho các cơ sở được giao nhiệm vụ trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn thủ tục cấp phát, chi trả, quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số.

5. Ủy ban Dân tộc kiểm tra, giám sát các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành liên quan trong tổ chức, thực hiện Đề án và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện điều tra, thống kê, phân tích, đánh giá cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số phục vụ công tác lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng;

b) Tổng hợp quy hoạch đào tạo cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số giai đoạn 2006 - 2010, hàng năm của địa phương gửi Bộ Nội vụ và tổ chức thực hiện;

c) Bố trí ngân sách thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số và quản lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn kinh phí này;

d) Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số tham gia đào tạo, bồi dưỡng và cho giảng viên trực tiếp giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số theo quy định;

đ) Hàng năm, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số của địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Vũ Khoan

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.