• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/01/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 16/02/2015
CHÍNH PHỦ
Số: 107/2002/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hậu Giang, ngày 23 tháng 12 năm 2002

 

 

 

 

NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ

Quy định phạm vi địa bàn hoạt động hải quan;

quan hệ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá

qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định cụ thể phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; quan hệ phối hợp giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan nhà nước hữu quan, Uỷ ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

Điều 2. Phạm vi địa bàn hoạt động hải quan

1. Phạm vi địa bàn hoạt động hải quan là khu vực có ranh giới cụ thể tại khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, khu chế xuất, kho ngoại quan, kho bảo thuế, khu vực ưu đãi hải quan, bưu điện quốc tế, các địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong lãnh thổ và trên vùng biển thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam, trụ sở doanh nghiệp khi tiến hành kiểm tra sau thông quan.

2. Phạm vi địa bàn hoạt động hải quan khác là khu vực có ranh giới xác định tại những nơi có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh cần có hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan Hải quan.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan

1. Cơ quan Hải quan và các cơ quan nhà nước hữu quan có thẩm quyền trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan phải tổ chức thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật và Nghị định này quy định đối với từng cơ quan.

2. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan nhà nước hữu quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Hải quan, hỗ trợ để bảo đảm từng lĩnh vực chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chủ trì thực hiện, tránh sơ hở, chồng chéo, đồng thời không cản trở đến hoạt động bình thường của các tổ chức, cơ quan nhà nước khác.

3. Trong quá trình phối hợp nếu có vướng mắc thì các bên trực tiếp bàn bạc, giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật; nếu không thống nhất thì báo cáo lên cấp lãnh đạo trực tiếp của mỗi đơn vị để có biện pháp giải quyết. Trường hợp lãnh đạo các Bộ, ngành không thống nhất được thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo phối hợp hoạt động của cơ quan Hải quan và các cơ quan nhà nước hữu quan khác tại địa phương trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

 

Chương II

PHẠM VI CỤ THỂ ĐỊA BÀN HOẠT ĐỘNG HẢI QUAN

Điều 4. Phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực cửa khẩu đường bộ là các khu vực có ranh giới xác định tại một cửa khẩu đường bộ trên tuyến biên giới được quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.

Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại từng khu vực cửa khẩu đường bộ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố sở tại xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 5. Phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại cửa khẩu ga đường sắt liên vận quốc tế gồm:

1. Khu vực nhà ga sử dụng cho các chuyến tầu liên vận quốc tế đi, đến; nơi hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; sân ga, khu vực kho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh;

2. Bến bãi và các khu vực sử dụng cho các chuyến tầu hoả liên vận quốc tế đi, đến và thực hiện các dịch vụ vận chuyển hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu;

3. Những khu vực có các chuyến tàu hoả liên vận quốc tế chưa làm thủ tục hải quan, đang chịu sự giám sát, kiểm soát của cơ quan Hải quan mà di chuyển đến một địa điểm khác;

4. Những khu vực khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 6. Phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại cửa khẩu cảng hàng không dân dụng quốc tế bao gồm:

1. Khu cách ly của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh;

2. Khu vực sân ga, nhà ga hàng không, nơi đi, đến của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh có mang theo hàng hoá, hành lý được xuất khẩu, nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan;

3. Khu vực cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế;

4. Khu vực xếp dỡ, chuyển tải, khu vực kho bãi chứa hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh qua đường vận tải hàng không;

5. Khu vực sân đỗ tầu bay xuất cảnh, nhập cảnh, qúa cảnh;

6. Những khu vực khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 7. Phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại cửa khẩu cảng biển, cảng sông quốc tế bao gồm:

1. Khu vực ngăn cách tính từ đường ranh giới phía ngoài của vùng nước cảng có hàng hoá ra vào cảng phải chịu sự giám sát hải quan đến ranh giới các cổng cảng, cụ thể gồm các kho bãi, cầu cảng, nhà xưởng, khu hành chính và dịch vụ hàng hải, vùng nước trước cầu cảng, vùng neo đậu, chuyển tải, vùng tránh bão, vùng nước của nhiều cảng gần kề nhau và luồng quá cảnh;

2. Khu vực đón trả hoa tiêu vào đến cảng và nơi quy định cho tàu, thuyền xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh neo đậu để chờ vào cảng biển, cảng sông quốc tế, neo đậu để chuyển tải và các luồng lạch từ các khu vực nói trên vào cảng biển, cảng sông quốc tế;

3. Những khu vực khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 8. Phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại bưu điện quốc tế bao gồm:

1. Khu vực thuộc bưu điện quốc tế;

2. Khu vực thuộc bưu điện và bưu cục kiểm quan nơi nhận chuyển thư tín, bưu kiện, bưu phẩm, các dịch vụ chuyển phát nhanh với nước ngoài theo Công ước của Liên minh bưu chính quốc tế và các quy định về bưu chính của nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 9. Phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại các khu vực ngoài cửa khẩu có thực hiện quản lý hải quan là những khu vực có ranh giới xác định mà ở đó được làm thủ tục hải quan, giám sát hải quan, kiểm tra thực tế hàng hoá, cụ thể gồm:

1. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại tự do, khu vực ưu đãi hải quan;

2. Khu vực cảng nội địa (ICD), cảng chuyên dùng, kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho bãi chuyên dùng chứa hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của các tổ chức vận tải kinh doanh và giao nhận hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh;

3. Cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế trong nội địa để bán hàng miễn thuế cho hành khách xuất cảnh, nhập cảnh;

4. Khu vực địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, hoặc địa điểm trưng bày, giới thiệu hàng hóa tạm nhập khẩu.

Điều 10. Phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan khác

1. Các địa bàn hoạt động hải quan khác quy định tại Điều 6 Luật Hải quan là các khu vực trên biển, trên sông, trên bộ khi có phương tiện vận tải neo, đậu, di chuyển để vận chuyển hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hoá, phương tiện vận tải chuyển tải, chuyển cửa khẩu, quá cảnh đang trong quá trình làm thủ tục hải quan và chịu sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan Hải quan.

2. Tại các khu vực quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan Hải quan chủ trì, chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, giám sát, kiểm soát; sử dụng các phương tiện kỹ thuật được trang bị để phát hiện, ngăn ngừa, truy đuổi, khám xét, điều tra, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

 

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN HẢI QUAN, CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC HỮU QUAN

VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG VIỆC PHỐI HỢP PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU,

VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP HÀNG HOÁ QUA BIÊN GIỚI VÀ CÁC HÀNH VI KHÁC

VI PHẠM PHÁP LUẬT HẢI QUAN

Điều 11. Nội dung phối hợp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan gồm:

1. Phối hợp trong hoạt động tiếp nhận, trao đổi và xử lý thông tin;

2. Phối hợp tuần tra, kiểm soát;

3. Phối hợp trong công tác phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý;

4. Phối hợp đào tạo, nâng cao nghiệp vụ;

5. Phối hợp tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật.

Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp

1. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm:

a) Quyết định áp dụng các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, điều tra, xử lý hoặc chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ cụ thể với từng lực lượng tham gia phối hợp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng;

c) Khi cần thiết, được yêu cầu các bên liên quan huy động lực lượng, phương tiện để phối hợp, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ.

2. Cơ quan phối hợp có trách nhiệm:

a) Thực hiện nhiệm vụ đúng nội dung hiệp đồng với cơ quan chủ trì;

b) Tổ chức lực lượng, huy động phương tiện hỗ trợ khi được cơ quan chủ trì yêu cầu.

3. Thủ trưởng cơ quan quy định tại các khoản 1, 2 Điều này chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên của mình về mọi hoạt động khi chủ trì hoặc phối hợp thực hiện nhiệm vụ.

Điều 13. Trách nhiệm cụ thể của cơ quan Hải quan và các cơ quan nhà nước hữu quan

1. Cơ quan Hải quan các cấp

a) Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan các cấp có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện, điều kiện vật chất để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan. Khi nhận được tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan thì cơ quan Hải quan phải tiếp nhận thông tin, giữ bí mật thông tin và tiến hành việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát, điều tra, xử lý, hoặc chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, xử lý;

b) Ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan, thường xuyên tuần tra kiểm soát trên các tuyến, địa bàn biên giới và trên các địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện đối tượng, đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Hải quan;

c) Hàng năm, cơ quan Hải quan các cấp xác định mục tiêu, kế hoạch, chương trình công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan; đồng thời báo cáo Thủ trưởng cơ quan Hải quan cấp trên định kỳ hàng tháng, quý, năm. Cục trưởng Cục Hải quan địa phương phải báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương về kết quả thực hiện.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xác định trách nhiệm giữa các lực lượng chống buôn lậu trong ngành Hải quan theo quy định của pháp luật.

2. Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc phòng

a) Ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan trên tuyến biên giới đường bộ, Bộ đội Biên phòng chịu trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan;

b) Ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan trên biển, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển có nhiệm vụ tổ chức phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa theo quy định của pháp luật; phối hợp với các lực lượng chức năng truy bắt buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

3. Cơ quan Công an các cấp

a) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phát hiện đối tượng, đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan xảy ra ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan;

b) Phối hợp, hỗ trợ cơ quan Hải quan trong công tác điều tra, bắt giữ, xử lý các vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan khi được cơ quan Hải quan yêu cầu;

c) Phối hợp, hỗ trợ cơ quan Hải quan ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi chống người thi hành công vụ;

d) Phối hợp, hỗ trợ cơ quan Hải quan khi có yêu cầu bảo vệ đối với người cung cấp thông tin về các vụ buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

4. Cơ quan Quản lý thị trường

a) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trực tiếp hoặc chủ trì, phối hợp với cơ quan Hải quan phát hiện, kiểm tra, xử lý hàng hóa nhập lậu lưu thông trên thị trường nội địa;

b) Phối hợp với cơ quan Hải quan và các cơ quan nhà nước hữu quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

5. Các lực lượng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành của cơ quan nhà nước hữu quan trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được pháp luật quy định có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ cơ quan Hải quan thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

Điều 14. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Lãnh đạo, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp tại địa phương thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của pháp luật về phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

2. Phối hợp với Tổng cục Hải quan thực hiện các chủ trương, biện pháp của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của ngành Hải quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

Chỉ đạo phối hợp hoạt động của cơ quan Hải quan và các cơ quan nhà nước hữu quan khác tại địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

3. Đề xuất và kiến nghị với Chính phủ, với các Bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

4. Chỉ đạo xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan xảy ra tại địa phương.

5. Hỗ trợ và tạo điều kiện trong đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để ngành Hải quan nâng cao khả năng kiểm soát việc thực thi pháp luật, xây dựng ngành Hải quan từng bước chính quy, hiện đại.

 

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 16. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.