• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/06/1989
  • Ngày hết hiệu lực: 08/11/1998
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 67-HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hậu Giang, ngày 15 tháng 6 năm 1989

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 67/HĐBT NGÀY 15-6-1989

QUY ĐỊNH CỜ HIỆU, CẢNH SÁT HIỆU, CẤP HIỆU, PHÙ HIỆU

PHÙ HIỆU KẾT HỢP CẤP HIỆU, LỄ PHỤC VÀ TRANG PHỤC

CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;

Căn cứ điều 31 Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát Nhân dân Việt Nam đã được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 28 tháng 1 năm 1989;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Cờ truyền thống của Lực lượng Cảnh sát Nhân dân Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, nền cờ màu đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, ở góc trên phía trái có 6 chữ vàng "Bảo vệ an ninh Tổ quốc" nét cuối của chữ thứ sáu không được vượt quá đầu của cánh sao về phía phải). Cờ truyền thống của Lực lượng Cảnh sát được dùng trong các cuộc diễu binh, mít tinh kỷ niệm những ngày lễ, ngày truyền thống, trưng bày trong nhà bảo tàng, nhà truyền thống.

Điều 2. - Cảnh sát hiệu của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát Nhân dân Việt Nam bằng kim khí hình tròn đường kính 30 mm, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh dặt trên nền đỏ hình tròn đường kính 20 mm, liền với nền đỏ là nền xanh thẫm, xung quanh có hai bông lúa, phía dưới bông lúa có nửa bánh xe và chữ lồng CS (là hai chữ đầu của từ Cảnh sát), vành ngoài của cảnh sát hiệu màu vàng. Khi đội mũ kê-pi, có cành tùng màu bạc bao xung quanh cảnh sát hiệu.

Điều 3. - Cấp hiệu của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và học viên Cảnh sát nhân dân Việt Nam.

1. Cấp hiệu của sĩ quan.

Cấp hiệu của sĩ quan nền đỏ, viền xanh, có đính sao năm cánh và cúc, sao xếp dọc trên nền của cấp hiệu, sao của cấp uý nhỏ hơn sao của cấp tá, sao của cấp tá nhỏ hơn sao của cấp tướng.

Thiếu uý, thiếu tá, thiếu tướng: 1 sao

Trung uý, trung tá, trung tướng: 2 sao

Thượng uý, đại tá, thượng tướng: 3 sao

Đại uý, đại tướng: 4 sao.

- Cấp hiệu của cấp tướng: sao màu vàng, cúc màu vàng có hình quốc huy, nền dệt nổi kiểu hình bình hành.

- Cấp hiệu của cấp tá: sao mầu bạc, cúc màu bạc có hình sao nổi giữa 2 bông lúa, hai vạch màu vàng đặt dọc, nền dệt nổi lóng ngang.

- Cấp hiệu của cấp uý: giống như cấp hiệu của cấp tá nhưng chỉ có một vạch màu vàng đặt dọc.

2. Cấp hiệu của hạ sĩ quan, chiến sĩ.

Cấp hiệu của hạ sĩ quan, chiến sĩ, nền đỏ, viền xanh, cúc mầu bạc có hình sao nổi giữa 2 bông lúa, có vạch ngang hoặc hình chữ V màu vàng để phân biệt cấp hiệu.

Chiến sĩ bậc 2: 1 chữ V

Chiến sĩ bậc 1: 2 chữ V

Hạ sĩ: 1 vạch ngang

Trung sĩ: 2 vạch ngang

Thượng sĩ: 3 vạch ngang

3. Cấp hiệu của học viên.

a) Cấp hiệu của học viên các trường đại học, kể cả học viên là sĩ quan như cấp hiệu của cấp uý nhưng không có vạch dọc, xung quanh viền màu vàng.

b) Cấp hiệu của học viên các trường trung học như cấp hiệu của hạ sĩ quan nhưng không có vạch ngang, xung quanh viền màu vàng.

Điều 4. - Phù hiệu của Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam. Khi đeo cấp hiệu trên vai áo, có phù hiệu ở ve cổ áo nền phù hiệu màu đỏ, có gắn hình cảnh sát hiệu nổi ở chính giữa đường kính 18 mm bằng kim khí. Riêng phù hiệu của cấp tướng có 3 vạch viền màu vàng.

Điều 5. - Phù hiệu kết hợp với cấp hiệu của sĩ quan, hạ sĩ quan và chiến sĩ Cảnh sát nhân dân Việt Nam quy định như sau:

- Phù hiệu kết hợp với cấp hiệu của cấp tướng nền đỏ, 3 cạnh viền màu vàng, phía trên có gắn hình cảnh sát nổi, đường kính 18 mm bằng kim khí, phía dưới có sao vàng.

Thiếu tướng: 1 sao

Trung tướng: 2 sao

Thượng tướng: 3 sao

Đại tướng: 4 sao.

- Phù hiệu kết hợp với cấp hiệu của sĩ quan Cảnh sát nhân dân từ cấp Đại tá trở xuống nền đỏ, phía trên có gắn hình cảnh sát hiệu nổi đường kính 18 mm bằng kim khí, phía dưới có sao màu bạc và có vạch kim loại màu vàng đặt theo chiều dài phù hiệu.

Cấp uý: 1 vạch

Cấp tá: 2 vạch

Thiếu uý, thiếu tá: 1 sao

Trung uý, trung tá: 2 sao

Thượng uý, đại tá: 3 sao

Đại uý: 4 sao.

- Phù hiệu kết hợp với cấp hiệu của hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân giống như phù hiệu kết hợp với cấp hiệu của sĩ quan nhưng sao màu bạc, vạch vải màu vàng chính giữa theo chiều dài phù hiệu.

Hạ sĩ: 1 sao

Trung sĩ: 2 sao

Thượng sĩ: 3 sao.

- Phù hiệu kết hợp với cấp hiệu của chiến sĩ Cảnh sát nhân dân như của hạ sĩ quan cảnh sát nhưng không có vạch.

Chiến sĩ bậc 2: 1 sao

Chiến sĩ bậc 1: 2 sao.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định việc sử dụng phù hiệu kết hợp với cấp hiệu của Lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Điều 6. - Số hiệu của Lực lượng Cảnh sát nhân dân. Số hiệu của Lực lượng Cảnh sát nhân dân do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định.

Điều 7.- Lễ phục của sĩ quan Cảnh sát nhân dân.

a) Cấp tướng:

- Mũ kê-pi màu trắng hồng, có viền đỏ, có quai tết vàng, hai cành tùng màu vàng bao quanh cảnh sát hiệu.

- Aó màu trắng hồng, cổ mở, một hàng cúc màu vàng hình quốc huy nổi giữa hai bông lúa màu vàng, hai túi chui vào trong ở phía dưới trước thân áo. Trên ve áo có cành tùng và một ngôi sao vàng.

Quần màu trắng hồng, may như trang phục thường.

- áo sơ mi dài tay cổ cứng.

- Cra-vát màu đen, tất tay trắng.

- Giầy da đen, có tất.

b) Cấp tá:

Lễ phục của cấp tá giống như lễ phục của cấp tướng, nhưng mũ kê-pi có cành tùng màu bạc bao quanh cảnh sát hiệu, ve cổ áo không có ngôi sao vàng năm cánh.

c) Sĩ quan Cảnh sát nhân dân mặc lễ phục trong ngày lễ, ngày tết cổ truyền của dân tộc, dự Đại hội Đảng toàn quốc, ngày họp Quốc hội, ngày truyền thống của Lực lượng Công an nhân dân, dự lễ ngoại giao, ngày quốc tang.

Lễ phục của sĩ quan cấp uý, hạ sĩ quan, chiến sĩ và trang phục thường dùng của Lực lượng Cảnh sát nhân dân do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định.

Điều 8.- Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân trong khi làm nhiệm vụ, hội họp phải mang trang phục cảnh sát đúng quy định, trừ các lực lượng nghiệp vụ làm việc có tính chất bí mật, chỉ sử dụng trang phục cảnh sát khi thật cần thiết theo lệnh của Cục trưởng, Chỉ huy trưởng cảnh sát cấp tỉnh. Nghiêm cấm lợi dụng trang phục cảnh sát để làm những việc trái pháp luật.

Điều 9.- Việc sử dụng cảnh sát hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, lễ phục và trang phục cảnh sát đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh sát đã chuyển ra khỏi Lực lượng Cảnh sát nhân dân do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định.

Điều 10.- Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được cấp giấy chứng nhận theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân có giá trị pháp lý để cán bộ, chiến sĩ cảnh sát sử dụng khi thi hành nhiệm vụ.

Điều 11.- Nghị định này thay thế các điều 4, điều 5, điều 6, điều 7, điều 8 của Nghị định số 113-CP ngày 10-10-1962 của Hội đồng Chính phủ và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Điều 12.- Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Chủ tịch hội đồng bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Mười

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.