• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/09/1999
  • Ngày hết hiệu lực: 20/12/2006
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 26/1999/TTLT/BLĐTBXH-BTC-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hậu Giang, ngày 2 tháng 11 năm 1999

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng

và con của họ đang học tại các trường

 

Thực hiện Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng", ngày 27 tháng 5 năm 1996 liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 07/TTLB "Hướng dẫn thi hành chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và con của họ đang học tại các trường".

 

Quá trình tổ chức thực hiện thông tư nêu trên có một số vướng mắc, bất hợp lý về thủ tục hành chính làm chậm trễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh, sinh viên thuộc đối tượng chính sách ưu đãi. Để khắc phục tình hình trên, Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện các Điều 64, 65, và 66 của Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG:

1. Đối tượng:

a) Đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo là Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con của liệt sỹ, con của thương binh (kể cả con của thương binh loại B đã được xác nhận từ trước ngày 31/12/1993 đang hưởng trợ cấp hàng tháng), con của người hưởng chính sách như thương binh, con của bệnh binh (kể cả con của bệnh binh bị mất sức lao động từ 41% đến 60% đã được xác nhận từ ngày 31/12/1994 trở về trước đang hưởng trợ cấp hàng tháng) đang theo học tại các trường khi có đầy đủ giấy tờ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận là đối tượng quy định tại các Điều 64, 65, và 66 của Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 04 năm 1995 của Chính phủ.

b) Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng ưu đãi đã làm xong thủ tục hưởng chế độ hoặc đang hưởng chế độ ưu đãi trong thời gian học mà bố hoặc mẹ là thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh từ trần thì vẫn hưởng chế độ ưu đãi nếu còn tiếp tục đi học.

c) Liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh có nhiều con đang học tại các trường thuộc khối giáo dục và khối đào tạo thì tất cả các con đều được hưởng chính sách ưu đãi trong giáo dục và đào tạo.

d) Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được ưu đãi trong giáo dục và đào tạo học cùng một lúc ở nhiều trường (hoặc nhiều khoa trong một trường) thì chỉ hưởng một chế độ trợ cấp ưu đãi cao nhất (một lần và hàng tháng nếu có).

2. Phạm vi áp dụng:

a) Chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo quy định tại các Điều 64, 65 của Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 04 năm 1995 của Chính phủ được áp dụng đối với các đối tượng quy định tại tiết a điểm 1 Phần I của Thông tư này khi đang học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập, bán công hoặc dân lập có khoá học từ 01 năm trở lên.

b) Chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng quy định tại Điều 66 của Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 04 năm 1995 của Chính phủ và hướng dẫn tại điểm 3 Phần II của Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng ưu đãi là học sinh, sinh viên (diện không hưởng lương và sinh hoạt phí khi đi học) đang học hệ chính quy tập trung (có khoá học từ 01 năm trở lên) tại các trường đào tạo công lập và bán công trong nước (các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú) theo chỉ tiêu và kinh phí đào tạo của nhà nước.

c) Không áp dụng chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo theo Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 04 năm 1995 của Chính phủ đối với:

+ Học sinh, sinh viên đang học tại các trường đào tạo và các cơ sở giáo dục theo phương thức giáo dục không chính quy.

+ Lưu học sinh Việt Nam đang học ở nước ngoài.

+ Sinh viên đã hưởng chế độ ưu đãi một trường đại học, nay tiếp tục học thêm một chuyên ngành đại học khác.

+ Các khoá đào tạo sau Đại học.

II. CÁC CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI CỤ THỂ TRONG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO:

1. Đối với học sinh thuộc đối tượng quy định tại Điều 64 của Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 04 năm 1995 của Chính phủ:

a) Học sinh là con của liệt sỹ; con thương binh, con của bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động từ 81% trở lên được hưởng ưu tiên trong tuyển sinh và xét tốt nghiệp theo các quy chế hiện hành về tuyển sinh, học tập và thi kiểm tra xét lên lớp và tốt nghiệp tại các trường thuộc cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo; được miễn phí; miễn các khoản đóng góp xây dựng trường (từ trường Mầm non đến trường Trung học phổ thông) quy định tại Quyết định số 248/TTg ngày 22 tháng 11 năm 1973 của Thủ tướng Chính phủ; và được trợ cấp mỗi năm học một lần với các mức:

+ 60.000 đồng khi học trường Mầm non;

+ 90.000 đồng khi học trường tiểu học;

+ 120.000 đồng khi học các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.

b) Học sinh là con của thương binh, con của bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động từ 61% đến 80% được miễn học phí theo học tại các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông.

c) Học sinh là con của thương binh, con của người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động từ 21% đến 60%; con của bệnh binh được xác nhận từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước mất sức lao động từ 41% đến 60% được giảm 50% học phí khi theo học tại các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông.

2. Đối với học sinh, sinh viên thuộc đối tượng quy định tại Điều 65 của Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 04 năm 1995 của Chính phủ:

2.1. Học sinh, sinh viên là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con của liệt sỹ, con của thương binh, con của bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động từ 81% trở lên:

a) Được xếp vào diện ưu tiên trong tuyển chọn vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp theo quy định hiện hành:

+ Khi thi vào trường được xếp vào nhóm ưu tiên 1 (UT1).

Nếu không đạt điểm vào học chính thức hệ chính quy nhưng đủ điểm vào hệ dự bị thì sẽ được xét tuyển vào học dự bị đại học, nhưng sau một năm học dự bị sẽ phải dự kỳ thi tại trường, lớp để xét tuyển vào học hệ chính quy.

Riêng anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động đã tốt nghiệp phổ thông trung học được nhận thẳng vào học chính thức hệ chính quy mà không phải qua kỳ thi tuyển quốc gia.

+ Được xếp vào diện chính sách trong học tập, xét lên lớp, thi, kiểm tra ở cuối năm học trong các trường đào tạo theo quy định hiện hành của Nhà nước.

b) Được miễn học phí;

c) Được trợ cấp mỗi năm học một lần để mua sách vở, đồ dùng học tập với các mức:

+ 150.000 đồng khi học trường trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, dự bị đại học, phổ thông dân tộc nội trú;

+ 180.000 đồng khi học trường đại học và cao đẳng.

d) Được cấp 50% tiền mua vé xe tháng để đi học từ nơi ở nội trú đến trường (nếu có);

2.2. Học sinh, sinh viên là con của thương binh, con của bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động từ 61% đến 80% được miễn nộp học phí. Học sinh, sinh viên là con của thương binh, con của bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động từ 21% đến 60% được giảm 50% học phí.

3. Đối với học sinh, sinh viên thuộc đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng quy định tại Điều 66 của Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 04 năm 1995 của Chính phủ:

a) Mức trợ cấp 150.000 đồng/tháng cấp cho học sinh, sinh viên là anh hùng lực lượng vũ trang; anh hùng lao động; thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; con của thương binh, con của bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động từ 81% trở lên có vết thương hoặc bệnh lý đặc biệt nặng quy định tại Điều 34 và Điều 50 của Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 04 năm 1995 của Chính phủ.

b) Mức trợ cấp 120.000 đồng/tháng cấp cho học sinh, sinh viên là con liệt sỹ đang hưởng tiền tuất hàng tháng; con của thương binh, con của bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động từ 81% trở lên.

c) Mức trợ cấp 100.000 đồng/tháng cấp cho học sinh, sinh viên là con liệt sỹ đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng; con của thương binh, con của bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động từ 61% đến 80%.

Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng theo quy định trên đây nếu học đạt loại khá, giỏi trở lên thì vẫn được hưởng phần thưởng khuyến khích học tập theo quy định tại Thông tư liên tịch số 53/1998/TT-TL/BGD&ĐT-BTC-BLĐTB&XH của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành ngày 25 tháng 08 năm 1998 về việc thực hiện chế độ học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập.

III. THỦ TỤC, THỜI GIAN HỌC, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ƯU ĐÃI:

A. Thủ tục lập hồ sơ hưởng trợ cấp ưu đãi:

Để được xem xét hưởng trợ cấp ưu đãi khi nhập trường, học sinh, sinh viên thuộc đối tượng chính sách cần có các giấy tờ sau:

1. Đối với học sinh các trường thuộc khối giáo dục:

1.1. Học sinh thuộc đối tượng chỉ được miễn hoặc giảm học phí cần có 2 loại giấy tờ sau:

a) Đơn xin hưởng chế độ ưu đãi (mẫu số 1) có xác nhận của phòng Lao động - Thương binh và Xã Hội hoặc phòng Tổ chức - Lao động Xã hội nơi đang quản lý hồ sơ (hoặc danh sách) và thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng (tại văn bản này gọi tắt là: Phòng LĐ- TBXH); hoặc xác nhận của cơ quan, đơn vị quân đội, công an đang quản lý và chi trả trợ cấp cho người có công hiện còn đang công tác trong quân đội và công an: 2 bản, lưu tại trường và tại Phòng LĐ-TBXH.

b) Bản sao giấy khai sinh của học sinh: 2 bản, lưu tại Phòng LĐ-TBXH và tại trường.

Vào trước năm học, Phòng LĐ-TBXH (hoặc các cơ quan, đơn vị quân đội và công an) có trách nhiệm tiếp nhận đơn và giấy khai sinh nói trên; căn cứ vào hồ sơ (hoặc danh sách) đối tượng người có công với cách mạng đang quản lý mà xác nhận cho học sinh thuộc diện được miễn hoặc giảm học phí. Học sinh hoặc gia đình nộp các giấy tờ này cho nhà trường để có cơ sở thực hiện chính sách.

1.2. Học sinh thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp một lần mỗi năm học thì ngoài 2 loại giấy tờ nêu trên cần có thêm một Phiếu xác nhận (mẫu số 2A) do nhà trường cấp theo từng năm học.

Vào đầu năm học, căn cứ vào đơn có xác nhận nói trên của học sinh và số học sinh mà trường quản lý, nhà trường cấp phiếu xác nhận cho học sinh để nộp cho Phòng LĐ-TBXH nơi đang quản lý hồ sơ người có công, hoặc Phòng LĐ-TBXH nơi học sinh có hộ khẩu thường trú (đối với học sinh là con người có công hiện còn đang công tác trong quân đội và công an) để làm thủ tục cấp phát chế độ trợ cấp một lần.

Phòng LĐ-TBXH có trách nhiệm căn cứ vào hồ sơ (hoặc danh sách) đối tượng người có công hiện đang quản lý, đơn xin hưởng trợ cấp ưu đãi, bản ssao giấy khai sinh và phiếu xác nhận học sinh theo từng năm học của các trường để lập danh sách đối tượng được hưởng trợ cấp ưu đãi, các bảng tổng hợp (mẫu số 7A và 7B), báo cáo để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt thực hiện chi trả trợ cấp một lần cho gia đình học sinh và tổng hợp báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

2. Đối với học sinh, sinh viên các trường thuộc khối Đào tạo:

2.1. Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng chỉ được miễn hoặc giảm học phí thì hồ sơ và thủ tục theo như hướng dẫn tại điểm 1.1 trên đây.

2.2. Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng vừa được miễn học phí, vừa được hưởng trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng; học sinh, sinh viên thuộc đối tượng vừa được miễn học phí vừa được hưởng trợ cấp một lần và trợ cấp hàng tháng thì hồ sơ và thủ tục theo như hướng dẫn tại điểm 1.2 trên đây; riêng phiếu xác nhận là học sinh của trường đang theo học (mẫu số 2B) được cấp theo từng học kỳ.

B. Khung thời gian học mỗi khoá ở các cấp - bậc học: được quy định cụ thể tại Luật Giáo dục ngày 02 tháng 12 năm 1998.

Khung thời gian học trên đây không kể thời gian được lưu ban, học lại, ngừng học, học bổ sung dành cho diện chính sách theo các quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với mỗi bậc học, mỗi cấp học.

Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi vẫn được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo trong thời gian học lưu ban, học lại, ngừng học, hoặc học bổ sung nếu nguyên nhân lưu ban, học lại, ngừng học, hoặc học bổ sung không do bị kỷ luật.

C. Trường hợp học sinh, sinh viên chuyển lớp học, chuyển ngành học và chuyển trường:

1. Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi được chuyển lớp học hoặc chuyển ngành học trong phạm vi nội bộ trường thì nhà trường cấp lại phiếu xác nhận học sinh, sinh viên và gửi cho Phòng LĐ-TBXH nơi đang quản lý hồ sơ (hoặc danh sách) người có công với cách mạng được biết.

2. Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi được chuyển trường theo đơn thì nhà trường nơi chuyển đi giao lại đơn xin hưởng trợ cấp ưu đãi cho đối đương sự để nộp cho nhà trường nơi chuyển đến làm cơ sở cấp phiếu xác nhận.

Căn cứ vào phiếu xác nhận và thông báo của các trường, Phòng LĐ-TBXH thực hiện việc điều chỉnh thời gian và mức hưởng trợ cấp ưu đãi theo quy định tại Thông tư này.

D. Thời gian hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi một lần hàng năm trong năm học cuối cùng của khoá đào tạo được tính như sau: Thời gian học từ 3 tháng đến dưới 6 tháng được tính bằng nửa năm học để hưởng 1/2 mức trợ cấp ưu đãi một lần; thời gian học từ 6 tháng trở lên được tính bằng một năm học để hưởng cả mức trợ cấp ưu đãi một lần.

E. Chế độ trợ cấp ưu đãi đối với những học sinh, sinh viên bị kỷ luật thôi học, nghỉ học để chữa bệnh...:

1. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện theo các quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kỷ luật thôi học hoặc buộc thôi học, nghỉ học để chữa bệnh, điều kiện trở về trường tiếp tục học....

2. Trường hợp học sinh, sinh viên bị kỷ luật thôi học hay nghỉ học có liên quan đến việc cắt hoặc tạm dừng trợ cấp ưu đãi thì nhà trường gửi công văn kèm theo quyết định kỷ luật của trường đến Phòng LĐ-TBXH để có cơ sở thực hiện.

Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng ưu đãi ngừng hưởng các chế độ ưu đãi trong học tập kể từ ngày quyết định kỷ luật của nhà trường có hiệu lực.

G. Chế độ trợ cấp một lần sau khi tốt nghiệp đối với các đối tượng quy định tại Điều 66 Nghị định số 28/CP của Chính phủ:

Học sinh, sinh viên hưởng trợ cấp ưu đãi quy định tại Điều 66 Nghị định 28/CP của Chính phủ và hướng dẫn tại điểm 3 Phần II của Thông tư này sau khi thi tốt nghiệp được tiếp tục hưởng trợ cấp một lần bằng 2 tháng trợ cấp đang hưởng hàng tháng tại Phòng LĐ-TBXH nơi quản lý hồ sơ người có công, hoặc tại Phòng LĐ-TBXH nơi học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú (đối với học sinh, sinh viên là con người có công hiện còn đang công tác trong quân đội và công an).

Sau khi học sinh, sinh viên đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp, nhà trường thông báo cho Phòng LĐ-TBXH để có căn cứ chi trả khoản trợ cấp ưu đãi một lần nêu trên cho đối tượng và tiến hành thủ tục xoá tên khỏi danh sách học sinh, sinh viên hưởng trợ cấp ưu đãi.

H. Học sinh, sinh viên là đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi học ở trong nước được đi thực tập, tham quan, du lịch... ở nước ngoài từ 3 tháng trở lên thì thời gian ở nước ngoài không được tính để hưởng trợ cấp ưu đãi. Nhà trường có trách nhiệm thông báo cho phòng LĐ-TBXH cụ thể thời gian học sinh, sinh viên ở nước ngoài để làm thủ tục tạm dừng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Khi học sinh, sinh viên về nước và tiếp tục theo học thì nhà trường có công văn gửi Phòng LĐ-TBXH đề nghị tiếp tục thực hiện việc chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho đối tượng kể từ ngày được nhập học lại.

IV. CÔNG TÁC LẬP DỰ TOÁN, CẤP PHÁT, QUẢN LÝ VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ:

1. Nguồn kinh phí:

Nguồn kinh phí để chi trả trợ cấp ưu đãi cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo (trợ cấp một lần và hàng tháng) là các đối tượng quy định tại điều 64, 65, 66 của Nghị định 28/CP và hướng dẫn tại thông tư này do ngân sách Trung ương đảm bảo; Phương thức quản lý, lập dự toán, cấp phát, quyết toán khoản kinh phí này thực hiện theo chế độ hiện hành.

Riêng năm học 1999 - 2000 các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập dự toán kinh phí để thực hiện chế độ ưu đãi này gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Thương binh Liệt sĩ và Người có công) chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 năm 1999 để tổng hợp và điều chỉnh kinh phí phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Khoản kinh phí chi trả năm 1999 tăng do nâng số tháng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng đối với học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách ưu đãi theo Điều 66 của Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 04 năm 1995 của Chính phủ từ 10 tháng lên 12 tháng sắp xếp trong dự toán chi bảo đảm xã hội đã giao năm 1999.

2. Phương thức và thời gian chi trả:

2.1. Phương thức chi trả:

Các Phòng LĐ-TBXH thực hiện việc chi trả trợ cấp ưu đãi trong giáo dục và đào tạo cùng với các chế độ trợ cấp khác cho đối tượng chính sách, cụ thể như sau:

a) Đối tượng học sinh, sinh viên là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động; thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, con của liệt sỹ; con của thương binh, con của bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh: Phòng LĐ- TBXH nơi đang quản lý hồ sơ (hoặc danh sách) và chi trả trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi một lần và hàng tháng đồng thời với các khoản trợ cấp ưu đãi khác cho bản thân đối tượng hoặc cho gia đình học sinh, sinh viên.

b) Riêng đối với học sinh, sinh viên đối tượng chính sách (hoặc là con của đối tượng chính sách) hiện đang còn công tác trong quân đội hoặc công an: Phòng LĐ-TBXH nơi gia đình học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi một lần và hàng tháng.

2.2. Thời gian chi trả:

a) Trợ cấp ưu đãi một lần: được chi trả vào đầu năm học để học sinh, sinh viên mua sách vở và đồ dùng học tập.

b) Trợ cấp ưu đãi hàng tháng được cấp 12 tháng trong năm và được chi trả vào hai học kỳ:

- Học kỳ I chi trả vào tháng 11 hoặc tháng 12 hàng năm.

- Học kỳ II chi trả vào tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm.

Nếu vì lý do nào đó việc chi trả trợ cấp ưu đãi cho học sinh, sinh viên không theo kịp thời hạn như đã quy định thì đương sự được nhận truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.

Hàng năm, các Phòng LĐ-TBXH có trách nhiệm quyết toán với Sở LĐ-TBXH theo chế độ kế toán tài chính Nhà nước hiện hành về số lượng đối tượng được hưởng trợ cấp ưu đãi (bao gồm cả con của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh hiên đang còn công tác trong quân đội hoặc công an), số tiền đã chi, số tiền chưa chi, và các chứng từ liên quan đến việc chi trả trợ cấp.

Các khoản trợ cấp ưu đãi hưởng không đúng chế độ, quy định đều phải truy hoàn để nộp vào ngân sách Nhà nước.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 09 năm 1999 và thay thế cho Thông tư số 07/TTLB "Hướng dẫn thi hành chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và con của họ đang học tại các trường" của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 27 tháng 05 năm 1996.

2. Thông tư này thống nhất thực hiện đối với các cơ sở giáo dục - đào tạo công lập, bán công (đối với các chế độ ưu đãi quy định tại Điều 64, 65 và 66 của Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 04 năm 1995 của Chính phủ) và các cơ sở giáo dục - đào tạo dân lập (đối với các chế độ ưu đãi quy định tại Điều 64, 65 của Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 04 năm 1995 của Chính phủ).

3. Đối với các đối tượng thuộc đối tượng hưởng chế độ ưu đãi trong học tập, đã lập hồ sơ và đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi theo quy định tại Thông tư số 07/TT-LB ngày 27 tháng 05 năm 1996 thì Phòng LĐ-TBXH nơi nhà trường đóng lập phiếu chuyển (mẫu số 3) và giao các trường chuyển đến học sinh, sinh viên để nộp cho Phòng LĐ-TBXH nơi đang quản lý hồ sơ (hoặc danh sách) và chi trả trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng.

Nhận được phiếu chuyển do đối tượng chính sách nộp, các Phòng LĐ-TBXH nơi đang quản lý hồ sơ (hoặc danh sách) và thực hiện chi trả trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng xem xét và làm thủ tục chi trả tiếp phần trợ cấp ưu đãi còn lại của học sinh, sinh viên theo quy định tại Thông tư này;

4. Các Phòng LĐ-TBXH có trách nhiệm phối hợp với các trường khẩn trương tiến hành thanh quyết toán kinh phí trợ cấp ưu đãi trong giáo dục và đào tạo theo quy định tại Thông tư số 07/TT-LB ngày 27 tháng 05 năm 1996 và báo cáo Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong quý IV năm 1999.

5. Các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Tài chính - Vật giá; Sở Giáo dục và Đào tạo; và Kho bạc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chu đáo, đầy đủ các nội dung quy định tại Thông tư này; đồng thời có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc chấp hành chính sách ưu đãi trong giáo dục và đào tạo cho học sinh, sinh viên ở địa phương.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về liên Bộ để được xem xét giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Tấn Phát

Nguyễn Thị Kim Ngân

Nguyễn Đình Liêu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.