CHỈ THỊ
Về chấn chỉnh việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
_________________________________
Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của các sở, ban, ngành tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là các cơ quan, đơn vị) đã có nhiều chuyển biến tích cực, nề nếp, đảm bảo cơ bản được yêu cầu chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, công tác này đã bộc lộ một số hạn chế như: việc báo cáo chưa đảm bảo đúng thời gian quy định, thông tin chậm, nội dung tổng hợp chưa đầy đủ, thiếu chính xác, mức độ khái quát thấp, chưa phản ánh được bản chất vấn đề; sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị chưa nhịp nhàng; phương thức gửi và nhận báo cáo còn phụ thuộc nhiều vào giấy tờ hành chính. Đặc biệt, một số nội dung, sự việc đột xuất phát sinh của ngành, địa phương chưa được thông tin báo cáo xin ý kiến chỉ đạo kịp thời, làm ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý, giải quyết vấn đề.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại nêu trên là do chưa thống nhất được thời gian báo cáo và đầu mối tiếp nhận báo cáo của các cơ quan, đơn vị dẫn đến cùng một nội dung có nhiều đơn vị yêu cầu báo cáo với mốc thời gian khác nhau nên số liệu thống kê chưa thống nhất, thiếu chính xác; Thủ trưởng của một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo thực hiện chế độ thông tin, báo cáo; kỷ luật thông tin, báo cáo chưa nghiêm, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thông tin, báo cáo chưa được chú trọng, thiếu đồng bộ. Cán bộ làm công tác tổng hợp báo cáo ít được quan tâm bồi dưỡng về kỹ năng khai thác, phân tích thông tin, tổng hợp báo cáo.
Để khắc phục tình hình trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả chế độ thông tin, báo cáo, đáp ứng yêu cầu và phục vụ kịp thời cho sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc những nội dung sau:
1. Chấp hành nghiêm chế độ thông tin, báo cáo; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh tính chính xác của báo cáo; đảm bảo yêu cầu về thẩm quyền, thể thức và nội dung; phản ánh được những kết quả nổi bật; đồng thời, đánh giá những vấn đề còn tồn tại yếu kém, phân tích rõ nguyên nhân, đề xuất, nêu chính kiến giải quyết vướng mắc phát sinh (nếu có).
2. Tổ chức theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, các ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đúng yêu cầu về nội dung và thời gian. Lập và gửi các báo cáo định kỳ theo đúng thời gian quy định, thông qua phần mềm Quản lý văn bản của UBND tỉnh và gửi file điện tử theo địa chỉ: vpubndhg@haugiang.gov.vn; sokhdt@haugiang.gov.vn, trừ các nội dung mật (đối với các đơn vị chưa sử dụng phần mềm quản lý văn bản thì gửi báo cáo bằng văn bản). Riêng đối với Cục Thống kê tỉnh thì các đơn vị phải gửi báo cáo bằng văn bản. Cụ thể như sau:
a) Báo cáo tuần: Đối với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh báo cáo tiến độ thực hiện chỉ tiêu kế hoạch của ngành.
Đối với các sở, ngành còn lại và UBND huyện, thị xã, thành phố báo cáo phản ánh về những nhiệm vụ trọng tâm đột xuất, các kiến nghị, tình hình sự việc khẩn cấp của đơn vị (nếu có).
Loại báo cáo này phải gửi đến Văn phòng UBND tỉnh trước 10 giờ ngày thứ Năm hàng tuần. Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp, xử lý thông tin và kịp thời báo cáo Thường trực UBND tỉnh.
b) Báo cáo tháng: Tổng hợp kết quả tình hình hoạt động của cơ quan, đơn vị, tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo quan trọng, đột xuất của Chính phủ, cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, nêu rõ các mặt làm được, chưa làm được, kiến nghị và đưa ra giải pháp thực hiện tháng tới. Báo cáo từ tháng 02 trở về sau phải lũy kế số liệu từ tháng 01 của năm báo cáo. Trong các báo cáo hàng tháng các cơ quan, đơn vị phải lồng ghép báo cáo tiến độ thực hiện các kết luận của Thường trực UBND tỉnh có liên quan đến cơ quan, đơn vị mình.
Loại báo cáo này các cơ quan, đơn vị gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê và Văn phòng UBND tỉnh trước ngày 20 hàng tháng.
Đối với nội dung báo cáo tháng 05 và tháng 11 được lồng ghép vào báo cáo 06 tháng và báo cáo cuối năm, trong đó: phải báo cáo rõ số liệu tháng 05 và tháng 11. Đối với báo cáo 09 tháng phải có dự báo cả năm của 03 khu vực kinh tế.
c) Báo cáo 06 tháng, báo cáo năm: Nội dung phản ánh tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và kết quả thu, chi ngân sách Nhà nước, việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND các cấp, tình hình kết quả thực hiện các văn bản chỉ đạo quan trọng, đột xuất của Chính phủ, cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh.
Loại báo cáo này, ngoài việc nêu rõ những việc đã thực hiện thời gian qua, cần đánh giá các kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân, kiến nghị và đề xuất giải pháp thực hiện thời gian tới. Trên cơ sở đó, dựa vào các chủ trương của tỉnh và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị để xây dựng phương hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của ngành hoặc địa phương tương ứng thời gian báo cáo (báo cáo này cần có phụ lục và số liệu gửi kèm).
Báo cáo 06 tháng: Các cơ quan, đơn vị phải gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê, Văn phòng UBND tỉnh chậm nhất ngày 20/5 hàng năm.
Báo cáo năm: Các cơ quan, đơn vị phải gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê, Văn phòng UBND tỉnh trước ngày 20/11 hàng năm.
Trong quá trình chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Thường trực UBND tỉnh có chỉ đạo báo cáo khác so với thời gian quy định tại Chỉ thị này thì thực hiện theo chỉ đạo đó.
d) Báo cáo đột xuất (bất thường): Trong trường hợp có những vấn đề quan trọng phát sinh đột xuất, cấp bách có liên quan đến quốc phòng - an ninh, an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội, thiên tai ... cần có sự chỉ đạo của liên ngành hoặc của UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp báo cáo với Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong đó tóm tắt tình hình diễn biến sự việc và nguyên nhân phát sinh, những biện pháp đã áp dụng xử lý, kết quả việc xử lý và những kiến nghị.
3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của cấp trên và phải kiểm tra việc thực hiện, định kỳ thông tin, báo cáo UBND tỉnh để phục vụ tốt cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng chính quyền cũng như kịp thời chỉ đạo, xử lý các vấn đề phát sinh, phức tạp.
Các ngành, các địa phương chấn chỉnh ngay chế độ thông tin, báo cáo theo nội dung và thời gian quy định cho từng loại báo cáo. Củng cố đội ngũ làm công tác thông tin, tổng hợp báo cáo; tổ chức tập huấn, đào tạo để nâng cao trình độ thu thập, xử lý thông tin và trang bị các phương tiện thông tin cần thiết để phục vụ thu thập thông tin, xử lý thông tin ngày càng tốt hơn; bảo đảm đúng nguyên tắc bảo vệ bí mật Nhà nước trong cung cấp, tiếp nhận thông tin và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin báo cáo do đơn vị mình cung cấp.
Xem xét kết quả chấp hành chế độ thông tin, báo cáo là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng công tác của cá nhân, tổ chức; xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin báo cáo từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; lập báo cáo chỉ đạo điều hành tháng, 03 tháng, 06 tháng, 09 tháng, năm và đột xuất để cung cấp thông tin cho UBND tỉnh trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cũng như phục vụ tốt các cuộc họp của UBND tỉnh và giữa UBND tỉnh với các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính quyền trên địa bàn tỉnh.
Định kỳ hàng năm kiểm tra, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện công tác thông tin, báo cáo của các cơ quan, đơn vị. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, lập danh mục các cơ quan, đơn vị chưa thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo theo quy định Chỉ thị này gửi Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh và Trưởng các khối, cụm thi đua để bình xét thi đua.
5. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm phối hợp Cục trưởng Cục Thống kê tổng hợp thông tin báo cáo từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; lập dự thảo và gửi các báo cáo hàng tháng, 06 tháng và năm về tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính quyền về UBND tỉnh và Trung ương theo quy định. Riêng đối với báo cáo 06 tháng, báo cáo năm phải kèm theo dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh đã được Sở Tư pháp thẩm định theo quy định.
Thời hạn gửi dự thảo báo cáo về Văn phòng UBND tỉnh: Báo cáo tháng gửi trước 25 hàng tháng, báo cáo 06 tháng gửi trước ngày 10/6 hàng năm và báo cáo năm gửi trước ngày 25/11 hàng năm.
6. Giám đốc Sở Nội vụ đưa chỉ tiêu gửi báo cáo làm một trong các tiêu chí để xét thi đua của tỉnh, trên cơ sở danh sách do Văn phòng UBND tỉnh cung cấp.
7. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký, thay thế Chỉ thị số 02/2011/CT-UBND ngày 16 tháng 02 năm 2011 của UBND tỉnh Hậu Giang về chấn chỉnh việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo.
Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị. Giao Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này./.