QUYẾT ĐỊNH
Ban hành quy định phân công quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
--------------------
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HOÀ BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Thanh tra ngày 14 tháng 11 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
Căn cứ Thông tư số 30/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 715/TTr-SNN ngày 27 tháng 9 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định phân công quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2024 và thay thế Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND ngày 09 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản và muối thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY ĐỊNH
Phân công quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
(Kèm theo Quyết định số 50/2024/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2024
của Ủy ban nhân dân tỉnh)
--------------
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này phân công quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Tuân thủ theo nguyên tắc quản lý của Luật An toàn thực phẩm, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Thú y, Luật Thuỷ sản, Luật Thanh tra, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị và theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quy định này. Đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ trong phối hợp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về VTNN, ATTP nông, lâm, thuỷ sản và muối.
3. Kế hoạch của cơ quan cấp dưới trùng với kế hoạch của cơ quan cấp trên thì thống nhất thực hiện theo kế hoạch của cơ quan cấp trên. Đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra không quá 01lần/năm đối với từng doanh nghiệp, cơ sở. Những vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp cơ quan cấp dưới có trách nhiệm báo cáo cơ quan cấp trên để xin ý kiến giải quyết.
Chương II
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP, AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG, LÂM, THỦY SẢN VÀ MUỐI
Điều 3. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về VTNN, ATTP nông, lâm, thuỷ sản và muối trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đối với nhiệm vụ được phân công.
2. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản và muối đối với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan.
3. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành về VTNN, ATTP nông, lâm, thuỷ sản và muối theo phạm vi quản lý và quy định của pháp luật.
4. Báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản và muối về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Điều 4. Trách nhiệm của Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Chủ trì phối hợp với các Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản và muối, báo cáo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định trước khi gửi Thanh tra tỉnh tổng hợp vào kế hoạch Thanh tra của tỉnh.
2. Chủ trì tổ chức thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản và muối theo kế hoạch hàng năm đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; quyết định tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.
3. Hàng năm tổng hợp kế hoạch kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở đề xuất của các Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tham mưu xử lý chồng chéo, trùng lặp, trước khi trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phê duyệt.
4. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên ngành của các Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tham mưu tổng hợp và báo cáo kết quả về công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định.
Điều 5. Trách nhiệm của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; Cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo quy định.
2. Tham mưu, thực hiện tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy giống lúa, giống ngô, thuốc bảo vệ thực vật kỹ thuật (nguyên liệu) và thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm, phân bón theo quy định.
3. Tham mưu, thực hiện tiếp nhận thông báo của tổ chức, cá nhân về việc buôn bán giống cây trồng (trừ giống cây trồng Lâm nghiệp).
4. Tổ chức thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất, buôn bán, chất lượng sản phẩm/hàng hóa: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng (trừ giống cây trồng Lâm nghiệp). Kiểm tra, giám sát việc thực hiện khảo nghiệm, quảng cáo: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng (trừ giống cây trồng Lâm nghiệp) trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện thu hồi đối với thuốc bảo vệ thực vật phải thu hồi và xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi theo quy định.
5. Đề xuất việc thanh tra, kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật về VTNN thuộc lĩnh vực được giao.
6. Chủ trì, tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh VTNN đối với các tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước theo kế hoạch do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
7. Phối hợp với các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị khác có liên quan trong triển khai các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát về VTNN, ATTP; hậu kiểm chất lượng sản phẩm sau công bố; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật.
8. Phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản trong việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong lĩnh vực trồng trọt khi có đề nghị bằng văn bản.
Điều 6. Trách nhiệm của Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Thẩm định và tham mưu cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.
2. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y; Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y; Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và động vật, sản phẩm động vật thủy sản vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.
3. Tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy lĩnh vực chăn nuôi, thú y.
4. Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát về chất lượng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi; điều kiện chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
5. Đề xuất việc thanh tra, kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật về VTNN thuộc lĩnh vực được giao.
6. Chủ trì, tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh VTNN đối với các tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước theo kế hoạch do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
7. Phối hợp với các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị khác có liên quan trong triển khai các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát về VTNN, ATTP; hậu kiểm chất lượng sản phẩm sau công bố; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thú y.
8. Phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản trong việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi khi có đề nghị bằng văn bản.
Điều 7. Trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Quản lý chặt chẽ theo chuỗi đối với giống các loài cây trồng lâm nghiệp chính.
2. Tham mưu, thực hiện thẩm định, quyết định công nhận hoặc quyết định huỷ bỏ công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp tại địa phương theo quy định của pháp luật. Đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các quyết định công nhận hoặc huỷ bỏ nguồn giống cây trồng lâm nghiệp.
3. Tham mưu, thực hiện thẩm định, cấp mã số cơ sở nuôi, trồng các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
4. Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát việc ghi nhãn, quảng cáo, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
5. Tổng hợp, lưu giữ thông tin về tình hình khai thác; nhập, xuất lâm sản trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc lâm sản theo quy định.
Điều 8. Trách nhiệm của Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Tham mưu, thực hiện cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (trừ trường hợp cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ); Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (trừ nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài); Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản; Giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
2. Tổ chức thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
3. Cấp mã số cơ sở nuôi, trồng các loài thủy sản thuộc Phụ lục II CITES; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp có nguồn gốc từ nuôi trồng; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản thuộc Phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi sinh sản không thuộc Phụ lục Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp.
4. Đề xuất việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về VTNN thuộc lĩnh vực được giao.
5. Chủ trì, tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh VTNN đối với các tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước theo kế hoạch do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
6. Phối hợp với các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị khác có liên quan trong triển khai các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát về VTNN, ATTP; hậu kiểm chất lượng sản phẩm sau công bố; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực thuỷ sản.
7. Phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản trong việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản khi có đề nghị bằng văn bản.
Điều 9. Trách nhiệm của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Đầu mối tham mưu, tổng hợp giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông, lâm, thuỷ sản, muối.
2. Tham mưu, thực hiện cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.
3. Quản lý an toàn thực phẩm đối với khu vực và trung tâm logistic nông sản, chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản trên địa bàn tỉnh. Kiểm soát ATTP tại chợ thuỷ sản đầu mối trên địa bàn tỉnh.
4. Quản lý hoạt động chứng nhận hợp quy, tiếp nhận và quản lý hồ sơ tự công bố sản phẩm đối với các sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Quản lý hoạt động kiểm nghiệm, tổ chức cung ứng dịch vụ công về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản theo quy định của pháp luật.
6. Thống kê, đánh giá, phân loại về điều kiện bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản, lâm sản, thuỷ sản và muối.
7. Hướng dẫn, kiểm tra về chất lượng ATTP đối với sản phẩm nông sản, lâm sản, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
8. Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc xây dựng mô hình xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
9. Chủ trì, thực hiện các chương trình giám sát lấy mẫu về an toàn thực phẩm; hậu kiểm chất lượng sản phẩm sau công bố. Truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo ATTP nông, lâm, thuỷ sản theo quy định.
10. Là cơ quan đầu mối, tổng hợp tham mưu báo cáo công tác quản lý VTNN, ATTP nông, lâm, thuỷ sản và muối định kỳ hoặc đột xuất theo quy định.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
1. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về VTNN, ATTP nông, lâm, thuỷ sản và muối trên địa bàn huyện, thành phố.
2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý VTNN, ATTP nông, lâm, thuỷ sản và muối trên địa bàn huyện, thành phố.
3. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản và muối trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản và muối tại các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan trên địa bàn huyện, thành phố. Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hoặc đột xuất theo quy định.
Điều 11. Trách nhiệm của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố
1. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và trước pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về VTNN, ATTP nông, lâm, thuỷ sản và muối trên địa bàn theo phân công quản lý.
2. Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các quy định về VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản và muối.
3. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý Trang trại chuyên ngành Trồng trọt, Trang trại chuyên ngành Chăn nuôi (quy mô vừa, quy mô nhỏ), Trang trại chuyên ngành nuôi trồng thuỷ sản, Trang trại tổng hợp.
4. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện các quy định quản lý nhà nước về VTNN, ATTP. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố kế hoạch kiểm tra Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn việc thực hiện các quy định của pháp luật về VTNN, ATTP trên địa bàn.
5. Phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện để sản xuất, kinh doanh VTNN, ATTP.
6. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác quản lý về VTNN, ATTP và các nhiệm vụ được giao theo quy định.
Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
1. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và trước pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản và muối trên địa bàn đối với các cơ sở nhỏ lẻ.
2. Tổ chức ký cam kết, định kỳ kiểm tra việc thực hiện cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện để sản xuất, kinh doanh VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản và muối.
4. Thực hiện báo cáo kết quả công tác quản lý VTNN, ATTP theo phân công về Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố (qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế thành phố) để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Điều 13. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy định này trên địa bàn tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy định này trên địa bàn.
3. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản và muối. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc, thu hồi, xử lý sản phẩm không đảm bảo chất lượng, ATTP.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ tại Quy định này về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) theo định kỳ hàng tháng, quý, năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu theo quy định.
5. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc những nội dung phát sinh mới cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.