Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành “Quy định Tiêu chí phân loại xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình”

_____________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HOÀN BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17/4/2008 của Chính phủ - Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn thi hành các Điều 11, Điều 14, Điều 16, Điều 22 và Điều 26 của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 670/TTr-SNV ngày 26/4/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định Tiêu chí phân loại xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Quang

QUY ĐỊNH

Tiêu chí phân loại xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình

(Ban hành kèm theo Quyết định số:11 /2014/QĐ-UBND ngày 24/6/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)

_______________________________

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh.

Quy định này quy định tiêu chí, phương pháp, thẩm quyền, trình tự và thủ tục phân loại xóm (thôn, làng, xóm, bản.sau đây gọi chung là xóm, được tổ chức ở xã); tổ dân phố (tổ dân phố, khu phố, khối phố, tiểu khu... sau đây gọi chung là tổ dân phố, được tổ chức ở phường, thị trấn) thuộc tỉnh Hòa Bình.

Điều 2. Mục đích phân loại xóm, tổ dân phố.

1. Hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền xã, phường, thị trấn.

2. Phân loại xóm, tổ dân phố trên toàn tỉnh để làm cơ sở bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách và mức phụ cấp cho phù hợp với từng loại xóm, tổ dân phố theo quy định; nâng cao trách nhiệm hoạt động của trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố.

Điều 3. Nguyên tắc phân loại xóm, tổ dân phố.

Phân loại xóm, tổ dân phố phải đảm bảo tính thống nhất, tính khoa học, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Chương II

PHƯƠNG PHÁP, THẨM QUYỀN VÀ

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC PHÂN LOẠI XÓM, TỔ DÂN PHỐ

Điều 4. Loại và tiêu chí phân loại xóm, tổ dân phố.

1. Xóm, tổ dân phố được phân làm ba loại cụ thể như sau:

a) Xóm, tổ dân phố loại 1.

b) Xóm, tổ dân phố loại 2.

c) Xóm, tổ dân phố loại 3.

2. Tiêu chí phân loại:

a) Số hộ gia đình.

b) Số nhân khẩu.

c) Diện tích đất ở.

d) Các yếu tố đặc thù.

Điều 5. Cách thức, phương pháp tính điểm.

Các cụm từ sau đây được hiểu là:

- Số hộ gia đình: Là số hộ đã có đăng ký Sổ hộ khẩu trên địa bàn theo quy định.

- Số nhân khẩu: Được tính bao gồm nhân khẩu đã có đăng ký hộ khẩu thường trú và nhân khâu đã đăng ký tạm trú thường xuyên từ một năm trở lên ở xóm, tổ dân phố như: Học sinh, sinh viên ở các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề; công nhân lao động ở các khu công nghiệp, nhà máy.

- Diện tích đất ở: Được quy định tại Thông tư số 08/2007/TT-BTNMT ngày 02/8/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

- Các yếu tố đặc thù: Là tiêu chí phản ánh những đặc điểm riêng của từng vùng, từng địa phương có liên quan, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước; gồm: Khu vực, tỷ lệ người dân tộc ít người, tỷ lệ tín đồ tôn giáo,.. được cơ quan có thẩm quyền quy định, công nhận.

+ Khu vực: Đặc biệt khó khăn, vùng CT229, vùng cao,... căn cứ vào các quy định công nhận của các cơ quan có thẩm quyền.

+ “Tỷ lệ người dân tộc ít người” của một xóm, tổ dân phố được tính như sau: Là tỷ lệ phần trăm (%) giữa “Tổng số nhân khẩu là người dân tộc ít người theo quy định như: Dân tộc Mường, dân tộc Thái,...” trên “Tổng số nhân khẩu” của một xóm, tổ dân phố đó.

+ “Tỷ lệ tín đồ tôn giáo” của một xóm, tổ dân phố được tính như sau: Là tỷ lệ phần trăm (%) giữa “Tổng số nhân khẩu là tín đồ theo các tôn giáo, như: Đạo phật, đạo Thiên chúa giáo, đạo Tin lành,... ” trên “Tổng số nhân khẩu” của một xóm, tổ dân phố đó.

1. Đối với xóm:

a) Về số hộ gia đình: Xóm có dưới 100 hộ được tính 35 điểm; xóm có từ 100 đến 250 hộ, cứ tăng 50 hộ được tính thêm 18 điểm và được tính từ 36 điểm đến 89 điểm; xóm có trên 250 hộ, cứ tăng 50 hộ được tính thêm 11 điểm và được tính từ 90 điểm đến không quá 200 điểm.

b) Về số nhân khẩu: Xóm có dưới 400 nhân khẩu được tính 35 điểm; xóm có từ 400 đến 1.000 nhân khẩu, cứ tăng 200 nhân khẩu được tính thêm 18 điểm và được tính từ 36 điểm đến 89 điểm; xóm có trên 1.000 nhân khẩu, cứ tăng 200 nhân khẩu được tính thêm 11 điểm và được tính từ 90 điểm đến không quá 200 điểm.

c) Về diện tích đất ở: Xóm có dưới 10 ha được tính 25 điểm; xóm có từ 10 đến 25 ha, cứ tăng 05 ha được tính thêm 11 điểm và được tính từ 26 đến 55 điểm; xóm có trên 25 ha, cứ tăng 05 ha được tính thêm 09 điểm và được tính từ 56 điểm đến không quá 100 điểm.

d) Các yếu tố đặc thù:

- Khu vực: Xóm đặc biệt khó khăn, xóm vùng CT229, khu vực vùng cao được tính 10 điểm (không cộng dồn).

- Tỷ lệ người dân tộc ít người: Xóm có tỷ lệ người dân tộc ít người chiếm từ 30% đến 50% số nhân khẩu được tính 10 điểm, trên 50% số khẩu được tính 15 điểm.

- Tỷ lệ tín đồ tôn giáo: Xóm có tỷ lệ tín đồ tôn giáo chiếm từ 30% đến 50% số nhân khẩu được tính 10 điểm, trên 50% số nhân khẩu được tính 15 điểm.

2. Đối với tổ dân phố:

a) Về số hộ gia đình: Tổ dân phố có dưới 150 hộ được tính 35 điểm; tổ dân phố có từ 150 đến 300 hộ, cứ tăng 50 hộ được tính thêm 17 điểm và được tính từ 36 điểm đến 86 điểm; tổ dân phố có trên 300 hộ, cứ tăng 50 hộ được tính thêm 12 điểm và được tính từ 87 điểm đến không quá 200 điểm.

b) Về số nhân khẩu: Tổ dân phố có dưới 600 nhân khẩu được tính 35 điểm; tổ dân phố có từ 600 đến 1.200 nhân khẩu, cứ tăng 200 nhân khẩu được tính thêm 17 điểm và được tính từ 36 điểm đến 86 điểm; tổ dân phố có trên 1.200 nhân khẩu, cứ tăng 200 nhân khẩu được tính thêm 12 điểm và được tính từ 87 điểm đến không quá 200 điểm.

c) Về diện tích đất ở: Tổ dân phố có dưới 05 ha được tính 35 điểm; tổ dân phố có từ 05 đến 11 ha, cứ tăng 02 ha được tính thêm 11 điểm và được tính từ 26 đến 58 điểm; tổ dân phố có trên 11 ha, cứ tăng 02 ha được tính thêm 08 điểm và được tính từ 59 điểm đến không quá 100 điểm.

d) Các yếu tố đặc thù:

- Khu vực: Tổ dân phố thuộc thị trấn vùng cao được tính 10 điểm.

- Tỷ lệ người dân tộc ít người: Tổ dân phố có Tỷ lệ người dân tộc ít người chiếm từ 30 đến 50% số nhân khẩu được tính 10 điểm, trên 50% số nhân khẩu được tính 15 điểm.

- Tỷ lệ tín đồ tôn giáo: Tổ dân phố có tỷ lệ tín đồ tôn giáo chiếm từ 30% đến 50% số nhân khẩu được tính 10 điểm, trên 50% số nhân khẩu được tính 15 điểm.

3. Phương pháp tính điểm theo các tiêu chí phân loại:

a) Về số hộ gia đình:

Xóm, tổ dân phố có số hộ nằm trong khung từ số hộ nhỏ đến số hộ lớn của khung đó và có số hộ trên khung hộ tối đa thì tính theo công thức sau:

Đh =

H1 - H2

x Ia + Ib

50

 

Đh là số điểm về hộ cần tính, H1 là số hộ hiện có, H2 là số hộ đầu của khung, 50 là số hộ tăng được tính điểm; Ia là số điểm được tính khi tăng thêm 50 hộ trong khung, Ib là tổng số điểm được tính tối đa của khung trước đó.

Ví dụ 1: Xóm Miều, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình có 174 hộ, cách tính điểm như sau:

- Xác định xóm Miều, áp dụng theo điểm a, khoản 1 Điều này, thuộc khung xóm có từ 100 hộ đến 250 hộ.

- Số điểm:

Đh =

174 (H1) - 100 (H2)

x 18 (Ia) + 35 (Ib) = 61,64 điểm.

50

 

- Ví dụ 2: Tiểu khu 12, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn có 337 hộ, cách tính điểm như sau:

- Xác định Tiểu khu 12, áp dụng điểm a, khoản 2, Điều này, thuộc khung tổ dân phố có trên 300 hộ.

- Số điểm:

Đh =

337 (H1) - 300 (H2)

x 12 (Ia) + 86 (Ib) = 94,88 điểm.

50

 

b) Về số nhân khẩu:

Xóm, tổ dân phố có số nhân khẩu nằm trong khung từ số nhân khẩu nhỏ đến số nhân khẩu lớn của khung đó và có nhân khẩu trên khung nhân khẩu tối đa thì tính theo công thức sau:

Đd =

D1 - D2

x Sa + Sb

200

 

Đd là số điểm về nhân khẩu cần tính, D1 là số nhân khẩu hiện có, D2 là số nhân khẩu đầu của khung, 200 là số nhân khẩu tăng được tính điểm. Sa là số điểm được tính khi tăng thêm 200 nhân khẩu trong khung, Sb là tổng số điểm được tính tối đa của khung trước đó.

Ví dụ 1: Xóm Miều, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình có 703 nhân khẩu, cách tính điểm như sau:

- Xác định xóm Miều, áp dụng điểm b, khoản 1 Điều này, thuộc khung xóm có từ 400 nhân khẩu đến 1.000 nhân khẩu.

- Số điểm:

Đd =

703 (D1) - 400 (D2)

x 18 (Sa) + 35 (Sb) = 62,27 điểm.

200

 

Ví dụ 2: Tiểu khu 12, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn có 1.447 nhân khẩu, cách tính điểm như sau:

- Xác định Tiểu khu 12, áp dụng điểm b, khoản 2, Điều này, thuộc khung tổ dân phố có trên 1.200 nhân khẩu.

- Số điểm:

Đd =

1.210 (D1) - 1.200 (D2)

x 12 (Sa) + 86 (Sb) = 100,82 điểm.

200

 

c) Diện tích đất ở:

Xóm, tổ dân phố có diện tích đất ở nằm trong khung từ diện tích nhỏ đến diện tích lớn của khung đó và có diện tích trên khung tối đa thì tính theo công thức sau:

Đs =

S1 - S2

x Ka + Kb

05 (xóm) hoặc 02 (tổ dân phố)

 

Đs là số điểm về diện tích đất ở cần tính, S1 là số diện tích đất ở hiện có, S2 là số diện tích đất ở đầu của khung, 05 (đối với xóm) hoặc 02 (đối với tổ dân phố) là số diện tích đất ở tăng được tính điểm, Ka là số điểm tính khi diện tích đất ở tăng trong khung, Kb là tổng số điểm được tính tối đa của khung trước đó.

Ví dụ 1: Xóm “Phố Ngọc”, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình có 12,15 ha đất ở, cách tính điểm như sau:

- Xác định xóm “Phố Ngọc”, áp dụng điểm c, khoản 1, Điều này thuộc khung từ 10 ha đến 25 ha.

- Số điểm:

Đs =

12,15 (S1) - 10 S2)

x 11 (Ka) + 25 (Kb) = 29,30 điểm.

5

 

Ví dụ 2: Tổ 27, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình có 5,73 ha đất ở; cách tính điểm như sau:

- Xác định Tổ 27, áp dụng điểm c, khoản 2, Điều này thuộc khung có từ 5 đến 11 ha.

- Số điểm:

Đs =

5,73 (S1) - 5 (S2)

x 11 (Ka) + 25 (Kb) = 29,02 điểm.

2

 

Điều 6. Khung điểm để phân loại xóm, tổ dân phố.

1. Số điểm để phân loại từng xóm, tổ dân phố: Căn cứ vào tổng số điểm của các tiêu chí cộng lại.

2. Việc phân loại xóm, tổ dân phố căn cứ vào khung điểm sau:

a) Xóm, tổ dân phố loại 1 có từ 221 điểm trở lên.

b) Xóm, tổ dân phố loại 2 có từ 141 đến 220 điểm.

c) Xóm, tổ dân phố loại 3 có từ 140 điểm trở xuống.

Điều 7. Thẩm quyền; trình tự, thủ tục và hồ sơ phân loại xóm, tổ dân phố.

1. Thẩm quyền: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận phân loại xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình.

2. Trình tự, thủ tục và hồ sơ phân loại xóm, tổ dân phố:

a) Lập hồ sơ ban đầu: Uỷ ban nhân dân cấp xã lập Bảng thống kê tổng hợp các tiêu chí phân loại; trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

b) Uỷ ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp: Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ ban đầu; tổ chức thẩm định các tiêu chí, cách thức tính điểm phân loại xóm, tổ dân phố; lập hồ sơ phân loại xóm, tổ dân phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua.

c) Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoàn thiện hồ sơ, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh: Sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện thông qua; trong thời hạn 10 ngày làm việc, Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoàn thiện hồ sơ, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định phân loại xóm, tổ dân phố (quy định tại khoản 3, Điều này; qua Sở Nội vụ).

d) Sở Nội vụ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh: Sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ của Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố gửi đến; trong thời hạn 20 ngày làm việc, Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì tổ chức thẩm định, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định phân loại xóm, tổ dân phố.

đ) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định phân loại xóm, tổ dân phố: Sau khi nhận được Tờ trình và kết quả thẩm định của Sở Nội vụ, hồ sơ trình của Uỷ ban nhân dân cấp huyện; trong thời hạn 15 ngày làm việc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định phân loại xóm, tổ dân phố.

e) Hồ sơ phân loại xóm, tổ dân phố:

Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoàn thiện trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (số lượng 02 bộ, bản chính, qua Sở Nội vụ) gồm:

- Tờ trình của Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

- Nghị quyết thông qua của Hội đồng nhân dân cấp huyện.

- Tờ trình của Uỷ ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp.

- Báo cáo tổng hợp kết quả phân loại xóm, tổ dân phố của Uỷ ban nhân dân cấp huyện (mẫu 03).

- Báo cáo chi tiết kết quả thẩm định các tiêu chí, tính điểm phân loại xóm, tổ dân phố của Uỷ ban nhân dân cấp huyện (mẫu 02).

- Tờ trình của Uỷ ban nhân dân cấp xã trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

- Bảng thống kê tổng hợp các tiêu chí phân loại của Uỷ ban nhân dân cấp xã trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện (mẫu 01).

- Các văn bản quy định yếu tố đặc thù do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Điều 8. Điều chỉnh việc phân loại xóm, tổ dân phố.

1. Sau 05 năm kể từ ngày quyết định phân loại xóm, tổ dân phố có hiệu lực; Uỷ ban nhân dân cấp huyện lập hồ sơ điều chỉnh phân loại xóm, tổ dân phố trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành xem xét, quyết định điều chỉnh việc phân loại xóm, tổ dân phố.

2. Trường hợp xóm, tổ dân phố khi điều chỉnh, chia tách, sáp nhập hoặc thành lập mới thì Uỷ ban nhân dân cấp huyện đồng thời trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh phân loại xóm, tổ dân phố đó.

Việc điều chỉnh, phân loại xóm, tổ dân phố căn cứ theo quy định tại các Điều 4, 5, 6 và Điều 7 của Quy định này.

Chương III

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Xử lý vi phạm.

Tổ chức, cá nhân có hành vi làm sai lệch hồ sơ, tài liệu trong quá trình xây dựng số liệu về các tiêu chí để tính điểm phân loại xóm, tổ dân phố hoặc làm trái với Quy định này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm thi hành, tổ chức thực hiện.

1. Giám đốc Sở Nội vụ tổ chức triển khai và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này.

2. Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân tộc, Cục Thống kê tỉnh tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thẩm định phân loại xóm, tổ dân phố.

3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy định này tại địa phương.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp, phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, hướng dẫn thêm hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Quang