QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế quản lý Hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hòa Bình
______________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008; Luật Viên chức ngày 15/11/2010; Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ Về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Thông tư số 11/2012/TT-BNV ngày 17/12/2012 của Bộ Nội vụ, Quy định chế độ báo cáo thống kê và quản lý hồ sơ công chức;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1456/TTr-SNV ngày 18/8/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hòa Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Văn Quang
|
QUY CHẾ
Quản lý Hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức bàn tỉnh Hòa Bình
(Ban hành kèm theo Quyết định số:20 /QĐ-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2014 của UBND tỉnh Hòa Bình).
_______________________________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng hồ sơ điện tử của cán bộ, công chức, viên chức (hồ sơ điện tử) trên địa bàn tỉnh Hòa bình.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với:
a) Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hòa bình.
b) Cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Quy chế này bao gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Hồ sơ điện tử là tập hợp các thông tin phản ánh cơ bản nhất về cán bộ, công chức, viên chức bao gồm: Nguồn gốc xuất thân, quá trình công tác, hoàn cảnh kinh tế, phẩm chất, trình độ, năng lực, các mối quan hệ gia đình và xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, thể hiện ở Phiếu cán bộ, công chức, viên chức và hồ sơ công chức, viên chức được chuyển thành kỹ thuật số và lưu trữ trên máy tính nhằm ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong quản lý và khai thác thông tin hồ sơ của cán bộ, công chức, viên chức.
2. Phiếu cán bộ, công chức, viên chức dùng cho phần mềm quản lý hồ sơ điện tử là tài liệu tóm tắt về bản thân và các mối quan hệ gia đình, xã hội của cán bộ, công chức, viên chức dùng để cập nhật vào phần mềm quản lý hồ sơ điện tử.
3. Tài khoản người dùng là tên và mật khẩu để đăng nhập vào phần mềm quản lý Hồ sơ điện tử.
4. Quản lý tài khoản người dùng là việc tạo mới, cấp phát, hạn chế, mở rộng hoặc huỷ bỏ quyền đăng nhập vào phần mềm quản lý hồ sơ điện tử.
5. Cơ quan có thẩm quyền quản lý hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Quy chế này gồm:
a) Đối với cán bộ, công chức: Là cơ quan được giao thẩm quyền quản lý, phân công, bố trí, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức.
b) Đối với viên chức: là đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp sử dụng viên chức.
Điều 4. Phần mềm quản lý hồ sơ điện tử
1. Phần mềm quản lý hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức là bộ công cụ để phục vụ việc sử dụng, khai thác các thông tin từ hồ sơ điện tử (sau đây gọi chung là phần mềm quản lý hồ sơ điện tử); là thành phần trong hệ thống mạng thông tin tỉnh Hòa Bình, được cài đặt trên máy chủ đặt tại Trung tâm Công nghệ thông tin, thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hòa bình.
2. Phần mềm quản lý hồ sơ điện tử do Trung tâm Thông tin - Bộ Nội vụ cung cấp.
3. Địa chỉ truy cập phần mềm quản lý hồ sơ điện tử tại:
http://sonoivu.hoabinh.gov.vn:8888
Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm
Hồ sơ điện tử được quản lý, sử dụng và bảo quản theo chế độ tài liệu mật do nhà nước quy định. Nghiêm cấm các hành vi:
1. Sử dụng thông tin hồ sơ điện tử vào mục đích vụ lợi cá nhân, các mục đích xuyên tạc sự thật, bôi xấu cán bộ, công chức, viên chức làm ảnh hưởng hoặc chống phá cơ quan nhà nước.
2. Cung cấp hoặc để lộ tên và mật khẩu đăng nhập vào phần mềm quản lý hồ sơ điện tử cho cá nhân, tổ chức không được giao quyền và trách nhiệm quản lý sử dụng.
3. Làm lộ bí mật nhà nước; truy nhập trái phép vào phần mềm quản lý hồ sơ điện tử; khai thác và sử dụng các thông tin hồ sơ điện tử vào mọi mục đích.
Chương II
QUẢN LÝ, KHAI THÁC HỒ SƠ ĐIỆN TỬ
Điều 6. Quản lý tài khoản đăng nhập hồ sơ điện tử
1. Cơ quan, đơn vị quản lý hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức được cấp tài khoản người dùng để đăng nhập, khai thác sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức.
2. Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được phép sử dụng tài khoản quản trị của Uỷ ban nhân dân tỉnh để cấp, phân quyền tài khoản người dùng cho các cơ quan, đơn vị quản lý hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện chức năng nghiệp vụ về công tác cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị có nhu cầu phân cấp tài khoản người dùng cho các đơn vị trực thuộc, thống nhất với Sở Nội vụ bằng văn bản để được cấp bổ sung.
3. Cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác, sử dụng hồ sơ điện tử có trách nhiệm bảo đảm an toàn tài khoản người dùng của cơ quan, đơn vị.
Điều 7. Mô hình tổ chức hồ sơ điện tử
Hồ sơ điện tử của tỉnh được tổ chức theo mô hình 3 cấp như sau:
1. Cấp một là cấp có trách nhiệm cập nhật, quản lý và khai thác hồ sơ điện tử ở các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quản lý hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức.
2. Cấp hai là cấp có trách nhiệm cập nhật, quản lý và khai thác hồ sơ điện tử ở các sở, ban ngành, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố. Cấp hai có trách nhiệm quản lý, tổ chức triển khai phần mềm quản lý hồ sơ điện tử; tổng hợp hồ sơ điện tử của các cơ quan, đơn vị cấp một.
3. Cấp ba là cấp có trách nhiệm quản lý, tổ chức triển khai phần mềm quản lý hồ sơ điện tử; tổng hợp và lưu trữ hồ sơ điện tử của các cơ quan, đơn vị cấp một và cấp hai.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình thống nhất quản lý hồ sơ điện tử và uỷ quyền cho Sở Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của phần mềm Quản lý hồ sơ điện tử theo quy định của quy chế này và các quy định khác của pháp luật.
Điều 8. Nguyên tắc quản lý hồ sơ điện tử
1. Hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được quản lý, sử dụng và bảo quản theo chế độ tài liệu mật do Nhà nước quy định, chỉ những người được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý hồ sơ cán bộ, công chức đồng ý bằng văn bản mới được nghiên cứu, khai thác hồ sơ của cán bộ, công chức, viên chức.
2. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý hồ sơ công chức, viên chức theo quy định tại Khoản 6, Điều 51 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và Điểm đ, Khoản 1, Điều 49 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP có trách nhiệm quản lý hồ sơ điện tử của cơ quan, đơn vị mình.
3. Thông tin trong hồ sơ điện tử phải thống nhất với hồ sơ giấy.
4. Hồ sơ điện tử phải được cập nhật, bổ sung các thông tin thường xuyên, kịp thời, đầy đủ và chính xác.
5. Thường xuyên kiểm tra và có biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hồ sơ điện tử.
6. Bảo đảm tính tương thích trong toàn hệ thống thông tin liên quan đến hồ sơ điện tử khi có sự thay đổi về thiết bị và công nghệ.
Điều 9. Quy trình lập phiếu cán bộ, công chức, viên chức và cập nhật hồ sơ điện tử
Cơ quan, đơn vị được giao quản lý hồ sơ có trách nhiệm cập nhật những biến động thường xuyên về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức do cơ quan, đơn vị mình quản lý vào phần mềm quản lý hồ sơ điện tử cụ thể như sau:
1. Lập hồ sơ mới:
a) Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm cập nhật đầy đủ thông tin cán bộ, công chức, viên chức hiện có mặt theo biên chế giao vào phần mềm quản lý hồ sơ điện tử.
b) Trong thời gian 30 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, cơ quan có thẩm quyền quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức kê khai Phiếu cán bộ, công chức, viên chức (theo mẫu ban hành kèm theo quy chế này), đồng thời cập nhật vào phần mềm quản lý hồ sơ điện tử theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều này.
2. Cập nhật thông tin hồ sơ điện tử đã có:
a) Đối với thông tin thay đổi từ phía cơ quan quản lý nhà nước như: đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, điều động, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật... cơ quan có thẩm quyền quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm cập nhật thông tin vào hồ sơ điện tử của người đó (thời gian chậm nhất không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản có hiệu lực).
b) Đối với thông tin thay đổi từ phía cá nhân như: kê khai tài sản, thuế thu nhập cá nhân, kết hôn, ly hôn... cá nhân có trách nhiệm kê khai với cơ quan, đơn vị theo định kỳ được thực hiện đồng thời cùng việc kê khai phiếu bổ sung lý lịch hàng năm hoặc theo yêu cầu quản lý của cơ quan, đơn vị để tiến hành cập nhật vào hồ sơ điện tử.
Điều 10. Điều chuyển, tiếp nhận hồ sơ điện tử
Cán bộ, công chức, viên chức được điều động, luân chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc được bổ nhiệm chức vụ thuộc cơ quan khác quản lý, thì hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức đó được chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mới quản lý theo thẩm quyền:
1. Chuyển tới cơ quan, đơn vị trong cùng một sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý hồ sơ có trách nhiệm điều chuyển hồ sơ điện tử đến cơ quan, đơn vị mới (chậm nhất không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền quản lý hồ sơ ban hành văn bản).
2. Chuyển ra ngoài tới cơ quan, đơn vị không cùng sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức có trách nhiệm điều chuyển hồ sơ điện tử đến cơ quan, đơn vị mới (chậm nhất không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền quản lý hồ sơ ban hành văn bản); cơ quan, đơn vị tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển tiếp hồ sơ điện tử đến cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức (chậm nhất không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền quản lý hồ sơ ban hành văn bản).
3. Chuyển sang khối Đảng, Đoàn thể và ra ngoài tỉnh.
Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức có trách nhiệm điều chuyển hồ sơ điện tử sang khối Đảng, đoàn thể hoặc ra ngoài tỉnh theo quy trình trên phần mềm (chậm nhất không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền quản lý hồ sơ ban hành văn bản).
Điều 11. Lưu trữ hồ sơ điện tử
1. Hồ sơ điện tử phải được lưu trữ lâu dài để phục vụ công tác nghiên cứu và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức.
2. Việc lưu trữ phải thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn đối với hồ sơ điện tử theo các quy định hiện hành.
3. Hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, thôi việc, từ trần vẫn được lưu trữ ở cơ quan, đơn vị để theo dõi.
Điều 12. Khai thác hồ sơ điện tử
1. Khai thác hồ sơ điện tử là việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, các chức năng tra cứu, tìm kiếm thông tin về cán bộ, công chức, viên chức hoặc tổng hợp các tiêu chí thông tin, kết xuất các thông tin, lập các bảng biểu thống kê, báo cáo và in các kết quả xử lý được ra màn hình hoặc ra giấy.
2. Quyền sử dụng và khai thác hồ sơ điện tử bao gồm các quyền như: quyền quản trị là quyền được toàn quyền cập nhật, sửa chữa, xử lý sao chép, loại bỏ một phần hoặc toàn bộ hồ sơ điện tử; quyền cập nhật hồ sơ điện tử là quyền được cập nhật, sao chép, sửa chữa hồ sơ điện tử...
3. Cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác về hồ sơ điện tử có trách nhiệm tuân thủ các quy trình về an toàn bảo mật thông tin.
Điều 13. Chế độ báo cáo công tác quản lý hồ sơ điện tử
1. Báo cáo công tác quản lý hồ sơ điện tử quy định như sau:
a) Hàng năm các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý hồ sơ điện tử thuộc thẩm quyền quản lý về Uỷ ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Nội vụ.
Thời hạn gửi báo cáo đợt 1 trước ngày 15 tháng 6; đợt 2 trước ngày 15 tháng 12.
b) Hàng năm Sở Nội vụ có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Nội vụ về tình hình thực trạng công tác quản lý hồ sơ điện tử trong toàn tỉnh.
2. Nội dung báo cáo công tác quản lý hồ sơ điện tử gồm:
a) Đánh giá việc thực hiện Quy chế quản lý hồ sơ điện tử của cơ quan, đơn vị;
b) Báo cáo thực trạng số lượng, chất lượng hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức (các thông tin được kết xuất từ phần mềm quản lý hồ sơ điện tử);
c) Tình trạng trang thiết bị phục vụ công tác quản lý hồ sơ điện tử.
Chương III
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
TRONG VIỆC VẬN HÀNH, KHAI THÁC HỒ SƠ ĐIỆN TỬ
Điều 14. Sở Nội vụ
1. Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn về quản lý hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; đề xuất việc nâng cấp phần mềm bảo đảm yêu cầu về khai thác, sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ điện tử.
2. Hướng dẫn các sở, ban, ngành, các đơn vị trực thuộc tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố khai thác, sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ điện tử.
3. Được phép sử dụng tài khoản quản trị để quản lý các tài khoản người dùng của các cơ quan, đơn vị.
4. Thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và quản lý hồ sơ điện tử của các cơ quan, đơn vị; tổng hợp, báo cáo kết quả với Bộ Nội vụ và Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 13 Quy chế này.
5. Xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người làm công tác quản lý hồ sơ điện tử.
6. Xây dựng dự toán kinh phí hàng năm để bảo đảm việc quản lý, khai thác Hồ sơ điện tử trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
7. Có trách nhiệm thông báo bằng văn bản trên Cổng thông tin điện tử của Uỷ ban nhân dân tỉnh và trang thông tin điện tử của Sở Nội vụ cho các cơ quan, đơn vị về việc xảy ra sự cố hoặc nguy cơ xảy ra sự cố có ảnh hưởng xấu đến việc quản lý và khai thác sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ điện tử (khi phần mềm ngừng hoạt động trong 2 ngày làm việc liên tiếp).
8. Bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật an toàn, bảo mật cho việc vận hành phần mềm quản lý hồ sơ điện tử để duy trì sự hoạt động thông suốt của phần mềm quản lý hồ sơ điện tử trên môi trường mạng Internet.
9. Xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp máy chủ và hạ tầng kỹ thuật liên quan đến công tác triển khai phần mềm quản lý hồ sơ điện tử trình UBND xem xét, phê duyệt.
Điều 15. Các sở, ban, ngành; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
1. Thực hiện theo Khoản 2 Điều 8 tại Quy chế này. Trường hợp uỷ quyền cho đơn vị cấp dưới quản lý hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức, đơn vị được uỷ quyền có trách nhiệm lập phiếu cán bộ, công chức, viên chức, cập nhật thông tin cán bộ, công chức, viên chức vào hồ sơ điện tử; cơ quan uỷ quyền kiểm duyệt phiếu cán bộ, công chức, viên chức và đôn đốc kiểm tra việc nhập thông tin cán bộ, công chức, viên chức đối với đơn vị uỷ quyền.
2. Được cấp tài khoản người dùng để thực hiện việc cập nhật, quản lý và khai thác hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị mình. Quyết định phân công công chức, viên chức trực tiếp được phép sử dụng tài khoản người dùng để quản lý khai thác hồ sơ điện tử.
3. Xây dựng quy chế quản lý, sử dụng và khai thác hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình theo quy định tại Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13 Quy chế này.
4. Kiến nghị và đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến chế độ cập nhật, quản lý và khai thác hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức.
5. Xây dựng dự toán kinh phí hàng năm để bảo đảm cho việc quản lý và khai thác hồ sơ điện tử cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Điều 16. Trách nhiệm của người được phân công trực tiếp làm công tác quản lý, khai thác hồ sơ điện tử.
1. Được sử dụng tài khoản người dùng của cơ quan, đơn vị để thực hiện việc cập nhật, quản lý và khai thác hồ sơ điện tử theo phân cấp quản lý; thay đổi mật khẩu được cấp và tự bảo mật tài khoản người dùng của đơn vị.
2. Chịu trách nhiệm về tính kịp thời, chính xác của các thông tin trong hồ sơ điện tử, sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý hồ sơ điện tử để cung cấp kịp thời, nhanh chóng, chính xác phục vụ yêu cầu quản lý và tác nghiệp chuyên môn.
3. Áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn và bảo mật hồ sơ điện tử; đề xuất các biện pháp bảo đảm sử dụng và khai thác có hiệu quả hồ sơ điện tử.
4. Nghiên cứu, phát hiện và báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý hồ sơ điện tử.
5. Định kỳ báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại Điều 13 quy chế này.
6. Trường hợp mất mật khẩu phải báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị và báo cáo bằng văn bản về Sở Nội vụ để được cấp lại mật khẩu mới.
7. Thường xuyên học tập, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện Quy chế này. Tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện với Bộ Nội vụ và Uỷ ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm thực hiện việc quản lý hồ sơ điện tử của cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định tại Quy chế này.
3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quy chế này được xét khen thưởng theo quy định.
4. Cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân vi phạm các điều khoản trong Quy chế này, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc, phát sinh đề nghị các sở, ban, ngành các đơn vị sự nghiệp tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.