QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô
trong đô thị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
Căn cứ Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Thông tư số 60/2015/TT-BGTVT ngày 02/11/2015 của Bộ Giao thông Vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 373/TTr-SGTVT ngày 25/02/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô trong đô thị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
(đã ký)
Nguyễn Văn Phóng
|
ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
__________
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
_______________________
|
QUY ĐỊNH
Hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô trong đô thị
trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND
ngày 29/3/2016 của UBND tỉnh)
__________________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định: Quản lý hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa và phục vụ vệ sinh môi trường bằng xe ô tô trên địa bàn đô thị trực thuộc tỉnh, đô thị trực thuộc cấp huyện.
2. Hoạt động vận tải trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh trùng với đường đô thị và vận tải phục vụ an ninh, quốc phòng không thuộc phạm vi điều chỉnh tại quy định này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách và phục vụ vệ sinh môi trường bằng xe ô tô trong đô thị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên;
- Quy định này không áp dụng đối với xe của các cơ quan nhà nước trên địa bàn đô thị, xe của lực lượng vũ trang, xe phục vụ tang lễ.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Đô thị là các thành phố, thị xã, thị trấn được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập, là trung tâm tổng hợp hay chuyên ngành có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ nhất định.
2. Đường đô thị (đường phố) là đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị, gồm lòng đường và hè phố.
3. Hoạt động vận tải bằng ô tô trong đô thị: là việc sử dụng xe ô tô để chở người, hàng hóa và rác thải vệ sinh môi trường trên các tuyến đường đô thị.
4. Hàng hóa trong văn bản này gồm: hàng hóa thông thường và chất phế thải.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Vận tải hành khách bằng xe buýt
1. Quy định đối với phương tiện
a) Chấp hành quy định về vận chuyển hành khách bằng xe buýt theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 Điều 16 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ và Điều 26, 27 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông Vận tải.
b) Có dụng cụ để gom rác thải của hành khách đi trên xe để chuyển đến vị trí quy định, không được để hành khách đi trên xe bỏ rác thải ra ngoài làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường đô thị.
2. Hành trình: Việc xác định hành trình và điều chỉnh hành trình của các tuyến xe buýt do Sở Giao thông Vận tải quyết định sau khi có ý kiến đồng ý của UBND tỉnh.
3. Giá cước xe buýt trong đô thị: Đối với trường hợp giá cước do doanh nghiệp vận tải quy định: Giá cước bình quân cho 1 hành khách/km trong đô thị không được cao hơn giá cước bình quân toàn tuyến xe buýt.
4. Đơn vị kinh doanh vận tải phải chấp hành quy định tại Khoản 1 Điều 68 Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008.
Điều 5. Vận tải hành khách theo tuyến cố định
1. Quy định đối với phương tiện: Chấp hành quy định về vận chuyển hành khách theo tuyến cố định quy định tại Khoản 2, 3 Điều 15 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ và Điều 11 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông Vận tải.
2. Xe khách tuyến cố định đi qua thành phố chỉ được hoạt động trên các tuyến đường vành đai, các tuyến quốc lộ, đường tỉnh trùng với đường đô thị. Không thực hiện việc cấp phép cho xe khách tuyến cố định vào các đường phố nội đô.
3. Được hoạt động 24/24 giờ trên các hành trình tuyến cố định đã được công bố tuyến theo quy định.
Điều 6. Vận tải hành khách theo hợp đồng, xe du lịch
1. Quy định đối với phương tiện: Chấp hành quy định về vận chuyển hành khách theo hợp đồng, du lịch quy định tại Khoản 2, 3 Điều 18 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ và Điều 44, 46 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông Vận tải.
2. Đối với xe du lịch: Xe có biển hiệu “XE VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH” được ưu tiên hoạt động trên tuyến đường đô thị.
3. Được hoạt động 24/24 giờ trên tất cả các tuyến đường, trừ những tuyến đường có lắp đặt biển báo đường cấm theo quy định.
4. Đối với xe hợp đồng: Xe vận tải khách theo hợp đồng chỉ được vào các tuyến phố nội đô khi được cấp phép (trừ xe phục vụ tang lễ).
5. UBND huyện, thành phố cấp giấy phép cho phương tiện vào các tuyến phố nội đô phải quy định cấp phép với hành trình và thời gian cụ thể theo nhu cầu ghi trong hợp đồng vận chuyển.
Điều 7. Vận tải người nội bộ
1. Quy định đối với phương tiện: Chấp hành quy định về vận tải người nội bộ quy định tại Điều 48 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông Vận tải.
2. Xe ô tô vận tải người nội bộ chỉ được sử dụng xe để vận chuyển cán bộ, công nhân viên, người lao động hoặc học sinh, sinh viên của đơn vị mình, không được sử dụng xe nội bộ để kinh doanh vận tải hành khách hoặc cho thuê để vận chuyển hành khách.
3. Được hoạt động 24/24 giờ trên tất cả các tuyến đường, trừ những tuyến đường có lắp đặt biển báo đường cấm theo quy định.
Điều 8. Xe trung chuyển hành khách
1. Quy định đối với phương tiện: Chấp hành quy định sử dụng xe trung chuyển hành khách quy định tại Điều 12 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông Vận tải.
2. Xe trung chuyển hành khách chỉ được sử dụng xe để vận chuyển hành khách (đi trên các tuyến cố định của đơn vị) đến bến xe, điểm đón trả khách trên tuyến hoặc ngược lại và hành khách không phải trả thêm bất kỳ khoản chi phí nào khác ngoài giá vé trên tuyến cố định, không được tham gia hoạt động kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và không được tính vào số lượng xe có của đơn vị theo quy định tại Khoản 4, Điều 15 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ.
3. Được hoạt động 24/24 giờ trên tất cả các tuyến đường, trừ những tuyến đường có lắp đặt biển báo đường cấm theo quy định.
Điều 9. Vận tải hàng hóa, rác thải vệ sinh môi trường
1. Hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô thông thường (trừ taxi tải):
a) Chấp hành quy định về vận chuyển hàng hóa theo quy định tại Điều 72; Khoản 3 Điều 79 Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Khoản 5, 6, 7, Điều 9 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ và Điều 50, 51, 52, 53 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông Vận tải.
b) Chỉ được xếp dỡ hàng hóa, rác thải tại các vị trí đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trong đô thị.
c) Xe dưới 1,5 tấn không hạn chế thời gian và phạm vi hoạt động.
d) Xe có trọng tải từ 1,5 đến 3,5 tấn phải hạn chế thời gian hoạt động vào giờ cao điểm trên các tuyến phố nội đô.
e) Đối với xe trên 3,5 tấn chỉ được phép hoạt động trên các tuyến đường vành đai đô thị hoặc các tuyến quốc lộ, đường tỉnh trùng với đường đô thị. Ngoài ra nếu hoạt động trong các tuyến phố nội đô phải có giấy phép trước khi hoạt động.
g) Thời gian hoạt động đối với xe có trọng tải từ 1,5 tấn trở lên:
- Mùa đông: từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau;
- Mùa hè: từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau.
2. Hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải
a) Thực hiện theo quy định tại Điều 72; Khoản 2, Điều 79 Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ; Điều 50, 51, 52, 53 Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông Vận tải và Điểm b Khoản 1 Điều này.
b) Được hoạt động 24/24 giờ trên tất cả các tuyến đường, trừ những tuyến đường có lắp đặt biển báo đường cấm theo quy định.
3. Xe chở rác thải, vệ sinh môi trường: Thực hiện theo Khoản 4, Điều 79 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và được lưu thông trên các đường đô thị trong khoảng thời gian dưới đây:
a) Mùa đông: từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau.
b) Mùa hè: từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau.
Điều 10. Điểm dừng, nhà chờ xe buýt và điểm đỗ xe taxi
1. Điểm dừng, nhà chờ xe buýt
a) Được xây dựng ở vị trí thuận lợi cho việc đi lại của hành khách và chấp hành Điều 19 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
b) Vị trí điểm dừng, nhà chờ do UBND tỉnh quy định trên cơ sở Tờ trình của Sở Giao thông Vận tải và UBND huyện, thành phố.
c) Nguồn kinh phí xây dựng và duy trì: Từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
2. Điểm đỗ xe taxi
a) Phải đảm bảo an toàn và trật tự giao thông trong đô thị, bảo đảm yêu cầu về phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
- Điểm đỗ do doanh nghiệp tổ chức xây dựng, quản lý và khai thác sau khi được UBND huyện, thành phố chấp thuận.
- Điểm đỗ công cộng do UBND huyện, thành phố xây dựng và tổ chức quản lý sau khi thống nhất với Sở Giao thông Vận tải. Nội dung công bố điểm đỗ gồm: Vị trí, phạm vi, diện tích, số lượng phương tiện tối đa của từng vị trí.
b) Đơn vị vận tải bằng xe taxi đăng ký khai thác điểm đỗ công cộng phải được cấp phép và phù hợp với quy hoạch nhưng tổng số xe có thể đỗ tại các điểm đáp ứng tối thiểu 30% số lượng xe đăng ký hoạt động.
Điều 11. Cấp giấy phép hoạt động trên đường đô thị cho xe hợp đồng, xe nội bộ, xe trung chuyển
1. Đối tượng và nội dung cấp giấy phép hoạt động
a) Đối tượng: Là tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, tuyến cố định, vận chuyển phục vụ hội nghị, liên hoan, gặp mặt và các dịch vụ vận chuyển hợp pháp khác.
b) Nội dung giấy phép:
- Tên và địa chỉ kinh doanh;
- Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (số, ngày, tháng, năm, cơ quan cấp, thời hạn hiệu lực...); (không bắt buộc đối với đơn vị đề nghị cấp Giấy phép hoạt động đối với xe nội bộ);
- Người đại diện hợp pháp;
- Hợp đồng vận chuyển khách (số, ngày, tháng); (không bắt buộc đối với đơn vị đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với xe nội bộ, xe trung chuyển);
- Danh sách xe;
- Tuyến đường (phố) được phép hoạt động;
- Giấy phép có giá trị đến ngày, tháng, năm.
2. Hồ sơ bao gồm
a) Giấy đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Quy định này.
b) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực: giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (không bắt buộc đối với đơn vị đề nghị cấp giấy phép hoạt động đối với xe nội bộ), hợp đồng vận chuyển hành khách (chỉ áp dụng đối với xe hợp đồng), phù hiệu còn hiệu lực.
3. Quy định về xử lý hồ sơ
a) Tổ chức, cá nhân gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đến UBND cấp huyện nơi tổ chức, cá nhân đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh.
b) Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định tại Khoản 2, Điều này, UBND cấp huyện thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đến tổ chức, cá nhân trong thời gian tối đa không quá 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
c) Trong thời gian không quá 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp phép phải thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 Quy định này.
Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
d) Thời hạn có hiệu lực của giấy phép: Căn cứ vào thời gian ghi trong hợp đồng vận chuyển và thời hạn của giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
e) Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan hoặc qua đường bưu điện.
Điều 12. Cấp giấy chấp thuận khai thác điểm đỗ xe taxi công cộng
1. Đối tượng cấp và nội dung cấp giấy chấp thuận
a) Đối tượng: Là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
b) Nội dung chấp thuận:
- Tên và địa chỉ kinh doanh;
- Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (số, ngày, tháng, năm, cơ quan cấp, thời hạn hiệu lực...);
- Người đại diện hợp pháp;
- Số lượng và danh sách xe tại các điểm đỗ (có phụ lục chi tiết kèm theo);
- Số lượng điểm đỗ đề nghị chấp thuận (có phụ lục chi tiết từng vị trí kèm theo);
- Thời hạn của giấy chấp thuận điểm đỗ: Lấy theo thời hạn của Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhưng tối đa không quá 03 (ba) năm.
2. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy đề nghị chấp thuận theo mẫu quy định tại Phụ lục số 3 Quy định này.
b) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực: giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu còn hiệu lực, đăng ký xe ô tô.
c) Số lượng điểm đỗ xin được chấp thuận khai thác theo mẫu quy định tại Phụ lục số 3 Quy định này.
3. Quy định về xử lý hồ sơ:
a) Đơn vị kinh doanh vận tải gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chấp thuận đến UBND cấp huyện nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh.
b) Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định tại Khoản 2, Điều này, UBND cấp huyện thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đến đơn vị trong thời gian tối đa không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
c) Trong thời gian không quá 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy chấp thuận thẩm định hồ sơ và cấp giấy chấp thuận theo mẫu quy định tại Phụ lục số 4 Quy định này. Trường hợp không cấp giấy chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
d) Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan hoặc qua đường bưu điện.
Điều 13. Cấp giấy phép hoạt động trên đường đô thị cho xe có trọng tải trên 3,5 tấn
1. Đối tượng và nội dung cấp giấy phép
a) Đối tượng: Là tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có trọng tải trên 3,5 tấn
b) Nội dung giấy phép:
- Tên và địa chỉ kinh doanh;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (số, ngày tháng năm cấp, nơi cấp);
- Hợp đồng vận chuyển (số, ngày, tháng);
- Danh sách xe;
- Tuyến đường (phố) được phép hoạt động;
- Thời gian hoạt động;
- Giấy phép có giá trị đến ngày, tháng, năm;
2. Hồ sơ bao gồm:
a) Giấy đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 của Quy định này;
b) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực: đăng ký xe ô tô, hợp đồng vận chuyển.
3. Quy định về xử lý hồ sơ:
a) Đơn vị kinh doanh vận tải gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đến UBND cấp huyện nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh.
b) Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định tại Khoản 2 Điều này, UBND cấp huyện thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đến đơn vị trong thời gian tối đa không quá 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
c) Trong thời gian không quá 01 (một) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục số 6 Quy định này.
Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
d) Thời hạn có hiệu lực của giấy phép: Căn cứ vào thời gian ghi trong hợp đồng vận chuyển.
đ) Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan hoặc qua đường bưu điện.
Điều 14. Thủ tục cấp lại giấy phép hoạt động, giấy chấp thuận
1. Thủ tục cấp lại giấy phép hoạt động trên đường đô thị cho xe hợp đồng, xe nội bộ, xe trung chuyển, xe có trọng tải trên 3,5 tấn (gọi chung là giấy phép hoạt động), giấy chấp thuận khai thác điểm đỗ xe taxi công cộng (gọi là giấy chấp thuận) đối với trường hợp giấy phép hoạt động, giấy chấp thuận bị hư hỏng, hết hạn hoặc có sự thay đổi liên quan đến nội dung của giấy phép hoạt động, giấy chấp thuận thì thủ tục thực hiện cấp lại như khi cấp lần đầu.
2. Thủ tục cấp lại giấy phép hoạt động trên đường đô thị cho xe hợp đồng, xe nội bộ, xe trung chuyển, xe có trọng tải trên 3,5 tấn (gọi chung là giấy phép hoạt động), giấy chấp thuận khai thác điểm đỗ xe taxi công cộng (gọi là giấy chấp thuận) đối với trường hợp bị mất:
a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ như khi làm hồ sơ cấp lần đầu.
- Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định, UBND cấp huyện thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đến tổ chức, cá nhân trong thời gian tối đa không quá 01 (một) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ;
- Trường hợp không cấp giấy phép, giấy chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép, giấy chấp thuận thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép, giấy chấp thuận theo mẫu quy định tại các Phụ lục theo Quy định này.
c) Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan hoặc qua đường bưu điện.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. UBND huyện, thành phố
1. Triển khai quy định này và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tình trạng hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô trong đô thị thuộc quyền quản lý.
2. Quy hoạch điểm dừng đón trả khách; nhà chờ xe buýt, điểm đỗ xe taxi công cộng.
3. Cấp giấy phép hoạt động trên đường đô thị cho xe hợp đồng, xe nội bộ, xe trung chuyển, xe có trọng tải trên 3,5 tấn, giấy chấp thuận khai thác điểm đỗ xe taxi công cộng.
4. Lắp đặt biển báo hiệu giao thông đường bộ theo quy định đối với các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý.
5. Quy định cụ thể vị trí, số lượng, diện tích và thời gian tiếp nhận rác thải lên xe, bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông.
6. Thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị.
7. Hàng năm đánh giá tình hình hoạt động vận tải trong đô thị, kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung (nếu có) các nội dung liên quan cho phù hợp với điều kiện của huyện, thành phố (Đề nghị gửi về Sở Giao thông Vận tải tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20 tháng 01 năm sau).
Điều 16. Sở Giao thông Vận tải
1. Phối hợp với UBND huyện, thành phố tổ chức quản lý và duy trì hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ xe buýt theo quy định.
2. Phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh và UBND cấp huyện rà soát, điều chỉnh hoặc bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông trong đô thị cho phù hợp với quy định này.
3. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra tăng cường công tác kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô trong đô thị.
4. Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình hoạt động vận tải theo quy định này. Kiến nghị, bổ sung, điều chỉnh các quy định để hoạt động vận tải phục vụ tốt nhu cầu đi lại, góp phần phát triển kinh tế xã hội các đô thị.
5. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các ngành chức năng liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện.
Điều 17. Công an tỉnh
1. Kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô trong đô thị theo quy định.
2. Hàng tháng thông báo kết quả xử lý các trường hợp vi phạm của lái xe trong hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô trong đô thị trên địa bàn tỉnh về Sở Giao thông Vận tải.
Điều 18. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoặc liên quan đến hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô trong đô thị
1. Thực hiện hoạt động vận tải theo đúng quy định của pháp luật.
2. Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng quy chế quản lý lái xe chấp hành đúng quy định về lịch trình, hành trình và điểm dừng, đỗ khi hoạt động trong đô thị.
3. Rà soát, điều chỉnh giá cước xe buýt theo quy định tại Khoản 3, Điều 4 Quy định này.
4. Chế độ báo cáo: Hàng năm gửi báo cáo tình hình thực hiện quy định này về Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện, thành phố theo mẫu quy định tại Phụ lục số 7 Quy định này trước ngày 10 tháng 01 năm sau./.