Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức

của Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

________________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020";

Căn cứ Quyết định số 38/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang;

Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập và quy định chức năng của Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc

1. Thành lập Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý). Ban Quản lý là cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân tỉnh).

2. Ban Quản lý có chức năng tổ chức quản lý tập trung, thống nhất các hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế trên đảo Phú Quốc theo quy định tại:

a) Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020";

b) Quyết định số 1197/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2020;

c) Quyết định số 38/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang;

d) Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, trụ sở làm việc tại đảo Phú Quốc, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng; có biên chế và kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch hàng năm.

4. Ban Quản lý là đầu mối kế hoạch và ngân sách được cân đối riêng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách trung ương; được cân đối vốn đầu tư phát triển do ngân sách tỉnh Kiên Giang cấp theo kế hoạch hàng năm; được quyết định thu, chi ngân sách thuộc các lĩnh vực đầu tư phát triển, hành chính, sự nghiệp, các chương trình mục tiêu và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý trong lập quy hoạch, kế hoạch và xây dựng cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc

1. Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền:

a) Quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn và hàng năm đảo Phú Quốc;

b) Cơ chế, chính sách ưu đãi cần thiết áp dụng đối với đảo Phú Quốc cho phù hợp với điều kiện phát triển thực tế trong từng thời kỳ;

c) Phương án phát hành trái phiếu công trình, trái phiếu Chính phủ theo quy định về phát hành trái phiếu Chính phủ; phương án huy động các nguồn vốn khác nhằm huy động tối đa các nguồn lực, vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng quan trọng và yêu cầu phát triển của đảo Phú Quốc.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, trình Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định:

a) Phê duyệt quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết trên đảo Phú Quốc trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sau khi đã được phê duyệt;

b) Các khung giá và mức phí, lệ phí thực hiện tại đảo Phú Quốc;

c) Các danh mục dự án đầu tư và kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm tại đảo Phú Quốc để Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ;

d) Dự toán ngân sách, kinh phí hoạt động hàng năm của Ban Quản lý, trình Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

đ) Chính sách ưu đãi và khuyến khích cụ thể phù hợp với các quy định hiện hành trên các lĩnh vực: thu hút, tuyển dụng và sử dụng lao động; đào tạo nghề; xúc tiến đầu tư, thương mại; bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý trong quản lý đầu tư, xây dựng, thương mại; xuất, nhập khẩu; doanh nghiệp và lao động

1. Quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách nhà nước đầu tư tại đảo Phú Quốc và các dự án khác theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; quản lý đầu tư, xây dựng, đấu thầu các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và đấu thầu.

2. Được ký hợp đồng BOT, BTO, BT các dự án nhóm B, C theo quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng; được trực tiếp tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn ODA theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA.

3. Tổ chức thẩm tra báo cáo đầu tư xây dựng công trình và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại các khu chức năng (được xác định trong quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch chi tiết do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt) do các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài làm chủ đầu tư không thuộc các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh về các dự án này theo quy định.

4. Theo ủy quyền hoặc phân cấp quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cấp, điều chỉnh và thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận và chứng chỉ sau đây:

a) Giấy chứng nhận đầu tư và xác nhận ưu đãi đầu tư trong Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với các dự án đầu tư trong nước trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý;

b) Giấy chứng nhận đầu tư và xác nhận ưu đãi đầu tư trong Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý;

c) Giấy phép xây dựng công trình trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

d) Giấy phép thành lập văn phòng đại diện thương mại của các tổ chức và thương nhân nước ngoài trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý;

đ) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý;

e) Chứng chỉ quy hoạch, giấy phép xây dựng, chứng chỉ xuất xứ hàng hoá tại đảo Phú Quốc và các chứng chỉ khác;

g) Xác nhận danh mục, số lượng nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm nhập khẩu từng năm để phục vụ yêu cầu sản xuất của các dự án đầu tư sản xuất của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật;

h) Giấy phép lao động cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến làm việc, hoạt động đầu tư trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật.

5. Quản lý và phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, các hoạt động dịch vụ trong hai khu phi thuế quan gắn với cảng An Thới và sân bay Phú Quốc theo quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9 và 10 Quy chế tổ chức và hoạt động của đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang ban hành kèm theo Quyết định số 38/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

6. Quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, phí và lệ phí:

a) Quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; quản lý và thực hiện việc thu, chi hành chính, sự nghiệp, các chương trình mục tiêu và các nguồn vốn khác được nhà nước giao theo quy định của pháp luật;

b) Thu, quản lý và sử dụng các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật, kể cả việc thoả thuận mức thu, tổ chức thu và quản lý, sử dụng đúng mục đích phí sử dụng hạ tầng, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý.

7. Tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến, đàm phán về đầu tư, thương mại, du lịch trong và ngoài nước; làm đầu mối giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành, triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đăng ký kinh doanh và các vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại Phú Quốc.

Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý trong quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường; thanh tra, kiểm tra và quản lý nội bộ

1. Quản lý và bảo vệ tài nguyên và môi trường:

a) Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo phân cấp của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đăng ký và kiểm tra việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

b) Quản lý, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý; phối hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên và môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động tại đảo Phú Quốc.

2. Quản lý đất đai trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý:

a) Bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất, mặt nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giao cho Ban Quản lý để giao lại đất, cho thuê đất theo thẩm quyền;

b) Được giao đất có thu tiền sử dụng đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và xác nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Quyết định: mức thu tiền sử dụng đất, mặt nước; tiền thuê đất, mặt nước; mức miễn, giảm tiền sử dụng đất, mặt nước; mức miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước theo từng dự án đầu tư trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý trên cơ sở giá đất và chính sách miễn, giảm do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định đối với từng trường hợp giao lại đất, cho thuê đất mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu giá dự án có sử dụng đất;

d) Được tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, trong đó có quyền sử dụng đất trong việc giao đất, cho thuê đất thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý đối với các nhà đầu tư.

3. Kiểm tra, thanh tra đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật.

4. Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong việc bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, phòng cháy, chữa cháy và mọi hoạt động trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, môi trường, đất đai và các lĩnh vực khác tại đảo Phú Quốc theo thẩm quyền do pháp luật quy định hoặc theo ủy quyền.

6. Quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế, tài chính, tài sản và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức:

a) Quản lý về tổ chức, bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban Quản lý;

b) Quản lý tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật;

c) Quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc;

d) Kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng và chấp hành các chế độ, chính sách trong sử dụng lao động; tổ chức và quản lý việc đào tạo nguồn nhân lực đối với các tổ chức sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý.

7. Ban Quản lý là cơ quan đầu mối kế hoạch về khoa học và công nghệ, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ đối với các đơn vị thuộc Ban Quản lý.

Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý trong một số lĩnh vực khác

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng tại đảo Phú Quốc.

2. Đối với các lĩnh vực không được ủy quyền hoặc phân cấp quản lý, Ban Quản lý có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan giúp các nhà đầu tư giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư theo cơ chế “một cửa”.

3. Thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật.

4. Định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Quyết định này và các văn bản pháp luật khác liên quan đến đầu tư, xây dựng và phát triển đảo Phú Quốc.

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

Điều 6. Cơ cấu tổ chức và biên chế của Ban Quản lý

1. Ban Quản lý có Trưởng ban và 02 Phó Trưởng ban chuyên trách. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc giữ chức Trưởng ban.

Trưởng ban kết hợp thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện với thẩm quyền của Trưởng ban trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật.

Các Phó Trưởng ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban Ban Quản lý.

2. Bộ máy giúp việc: Ban Quản lý được sử dụng hợp lý các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện; nếu thật cần thiết, Trưởng ban Ban Quản lý có thể trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập mới một số phòng chuyên môn đặc thù để giúp việc Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

3. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc:

Căn cứ tình hình và yêu cầu đầu tư, phát triển đảo Phú Quốc trong từng giai đoạn, Trưởng ban Ban Quản lý trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

4. Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đảo Phú Quốc.

5. Trưởng ban Ban Quản lý quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ máy giúp việc và các đơn vị trực thuộc quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

6. Biên chế của Ban Quản lý:

a) Biên chế hành chính của Ban Quản lý do Ủy ban nhân dân tỉnh giao trong tổng biên chế hành chính của tỉnh theo đề nghị của Trưởng ban Ban Quản lý;

b) Biên chế sự nghiệp của Ban Quản lý do Trưởng ban Ban Quản lý quyết định theo phân cấp quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 7. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Bãi bỏ các khoản 3 và 5 Điều 26 Quy chế tổ chức và hoạt động của đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang ban hành kèm theo Quyết định số 38/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định trước đây trái với Quyết định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc - Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng