Sign In

 

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Về việc cho vay đối với người lao động

Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12/12/1997, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11 ngày 17/6/2003 và Luật Các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12/12/1997;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về việc làm;

Căn cứ Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quyết định này quy định việc các tổ chức tín dụng cho vay bằng Đồng Việt Nam và ngoại tệ đối với người lao động, chuyên gia và tu nghiệp sinh Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (gọi chung là người lao động):

1. Ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân trung ương và quỹ tín dụng nhân dân cơ sở cho vay đối với người lao động không thuộc diện chính sách. Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi đối với người lao động thuộc diện chính sách quy định tại Điều 2 Quyết định này.

2. Khách hàng vay vốn là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hình thức quy định tại Điều 3 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003:

a) Thông qua doanh nghiệp Việt Nam được phép cung ứng lao động theo hợp đồng ký kết với bên nước ngoài.

b) Thông qua doanh nghiệp Việt Nam nhận thầu, nhận khoán công trình hoặc đầu tư ở nước ngoài.

c) Theo hợp đồng lao động do cá nhân người lao động trực tiếp ký kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.

Điều 2. Người lao động thuộc diện chính sách

1. Người lao động thuộc diện chính sách gồm:

a) Vợ (chồng), con của liệt sĩ;

b) Thương binh (kể cả thương binh loại B được xác nhận từ ngày 31/12/1993 trở về trước, nay gọi là quân nhân bị tai nạn lao động), người hưởng chính sách như thương binh, mất sức lao động từ 21% trở lên (gọi chung là thương binh);

c) Vợ (chồng), con của thương binh;

d) Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; con của người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được thưởng huân, huy chương kháng chiến; con của cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945;

đ) Người lao động thuộc hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc điều chỉnh chuẩn hộ nghèo trong từng giai đoạn.

2. Cơ quan xác nhận người lao động thuộc diện chính sách:

a) Đối với người lao động thuộc diện chính sách nêu tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này mà do các địa phương quản lý và chi trả trợ cấp, thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi đang quản lý hồ sơ hoặc danh sách và thực hiện chi trả trợ cấp xác nhận; trường hợp đang công tác trong quân đội, công an, thì cơ quan, đơn vị quân đội, công an đang quản lý và chi trả trợ cấp xác nhận; trường hợp do Khu điều dưỡng thương binh nặng trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và chi trả trợ cấp, thì Giám đốc các Khu điều dưỡng này xác nhận.

b) Đối với người lao động thuộc hộ nghèo nêu tại điểm đ khoản 1 Điều này, thì do Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận: hộ nghèo có địa chỉ cư trú hợp pháp và trong danh sách hộ nghèo được Uỷ ban nhân dân cấp xã đó quyết định theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập danh sách.

Điều 3. Nguyên tắc cho vay

Tổ chức tín dụng cho vay đối với người lao động thông qua hộ gia đình của người lao động; trường hợp người lao động là độc thân thì cho vay trực tiếp đối với người lao động.

Điều 4. Nhu cầu vốn vay

Tổ chức tín dụng cho vay các chi phí cần thiết phục vụ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

1. Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp được phép cung ứng lao động theo hợp đồng ký kết với bên nước ngoài, thì cho vay chi phí các khoản: phí dịch vụ xuất khẩu lao động, số tiền đặt cọc (nếu có), chi phí đào tạo - giáo dục định hướng, số tiền ký quỹ hoặc bảo lãnh (nếu có), vé máy bay lượt đi và các chi phí hợp pháp khác phục vụ cho việc đi lao động ở nước ngoài.

2. Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp nhận thầu, nhận khoán công trình hoặc đầu tư ở nước ngoài, thì cho vay chi phí các khoản: chi phí đào tạo - giáo dục định hướng, vé máy bay lượt đi và các chi phí hợp pháp khác phục vụ cho việc đi lao động ở nước ngoài.

3. Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân, thì cho vay các khoản chi phí: Vé máy bay lượt đi và các chi phí hợp pháp khác phục vụ cho việc đi lao động ở nước ngoài.

Điều 5. Bảo đảm tiền vay

1. Việc cho vay không có bảo đảm bằng tài sản và cho vay có bảo đảm bằng tài sản đối với người lao động không thuộc diện chính sách thực hiện như sau:

a) Các tổ chức tín dụng xem xét, quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình khi cho vay không phải áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản trong trường hợp cho vay thông qua hộ gia đình của người lao động có đủ điều kiện quy định tại khoản 18 Điều 1 Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002.

b) Các ngân hàng thương mại được phép xem xét, quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình khi cho vay đến 20 triệu đồng không phải áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản trong trường hợp cho vay thông qua hộ gia đình của người lao động ở nông thôn, mà hộ gia đình đó chưa có đủ điều kiện quy định tại khoản 18 Điều 1 Nghị định số 85/2002/NĐ-CP ngày 25/10/2002.

c) Các tổ chức tín dụng cho vay đối với người lao động không thuộc các trường hợp a và b khoản này và cho vay đối với người lao động là độc thân, thì phải thực hiện các biện pháp bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng.

d) Trường hợp cho vay thông qua hộ gia đình của người lao động mà có bảo đảm bằng tài sản, thì hợp đồng bảo đảm tiền vay được ký kết giữa tổ chức tín dụng với đại diện hộ gia đình đó và những người đồng sở hữu tài sản. Trường hợp cho vay trực tiếp đối với người lao động là độc thân mà có bảo đảm bằng tài sản, thì hợp đồng bảo đảm tiền vay được ký kết giữa tổ chức tín dụng với người lao động hoặc với bên được người lao động uỷ quyền theo quy định của pháp luật.

2. Người lao động thuộc diện chính sách vay vốn đi lao động ở nước ngoài tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì không phải thế chấp tài sản.

Điều 6. Hồ sơ vay vốn

1. Giấy tờ phù hợp với quy định của pháp luật về Dân sự chứng minh người vay vốn là đại diện của hộ gia đình người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, phải có giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng minh người lao động thuộc diện chính sách.

2. Giấy đề nghị vay vốn của đại diện hộ gia đình người lao động, hoặc của người lao động trong trường hợp người lao động là độc thân.

3. Văn bản chứng minh về việc người lao động đi làm việc ở nước ngoài:

a) Trường hợp người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp Việt Nam được phép cung ứng lao động theo hợp đồng ký kết với bên nước ngoài, thì phải có văn bản thông báo hoặc xác nhận của doanh nghiệp (hoặc của đơn vị trực thuộc được Doanh nghiệp giao nhiệm vụ xuất khẩu lao động theo quy định tại khoản 13 Điều 14 Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003) về việc người lao động được tuyển dụng đi làm việc ở nước ngoài, hoặc hợp đồng của doanh nghiệp có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động ký kết với người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

b) Trường hợp người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp nhận thầu, nhận khoán công trình hoặc đầu tư ở nước ngoài có sử dụng lao động Việt Nam, thì phải có hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp đó với người lao động;

c) Trường hợp người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động cá nhân do người lao động trực tiếp ký kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài, thì hợp đồng lao động cá nhân phải được chứng nhận đã đăng ký tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động cư trú.

4. Hợp đồng bảo đảm tiền vay, các giấy tờ liên quan đến tài sản bảo đảm và việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ (nếu có).

5. Các tài liệu khác chứng minh đủ điều kiện vay vốn.

Điều 7. Mức cho vay

Tổ chức tín dụng căn cứ vào khả năng nguồn vốn huy động được và nhu cầu vốn vay phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về chế độ tài chính đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài; việc áp dụng quy định về bảo đảm tiền vay; khả năng trả nợ của người lao động, của hộ gia đình người lao động để quyết định mức cho vay. Mức cho vay tối đa không vượt quá các chi phí cần thiết quy định tại Điều 4 Quyết định này. Riêng mức cho vay tối đa đối với người lao động thuộc diện chính sách vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định.

Điều 8. Thời hạn cho vay

Tổ chức tín dụng căn cứ vào mức thu nhập của người lao động, khả năng trả nợ của hộ gia đình người lao động và khả năng nguồn vốn của mình để thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng về thời hạn cho vay, nhưng tối đa không vượt quá thời hạn của hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài đã được ký kết.

Điều 9. Trả nợ vốn vay

Doanh nghiệp Việt Nam được phép cung ứng lao động theo hợp đồng ký kết với bên nước ngoài hoặc doanh nghiệp Việt Nam nhận thầu, nhận khoán công trình hoặc đầu tư ở nước ngoài quản lý được thu nhập của người lao động ở nước ngoài, thì tổ chức tín dụng, người lao động và doanh nghiệp Việt Nam có thể thỏa thuận bằng văn bản về việc doanh nghiệp Việt Nam trích thu nhập của người lao động để trả nợ trực tiếp cho tổ chức tín dụng.

Điều 10. Kiểm tra, giám sát vốn vay

Tổ chức tín dụng kiểm tra, giám sát trực tiếp quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay khi người lao động chưa làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài. Sau khi người lao động đã xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức tín dụng thực hiện kiểm tra việc trả nợ vốn vay thông qua hộ gia đình của người lao động ở trong nước, hoặc thông qua bên thứ ba bảo lãnh bằng tài sản cho người lao động vay vốn tại tổ chức tín dụng. Trường hợp tổ chức tín dụng, người lao động và doanh nghiệp có thỏa thuận về việc doanh nghiệp được trích từ thu nhập của người lao động để trả nợ cho tổ chức tín dụng, thì thực hiện kiểm tra việc trả nợ vốn vay thông qua doanh nghiệp Việt Nam được phép cung ứng lao động hoặc doanh nghiệp Việt Nam nhận thầu, nhận khoán công trình hoặc đầu tư ở nước ngoài.

Điều 11. Áp dụng các quy định khác về cho vay

Những nội dung về cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được quy định tại Quyết định này, thì việc cho vay được áp dụng các quy định của pháp luật như sau:

1. Đối với người lao động không thuộc diện chính sách, thực hiện theo quy định tại Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Đối với người lao động thuộc diện chính sách, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các văn bản: Quyết định số 440/2001/QĐ-NHNN ngày 17/4/2001 về việc cho vay đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Quyết định số 373/2003/QĐ-NHNN ngày 22/4/2003 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 440/2001/QĐ-NHNN ngày 17/4/2001 về việc cho vay đối với người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

2. Tổ chức tín dụng căn cứ quy định tại Quyết định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với điều kiện, đặc điểm và Điều lệ của mình, đảm bảo an toàn, có hiệu quả. Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác - Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn nghiệp vụ cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; Giám đốc chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng nêu tại Điều 1 Quyết định này chịu trách nhiệm thi hành./.

Ngân hàng Nhà nước

Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Phùng Khắc Kế