Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về Nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2003

_______________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHOÁ XIII - KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ Quyết định số 181/2002/QĐ-TTg ngày 23/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2003 cho tỉnh Hưng Yên;

Trên cơ sở xem xét các báo cáo của UBND tỉnh, của các cơ quan hữu quan, báo cáo thẩm tra của các Ban và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành nội dung các báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2002 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2003 của UBND tỉnh, của các cơ quan hữu quan; đồng thời nhấn mạnh các vấn đề trọng tâm sau đây:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NĂM 2002

Thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2002, tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện: nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 12,2%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 24,5% (kế hoạch 22%); giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 6,8% (kế hoạch 4,5%); giá trị các ngành dịch vụ tăng 16,8% (kế hoạch 18%); kim ngạch xuất khẩu đạt 59,5 triệu USD (kế hoạch 55 triệu USD); thu ngân sách đạt 290,789 tỷ đồng (kế hoạch là 198 tỷ). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.900 tỷ, tăng 8,6% (năm 2001 là 1.749 tỷ); GDP bình quân đầu người đạt 4,6 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn được chuyển dịch tích cực. Chương trình xóa đói, giảm nghèo thực hiện có hiệu quả, tạo thêm việc làm mới cho 1.600 lao động. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Hai dự án lớn: Cầu Yên Lệnh và nâng cấp 5,5 km quốc lộ 39A đoạn vào thị xã Hưng Yên đã khởi công, đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, thể dục thể thao có những chuyển biến và đạt được kết quả khích lệ. Quốc phòng, an ninh được giữ vững và ổn định. Đời sống của nhân dân trong tỉnh được cải thiện và nâng lên một bước. HĐND tỉnh ghi nhận và biểu dương sự quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành; sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội trong tỉnh đã góp phần tích cực vào thành tích chung của tỉnh trong năm 2002.

Cùng với những kết quả đạt được, còn bộc lộ những tồn tại, yếu kém: Tăng trưởng kinh tế cao nhưng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp so với xu thế hội nhập; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở nhiều cơ sở còn chậm; cơ sở hạ tầng ở các khu cồn nghiệp còn nhiều bất cập; số lượng dự án tăng nhanh, nhưng đến nay mới có 32 dự án đi vào sản xuất. Cơ cấu đầu tư xây dựng còn dàn trải, quản lý còn nhiều thiếu sót chậm được khắc phục, một số công trình không đảm bảo chất lượng và tiến độ, triển khai quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề tập trung còn chậm. Tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn là sự băn khoăn, trăn trở của các cấp, các ngành và của nhân dân trong tỉnh, chưa tìm kiếm và tạo lập được thị trường mới, ổn định. Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc, chất lượng giáo dục - đào tạo nhất là đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu, vẫn còn tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan; thiết bị khám, chữa bệnh, nhất là tuyến huyện còn thiếu, tinh thần và thái độ phục vụ của một số cán bộ, y, bác sỹ còn yếu; ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ đến nông dân còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao; tai nạn giao thông, tệ nạn nghiện hút, cờ bạc chưa được ngăn chặn đẩy lùi; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn tình trạng đùn đẩy, kéo dài; kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính ở một số nơi chưa nghiêm túc dẫn đến hiệu lực và hiệu quả chỉ đạo, điều hành chưa cao.

II. NHỮNG MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2003

Tập trung khắc phục những tồn tại, yếu kém, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển; nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư; tăng cường quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư, tài chính; đẩy mạnh xuất khẩu đi đôi với khai thác tốt thị trường tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy các hoạt động văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc; quốc phòng, an ninh giữ vững và ổn định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước.

A. Những mục tiêu cơ bản năm 2003, phấn đấu:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 12,3%.

- Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5,5%.

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 24%.

- Giá trị các ngành dịch vụ tăng 16%.

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 70 triệu USD.

- Tổng thu ngân sách đạt 311 tỷ đồng (trong đó thu nội địa 171 tỷ, thuế Hải quan 140 tỷ).

- GDP bình quân đầu người đạt 400 USD.

- Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác 35,2 triệu đồng.

- Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp 36% - công nghiệp, xây dựng 32,5% - dịch vụ 31,5%.

- Tỷ lệ phát triển dân số: 1,02%.

- Tỷ lệ hộ nghèo: 5%.

- Tạo thêm việc làm cho 2 vạn lao động.

- Tỷ lệ trạm xá xã có bác sỹ: 70%.

- Tăng thêm 30 làng văn hóa, hết năm 2003 đạt 43,7% số làng được công nhận làng văn hóa.

B. Những nhiệm vụ chủ yếu:

1. Để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì tổng nguồn vốn huy động đầu tư trong toàn tỉnh phải đạt trên 2.300 tỷ đồng. Cùng với tranh thủ nguồn vốn đầu tư của nhà nước phải huy động cao mọi nguồn lực trong nhân dân và các doanh nghiệp cho đầu tư phát triển. Chú trọng trong khâu thẩm định, phê duyệt để nâng cao chất lượng và hiệu quả các dự án đầu tư.

2. Đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng và hiệu quả. Phấn đấu giá trị thu được bình quân trên 1 ha canh tác đạt 35,2 triệu đồng; năng suất lúa cả năm đạt trên 12 tạ/ha, 30% diện tích gieo cấy giống lúa có chất lượng cao; 33,3% diện tích canh tác được trồng cây vụ đông; nạc hóa 30% đàn lợn, sinh hóa 85% đàn bò, phát triển đàn bò sữa 1.000 con; nâng cao chất lượng và hiệu quả nuôi trồng thủy sản.

- Tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật, khuyến nông về cơ sở giúp nông dân trong chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trồng trọt, chăn nuôi và phòng trừ sâu bệnh bảo vệ sản xuất, chăn nuôi. Quan tâm chỉ đạo và quản lý chặt chẽ khâu cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu để nông dân yên tâm sản xuất.

- Thực hiện xong chương trình dồn thửa, đổi ruộng gắn với từng bước đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thủy lợi. Nâng cao chất lượng và hiệu quả kiên cố hóa kênh mương. Hoàn thành sớm kế hoạch tu bổ đê điều, chủ động đối phó với mọi diễn biến của thời tiết, nhất là trong mùa mưa lũ.

- Tăng cường chỉ đạo công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ theo quy hoạch.

- Nâng cao chất lượng hoạt động các HTX dịch vụ; tích cực tìm kiếm và khai thác thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

3. Công bố công khai chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh: Khu công nghiệp, các khu vực trong tỉnh. Hoàn thành cơ chế khuyến khích làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng tiếp nhận các dự án đầu tư mới; kiểm tra, đôn đốc các dự án đã được cấp phép nhưng chưa triển khai đầu tư; tập trung giải quyết kịp thời những bất cập phát sinh trong quá trình tiếp nhận dự án và thực hiện đầu tư về cơ sở hạ tầng và hệ sinh môi trường ở các khu công nghiệp.

- Hoàn tất thủ tục trình Chính phủ quyết định thành lập 2 khu công nghiệp tập trung và hoàn thành đưa vào hoạt động có hiệu quả 5 cụm công nghiệp, làng nghề tập trung; khuyến khích các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ vào đầu tư, phát triển. Đưa cơ sở sản xuất công nghiệp ở 2 huyện Ân Thi và Khoái Châu vào hoạt động.

- Hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch của Chính phủ. Kiên quyết không để thua lỗ; nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động hội nhập kinh tế.

4. Đẩy mạnh xuất khẩu, có cơ chế thu hút dự án phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn, nhất là thị xã Hưng Yên, khu công nghiệp. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông, dịch vụ đời sống cho khu công nghiệp tập trung, thị xã, khu đô thị, đông dân cư.

5. Tập trung khắc phục những vấn đề bức xúc trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Nâng cao chất lượng toàn diện ở các ngành học, cấp học; quan tâm bồi dưỡng đạt chuẩn và trên chuẩn đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh đào tạo nghề; ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong giáo dục - đào tạo. Triển khai thực hiện tốt quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non.

- Hoàn thành đúng tiến độ xây dựng bệnh viện đa khoa tỉnh, đầu tư, nâng cấp các thiết bị khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến huyện và trạm xá xã. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ đội ngũ y, bác sỹ trong việc khám và chữa bệnh; thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân. Tổ chức thực hiện tốt quyết định của Thủ tướng Chính phủ về khám chữa bệnh cho người nghèo.

- Ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất công nghệ sinh học phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và quản lý tốt vệ sinh môi trường.

- Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nâng cao chất lượng hoạt động của các làng văn hóa, đấu tranh bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục trong ma chay, cưới xin. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và trong từng cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống đài truyền thanh cơ sở để kịp thời phổ biến, thông tin các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành ở địa phương, cơ sở đến với người dân. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thể dục thể thao. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Hưng Yên đến năm 2005 và chương trình hành động bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

- Thực hiện tốt các chính sách xã hội. Đẩy mạnh chương trình xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm việc làm cho người lao động, nhất là ở những địa phương, cơ sở đã giành đất cho các công trình phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức tốt việc đưa lao động đi xuất khẩu.

6. Thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh. Đảm bảo kế hoạch, chất lượng huấn luyện, tuyển quân. Có nhiều biện pháp tích cực và kiên quyết hơn trong việc ngăn chặn, tấn công truy quét bọn tội phạm, nhất là các tội về ma túy, nghiện hút, cờ bạc, làm và buôn bán hàng giả. Ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tai nạn giao thông. Lập lại trật tự quản lý nhà nước về giao thông. Kiên quyết không để những phương tiện không đủ tiêu chuẩn lưu hành, những lái xe cơ giới không có bằng lái. Xử lý nghiêm minh và kiên quyết đối với những trường hợp cố tình vi phạm luật lệ giao thông, lấn chiếm hành lang giao thông, bán đất, cấp đất trái phép. Phấn đấu năm 2003 giảm rõ rệt về tai nạn giao thông. Giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở từng địa phương, cơ sở và trên địa bàn toàn tỉnh.

7. Đẩy nhanh cải cách hành chính. Tiếp tục rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan Nhà nước, tránh chồng chéo, gây phiền hà khi thi hành công vụ. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc và đề cao kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy các cơ quan hành chính và chính quyền các cấp; tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí gắn với thực hành tiết kiệm, không ngừng nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống hành chính nhà nước ở địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện và định kỳ đánh giá, báo cáo kết quả việc thực hiện Nghị quyết này.

Thường trực các Ban và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường giám sát các cơ quan chấp hành và vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm 2003 mà Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua.

Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi toàn thể nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức kinh tế - xã hội, các lực lượng vũ trang trong tỉnh đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất công tác và thực hành tiết kiệm, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2003.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 10/01/2003.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Hưng Yên

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Đình Phú