Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên từ nay đến năm 2015 và định hướng đến 2020

________________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003:

Sau khi xem xét các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan hữu quan về dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên từ nay đến 2015 và định hướng đến 2020; báo cáo thẩm tra của các Ban và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

I. THÔNG QUA PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH HƯNG YÊN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

A. Quan điểm phát triển

1. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững nhằm sớm đạt mức GDP bình quân/người của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ theo hướng hiện đại, đạt hiệu quả cao.

2. Đảm bảo sự thống nhất hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội của Hưng Yên với vùng Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Phát huy vị thế của một tỉnh giáp thủ đô Hà Nội để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, cung cấp lương thực, thực phẩm, nông sản cho thủ đô, các đô thị liền kề và đẩy mạnh xuất khẩu.

3. Đi đôi với phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển tương đối đồng đều giữa các địa bàn trong tỉnh; đẩy mạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao mức sống vật chất tinh thần của nhân dân.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái.

B. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu chung

Nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh để duy trì nền kinh tế luôn đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, gắn với phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2010, Hưng Yên trở thành tỉnh khá trong cả nước, tạo cơ sở để hình thành một tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại trước năm 2020.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kinh tế

- Nhịp độ tăng GDP giai đoạn 2006 - 2010 đạt bình quân 13,5%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 bình quân đạt 13,2%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 đạt bình quân 13%/năm;

- GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 1.200 USD gấp 2,5 lần so với năm 2005; năm 2015 dự kiến đạt 2.080 USD/người; năm 2020 dự kiến là 4.060 USD/người.

- Cơ cấu kinh tế năm 2010: Nông nghiệp 20%, công nghiệp - xây dựng là 47% và dịch vụ là 33%; năm 2015 tương ứng là: Nông nghiệp 13%, công nghiệp - xây dựng là 52%, dịch vụ 35%; năm 2020 tương ứng là: nông nghiệp 8%, công nghiệp - xây dựng là 59% và dịch vụ là 33%.

b) Về văn hóa - xã hội

- Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ở mức 0,9 - 0,95% hàng năm đến năm 2015 và 0.85 - 1%/năm đến năm 2020;

- Đến năm 2020, 97% số hộ được dùng nước sạch và 100% số hộ sử dụng nước sạch vào năm 2015.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2010, còn dưới 2% vào năm 2015; còn dưới 1% vào năm 2020.

- Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40% lực lượng lao động vào năm 2010, trên 45% vào năm 2015 và trên 50% vào năm 2020.

- Đến năm 2010, có trên 70% số làng, khu phố được công nhận là làng, khu phố văn hóa; 80% cơ quan, đơn vị văn hóa; 85% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

- Giữ vững kết quả phổ cập tiểu học và trung học cơ sở, hoàn thành bậc phổ cập trung học vào năm 2010 và tiếp tục giữ vững kết quả phổ cập vào những năm tiếp theo, nâng cao chất lượng dạy và học. Đến năm 2010, có 80% trường tiểu học, 50% THCS và 25% trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng và tỷ lệ số trường đạt chuẩn quốc gia vào các năm sau năm 2010.

- Đến năm 2010, 80% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn được chuẩn hóa; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2015.

- Đến năm 2008, thị xã Hưng Yên đạt tiêu chuẩn đô thị loại III và trước năm 2010 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Đến năm 2010, Phố Nối trở thành thị xã công nghiệp và dịch vụ, tiếp tục tăng cường phát triển các đô thị khác trong tỉnh đến năm 2020.

C. Phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực chủ yếu

1. Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Nông nghiệp phát triển phải gắn liền với quá trình chuyển đổi tích cực cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng tới một nền nông nghiệp hàng hóa mạnh. Quá trình phát triển nông sản hàng hóa phải gắn liền với định hướng thị trường, cung cấp sản phẩm an toàn và chất lượng cao vào năm 2020. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản thời kỳ 2006 - 2010 đạt bình quân 5%, 2011 - 2020 bình quân 4,3 - 4,5%. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và tốc độ đô thị hóa nông thôn.

2. Phương hướng phát triển ngành công nghiệp - TTCN: Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn quy mô lớn từ nước ngoài (bao gồm vốn FDI), các nhà đầu tư trong nước và của tỉnh. Phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch chung của cả vùng. Hình thành các khu công nghiệp và đô thị mới làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh. Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thủ công nghiệp và làng nghề. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2006 - 2010 trên 25%, giai đoạn 2011 - 2015 là 18.1%, giai đoạn 2016 - 2020 là 17,6%.

3. Dịch vụ và du lịch: Ưu tiên đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ trên địa bàn phù hợp với sự phát triển nhanh của công nghiệp và kinh tế của tỉnh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Đầu tư nâng cấp, tôn tạo các quần thể di tích lịch sử văn hóa Phố Hiến, tạo bước đột phá để thu hút phát triển du lịch. Từng bước hướng tới xây dựng và phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm, tư vấn pháp luật. Nâng cao chất lượng đô thị, nhất là thị xã Hưng Yên. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm các ngành dịch vụ giai đoạn 2006 - 2010 là 16%, giai đoạn 2011 - 2015 là 14,1%, giai đoạn 2016 - 2020 là 10.7%.

4. Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng:

+ Đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên (nối từ cầu Thanh Trì tới giao QL 39 tại km 12 + 150), dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 trước năm 2010 và GĐ2 trước năm 2020. Nâng cấp đường tỉnh lộ 200 thành cấp 1 đồng bằng. Nâng cấp các tuyến đường tỉnh khác thành đường cấp III. Đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyện theo cấp đường. Hệ thống cảng cạn dự kiến xây dựng xong vào năm 2010. Nạo vét luồng lạch và nâng cấp các sông. Quy hoạch và xây dựng cảng sông Hồng, sông Luộc; quy hoạch và xây dựng bến xe, bãi đỗ xe.

+ Xây dưng hệ thống cấp nước tập trung quy mô lớn, trung bình để khai thác nguồn nước ngầm, nước mặt cấp nước cho xã, thị trấn hoặc liên xã; xây dựng hệ thống cấp nước tập trung quy mô nhỏ khai thác nguồn nước ngầm nước mặt với quy mô cấp nước cho một vài thôn; những nơi dân cư không tập trung; áp dụng loại hình thức cấp nước quy mô hộ gia đình như giếng khoan, bể chứa nước v.v…Quan tâm xây dựng hệ thống cấp thoát nước, đặc biệt là thoát nước ở các khu vực thị xã, thị trấn và các khu, cụm công nghiệp.

5. Giáo dục - Đào tạo phải đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí đáp ứng nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH. Phát triển GD-ĐT cân đối về quy mô, loại hình, tăng cường chất lượng, hiệu quả, tiếp cận tiến bộ và bền vững. Phát triển thêm trường đại học phục vụ nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và vùng ĐBSH. Xây dựng một trường đại học thực hành đa ngành chất lượng cao tại Hưng Yên, từng bước quy hoạch và xây dựng một khu đô thị đại học của cả vùng.

6. Coi trọng công tác dân số, gia đình, trẻ em và y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong việc phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân và mỗi gia đình. Thực hiện tốt các chương trình y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh. Tăng cường cơ sở vật chất cho các bệnh viện, các trung tâm y tế, xây dựng mới các bệnh viện chuyên khoa như: Bệnh viện phụ sản, bệnh viện nhi… gắn với các tuyến bệnh viện chuyên khoa ở Thủ đô Hà Nội.

7. Văn hóa, thông tin: Nâng cao trình độ, năng lực và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh giàu mạnh về kinh tế và văn minh về xã hội. Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, tăng cường cơ sở vật chất và nhân lực. Đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, sinh hoạt câu lạc bộ ở cơ sở.

8. Đẩy mạnh xã hội hóa TDTT dưới nhiều hình thức. Nâng cao sức khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phấn đấu đến năm 2010 có trên 25% dân số luyện thể dục thể thao thường xuyên và trên 10% dân số  đạt danh hiệu “gia đình thể thao”; đến năm 2015 có trên 28% dân số luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, và trên 12% số hộ đạt danh hiệu: “gia đình thể thao” trên toàn tỉnh. Chú trọng đào tạo và phát triển những môn có thành tích cao.

9. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt những đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, đảm bảo tất cả các gia đình chính sách có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân địa phương. Giữ vững không để tái hộ nghèo, mỗi năm giảm từ 0,3 + 0,5% hộ nghèo.

10. Kết hợp nhiệm vụ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Coi trọng việc xây dựng và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cơ sở, nhất là khu vực làng, xã, thôn, xóm. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; giữ vững mục tiêu ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

II. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Về vốn đầu tư

Dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển của Hưng Yên giai đoạn 2006 - 2010 vào khoảng 59.400 tỷ đồng (giá hiện hành), bình quân mỗi năm khoảng 11.800 tỷ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến khoảng 125.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm khoảng 25.000 tỷ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến khoảng 280.000 tỷ đổng, bình quân mỗi năm khoảng 50.000 tỷ đồng.

- Nguồn vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 10% - 12%, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các tỉnh lân cận triển khai các dự án lớn của vùng trên địa bàn tỉnh, tiết kiệm chi phí thường xuyên của tỉnh để tập trung cho đầu tư phát triển.

- Nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay chiếm trên 70%, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng và cải cách thủ tục hành chính để thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển dịch vụ. Tạo điều kiện thu hút các ngân hàng lớn, phát triển thị trường vốn.

- Nguồn vốn trong dân cư chiếm khoảng 15% - 18%, khuyến khích người dân bỏ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.

2. Về nguồn nhân lực

- Từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức nhà nước bằng cách đào tạo, đào tạo lại theo đúng nhiệm vụ, chức danh; đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ, viên chức.

- Quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đào tạo, đặc biệt là đối với hệ thống đào tạo nghề. Tổ chức đào tạo nghề cho người lao động nông thôn. Tăng cường đầu tư các cơ sở dạy nghề, khuyến khích các thành phần kinh tế mở các trường đào tạo nghề trên địa bàn. Thông qua mạng lưới dạy nghề của tỉnh và của vùng, qua các chương trình khuyến nông, kết hợp với các hoạt động của các tổ chức đoàn thể, hội trên địa bàn, phổ biến kiến thức về mô hình sản xuất mới hiệu quả; về công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng mới về tìm kiếm thị trường; v.v…

- Xây dựng và phổ biến các cơ chế chính sách khuyến khích (cả các chính sách khuyến khích vật chất, tinh thần), tạo môi trường làm việc và sinh sống phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân lực có trình độ cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, đặc biệt đối với con em của tỉnh học ở các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước. Khuyến khích, hỗ trợ cán bộ trẻ tự đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, ngoại ngữ.

3. Về cơ chế chính sách

- Đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính, tạo điều kiện cởi mở thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tăng cường phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp hành chính; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân.

- Vận dụng sáng tạo những cơ chế, chủ trương, chính sách của nhà nước trên địa bàn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như: Du lịch, thương mại, những lĩnh vực thu hút nhiều lao động, bảo quản và chế biến nông sản, đào tạo nguồn nhân lực v.v…

- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, có cơ chế thưởng phạt cụ thể đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, thu hút nhiều lao động địa phương, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

4. Về thị trường

- Coi trọng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là nhu cầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, của các thành phố lớn trong vùng như Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long; khai thác lợi thế của tỉnh nằm trong 2 hành lang kinh tế Việt - Trung; đồng thời quan tâm đến sức mua của thị trường nông thôn rộng lớn.

- Củng cố mạng lưới thương mại, phát triển hệ thống chợ, khuyến khích các hoạt động thương mại, bán buôn hàng hóa. Thu hút các doanh nghiệp kinh doanh thương mại lớn đầu tư các trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm triển lãm, trung chuyển hàng hóa lớn của vùng trên địa bàn tỉnh.

- Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường, đặc biệt các thị trường tiêu thụ các nông sản có lợi thế của tỉnh, thúc đẩy đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nhằm gián tiếp thúc đẩy sản xuất phát triển.

5. Về khoa học - công nghệ

Tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh gồm cả trang thiết bị và nguồn nhân lực. Tăng cường hoạt động trao đổi, chuyển giao tiến bộ công nghệ sản xuất trong các lĩnh vực  sản xuất nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng.

Chú trọng việc quản lý các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc sử dụng công nghệ đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường, sinh thái cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh cải tiến công nghệ, nhằm nâng cao năng suất lao động, cải tiến chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi thế trong cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

6. Quy hoạch phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Tiến hành lập quy hoạch phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng quy hoạch chi tiết từng vùng nông thôn của tỉnh, góp phần gìn giữ những nét đặc sắc của nền văn minh đồng bằng sông Hồng, làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách phát triển nông thôn.

Tăng cường đầu tư và kêu gọi đầu tư, có chính sách khuyến khích nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo quy hoạch. Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao đời sống của nông dân trên địa bàn.

7. Về quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 được phê duyệt phải công bố công khai, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương, cơ sở; đồng thời khẩn trương xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ và có hiệu quả kế hoạch phát triển đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

III. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH GIAO ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TỔ CHỨC TRIỂN KHAI, BÁO CÁO CÁC BỘ, NGÀNH TRUNG ƯƠNG THẨM ĐỊNH VÀ TRÌNH THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT THEO QUY ĐỊNH.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV - kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19/7/2006 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Hưng Yên

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Đình Phách