NGHỊ QUYẾT
Về nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản năm 2011
________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 19
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003, Luật Ngân sách nhà nước năm 2002;
Căn cứ Quyết định số 2145/QĐ-TTg ngày 23/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 tỉnh Hưng Yên; Quyết định 3051/QĐ-BTC ngày 24/11/2010 của Bộ Tài chính về giao dự toán thu, chi NSNN năm 2011; Quyết định 288/QĐ-BKH ngày 24/11/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giao chỉ tiêu kế hoạch đầu tư phát triển thuộc NSNN năm 2011;
Sau khi xem xét Báo cáo số 105/BC-UBND ngày 29/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ đầu tư XDCB năm 2010 và kế hoạch XDCB năm 2011, Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách và ý kiến của các vị đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
I. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư năm 2010:
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2010 của tỉnh là 1.011,447 tỷ đồng; trong đó: Ngân sách tập trung 272,48 tỷ đồng (Trung ương giao 212,48 tỷ đồng, nguồn địa phương cân đối thêm 60 tỷ đồng), nguồn thu từ xổ số kiến thiết 6 tỷ đồng, nguồn thu tiền sử dụng đất 300 tỷ đồng, nguồn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu của địa phương 55,05 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển thuộc chương trình mục tiêu quốc gia 18 tỷ đồng, vốn nước ngoài ODA 30 tỷ đồng; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 329,917 tỷ đồng (thủy lợi 105 tỷ đồng, giao thông 50 tỷ đồng, y tế 61,7 tỷ đồng; kiên cố hóa trường, lớp học 43,217 tỷ đồng, xây dựng ký túc xá sinh viên 70 tỷ đồng).
Việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư XDCB năm 2010 có nhiều thuận lợi, giá cả các nguyên, vật liệu xây dựng biến động không nhiều; các chính sách về đầu tư và xây dựng tương đối đồng bộ và ổn định; hầu hết các chủ đầu tư đã có kinh nghiệm hơn trong việc quản lý dự án. Đến 30/9/2010 số vốn của tất cả các lĩnh vực đã được giải ngân bằng và vượt tỷ lệ theo quy định.
Tuy nhiên, vẫn còn một số công trình triển khai quá chậm, đến nay chưa đấu thầu, chỉ định thầu, thi công; công tác giải phóng mặt bằng một số dự án triển khai quá chậm, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công và giải ngân vốn. Năng lực của một số đơn vị tư vấn còn kém, đặc biệt tư vấn lập dự án, thiết kế, tư vấn khảo sát, dẫn đến chất lượng một số hồ sơ dự án, thiết kế kỹ thuật thi công dự toán, hồ sơ đấu thầu phải chỉnh sửa, bổ sung nhiều, làm chậm tiến độ thi công. Một số dự án quan trọng của tỉnh như: Dự án củng cố nâng cấp đê tả sông Hồng; dự án cải tạo, mở rộng, nạo vét sông Điện Biên; dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Cửu An, sông Đồng Quê triển khai rất chậm. Một số chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao, đặc biệt là việc giải ngân vốn trong khi công trình đã khởi công hoặc đã có khối lượng thực hiện nhưng không làm thủ tục tạm ứng hoặc giải ngân cho các nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung toàn tỉnh, dẫn đến một số công trình phải điều chuyển vốn. Một số huyện chưa chấp hành quy định của tỉnh về phân bổ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng trụ sở xã, phường (khởi công mới nhiều, không thanh toán trả nợ cho các công trình chuyển tiếp).
II. Kế hoạch đầu tư XDCB năm 2011.
A. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2011 là 869,2 tỷ đồng (chưa bao gồm vốn chương trình mục tiêu Quốc gia), bao gồm:
- Nguồn vốn ngân sách tập trung Trung ương giao 267,6 tỷ đồng.
- Nguồn hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích 2 tỷ đồng.
- Nguồn địa phương cân đối thêm 43 tỷ đồng.
- Nguồn thu từ xổ số kiến thiết 6 tỷ đồng.
- Nguồn thu từ tiền sử dụng đất 450 tỷ đồng.
- Nguồn vốn Chính phủ hỗ trợ theo mục tiêu của địa phương 60,6 tỷ đồng.
- Vốn ODA 40 tỷ đồng.
- Vốn đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (khi Trung ương giao, UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh phân bổ).
B. Phân bổ như sau:
Nguồn ngân sách tập trung Trung ương giao 267,6 tỷ đồng được phân bổ như sau:
1. Phần vốn phân cấp cho các huyện, thành phố: 54 tỷ đồng:
Thực hiện theo Nghị quyết số 142/2010/NQ-HĐND ngày 21/9/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Căn cứ vào số vốn được phân bổ, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phân bổ theo đúng quy định của Luật Ngân sách, bảo đảm hiệu quả, tạo điều kiện để thu hút các nguồn vốn khác, huy động cao nhất các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng trong việc phân bổ vốn đầu tư phát triển.
Trong quá trình phân bổ vốn các công trình, dự án; các huyện, thành phố phải phân bổ vốn ngay từ đầu năm và chỉ được đầu tư hỗ trợ cho các dự án theo các quy định của nhà nước và của tỉnh.
2. Phần vốn tập trung thuộc tỉnh quản lý: 213,6 tỷ đồng, dự kiến phân bổ như sau:
- Thanh toán trả nợ khoản vay Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia: 27,5 tỷ đồng.
- Thanh toán các công trình đã quyết toán xong, hỗ trợ 3 Đề án (Đề án xây dựng nông thôn mới, Đề án phát triển chăn nuôi xa khu dân cư và Đề án phát triển kinh tế vùng bãi), chuẩn bị đầu tư: tổng số 27,1 tỷ đồng.
- Số còn lại ưu tiên phân bổ cho các công trình chuyển tiếp, dành một phần để đầu tư cho các công trình xây dựng mới quan trọng của tỉnh.
3. Hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp hàng hoá, dịch vụ công ích: 2 tỷ đồng phân bổ theo hướng dẫn của Trung ương.
4. Nguồn địa phương cân đối thêm 43 tỷ đồng:
- Đầu tư đối ứng cho Đề án kiên cố hoá trường, lớp học 34,5 tỷ đồng.
- Còn lại 8,5 tỷ đồng phân bổ cho các công trình của tỉnh quản lý.
5. Nguồn thu từ tiền sử dụng đất:
Tổng nguồn vốn thu từ tiền sử dụng đất 450 tỷ đồng; trong đó: Trích lập quỹ phát triển đất 34,5 tỷ đồng; ghi thu ghi chi phần thu từ đổi đất lấy hạ tầng khu đô thị Thăng Long 170 tỷ; phần điều tiết cấp huyện quản lý 188,5 tỷ; phần điều tiết cấp xã 57 tỷ.
6. Nguồn thu từ xổ số kiến thiết 6 tỷ đồng, được phân bổ như sau:
- Đối ứng cho đề án kiên cố hoá trường, lớp học 3 tỷ đồng.
- Phần còn lại 3 tỷ đồng phân bổ cho một số công trình của tỉnh quản lý thuộc khối giáo dục, y tế.
7. Các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu, vốn chương trình mục tiêu Quốc gia 60,6 tỷ đồng, cân đối cho các chương trình, dự án đã được các bộ, ngành Trung ương chấp thuận.
8. Vốn ODA: 40 tỷ đồng. Là nguồn vốn Chính phủ giao cho tỉnh vận động các nhà tài trợ đầu tư vào các dự án của địa phương, được giải ngân theo tiến độ triển khai dự án.
9. Nguồn vốn đầu tư xây dựng Trụ sở các xã (sử dụng từ nguồn vượt thu năm 2010, số tiền 50 tỷ đồng, UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh phân bổ).
Danh mục cụ thể: (Có phụ lục chi tiết kèm theo).
III. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khoá XIV - Kỳ họp thứ 19 thông qua ngày 10/12/2010, có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua ./.