• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 28/04/2000
BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG-BỘ THƯƠNG MẠI
Số: 2880/KCM-TM
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hưng Yên, ngày 19 tháng 12 năm 1996

THÔNG TƯ LIÊN BỘ
Quy định tạm thời đối với việc nhập khẩu các phế liệu

___________________

Để đáp ứng các nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất, bên cạnh các nguồn nguyên liệu khai thác ở trong nước, hiện nay một số cơ sở vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu của nước ngoài, bao gồm nguyên liệu chính phẩm và đôi khi cả nguyên liệu thứ phẩm và phế liệu như giấy loại, sách báo cũ, lon nhôm thu hồi, nhựa và kim loại phế liệu v.v.. (sau đây gọi tắt là phế liệu).

Trong thời gian vừa qua, việc nhập khẩu các phế liệu nhìn chung đã đáp ứng phần nào các nhu cầu sản xuất của một số ngành. Tuy nhiên, do chưa có quy định hướng dẫn về việc này một cách chi tiết nên trên thực tế đã xảy ra một số trường hợp nhập phế liệu kém chất lượng, lẫn nhiều tạp chất, không đúng quy định trong hợp đồng v.v.. gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khoẻ của người sản xuất, vi phạm Luật bảo vệ môi trường.

Nhằm thực hiện nghiêm chỉnh Luật bảo vệ môi trường, Nghị định 175/CP của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; mặt khác để góp phần tháo gỡ bớt những khó khăn thực tế cho một số ngành trong nước theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 69/TB ngày 21-5-1994 của Văn phòng Chính phủ về việc lập danh mục các nguyên liệu thứ phẩm cấm nhập khẩu và được phép nhập khẩu; Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Thương mại ban hành Thông tư liên Bộ quy định tạm thời đối với việc nhập khẩu các phế liệu.

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Chỉ nhập khẩu một số phế liệu thiết yếu phục vụ trực tiếp cho các yêu cầu bức xúc của sản xuất; không nhập phế liệu để mua đi bán lại hoặc sử dụng cho các mục tiêu khác. Nghiêm cấm mọi hình thức nhập chất thải vào Việt Nam núp dưới danh nghĩa "Nhập phế liệu".

2. Phế liệu được đề cập trong Thông tư này bao gồm: nguyên liệu thứ phẩm và phế liệu.

Nguyên liệu thứ phẩm là các nguyên liệu mà khi được sản xuất ra không đủ tiêu chuẩn quy định làm nguyên liệu chính phẩm, nhưng vẫn có thể đáp ứng các yêu cầu của sản xuất trong nước.

Phế liệu là các nguyên liệu bị loại ra sau quá trình sản xuất nguyên liệu chính phẩm và không đạt tiêu chuẩn nguyên liệu thứ phẩm nêu trên, hoặc là các sản phẩm bị loại ra sau quá trình sử dụng, như:

- Nguyên liệu vụn, hoặc bị biến dạng, sứt mẻ... nhưng vẫn giữ được tính chất cơ bản của vật liệu.

- Các sản phẩm, đồ vật đã qua chế biến, gia công (không đủ tiêu chuẩn chính phẩm, thứ phẩm) hoặc đã qua sử dụng, nhưng có thể sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất.

3. Đối với những phế liệu là các sản phẩm, đồ vật đã qua gia công, chế biến và sử dụng, việc cho phép nhập khẩu sẽ được xem xét từng trường hợp cụ thể.

4. Tạp chất là những chất không cùng tính năng của phế liệu mà có lẫn trong phế liệu. Tỷ lệ tạp chất không quá 3%. Tạp chất không được chứa các chất cấm nhập (theo Điểm 5 Thông tư này). Trong trường hợp tạp chất lẫn trong phế liệu là các chất thuộc diện khi nhập phải xin phép về môi trường, khi nhập phải làm các thủ tục xin phép về môi trường.

5. Phế liệu nêu trong Thông tư này được chia làm 3 loại:

a) Phế liệu cấm nhập khẩu (Phụ lục 1).

b) Phế liệu khi nhập khẩu không phải xin phép về môi trường (Phụ lục 2). Đối với loại phế liệu này khi nhập khẩu phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Làm thủ tục nhập khẩu theo các quy định hiện hành của các bộ, ngành có liên quan.

- Trong trường hợp đã có tiêu chuẩn quốc gia về phế liệu, phải tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, môi trường của tiêu chuẩn đó (ví dụ: đối với phế liệu từ sản xuất và gia công giấy, thùng - bìa carton phải đảm bảo các yêu cầu nêu trong Tiêu chuẩn Việt Nam số 5946-1995, trang 355, tập II).

- Trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia, dựa vào tiêu chuẩn ngành để giám sát chất lượng và môi trường khi nhập khẩu.

- Trong trường hợp chưa có tiêu chuẩn quốc gia, ngành đối với phế liệu nhập, việc giám sát chất lượng phế liệu nhập tiến hành kỹ lưỡng để không ảnh hưởng xấu đến môi trường.

c) Các phế liệu không nêu trong phụ lục 1, 2 của Thông tư này đều phải xin phép về môi trường khi nhập khẩu.

6- Chỉ các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất, hoặc cơ sở sản xuất đã được Bộ thương mại cấp giấy phép trực tiếp xuất khẩu, có ngành hàng nhập khẩu phù hợp, mới được phép nhập khẩu phế liệu. Trường hợp cơ sở sản xuất chưa được cấp giấy phép xuất nhập khẩu trực tiếp thì uỷ thác nhập khẩu qua các đơn vị trên sau khi được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Cục Môi trường) có văn bản chấp thuận nhập khẩu.

 

Chương II

THỦ TỤC CẤP PHÉP VỀ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÁC
PHẾ LIỆU NHẬP KHẨU

(Điểm 5 c chương I)

Thủ tục để có ý kiến cho phép về môi trường trước khi nhập phế liệu gồm:

1. Hồ sơ:

1.1- Đơn đề nghị của doanh nghiệp (theo mẫu phụ lục 3)

1.2- Mẫu vật của phế liệu nhập khẩu.

1.3- Kết quả phân tích, giám định chất lượng (thành phần vật chất, hoá chất, tạp chất...) do cơ quan chuyên trách có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với mẫu vật.

1.4- Xác nhận về chất lượng và môi trường của phế liệu nhập (thành phần vật chất, hoá học, tỷ lệ tạp chất, độ độc hại...) do tổ chức chuyên trách có thẩm quyền của nước xuất khẩu phế liệu cấp.

1.5- ý kiến của cơ quan chủ quản cấp Bộ, ngang Bộ, Tổng cục hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

* Hồ sơ và mẫu vật nói trên được giao nhận tại Phòng kiểm soát ô nhiễm của Cục Môi trường, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (địa chỉ: 39 Trần Hưng Đạo, Hà Nội).

2. Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường uỷ quyền Cục Trưởng Cục Môi trường xem xét và giải quyết đơn đề nghị của doanh nghiệp trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, mẫu vật theo quy định tại Điểm 1, Chương II.

 

Chương III

THỦ TỤC NHẬP KHẨU

1. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhu cầu nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất, sau khi được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Cục Môi trường) chấp thuận bằng văn bản được nhập khẩu theo quy định tại Chương II nêu trên thì đến cơ quan Hải quan làm các thủ tục theo quy định hiện hành.

2. Hải quan cửa khẩu tiến hành kiểm tra, giám sát về chất lượng và số lượng phế liệu nhập theo các quy định hiện hành của pháp luật. Trong một số trường hợp cần thiết Hải quan cửa khẩu phối hợp chặt chẽ với sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường địa phương và một số cơ quan khác liên quan cùng kiểm tra, giám sát.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ sở nhập và sử dụng phế liệu phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý môi trường Trung ương và địa phương.

2. Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với phế liệu nhập tại các cửa khẩu theo các quy định hiện hành của Nhà nước và nội dung của Thông tư này.

3. Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Sở Thương mại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

- Phối hợp với các cơ quan liên quan (Hải quan, Đo lường - Chất lượng, Vinacontrol...) giám sát, kiểm tra chất lượng, số lượng phế liệu nhập và việc vận chuyển và bảo quản phế liệu nhập tại kho chứa trước khi gia công, chế biến.

- Giám sát việc sử dụng phế liệu nhập trong quá trình sản xuất (xem xét các khía cạnh bảo vệ môi trường, kể cả việc thẩm định môi trường trước khi đưa phế liệu nhập vào sản xuất).

- Kiểm tra định kỳ và đột xuất việc sử dụng phế liệu nhập trong quá trình sản xuất và báo cáo định kỳ với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Thương mại về các kết quả giám sát, kiểm tra.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan phổ biến Thông tư này cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn địa phương.

4- Trường hợp vi phạm các quy định bảo vệ môi trường trong khi nhập khẩu hoặc sử dụng phế liệu nhập vào sản xuất đều phải xử lý kịp thời, nghiêm khắc theo các quy định hiện hành của pháp luật. Các hình thức xử lý có thể là buộc tái xuất, đình chỉ nhập khẩu các lô tiếp theo, đồng thời xử phạt theo Điều 10, 11 của Nghị định 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm nghiêm trọng.

5. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Thương mại có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên Bộ này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thông tư này thay thế cho các văn bản liên quan trước đây và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1997.

Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp cần phản ánh kịp thời về Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Thương mại để nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp.

  Thứ trưởng                                                                        Thứ trưởng

Chu Tuấn Nhạ                                                                  Nguyễn Xuân Quang   

     (Đã ký)                                                                                       (Đã ký)    

                                                                         

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.