Sign In

Về việc tăng cường hiệu lực xử lý các sai phạm qua thanh tra

trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

 

Thực hiện Luật Thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra; trong thời gian qua, hầu hết các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh đã nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm thu hồi, nộp lại ngân sách các khoản tiền, tài sản bị thất thoát phát hiện qua thanh tra và tổ chức xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, công chức có sai phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số các cơ quan, đơn vị, cá nhân còn dây dưa, không chấp hành các quyết định thu hồi tiền và tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra và không tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức có sai phạm; việc này gây khó khăn cho công tác điều hành của các cấp, các ngành; làm cho các quy định của pháp luật không được thực hiện nghiêm minh.

Nhằm tăng cường hiệu lực xử lý các sai phạm phát hiện qua thanh tra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, các tổ chức, đơn vị hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra và thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra, có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các kết luận, quyết định xử lý của các cơ quan, tổ chức thanh tra, của người ra quyết định thanh tra đối với các sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý, phụ trách, cụ thể:

a) Căn cứ các kiến nghị xử lý của các cơ quan, tổ chức thanh tra, của người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng đơn vị là đối tượng thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo các tập thể hoặc cá nhân có sai phạm phải thu hồi nộp lại ngân sách Nhà nước các khoản tiền, tài sản đã bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc gây thất thoát. Trường hợp tập thể hoặc cá nhân có sai phạm có ý kiến khác hoặc chưa đồng ý với quyết định xử lý của các cơ quan, tổ chức thanh tra, của người ra quyết định thanh tra thì vẫn phải chấp hành thu nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan, tổ chức thanh tra trong khi chờ ý kiến xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ, công chức và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm; nghiêm túc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức có hành vi vi phạm; góp phần tăng cường giáo dục cán bộ, công chức trong việc thực thi chức trách công chức, công vụ; tránh để xảy ra tái phạm;

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nào không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc việc kiểm điểm trách nhiệm để xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức có sai phạm thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

b) Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên của cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra đơn vị cấp dưới thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, quyết định xử lý của các cơ quan, tổ chức thanh tra, của người ra quyết định thanh tra; trường hợp phát hiện đơn vị thuộc quyền quản lý không thực hiện hoặc đã quá hạn mà vẫn chưa thực hiện thì có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở thực hiện kịp thời các kiến nghị xử lý. Đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền phân cấp xử lý kỷ luật cán bộ, công chức viên chức phải tiến hành thực hiện theo đúng thủ tục quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

e) Đối với các sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng, các cơ quan, tổ chức thanh tra, người ra quyết định thanh tra đã quyết định chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định thì đối tượng thanh tra và cơ quan quản lý cấp trên của đối tượng thanh tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra để chuyển giao tài liệu theo đúng quy định của pháp luật.

2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị không thực hiện các kết luận, quyết định xử lý của các cơ quan, tổ chức thanh tra, người ra quyết định thanh tra hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý như sau:

a) Đối với các khoản phải thu hồi là tiền, tài sản có giá trị như tiền (vàng, kim loại quí hiếm, đá quý, ngoại tệ), các cơ quan, tổ chức thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra có văn bản đề nghị Ngân hàng nhà nước cùng cấp, thủ trưởng các ngân hàng thương mại hoặc kho bạc, nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch, áp dụng biện pháp trích tài khoản tiền gửi của đơn vị bị xử lý, chuyển vào tài khoản tạm giữ của các cơ quan, tổ chức thanh tra theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đơn vị, cá nhân bị xử lý không có tiền trong tài khoản để trích nộp đồng thời quá thời hạn mà vẫn không chấp hành quyết định thu hồi, tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

b) Đối với tài sản khác (nhà, đất, xe, thiết bị) các cơ quan, tổ chức thanh tra, người ra quyết định thanh tra có văn bản đề nghị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tạm giữ tài sản đó trong thời gian chờ ý kiến xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

c) Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, tùy theo mức độ vi phạm, các cơ quan tổ chức thanh tra, người ra quyết định thanh tra hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thực hiện các biện pháp xử lý khác như  rút giấy phép kinh doanh, thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ tham gia đấu thầu có thời hạn theo quy định hiện hành.

d) Trường hợp các đơn vị, cá nhân có sai phạm và mức độ sai phạm là nghiêm trọng nhưng đơn vị, cá nhân thực hiện nghiêm túc việc nộp lại các khoản tiền và tài sản bị thất thoát, thì cơ quan, tổ chức thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra xem đó là hành vi tích cực khắc phục hậu quả, để xem xét trong việc kiến nghị hoặc xử lý trách nhiệm.

3. Khi nhận được thông báo xử lý của cơ quan có thẩm quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị là cấp trên của đối tượng thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo đối tượng thanh tra thực hiện việc kiểm điểm trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền có sai phạm theo điểm b, mục 1 Chỉ thị này; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nào có hành vi sau đây thì tùy mức độ vi phạm phải kiểm điểm và chịu hình thức xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật:

a) Không chỉ đạo tập thể, cá nhân có sai phạm kiểm điểm trách nhiệm để xử lý kỷ luật theo thông báo xử lý của cơ quan có thẩm quyền;

b) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra, đã kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật nhưng thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật theo phân cấp quản lý cán bộ không xem xét, không ban hành quyết định kỷ luật trong thời hạn quy định;

c) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật với hình thức kỷ luật không tương xứng với mức độ sai phạm của người vi phạm.

4. Đối với các tổ chức, đơn vị hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có hành vi vi phạm; ngoài việc xử lý về tài chính nêu trên, tổ chức thanh tra, người ra quyết định thanh tra hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, rút giấy phép kinh doanh, thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ tham gia đấu thầu theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức thực hiện

a) Giao Thanh tra tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị tại một số cơ quan, đơn vị để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh các thiếu sót;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; các tổ chức, đơn vị hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị; nếu có vướng mắc, kịp thời phản ảnh về Thanh tra tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Chiến Thắng