CHỈ THỊ
Về việc quản lý, khai thác đất san lấp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
|
|
1/01/clip_image001.gif" width="217" /> |
Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản nói chung đã đi vào nề nếp, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng khoáng sản. Tuy nhiên, tình hình khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng thông thường là đất san lấp hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động khai thác trái phép diễn ra ở nhiều nơi, công tác quản lý, bảo vệ ở các địa phương chưa chặt chẽ, các dự án đầu tư khi được phê duyệt, triển khai chưa xác định được nguồn vật liệu san lấp; có chủ đầu tư lạm dụng việc lập, triển khai dự án để khai thác, cung cấp đất san lấp ra bên ngoài; các dự án trọng điểm hoặc dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do nhà nước làm chủ đầu tư yêu cầu thời gian hoàn thành sớm, trong khi việc cấp giấy phép khai thác đất san lấp phải thực hiện theo trình tự quy định, chưa đáp ứng kịp thời tiến độ của các dự án…
Trước tình hình đó, để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác đất san lấp, hạn chế việc khai thác trái phép, không đúng quy hoạch và tăng cường công tác quản lý khai thác khoáng sản đúng quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các cơ quan, ban ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các nội dung sau:
1. Các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố.
a) Giám đốc các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên khoáng sản đảm bảo sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả bền vững.
b) Các cơ quan chủ trì tiếp nhận, thẩm định hồ sơ các dự án đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân khi lập dự án đầu tư phải thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường, đảm bảo vật liệu san lấp phục vụ dự án; yêu cầu các chủ đầu tư cân bằng đào đắp trong nội bộ dự án là chính, hạn chế tối đa việc khai thác đất cung cấp cho các dự án khác.
c) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương tăng cường tổ chức thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thăm dò, khai thác đất san lấp. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức quản lý, bảo vệ các khu vực khoáng sản đất san lấp chưa được phép khai thác; kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hoạt động khai thác đất san lấp trái phép. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với đất san lấp theo các trường hợp khác nhau, tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh trong khi chưa có hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.
2. Các Chủ đầu tư, Nhà thầu xây dựng, tổ chức, cá nhân liên quan.
Các Chủ đầu tư, Nhà thầu xây dựng, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về thăm dò, khai thác khoáng sản, trong đó, đối với khoáng sản là đất san lấp:
a) Đối với các dự án trọng điểm, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng do nhà nước làm chủ đầu tư hoặc nhà nước chỉ định các đơn vị khác làm chủ đầu tư cần đưa nội dung nhu cầu khối lượng đất san lấp và xác định vị trí mỏ khai thác đất san lấp cho dự án vào chung trong nhiệm vụ của dự án; việc khai thác đất san lấp được thực hiện mà không phải thăm dò, không xin giấy phép khai thác, chỉ đăng ký tại Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác.
b) Đối với khu vực có diện tích nhỏ ≤ 5 ha, trữ lượng khoáng sản đất san lấp ước tính ≥ 500.000 m3 thì chủ đầu tư lập Đề án khai thác, trong đó xác định phạm vi diện tích; có thỏa thuận địa điểm với Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương và các cơ quan liên quan; xác định phương án khai thác phù hợp; có Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường được thẩm định phê duyệt; lập Đề án cải tạo, phục hồi môi trường làm cơ sở ký quỹ, đồng thời có trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác; ký hợp đồng thuê đất, hồ sơ gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép.
c) Đối với các trường hợp khác, các doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ theo quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản. Trong đó, chỉ cần thăm dò tối thiểu đến trữ lượng cấp 122 (Quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản rắn ban hành kèm theo Quyết định số 06/2006/QĐ-BTNMT ngày 07/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường); việc thỏa thuận địa điểm để cấp Giấy chứng nhận đầu tư chỉ cần căn cứ các ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị đã tham gia kiểm tra thực địa; không cần lập Thiết kế cơ sở không yêu cầu thực hiện Thiết kế mỏ và Giám đốc điều hành mỏ.
d) Các chủ đầu tư khi chọn nhà thầu thi công các dự án có các hạng mục cần san lấp mặt bằng phải chọn nhà thầu có năng lực, có giấy phép khai thác đất san lấp còn hiệu lực hoặc có hợp đồng với doanh nghiệp được phép khai thác đất san lấp đảm bảo toàn bộ khối lượng đất san lấp cung cấp cho công trình phải được khai thác hợp pháp; Chủ đầu tư hoặc nhà thầu xây dựng có trách nhiệm thực hiện việc ký quỹ để duy tu bảo dưỡng và khôi phục lại hiện trạng các tuyến đường bị hư hỏng do việc vận chuyển đất san lấp gây ra theo quy định tại Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 08/02/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường quản lý, bảo vệ công trình giao thông và hành lang an toàn đường bộ.
đ) Tất cả các trường hợp khai thác đất san lấp phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, trừ trường hợp vị trí khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để giải quyết, điều chỉnh phù hợp với quy định và thực tế tại địa phương./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Đức Vinh
|