• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/01/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 14/08/2006
CHÍNH PHỦ
Số: 160/2003/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Khánh Hòa, ngày 18 tháng 12 năm 2003

NGHỊ ĐỊNH

Về quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực hàng hải của Việt Nam

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ Luật Hàng hải Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc mở, đóng cảng biển, hoạt động hàng hải, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển và khu vực hàng hải của Việt Nam, nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, vệ sinh, trật tự và phòng ngừa ô nhiễm môi trường ở những khu vực đó.

Cảng biển quy định tại Nghị định này không bao gồm cảng quân sự chỉ phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh và cảng cá chỉ phục vụ cho hoạt động nghề cá nằm ngoài vùng nước cảng biển.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này được áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hoạt động tại cảng biển và khu vực hàng hải của Việt Nam.

Điều 3. Áp dụng pháp luật

1. Khi hoạt động tại cảng biển và khu vực hàng hải của Việt Nam, mọi tổ chức, cá nhân, tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài, các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nghị định này, pháp luật Việt Nam, các Điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

2. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.

3. Trong trường hợp có sự khác nhau về cùng một nội dung điều chỉnh giữa quy định của Nghị định này với quy định hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành, thì áp dụng theo quy định của Nghị định này.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu :

1. "Cảng biển" là cảng mở ra cho tàu thuyền ra, vào hoạt động và được cơ quan có thẩm quyền công bố.

2. "Cầu cảng" là một bộ phận của cảng biển, nơi tàu thuyền neo đậu bốc, dỡ hàng hoá, đón trả hành khách hoặc thực hiện các dịch vụ hàng hải khác.

3. "Cảng dầu thô ngoài khơi" là cảng biển gồm khu vực tàu chứa dầu thô neo đậu làm kho nổi và các vùng nước có liên quan mà tàu thuyền được phép ra, vào hoạt động.

4. "Luồng ra, vào cảng" là phần giới hạn thuộc vùng nước cảng biển từ phao số " 0 " vào đến cảng mà tàu thuyền được phép qua lại.

5. "Vùng đón trả hoa tiêu" là phần giới hạn thuộc vùng nước cảng biển để tàu thuyền neo đậu đón trả hoa tiêu.

6. "Vùng kiểm dịch" là phần giới hạn thuộc vùng nước cảng biển để tàu thuyền neo đậu thực hiện kiểm dịch.

7. "Vùng tránh bão" là phần giới hạn thuộc vùng nước cảng biển để tàu thuyền neo đậu tránh bão.

8. "Vùng neo đậu" là phần giới hạn thuộc vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải để tàu thuyền chờ cập cầu, vào khu chuyển tải, cập tàu chứa dầu thô, quá cảnh đi Căm-pu-chia hoặc thực hiện các dịch vụ hàng hải liên quan khác.

9. "Khu chuyển tải" là phần giới hạn thuộc vùng nước cảng biển để tàu thuyền neo đậu thực hiện chuyển tải hàng hoá, hành khách.

10. "Luồng quá cảnh" là phần giới hạn thuộc khu vực hàng hải trên sông Tiền, từ vùng đón trả hoa tiêu của cảng biển Vũng Tàu đến biên giới trên sông giữa Việt Nam và Căm-pu-chia mà tàu thuyền nước ngoài được phép quá cảnh.

11. "Tàu thuyền" bao gồm tàu biển và phương tiện thủy khác.

12. "Chủ tàu" là chủ sở hữu tàu hoặc người quản lý hoặc người khai thác tàu thuyền hoặc người được ủy quyền.

Chương II

ĐÓNG, MỞ CẢNG BIỂN, CẦU CẢNG

Điều 5. Mở cảng biển, cầu cảng

1. Việc mở cảng biển, cầu cảng phải phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài được phép đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác cảng biển theo quy định của pháp luật Việt Nam (sau đây gọi chung là chủ đầu tư) đều có thể mở cảng biển, cầu cảng.

3. Việc chuẩn bị đầu tư xây dựng và thực hiện đầu tư xây dựng dự án mở cảng biển, cầu cảng của chủ đầu tư phải tuân thủ theo quy định có liên quan của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng.

Điều 6. Thủ tục mở cảng biển

1. Chuẩn bị và thực hiện đầu tư xây dựng cảng biển :

a) Đối với dự án mở cảng biển, ngoài những thủ tục theo quy định có liên quan của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng, khi chuẩn bị đầu tư xây dựng, chủ đầu tư gửi văn bản lấy ý kiến Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Nội dung văn bản phải nêu rõ sự cần thiết, địa điểm, quy mô, vùng đón trả hoa tiêu, luồng ra vào cảng và mục đích sử dụng của cảng biển. Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của chủ đầu tư, các cơ quan quy định tại khoản này căn cứ chức năng, nhiệm vụ phải có văn bản trả lời cho chủ đầu tư; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Chủ đầu tư chỉ thực hiện các bước tiếp theo đối với việc đầu tư xây dựng cảng biển sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

b) Trước khi tiến hành xây dựng cảng biển, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải bản sao Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình cảng. Khi tiến hành đầu tư xây dựng cảng biển, chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng. Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức giám sát việc thực hiện xây dựng cảng biển của chủ đầu tư, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt và bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực đó.

2. Công bố mở cảng biển :

a) Sau khi hoàn thành việc xây dựng cảng biển, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam các giấy tờ sau đây :

- Văn bản xin công bố mở cảng biển có nội dung : tên cảng, vị trí, vùng đón trả hoa tiêu, loại tàu thuyền và giới hạn trọng tải của tàu biển được phép ra, vào hoạt động;

- Bản sao Quyết định đầu tư xây dựng cảng của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

- Biên bản nghiệm thu cuối cùng để đưa công trình cảng đã hoàn thành xây dựng vào sử dụng có kèm theo bản vẽ hoàn công mặt bằng, mặt chính và mặt cắt ngang công trình cảng. Riêng đối với cảng dầu thô ngoài khơi thì không kèm theo bản vẽ hoàn công mặt bằng, mặt chính và mặt cắt ngang công trình cảng;

- Biên bản nghiệm thu giữa chủ đầu tư và các cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền về kết quả khảo sát mặt đáy vùng nước trước cầu cảng (riêng đối với cảng dầu thô ngoài khơi không cần nội dung này);

- Thông báo hàng hải về luồng ra, vào cảng và vùng nước trước cầu, cảng kèm theo bình đồ. Riêng với cảng dầu thô ngoài khơi, thông báo hàng hải về vùng an toàn khu vực cảng dầu thô ngoài khơi;

- Văn bản chứng nhận công trình cảng biển đạt tiêu chuẩn môi trường của cơ quan có thẩm quyền;

- Văn bản chứng nhận công trình cảng biển đủ điều kiện phòng chống cháy, nổ của cơ quan có thẩm quyền;

- Văn bản góp ý kiến của các cơ quan quy định tại điểm a khoản 1 Điều này đối với dự án đầu tư xây dựng cảng biển.

b) Quyết định công bố mở cảng biển thực hiện như sau :

- Chậm nhất 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ quy định tại điểm a của khoản này, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải. Chậm nhất 07 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị cho phép công bố mở cảng biển. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định việc công bố mở cảng biển;

- Quyết định công bố mở cảng biển phải nêu rõ các nội dung chính : tên, vị trí, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch của cảng biển; loại tàu thuyền và giới hạn trọng tải của tàu biển được phép ra vào hoạt động. Riêng đối với cảng dầu thô ngoài khơi, nội dung Quyết định công bố mở cảng phải nêu thêm : giới hạn vùng an toàn khu vực cảng dầu thô ngoài khơi và các yêu cầu về bảo đảm an toàn hàng hải hoặc những hướng dẫn hàng hải khác đối với hoạt động của tàu thuyền.

Điều 7. Thủ tục mở cầu cảng, khu chuyển tải

1. Chuẩn bị và thực hiện đầu tư xây dựng cầu cảng, khu chuyển tải :

a) Khi chuẩn bị đầu tư, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam văn bản đề nghị việc đầu tư xây dựng cầu cảng hoặc khu chuyển tải có kèm theo bản vẽ bình đồ mặt bằng bố trí cầu cảng, vùng nước trước cầu cảng và luồng ra, vào cảng hoặc bình đồ bố trí khu chuyển tải đó. Nội dung văn bản nêu rõ sự cần thiết, vị trí, quy mô và mục đích sử dụng của cầu cảng, khu chuyển tải. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của chủ đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản trả lời chủ đầu tư, trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

b) Trước khi tiến hành xây dựng cầu cảng hoặc khu chuyển tải, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam bản sao Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng cầu cảng hoặc khu chuyển tải của chủ đầu tư phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực.

2. Thủ tục đưa cầu cảng, khu chuyển tải vào sử dụng :

a) Sau khi hoàn thành việc xây dựng cầu cảng hoặc khu chuyển tải, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam các giấy tờ sau đây :

- Văn bản xin phép đưa cầu cảng hoặc khu chuyển tải vào sử dụng;

- Bản sao Quyết định đầu tư xây dựng mới hoặc hoán cải, nâng cấp cầu cảng hoặc khu chuyển tải của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

- Biên bản nghiệm thu cuối cùng để đưa công trình đã hoàn thành xây dựng vào sử dụng có kèm theo bản vẽ hoàn công mặt bằng, mặt chính và mặt cắt ngang công trình cầu cảng hoặc bình đồ khu chuyển tải;

- Thông báo hàng hải kèm theo bình đồ của luồng ra, vào cầu cảng, khu chuyển tải; Biên bản nghiệm thu giữa chủ đầu tư và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về kết quả khảo sát mặt đáy vùng nước trước cầu cảng, khu chuyển tải;

- Văn bản chứng nhận công trình cầu cảng, khu chuyển tải đạt tiêu chuẩn môi trường của cơ quan có thẩm quyền;

- Văn bản chứng nhận công trình cầu cảng, khu chuyển tải đủ điều kiện phòng chống cháy, nổ của cơ quan có thẩm quyền.

b) Quyết định đưa cầu cảng, khu chuyển tải vào sử dụng :

Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ hợp lệ quy định tại khoản 2 của Điều này, Cục Hàng hải Việt Nam quyết định việc đưa cầu cảng hoặc khu vực chuyển tải vào sử dụng. Nội dung Quyết định phải nêu rõ : tên cầu cảng hoặc khu chuyển tải, loại tàu thuyền và giới hạn trọng tải của tàu biển được phép vào hoạt động.

Điều 8. Xây dựng các công trình khác trong vùng nước cảng biển

Đối với các công trình như cầu, đường hầm, bến phà, đường dây điện, ống cáp ngầm và các công trình tương tự khác không thuộc dự án xây dựng cầu cảng, khu chuyển tải trong vùng nước cảng biển quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Nghị định này, chủ đầu tư của các công trình này phải thực hiện quy định dưới đây :

1. Chuẩn bị và thực hiện đầu tư xây dựng công trình :

a) Khi chuẩn bị đầu tư xây dựng, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam văn bản giải trình về công trình sẽ đầu tư xây dựng với nội dung : tên, vị trí, mục đích sử dụng, thời gian thi công, thông số kỹ thuật và các đặc điểm khác của công trình có liên quan đến hoạt động hàng hải tại khu vực đó. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của chủ đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam phải có văn bản trả lời; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

b) Trước khi tiến hành xây dựng công trình, chủ đầu tư gửi Cục Hàng hải Việt Nam bản sao Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng công trình của chủ đầu tư nhằm bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực.

2. Đưa công trình vào sử dụng :

a) Trước khi đưa công trình vào sử dụng, chủ đầu tư phải cung cấp cho Cảng vụ hàng hải và Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam tại khu vực những thông tin sau : tên, vị trí, đặc điểm, giới hạn vùng nước của công trình (nếu có), các thông số kỹ thuật có liên quan như : chiều rộng khoang thông thuyền, chiều cao tĩnh không, các dấu hiệu cảnh báo, thời gian thông thuyền và độ sâu công trình so với mực nước "0" hải đồ, thời gian bắt đầu hoặc kết thúc (nếu có) hoạt động của công trình và các yêu cầu cần hạn chế khác nhằm bảo vệ công trình và bảo đảm an toàn đối với hoạt động hàng hải tại khu vực liên quan;

b) Chủ đầu tư có trách nhiệm thông báo các thông tin nêu tại điểm a của khoản này trên phương tiện thông tin đại chúng trong 3 kỳ liên tiếp;

c) Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam có trách nhiệm thông báo hàng hải về các thông tin nêu tại điểm a của khoản này.

Điều 9. Đóng cảng biển hoặc tạm thời không đưa cầu cảng, khu chuyển tải vào hoạt động

1. Vì lý do bảo đảm an ninh, quốc phòng hoặc các lý do đặc biệt ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đóng cảng biển theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương liên quan.

2. Vì lý do bảo đảm an toàn hàng hải hoặc sự cố môi trường và phòng chống ô nhiễm môi trường hoặc phòng chống cháy, nổ hoặc các lý do khác, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc tạm thời đóng cảng biển trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

3. Vì lý do bảo đảm an toàn hàng hải hoặc các lý do khác, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định tạm thời không cho phép cầu cảng, khu chuyển tải hoạt động trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.

4. Sau thời hạn tạm thời đóng cảng biển quy định tại khoản 2 và tại khoản 3 Điều này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hoặc Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam xem xét và ra quyết định mở lại cảng biển hoặc cầu cảng khu chuyển tải trên cơ sở đề nghị của các cơ quan có liên quan.

Điều 10. Danh bạ cảng biển Việt Nam

Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm lập, quản lý sổ Danh bạ cảng biển Việt Nam và giám sát việc quản lý, khai thác của chủ đầu tư đối với cảng biển, cầu cảng, khu chuyển tải trong sổ Danh bạ cảng biển sau khi được công bố mở cảng biển, cầu cảng, khu chuyển tải.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG HÀNG HẢI

MỤC A: THỦ TỤC XIN ĐẾN CẢNG ĐỐI VỚI TÀU THUYỀN NƯỚC NGOÀI

Điều 11. Thủ tục tàu thuyền nước ngoài xin phép đến cảng biển

Tàu thuyền nước ngoài phải xin phép đến cảng biển theo thủ tục sau đây, trừ các trường hợp quy định tại Điều 12 của Nghị định này :

1. Đối với tàu thuyền không phải là tàu quân sự và tàu biển chạy bằng năng lượng nguyên tử :

a) Chậm nhất 24 giờ trước khi dự kiến đến vùng đón trả hoa tiêu, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải gửi cho Cảng vụ hàng hải liên quan "Giấy xin phép tàu đến cảng" với nội dung sau :

- Tên, quốc tịch, hô hiệu, nơi đăng ký của tàu và tên chủ tàu;

- Chiều dài, chiều rộng, chiều cao và mớn nước của tàu khi đến cảng;

- Tổng dung tích, trọng tải toàn phần; số lượng và loại hàng hóa chở trên tàu;

- Số lượng thuyền viên, hành khách và những người khác đi theo tàu;

- Tên cảng rời cuối cùng và thời gian dự kiến tàu đến vùng đón trả hoa tiêu;

- Mục đích đến cảng.

Riêng đối với tàu thuyền nước ngoài xin đến cảng để thực hiện các hoạt động về nghiên cứu khoa học, nghề cá, cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm, lai dắt, huấn luyện, văn hóa, thể thao, xây dựng công trình biển và khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên trong vùng biển Việt Nam đều phải xuất trình Giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền liên quan của Việt Nam;

- Tên đại lý của chủ tàu tại Việt Nam.

b) Chậm nhất 02 giờ, kể từ khi nhận được Giấy xin phép tàu đến cảng quy định tại điểm a khoản này, Cảng vụ hàng hải liên quan phải trả lời bằng văn bản cho chủ tàu biết việc chấp thuận hay không chấp thuận cho tàu đến cảng; trường hợp không chấp thuận, phải trả lời rõ lý do;

2. Đối với tàu quân sự nước ngoài, thủ tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 55/CP ngày 01 tháng 10 năm 1996 của Chính phủ về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

3. Đối với tàu biển chạy bằng năng lượng nguyên tử của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho phép, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

4. Tàu thuyền nước ngoài đến Việt Nam theo lời mời chính thức của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm thủ tục theo quy định riêng.

Điều 12. Miễn xin phép đến cảng biển

Tàu thuyền nước ngoài được miễn xin phép đến cảng biển trong những trường hợp sau đây :

1. Tàu thuyền mang cờ quốc tịch của nước đã ký Hiệp định hàng hải với Việt Nam mà có quy định về miễn thủ tục xin cấp phép cho tàu đến cảng của mỗi bên ký kết.

2. Tàu thuyền nước ngoài có trọng tải toàn phần từ 150 DWT trở xuống.

3. Tàu thuyền vận chuyển hàng hóa hoặc hành khách đã đến cảng trong thời gian không quá 12 tháng, kể từ ngày tàu rời cảng Việt Nam lần cuối cùng.

4. Tàu thuyền gặp những lý do khẩn cấp dưới đây :

a) Xin cấp cứu cho thuyền viên, hành khách trên tàu;

b) Tránh bão;

c) Chuyển giao người, tài sản, tàu thuyền đã cứu được trên biển;

d) Khắc phục hậu quả sự cố, tai nạn hàng hải.

Trong những trường hợp nêu tại khoản này, thuyền trưởng phải nhanh chóng tìm mọi cách liên lạc với Cảng vụ hàng hải hoặc các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nơi gần nhất; đồng thời, có nghĩa vụ chứng minh về hành động của mình là thực sự cần thiết và hợp lý. Mọi hành vi lạm dụng quy định tại khoản này đều bị xử lý theo quy định pháp luật.

MỤC B: THỦ TỤC TÀU THUYỀN ĐẾN VÀ RỜI CẢNG BIỂN

Điều 13. Điều kiện đối với tàu thuyền hoạt động tại cảng biển

1. Tất cả các loại tàu thuyền, không phân biệt lớn nhỏ, quốc tịch và mục đích sử dụng chỉ được phép hoạt động tại vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải của Việt Nam, nếu có đủ điều kiện an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

2. Tất cả các loại tàu thuyền chỉ được tiến hành các hoạt động bốc, dỡ hàng hoá hoặc đón, trả hành khách tại những cảng biển đã được công bố và cầu cảng đã được phép đưa vào hoạt động.

3. Các loại tàu thuyền của nước ngoài có tổng dung tích từ 100 GT trở lên và tàu thuyền Việt Nam có tổng dung tích từ 1000 GT trở lên, đều phải dừng lại tại vùng đón trả hoa tiêu, nếu chưa có lệnh của Giám đốc Cảng vụ hàng hải thì không được phép điều động vào cảng. Trong trường hợp vì điều kiện thực tế để đảm bảo an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, Giám đốc Cảng vụ hàng hải có quyền quy định trong Nội quy Cảng biển đối với tàu thuyền Việt Nam có tổng dung tích dưới 1000 GT và tàu thuyền nước ngoài có tổng dung tích dưới 100 GT, phải dừng lại tại vùng đón trả hoa tiêu để chờ lệnh.

Điều 14. Thông báo tàu thuyền đến cảng biển

1. Chậm nhất 08 giờ trước khi tàu dự kiến đến vùng đón trả hoa tiêu, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải gửi cho Cảng vụ hàng hải nơi tàu đến thông báo tàu đến cảng với nội dung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 của Nghị định này. Riêng những tàu thuyền đã được phép vào cảng theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Nghị định này thì trong thông báo tàu đến cảng chỉ có nội dung : tên tàu và thời gian tàu dự kiến đến vùng đón trả hoa tiêu.

2. Đối với tàu biển chạy bằng năng lượng nguyên tử không hạn chế tổng dung tích đến cảng theo quy định tại khoản 3 Điều 11 của Nghị định này, chậm nhất 24 giờ trước khi đến vùng đón trả hoa tiêu thì chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải báo cho Cảng vụ hàng hải nơi tàu đến.

3. Đối với tàu thuyền nhập cảnh thì sau khi nhận được thông báo tàu đến cảng quy định tại khoản 1 Điều này, Cảng vụ hàng hải liên quan phải báo ngay cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biết để phối hợp.

4. Giám đốc Cảng vụ hàng hải căn cứ tình hình thực tế để miễn, giảm điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này cho một số loại tàu thuyền có tổng dung tích dưới 200 GT, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến an toàn hàng hải ở khu vực đó.

Điều 15. Xác báo tàu thuyền đến cảng biển

1. Chậm nhất 02 giờ trước khi tàu dự kiến đến vùng đón trả hoa tiêu, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải xác báo cho Cảng vụ hàng hải liên quan biết chính xác thời gian tàu đến. Trường hợp có người ốm, người chết, người cứu vớt được trên biển, người vượt biên ở trên tàu, thì trong lần xác báo cuối cùng này chủ tàu phải thông báo rõ tên, tuổi, quốc tịch, tình trạng bệnh tật, lý do tử vong và các yêu cầu liên quan khác.

2. Đối với tàu thuyền nhập cảnh thì sau khi nhận được xác báo của chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu, Cảng vụ hàng hải liên quan phải thông báo ngay cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác biết để phối hợp.

Điều 16. Điều động tàu thuyền vào cảng biển

1. Giám đốc Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm chỉ định vị trí neo đậu cho tàu thuyền trong vùng nước cảng, chậm nhất 02 giờ kể từ khi nhận được thông báo tàu đã đến vị trí đón trả hoa tiêu. Trường hợp tàu thuyền nhập cảnh, ngay sau khi quyết định điều động tàu vào cảng, Cảng vụ hàng hải còn phải báo cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác biết thời gian và vị trí được chỉ định cho tàu vào neo đậu tại cảng.

2. Giám đốc Cảng vụ hàng hải căn cứ vào loại tàu, cỡ tàu, loại hàng hoá, cầu cảng và kế hoạch điều độ của cảng, chỉ định cho tàu vị trí neo đậu để bốc, dỡ hàng hoá và đón trả hành khách. Chỉ có Giám đốc Cảng vụ hàng hải mới có quyền thay đổi vị trí neo đậu đã chỉ định cho tàu thuyền.

Điều 17. Địa điểm, thời hạn và giấy tờ làm thủ tục tàu thuyền vào cảng biển

1. Tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa :

a) Địa điểm làm thủ tục : Trụ sở chính hoặc Văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải;

b) Thời hạn làm thủ tục của chủ tàu : chậm nhất là 02 giờ kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại cầu cảng, hoặc 04 giờ kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại các trí khác trong vùng nước cảng;

c) Thời hạn làm thủ tục của Cảng vụ hàng hải :

- Đối với tàu biển : chậm nhất 01 giờ kể từ khi chủ tàu đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ hợp lệ dưới đây :

+ Các giấy tờ phải nộp (bản chính) :

* 01 Bản khai chung (Phụ lục 1);

* 01 Danh sách thuyền viên (Phụ lục 2);

* 01 Danh sách hành khách (nếu có - Phụ lục 3);

* Giấy phép rời cảng cuối cùng.

+ Các giấy tờ phải xuất trình (bản chính) :

* Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền;

* Các giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật của tàu theo quy định;

* Sổ danh bạ thuyền viên hoặc sổ thuyền viên tương ứng;

* Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên theo quy định.

+ Đối với các loại tàu thuyền khác, giấy tờ phải nộp và xuất trình thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan.

d) Việc làm thủ tục vào cảng đối với tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa quy định tại khoản này do Cảng vụ hàng hải thực hiện.

2. Tàu thuyền Việt Nam và nước ngoài nhập cảnh :

a) Địa điểm làm thủ tục : Trụ sở chính hoặc Văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải, trừ các trường hợp quy định tại điểm b dưới đây.

b) Các trường hợp làm thủ tục tại tàu :

- Tàu khách;

- Trường hợp có đủ cơ sở để nghi ngờ tính xác thực khai báo về kiểm dịch của chủ tàu hoặc trước khi đến Việt Nam tàu đó rời cảng cuối cùng ở những khu vực có dịch bệnh của người, động vật và thực vật thì các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan tiến hành thủ tục tại vùng kiểm dịch.

Trong cả hai trường hợp này, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đó phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải và chủ tàu biết.

c) Thời hạn làm thủ tục của chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu : chậm nhất 02 giờ kể từ khi tàu đã vào neo đậu an toàn tại vị trí theo chỉ định của Giám đốc Cảng vụ hàng hải.

d) Thời hạn làm thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành : không quá 01 giờ kể từ khi chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ hợp lệ dưới đây :

- Các giấy tờ phải nộp (bản chính) :

+ 03 Bản khai chung (Phụ lục 1) nộp cho Cảng vụ hàng hải, Biên phòng cửa khẩu, Hải quan cửa khẩu;

+ 03 Danh sách thuyền viên (Phụ lục 2) nộp cho Cảng vụ hàng hải, Biên phòng cửa khẩu, Hải quan cửa khẩu;

+ 01 Danh sách hành khách (nếu có - Phụ lục 3) nộp cho Biên phòng cửa khẩu;

+ 01 Bản khai hàng hoá (Phụ lục 4) nộp cho Hải quan cửa khẩu;

+ 01 Bản khai dự trữ của tàu (Phụ lục 5) nộp cho Hải quan cửa khẩu;

+ 01 Bản khai hành lý thuyền viên (Phụ lục 6) nộp cho Hải quan cửa khẩu;

+ 01 Bản khai kiểm dịch y tế (Phụ lục 7) nộp cho cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế;

+ 01 Bản khai kiểm dịch thực vật (nếu có - Phụ lục 8) nộp cho cơ quan kiểm dịch thực vật;

+ 01 Bản khai kiểm dịch động vật (nếu có - Phụ lục 9) nộp cho cơ quan kiểm dịch động vật;

+ Giấy phép rời cảng cuối cùng (bản chính) nộp cho Cảng vụ hàng hải.

- Các giấy tờ phải xuất trình (bản chính) :

+ Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền;

+ Các giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật của tàu theo quy định;

+ Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên theo quy định;

+ Sổ danh bạ thuyền viên (đối với tàu thuyền Việt Nam);

+ Hộ chiếu thuyền viên hoặc Sổ thuyền viên;

+ Phiếu tiêm chủng quốc tế của thuyền viên;

+ Các giấy tờ liên quan đến hàng hóa chở trên tàu;

+ Giấy chứng nhận kiểm dịch y tế;

+ Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (nếu có);

+ Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hoặc Giấy chứng nhận sản phẩm động vật (nếu hàng hoá là sản phẩm động vật) của nước xuất hàng;

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu, nếu là tàu chuyên dùng vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hoá nguy hiểm khác;

+ Hộ chiếu, Phiếu tiêm chủng quốc tế của hành khách (nếu có, khi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan yêu cầu).

Riêng đối với tàu thuyền có trọng tải từ 200 DWT trở xuống mang cờ của quốc gia có chung biên giới với Việt Nam khi đến cảng biển tại khu vực biên giới của Việt Nam với quốc gia đó, được miễn giảm giấy tờ nêu tại khoản này theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

đ) Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ được yêu cầu chủ tàu nộp, xuất trình những giấy tờ có liên quan đến chức năng quản lý của cơ quan mình theo quy định tại điểm d khoản này và khi đã hoàn thành thủ tục phải báo ngay cho Cảng vụ hàng hải biết; trường hợp chưa xong phải báo rõ lý do và cách thức giải quyết.

3. Tàu thuyền đã làm thủ tục nhập cảnh ở một cảng của Việt Nam, sau đó đến cảng khác thì không làm thủ tục nhập cảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này. Cảng vụ hàng hải nơi tàu đến căn cứ Giấy phép rời cảng do Cảng vụ hàng hải nơi tàu rời cảng trước đó cấp và Bản khai chung của chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu để quyết định cho tàu vào hoạt động tại cảng; các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác căn cứ hồ sơ chuyển cảng (nếu có) do cơ quan tương ứng nơi tàu rời cảng trước đó cung cấp để thực hiện nghiệp vụ quản lý của mình theo quy định của pháp luật.

4. Thủ tục vào cảng đối với tàu quân sự và các tàu thuyền khác của nước ngoài đến thăm Việt Nam theo lời mời của Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện theo quy định riêng.

Điều 18. Xác báo tàu thuyền rời cảng biển

1. Chậm nhất 02 giờ trước khi tàu thuyền rời cảng, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải xác báo cho Cảng vụ hàng hải tên tàu và thời gian tàu dự kiến rời cảng.

2. Đối với tàu thuyền xuất cảnh thì ngay sau khi nhận được nội dung xác báo của chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu, Cảng vụ hàng hải phải báo ngay cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan biết để kịp thời làm thủ tục xuất cảnh cho tàu.

Điều 19. Địa điểm, thời hạn và giấy tờ khi làm thủ tục tàu thuyền rời cảng biển

1. Tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa :

a) Địa điểm làm thủ tục : Trụ sở chính hoặc Văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải;

b) Thời hạn làm thủ tục của chủ tàu : chậm nhất 02 giờ trước khi tàu rời cảng;

c) Thời hạn làm thủ tục của Cảng vụ hàng hải : chậm nhất 01 giờ kể từ khi chủ tàu đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ hợp lệ quy định dưới đây :

- Giấy tờ phải nộp (bản chính) : 01 Bản khai chung.

- Giấy tờ phải xuất trình (bản chính) :

+ Các giấy chứng nhận của tàu và chứng chỉ khả năng chuyên môn của thuyền viên (nếu thay đổi so với khi đến);

+ Các giấy tờ liên quan đến xác nhận việc nộp phí, lệ phí, tiền phạt hoặc thanh toán các khoản nợ theo quy định của pháp luật.

2. Tàu thuyền xuất cảnh :

a) Địa điểm làm thủ tục : Trụ sở chính hoặc Văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải;

Riêng đối với tàu khách thì địa điểm làm thủ tục có thể là tại tàu nhưng chỉ do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có yêu cầu thực hiện và chịu trách nhiệm.

b) Thời hạn làm thủ tục của chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu : chậm nhất 02 giờ trước khi tàu rời cảng. Riêng tàu khách và tàu chuyên tuyến, chậm nhất là ngay trước thời điểm tàu chuẩn bị rời cảng;

c) Thời hạn làm thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành : chậm nhất 01 giờ kể từ khi chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ hợp lệ dưới đây :

- Các giấy tờ phải nộp (bản chính) :

+ 03 Bản khai chung, nộp cho Cảng vụ hàng hải, Biên phòng cửa khẩu, Hải quan cửa khẩu;

+ 03 Danh sách thuyền viên (nếu thay đổi so với khi đến) nộp cho Cảng vụ hàng hải, Biên phòng cửa khẩu, Hải quan cửa khẩu;

+ 01 Danh sách hành khách (nếu thay đổi so với khi đến) nộp cho Biên phòng cửa khẩu;

+ 01 Bản khai dự trữ của tàu, nộp cho Hải quan cửa khẩu;

+ 01 Bản khai hàng hóa (nếu có) nộp cho Hải quan cửa khẩu;

+ 01 Bản khai hành lý hành khách (nếu có) nộp cho Hải quan cửa khẩu; riêng đối với hành lý của hành khách trên tàu khách nước ngoài đến cảng và sau đó rời cảng trong cùng một chuyến, thì không áp dụng thủ tục khai báo hải quan;

+ Những giấy tờ do các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đã cấp cho tàu, thuyền viên và hành khách (để thu hồi).

- Các giấy tờ phải xuất trình (bản chính) :

+ Các giấy chứng nhận của tàu (nếu thay đổi so với khi đến);

+ Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên (nếu có thay đổi so với khi đến);

+ Hộ chiếu thuyền viên, Hộ chiếu của hành khách;

+ Phiếu tiêm chủng quốc tế của thuyền viên, hành khách (nếu thay đổi so với khi đến);

+ Giấy chứng nhận kiểm dịch y tế (nếu có);

+ Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật hoặc Giấy chứng nhận sản phẩm động vật (nếu có);

+ Các giấy tờ liên quan đến hàng hóa chở trên tàu;

+ Các giấy tờ liên quan đến xác nhận việc nộp phí, lệ phí, tiền phạt hoặc thanh toán các khoản nợ theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Địa điểm, thời hạn và giấy tờ làm thủ tục cho tàu thuyền xuất nhập cảnh tại cảng dầu thô ngoài khơi

1. Địa điểm, thời hạn, giấy tờ theo quy định tại các Điều 17 và Điều 19 của Nghị định này.

2. Các giấy tờ phải nộp và xuất trình được quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo trình tự sau :

a) Khi nhập cảnh, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải gửi qua Fax cho Cảng vụ hàng hải các giấy tờ sau đây :

- 01 Bản khai chung;

- 01 Danh sách thuyền viên;

- 01 Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với ô nhiễm dầu.

b) Khi Cảng vụ hàng hải nhận đủ các giấy tờ quy định tại điểm a khoản này thì cấp Giấy phép rời cảng cho tàu qua đại lý của chủ tàu. Đại lý phải ký cam kết đã nhận Giấy phép rời cảng;

c) Chậm nhất 24 giờ sau khi trở lại bờ, đại lý của chủ tàu có trách nhiệm nộp đầy đủ các giấy tờ phải nộp (bản chính) và các giấy tờ phải xuất trình (bản phô tô có xác nhận của thuyền trưởng và dấu của tàu). Ngoài ra còn phải nộp bản phô tô Giấy phép rời cảng có chữ ký nhận của thuyền trưởng và dấu của tàu.

3. Các quy định của Điều này cũng được áp dụng đối với tàu thuyền nước ngoài khi làm thủ tục xuất, nhập cảnh ngoài khơi thuộc vùng biển Việt Nam để thực hiện thăm dò, khảo sát, khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí và xây dựng công trình biển.

Điều 21. Điều kiện tàu thuyền rời cảng biển

1. Tàu thuyền chỉ được phép rời cảng sau khi đã hoàn thành các thủ tục quy định tại Điều 19 của Nghị định này và được Giám đốc Cảng vụ hàng hải cấp Giấy phép rời cảng.

2. Giám đốc Cảng vụ hàng hải chỉ được cấp Giấy phép rời cảng, nếu tàu thuyền đã có đủ các điều kiện an toàn đi biển và hoàn thành mọi thủ tục theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau :

a) Tàu thuyền không đủ các điều kiện an toàn đi biển cần thiết liên quan đến vỏ tàu, trang thiết bị của tàu, định biên và khả năng chuyên môn của thuyền bộ, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu;

b) Mớn nước thực tế cao hơn giới hạn mạn khô cho phép hoặc tàu nghiêng hơn 08 độ trong trạng thái nổi tự do hoặc vỏ tàu thực sự không kín nước;

c) Tàu thuyền chở hàng rời, ngũ cốc hoặc hàng siêu trường, siêu trọng, hàng nguy hiểm, hàng xếp trên boong mà chưa có đủ biện pháp phòng hộ cần thiết, phù hợp với nguyên tắc vận chuyển những loại hàng đó;

d) Tàu chưa được sửa chữa, bổ sung các điều kiện an toàn hàng hải theo yêu cầu của Cảng vụ hàng hải, Thanh tra an toàn hàng hải hoặc của cơ quan đăng kiểm tàu biển;

đ) Phát hiện có nguy cơ khác đe doạ sự an toàn của tàu, người, hàng hoá ở trên tàu và môi trường biển;

e) Đã có lệnh bắt giữ tàu biển hoặc hàng hoá ở trên tàu theo quyết định của Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Tàu thuyền nước ngoài quá cảnh

1. Thủ tục xin phép, thông báo, xác báo :

a) Thủ tục xin phép :

- Chậm nhất 12 giờ kể từ thời điểm bắt đầu thực hiện việc quá cảnh tại khu vực Vũng Tàu hoặc tại khu vực biên giới trên sông Tiền giữa Việt Nam và Căm-pu-chia, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải gửi cho Cảng vụ Vũng Tàu hoặc Cảng vụ Đồng Tháp Giấy xin phép quá cảnh theo nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 của Nghị định này và phải ghi rõ mục đích quá cảnh.

- Chậm nhất 02 giờ kể từ khi nhận được Giấy xin phép quy định tại điểm a khoản này, Cảng vụ hàng hải liên quan phải trả lời bằng văn bản cho chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu biết việc chấp thuận hay không chấp thuận cho tàu quá cảnh; trường hợp không chấp thuận, phải trả lời rõ lý do.

b) Thông báo, xác báo :

Việc thông báo, xác báo thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 18 của Nghị định này.

2. Địa điểm, thời hạn và giấy tờ khi làm thủ tục :

a) Địa điểm, thời hạn làm thủ tục theo quy định tại Điều 17 và Điều 19 của Nghị định này.

b) Chậm nhất 02 giờ trước khi bắt đầu việc thực hiện quá cảnh, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu phải nộp và xuất trình cho Cảng vụ Vũng Tàu hoặc Cảng vụ Đồng Tháp các giấy tờ dưới đây :

- Các giấy tờ phải nộp (bản chính) :

+ 01 Bản khai chung;

+ 01 Danh sách thuyền viên;

+ 01 Danh sách hành khách (nếu có);

+ 01 Bản khai hàng hoá (nếu có);

- Các giấy tờ phải xuất trình (bản chính) :

+ Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền;

+ Các giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật của tàu thuyền theo quy định;

+ Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên;

+ Hộ chiếu thuyền viên hoặc Sổ thuyền viên;

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu, nếu là tàu chuyên dùng vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hoá nguy hiểm khác;

+ Hộ chiếu của hành khách (nếu có).

3. Việc quyết định cho phép tàu quá cảnh qua sông Tiền quy định tại Điều này do Cảng vụ Vũng Tàu hoặc Cảng vụ Đồng Tháp thực hiện theo quy định dưới đây :

a) Trường hợp tàu đến vùng nước cảng biển khu vực Vũng Tàu để quá cảnh thì do Cảng vụ Vũng Tàu làm thủ tục và thu các loại phí, lệ phí theo quy định hiện hành. Ngay sau khi có văn bản chấp thuận, Cảng vụ Vũng Tàu phải báo cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về biên phòng, hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan khác và Cảng vụ Đồng Tháp, Cảng vụ Mỹ Tho biết để phối hợp quản lý hoạt động quá cảnh của tàu thuyền đó.

b) Trường hợp tàu đến khu vực biên giới trên sông Tiền giữa Việt Nam và Căm-pu-chia để quá cảnh thì do Cảng vụ Đồng Tháp làm thủ tục và thu các loại phí, lệ phí. Ngay sau khi có văn bản chấp thuận, Cảng vụ Đồng Tháp phải báo cho các cơ quan quản lý nhà nước về biên phòng, hải quan liên quan và Cảng vụ Mỹ Tho, Cảng vụ Vũng Tàu biết để phối hợp quản lý hoạt động quá cảnh của tàu thuyền đó.

Điều 23. Thời gian làm thủ tục

Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng làm thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng 24/24 giờ trong ngày, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ.

Điều 24. Thực hiện lệnh điều động tàu thuyền

1. Chủ tàu có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định tại Nghị định này để các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành giải quyết kịp thời thủ tục cho tàu thuyền vào hoặc rời cảng.

2. Chỉ Giám đốc Cảng vụ hàng hải mới có quyền ra lệnh điều động và chỉ định vị trí neo đậu cho tàu thuyền khi hoạt động tại cảng biển.

3. Mọi lệnh của Giám đốc Cảng vụ hàng hải đối với hoạt động của tàu thuyền tại cảng biển đều phải được thực hiện kịp thời, chính xác và đầy đủ. Sau khi nhận được lệnh điều động, nếu xét thấy không đủ điều kiện để thực hiện ngay, thì thuyền trưởng có trách nhiệm báo cho Cảng vụ hàng hải đó biết để quyết định.

Điều 25. Xử lý các trường hợp trước và sau khi làm thủ tục

1. Trong trường hợp đã được cấp phép rời cảng, mà tàu thuyền vẫn còn lưu lại ở cảng quá 24 giờ kể từ thời điểm nhận Giấy phép rời cảng, thì tàu thuyền đó phải làm lại thủ tục rời cảng.

2. Chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về việc tàu vào hoặc rời cảng chậm trễ do lỗi của chính mình gây ra.

3. Trong trường hợp tàu thuyền chỉ tạm thời lưu lại cảng trong khoảng thời gian không quá 12 giờ, thuyền trưởng phải báo cho Cảng vụ hàng hải liên quan biết. Cảng vụ hàng hải phải phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành liên quan để bố trí làm thủ tục cho tàu vào, rời cảng cùng một lúc.

4. Nghiêm cấm những người ở trên tàu giao dịch với bất cứ ai ngoài hoa tiêu và các nhân viên công vụ đang làm thủ tục ở trên tàu trước khi tàu làm xong thủ tục nhập cảnh vào cảng hoặc sau khi đã làm xong thủ tục xuất cảnh rời cảng.

MỤC C: CHẾ ĐỘ HOA TIÊU

Điều 26. Chế độ hoa tiêu bắt buộc

1. Các loại tàu thuyền nước ngoài không phân biệt lớn nhỏ và tàu biển Việt Nam có tổng dung tích từ 2.000 GT trở lên bắt buộc phải có hoa tiêu Việt Nam dẫn tàu vào, rời cảng, di chuyển trong vùng nước cảng hoặc các vùng hoa tiêu bắt buộc khác của Việt Nam và phải trả phí hoa tiêu theo quy định của pháp luật. Riêng tàu thuyền Việt Nam có tổng dung tích dưới 2.000 GT thì thuyền trưởng tàu biển đó có thể yêu cầu hoa tiêu dẫn tàu.

2. Căn cứ điều kiện thực tế, Giám đốc Cảng vụ hàng hải có quyền quy định trong Nội quy cảng biển chế độ miễn hoa tiêu đối với tàu thuyền của nước ngoài có tổng dung tích dưới 100 GT ra vào cảng biển nhưng phải chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

3. Thuyền trưởng là công dân Việt Nam đã được cấp chứng chỉ hoa tiêu hàng hải Việt Nam phù hợp với loại tàu và vùng hoa tiêu hàng hải mà tàu đang hoạt động, thì được phép tự dẫn tàu nhưng phải báo trước cho Cảng vụ hàng hải liên quan biết.

Điều 27. Yêu cầu về thời gian cung cấp hoa tiêu dẫn tàu

1. Trừ các trường hợp khẩn cấp phải xin hoa tiêu dẫn tàu để phòng ngừa tai nạn hàng hải, việc yêu cầu hoa tiêu được báo cho Cảng vụ hàng hải và tổ chức hoa tiêu liên quan chậm nhất 06 giờ trước khi dự kiến đón hoa tiêu lên tàu.

2. Nếu sau khi xin hoa tiêu mà muốn thay đổi giờ đón hoa tiêu hoặc hủy bỏ việc xin hoa tiêu, thì phải báo cho Cảng vụ hàng hải và tổ chức hoa tiêu ít nhất 03 giờ trước thời điểm dự kiến đón hoa tiêu lên tàu.

3. Hoa tiêu có trách nhiệm chờ đợi tại địa điểm đã được thoả thuận không quá 04 giờ, kể từ thời điểm đã dự kiến đón hoa tiêu lên tàu; nếu quá thời hạn này thì việc xin hoa tiêu coi như bị hủy bỏ và chủ tàu phải trả tiền chờ đợi hoa tiêu theo quy định.

4. Chậm nhất 01 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu xin hoa tiêu, tổ chức hoa tiêu phải xác báo lại cho Cảng vụ hàng hải, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu về địa điểm và thời gian dự kiến hoa tiêu sẽ lên tàu. Nếu hoa tiêu lên tàu chậm so với thời gian và sai địa điểm đã xác báo mà buộc tàu phải chờ đợi hoặc di chuyển đến địa điểm khác thì tổ chức hoa tiêu đó phải trả tiền chờ đợi của tàu theo quy định.

MỤC D: HOẠT ĐỘNG CỦA TÀU THUYỀN TRONG VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN

Điều 28. Yêu cầu đối với hoạt động của tàu thuyền

1. Mọi hoạt động của tàu thuyền trong vùng nước cảng biển, kể cả việc đi qua mà không neo đậu lại, phải chịu sự quản lý, giám sát của Cảng vụ hàng hải.

2. Không có lệnh của Cảng vụ hàng hải, không một tàu thuyền nào được phép điều động, neo đậu, di chuyển vị trí hoặc tiến hành các hoạt động tương tự khác ở trong phạm vi luồng hàng hải, vùng nước trước cầu cảng và các khu vực hạn chế khác do Giám đốc Cảng vụ hàng hải quy định.

3. Khi hoạt động trong vùng nước cảng biển của Việt Nam, mọi tàu thuyền đều phải chấp hành Quy tắc phòng ngừa va chạm tàu thuyền trên biển.

4. Khi tàu thuyền hoạt động trong vùng nước cảng biển, thuyền trưởng phải thực hiện các quy định sau đây :

a) Chấp hành kịp thời, chính xác và đầy đủ các lệnh điều động tàu của Giám đốc Cảng vụ hàng hải và luôn duy trì liên lạc với Cảng vụ hàng hải qua máy VHF trên kênh đã được thông báo;

b) Tại khu vực có hạn chế hoạt động hàng hải, chấp hành đầy đủ các quy định về tốc độ qua luồng, dấu hiệu cảnh báo, chế độ cảnh giới và các quy định khác. Phải chủ động di chuyển với tốc độ an toàn khi đi qua các khu vực đang có hoạt động ngầm dưới nước, hoạt động nạo vét luồng lạch, thả phao tiêu, trục vớt cứu hộ, hoạt động nghề cá hoặc khi đi qua các tàu thuyền khác đang neo đậu, làm ma-nơ ở khu vực đó;

c) Ngoài các giờ quy định, tàu thuyền không được đi qua luồng hẹp, các khu vực có yêu cầu hạn chế hoặc dưới các đường dây điện cao thế mà độ cao của tàu thuyền vượt quá độ cao tĩnh không cho phép;

d) Máy neo và các thiết bị tương tự khác phải luôn ở trong trạng thái sẵn sàng để có thể thực hiện nhanh chóng các mệnh lệnh của thuyền trưởng;

đ) Cấm không được rê neo, kéo neo ngầm dưới nước khi hoạt động trong luồng, kênh đào, trừ trường hợp khẩn cấp bắt buộc để hạn chế trớn của tàu và tránh tai nạn có thể xảy ra;

e) Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất từ 80 m trở lên khi điều động cập, rời cầu cảng và phao buộc tàu hay quay trở, di chuyển vị trí neo đậu trong phạm vi vùng nước trước cầu cảng đều bắt buộc phải sử dụng tàu lai hỗ trợ. Căn cứ điều kiện thực tế về an toàn hàng hải tại khu vực, Giám đốc Cảng vụ hàng hải quy định cụ thể về số lượng và công suất tàu lai để hỗ trợ các tàu biển nói trên khi hoạt động tại cảng biển. Thuyền trưởng của các tàu thuyền có chiều dài lớn nhất dưới 80 m, khi hoạt động tại cảng nếu thấy cần thiết cũng có thể yêu cầu tàu lai hỗ trợ.

5. Ngoài việc thực hiện các quy định tại Điều này thì thuyền trưởng hoặc người chỉ huy của tàu thuyền chuyên dùng để nạo vét luồng, lắp đặt báo hiệu hàng hải, khai thác cát, khảo sát, đo đạc hoặc máy đóng cọc, cần cẩu nổi và các thiết bị công trình khác, phải xin phép Cảng vụ hàng hải ở khu vực đó trước khi tiến hành hoạt động trong vùng nước cảng biển. Trong khi hoạt động, phải duy trì những dấu hiệu cảnh báo cần thiết và chấp hành mọi chỉ dẫn của Cảng vụ hàng hải.

Điều 29. Yêu cầu đối với việc neo đậu của tàu thuyền

1. Tàu thuyền chỉ được phép neo đậu ở những vị trí do Giám đốc Cảng vụ hàng hải chỉ định và không được tự ý thay đổi vị trí.

2. Khi tàu thuyền trôi dạt hoặc bị thay đổi vị trí neo đậu do các nguyên nhân khách quan khác, thì phải tiến hành ngay các biện pháp xử lý thích hợp và báo cho Cảng vụ hàng hải biết.

3. Khi neo đậu, thuyền trưởng phải tính toán các đường lỉn cho phù hợp với địa hình, cấu tạo chất đáy, dòng chảy, mật độ tàu thuyền ở xung quanh để luôn bảo đảm an toàn, ngay cả khi có sự thay đổi về dòng chảy hoặc hướng gió.

4. Khi tàu đã neo đậu an toàn tại các vị trí được chỉ định, động cơ chính của tàu phải luôn luôn được duy trì ở trạng thái sẵn sàng hoạt động khi cần thiết. Trên mặt boong và mạn tàu phải có đèn chiếu sáng vào ban đêm hoặc khi tầm nhìn bị hạn chế. Tùy theo thời điểm trong ngày hoặc điều kiện thời tiết, phải duy trì đủ các báo hiệu cảnh báo bằng dấu hiệu hoặc âm hiệu phù hợp.

5. Các phương tiện thủy không tự hành và các phương tiện thủy thô sơ khác chỉ được neo đậu ở khu vực dành riêng và luôn luôn phải có người trực để sẵn sàng điều động khi cần thiết.

Điều 30. Trách nhiệm của doanh nghiệp cảng

Sau khi đã có thông báo của Cảng vụ hàng hải về kế hoạch điều động tàu vào cảng, doanh nghiệp cảng liên quan phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết theo quy định hiện hành và các yêu cầu dưới đây để bảo đảm an toàn cho tàu cập cầu làm hàng hoặc nhận, trả hành khách hoặc thực hiện các dịch vụ khác :

1. Bố trí để cầu trống, không có phương tiện nào khác gây cản trở cho việc cập tàu. Chiều dài của phần cầu dự kiến để cho tàu cập cầu phải lớn hơn chiều dài lớn nhất của tàu ít nhất là 20 mét.

2. Cầu cảng phải có đủ ánh sáng về ban đêm và không có bất cứ một vật gì ở trên mặt cầu có thể làm trở ngại, gây nguy hiểm cho việc tàu neo đậu hoặc các hoạt động bình thường khác của thuyền viên và hành khách.

3. Phải bố trí công nhân lành nghề để phục vụ việc buộc, cởi dây. Các cột bích phải được chuẩn bị sẵn sàng để buộc, cởi dây được tiến hành một cách nhanh chóng và an toàn. Tại các vị trí buộc, cởi dây phải duy trì dấu hiệu cảnh báo phù hợp (cờ đỏ ban ngày - đèn đỏ ban đêm).

4. Việc chuẩn bị cầu cảng phải được hoàn tất ít nhất 01 giờ trước khi tàu dự kiến neo đậu, nếu là tàu đi từ biển vào, 30 phút nếu tàu dịch chuyển vị trí ở trong cảng.

Điều 31. Chỉ định địa điểm neo đậu

1. Việc bố trí địa điểm tàu thuyền vào neo đậu hoặc dịch chuyển do doanh nghiệp cảng sắp xếp, nhưng phải được Cảng vụ hàng hải chấp thuận.

2. Cảng vụ hàng hải chỉ được phép bố trí cho các tàu cập mạn nhau với sự thoả thuận của các thuyền trưởng liên quan, nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây :

a) Các tàu biển có tổng dung tích từ 1000 GT trở lên được cập hàng hải. Các loại tàu thuyền khác được cập hàng ba nhưng không được cản trở các hoạt động bình thường trong luồng ra, vào cảng và vùng nước trước cầu cảng. Giám đốc Cảng vụ hàng hải căn cứ vào điều kiện bảo đảm an toàn hàng hải để bố trí cho tàu cập mạn khác với quy định này;

b) Tàu thuyền có kích thước lớn hơn không được cập mạn với loại tàu thuyền có kích thước nhỏ hơn từ phía bên ngoài;

c) Giữa các loại tàu thuyền cập mạn nhau phải bố trí quả đệm, cầu thang và buộc dây đúng quy cách;

d) Trong bất kỳ trường hợp nào, các loại tàu thuyền không phải là tàu cấp nước, cấp dầu, cấp thực phẩm, tàu hoa tiêu, tàu chữa cháy hoặc các tàu thuyền dịch vụ tương tự khác thì không được cập mạn tàu khách.

3. Thuyền trưởng phải sử dụng các loại dây thích hợp khi cập tàu, cấm buộc dây lên các dầm, khung hoặc các kết cấu khác thuộc công trình cảng không phải là nơi quy định để buộc tàu.

Điều 32. Trực ca khi tàu thuyền hoạt động tại cảng

1. Trong thời gian tàu thuyền hoạt động tại cảng, thuyền trưởng phải bố trí thuyền viên cảnh giới chu đáo, sẵn sàng xử lý việc trôi neo, đứt dây buộc tàu hoặc khi các dây buộc tàu quá căng hay quá trùng; đồng thời, phải luôn duy trì máy móc, trang thiết bị cứu sinh - cứu hoả, phương tiện cấp cứu dự phòng trong trạng thái sẵn sàng hoạt động.

2. Trên tàu phải luôn luôn duy trì 2/3 thuyền bộ khi neo đậu tại cầu cảng hoặc 1/3 thuyền bộ khi neo đậu ở các vị trí khác thuộc vùng nước cảng với đủ các chức danh phù hợp để điều động tàu hoặc xử lý các trường hợp khẩn cấp.

3. Giám đốc Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm thông báo cụ thể cho thuyền trưởng biết các thay đổi về điều kiện địa lý, thủy văn, bão tố và những biện pháp phòng ngừa cần thiết ở khu vực cảng biển mà tàu thuyền đang hoạt động.

4. Trong trường hợp có bão, các tàu thuyền đều phải nhanh chóng di chuyển đến khu vực tránh bão do Giám đốc Cảng vụ hàng hải chỉ định.

MỤC E: CỨU NẠN VÀ XỬ LÝ TẠI NẠN HÀNG HẢI

Điều 33. Nghĩa vụ cứu nạn

1. Việc cứu người và tàu thuyền bị nạn xẩy ra tại cảng là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân, tàu thuyền và các phương tiện khác khi đang hoạt động ở trong cảng và khu vực hàng hải.

2. Khi phát hiện tai nạn hoặc nguy cơ xẩy ra tai nạn thì người phát hiện phải lập tức phát tín hiệu cấp cứu theo quy định và tiến hành ngay các biện pháp cứu nạn phòng ngừa phù hợp để cứu người, tài sản và hạn chế tổn thất.

3. Giám đốc Cảng vụ hàng hải có quyền huy động mọi lực lượng, trang thiết bị của cảng, tàu thuyền và các phương tiện khác hiện có ở trong cảng để cứu trợ người và tàu thuyền bị nạn. Tất cả mọi tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ chấp hành các mệnh lệnh, yêu cầu của Giám đốc Cảng vụ hàng hải trong việc tham gia hoạt động cứu người, tàu thuyền bị nạn.

4. Việc sử dụng các trang thiết bị cứu sinh của tàu thuyền vào mục đích khác chỉ được tiến hành sau khi Giám đốc Cảng vụ hàng hải chấp thuận.

Điều 34. Trách nhiệm báo cáo tai nạn hàng hải

Thuyền trưởng có nghĩa vụ báo cáo cho Giám đốc Cảng vụ biết về tai nạn, sự cố hàng hải của tàu mình hoặc tai nạn, sự cố hàng hải khác và các hư hỏng, sai lệch của hệ thống báo hiệu hàng hải trong vùng nước cảng và khu vực hàng hải, nếu phát hiện được.

Điều 35. Trách nhiệm cứu nạn giữa các tàu thuyền

1. Khi có tai nạn xảy ra, thuyền trưởng các tàu có liên quan và thuyền trưởng các tàu thuyền khác phải tổ chức kịp thời việc tìm kiếm, cứu nạn những người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và khẩn trương tiến hành các biện pháp cần thiết để cứu người, tàu, hàng hoá.

2. Tàu thuyền bị thiệt hại nhẹ hơn phải cứu trợ tàu thuyền bị thiệt hại nặng hơn, cho dù lỗi gây ra tai nạn không phải là của mình.

Điều 36. Trách nhiệm xử lý tài sản chìm đắm trong cảng

1. Ngay sau khi xảy ra tai nạn chìm đắm, Giám đốc Cảng vụ hàng hải phải yêu cầu Bảo đảm an toàn hàng hải kịp thời tiến hành xác định vị trí, đặt báo hiệu cảnh báo và Thông báo hàng hải theo quy định.

2. Tàu thuyền và các tài sản khác bị chìm đắm trong vùng nước cảng thì chủ sở hữu có nghĩa vụ phải trục vớt ngay, nếu tài sản đó gây cản trở đối với hoạt động hàng hải hoặc gây ô nhiễm môi trường.

3. Trường hợp chủ tàu, chủ sở hữu tài sản khác không tiến hành trục vớt hoặc không hoàn thành việc trục vớt tài sản chìm đắm đúng thời hạn do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam hoặc do Giám đốc Cảng vụ hàng hải được Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam ủy quyền quy định, thì Giám đốc Cảng vụ hàng hải phải tổ chức việc trục vớt, di chuyển tài sản chìm đắm đó.

4. Ngoài việc phải thanh toán đầy đủ chi phí trục vớt, khảo sát, đặt báo hiệu hàng hải và khắc phục hậu quả, chủ tàu hoặc chủ sở hữu tài sản chìm đắm còn phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

MỤC G: BẢO ĐẢM AN TOÀN, TRẬT TỰ, VỆ SINH TẠI CẢNG BIỂN VÀ KHU VỰC HÀNG HẢI

Điều 37. Treo cờ đối với tàu thuyền

1. Việc treo cờ của tàu thuyền khi hoạt động tại cảng quy định như sau :

Tàu thuyền nước ngoài phải treo quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở đỉnh cột cao nhất của tàu từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn.

Riêng đối với tàu thuyền Việt Nam vị trí treo quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở cột phía lái tàu;

2. Vào ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và khi có người đứng đầu Nhà nước đến thăm cảng thì theo yêu cầu của Cảng vụ hàng hải, tất cả các tàu thuyền đang neo, đậu trong cảng đều phải treo cờ lễ.

3. Tàu thuyền nước ngoài khi muốn treo cờ lễ, cờ tang, kéo còi trong các dịp nghi lễ của nước mình phải thông báo trước cho Cảng vụ hàng hải.

4. Giám đốc Cảng vụ hàng hải có thể miễn trách nhiệm treo quốc kỳ cho một số phương tiện thủy thô sơ khi hoạt động trong vùng nước cảng biển.

5. Việc treo quốc kỳ quy định tại khoản 1 Điều này đối với tàu quân sự nước ngoài đến thăm Việt Nam theo lời mời chính thức của Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 38. Yêu cầu đối với cầu thang và dây buộc tàu

1. Cầu thang lên, xuống tàu phải được chiếu sáng và điều chỉnh phù hợp với mớn nước của tàu theo từng thời điểm trong ngày, bảo đảm chắc chắn không gây nguy hiểm cho người sử dụng. ở đầu cầu thang thường xuyên phải có người trực ca, phía dưới cầu thang phải có lưới bảo hiểm. Cầu thang phải có tay vịn và được trang bị phao cứu sinh theo đúng quy định hiện hành.

2. Trên các dây buộc tàu phải luôn luôn duy trì các thiết bị chắn chuột có hiệu quả.

Điều 39. Bảo đảm an toàn, trật tự, vệ sinh trên tàu thuyền

1. Tất cả các loại tàu thuyền phải ghi rõ tên hoặc số hiệu, nơi đăng ký theo quy định.

2. Thuyền trưởng của tàu thuyền có trách nhiệm bảo đảm an toàn, trật tự và vệ sinh trên tàu, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Ngoài thuyền viên thuộc định biên thuyền bộ và hành khách đi theo tàu, chỉ những người có nhiệm vụ do cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền giới thiệu thì mới được lên tàu khi neo đậu trong vùng nước cảng biển; đối với tàu nước ngoài còn phải có Giấy phép xuống tàu của Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng.

4. Thuyền trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm trước việc để những người không thuộc quy định tại khoản 3 Điều này lên tàu khi neo, đậu trong vùng nước cảng biển.

5. Khi tàu thuyền đang neo đậu trong vùng nước cảng biển, cấm thực hiện các hành vi sau đây:

a) Kéo còi hay dùng loa điện để thông tin, trừ trường hợp để phát tín hiệu cấp cứu hoặc kéo còi chào theo lệnh của Giám đốc Cảng vụ hàng hải;

b) Nạo ống khói hoặc xả khói đen;

c) Cọ rửa hầm hàng hoặc mặt boong làm nhiễm bẩn môi trường;

d) Bơm xả các loại nước bẩn, cặn bẩn, chất thải, dầu hoặc hợp chất có dầu và các loại chất độc hại khác;

đ) Vứt, đổ rác hoặc các đồ vật khác từ tàu xuống nước hoặc cầu cảng;

e) Để bừa bãi các trang thiết bị, tài sản ở trên mặt cầu cảng;

g) Gõ rỉ, sơn tàu làm nhiễm bẩn môi trường;

h) Tiến hành các việc sửa chữa, thử máy, thử còi khi chưa được Cảng vụ hàng hải cho phép;

i) Sử dụng trang thiết bị cứu sinh - chữa cháy vào các mục đích không phù hợp;

k) Bơi lội hoặc làm huyên náo ở trong cảng.

Điều 40. Quy định về đổ rác, xả nước thải, nước dằn tàu

1. Các loại tàu thuyền khi hoạt động trong cảng phải thực hiện chế độ đổ rác, bơm xả nước bẩn và nước dằn tàu theo quy định của pháp luật và chỉ dẫn của Cảng vụ hàng hải.

2. Các doanh nghiệp cảng hoặc tổ chức, đơn vị kinh doanh dịch vụ vệ sinh tàu thuyền tại cảng phải bố trí phương tiện để tiếp nhận rác thải, nước bẩn từ tàu thuyền và được thu phí dịch vụ theo quy định.

Điều 41. Hoạt động thể thao và diễn tập quân sự

Việc tổ chức các cuộc thi đấu thể thao, diễn tập quân sự và các hoạt động tương tự khác trong vùng nước cảng biển thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và chỉ được tiến hành sau khi Giám đốc Cảng vụ hàng hải cho phép.

Điều 42. Vận chuyển người, hàng hóa và hoạt động nghề cá trong vùng nước cảng biển.

1. Tàu thuyền không có đủ điều kiện hoặc không tuân thủ quy định của pháp luật thì không được vận chuyển người, hàng hóa ở trong vùng nước cảng biển.

2. Việc cắm đăng đáy, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trong vùng nước cảng biển tuân theo quy định của pháp luật có liên quan và phải được Giám đốc Cảng vụ hàng hải cho phép về vị trí, giới hạn vùng nước và số lượng, khẩu độ các thiết bị đánh bắt thủy sản.

Điều 43. Trách nhiệm của thuyền trưởng khi bốc dỡ hàng hóa, sửa chữa và vệ sinh tàu thuyền

1. Trước khi tiến hành các hoạt động bốc dỡ hàng hoá, sửa chữa và vệ sinh tàu thuyền, thuyền trưởng có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết về bảo đảm an toàn hàng hải, bảo hộ lao động và phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định có liên quan của pháp luật.

2. Thuyền trưởng chỉ được phép cho đóng nắp hầm hàng hoặc cho người xuống hầm hàng sau khi đã kiểm tra và bảo đảm chắc chắn không có tình trạng bất trắc xẩy ra.

3. Trong quá trình làm hàng, nếu phát hiện thấy những dấu hiệu không an toàn, thuyền trưởng hoặc người điều hành hoạt động bốc dỡ hàng hoá phải đình chỉ ngay công việc để xử lý.

4. Khi xẩy ra tai nạn lao động ở trên tàu, thuyền trưởng phải nhanh chóng tổ chức cấp cứu người bị nạn, tiến hành các biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả phát sinh tiếp theo và phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải.

Điều 44. Bảo đảm trật tự, an toàn trong vùng đất cảng

1. Giám đốc doanh nghiệp cảng có trách nhiệm tổ chức và điều hành hoạt động đối với lực lượng bảo vệ cảng, phù hợp với quy định có liên quan của pháp luật và điều kiện thực tế tại cảng do doanh nghiệp mình quản lý, khai thác.

2. Căn cứ yêu cầu quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về biên phòng, hải quan tại cảng biển được sử dụng cổng cảng để phục vụ nhiệm vụ của mình sau khi đã thoả thuận với doanh nghiệp cảng.

3. Tất cả mọi người, phương tiện khi được phép vào hoạt động trong vùng đất cảng biển phải chấp hành đầy đủ các quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam.

MỤC H: PHÒNG, CHỐNG CHÁY, NỔ VÀ PHÒNG NGỪA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Điều 45. Trách nhiệm của doanh nghiệp cảng và tàu thuyền về phòng, chống cháy, nổ

1. Thuyền trưởng các tàu thuyền hoạt động tại cảng và khu vực hàng hải có nghĩa vụ thực hiện và kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống cháy, nổ.

2. Các trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ của cảng và của tàu thuyền phải luôn luôn ở trong trạng thái sẵn sàng hoạt động và phải được đặt đúng nơi quy định.

3. Tại tất cả những nơi dễ cháy, dễ nổ hoặc tại các khu vực, địa điểm khác trong cảng và ở trên tàu thuyền đều phải có dấu hiệu cảnh báo hoặc chỉ dẫn theo quy định của pháp luật.

4. Những người làm nhiệm vụ tại nơi dễ cháy, dễ nổ trên tàu thuyền và trong cảng đều phải được huấn luyện thành thạo nghiệp vụ phòng, chống cháy, nổ.

5. Khi tiếp nhận nhiên liệu cần phải :

a) Chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị dập cháy, ngăn ngừa nổ;

b) Đóng kín các cửa mạn ở phía có tàu cấp nhiên liệu;

c) Chấp hành mọi quy trình, quy tắc an toàn kỹ thuật khi tiếp nhận nhiên liệu;

d) Bố trí người thường trực ở trên boong và ngay tại nơi tiếp nhận nhiên liệu.

6. Nghiêm cấm việc sử dụng các trang thiết bị phòng, chống cháy, nổ của cảng và của tàu thuyền vào các mục đích khác.

7. Nghiêm cấm tiến hành các công việc có phát ra tia lửa ở trên boong, hầm hàng, buồng máy, nếu chưa được Cảng vụ hàng hải cấp phép.

8. Khi tiếp nhận nhiên liệu, cấm tiến hành những việc sau đây :

a) Cho tàu thuyền khác cập mạn;

b) Bơm nhiên liệu qua các loại ống, vòi hoặc khớp nối không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật;

c) Tiếp nhận nhiên liệu khi trên tàu còn có khách (đối với tàu chở khách).

9. Việc cấp phép sửa chữa và vệ sinh tàu hoặc thực hiện các hoạt động hàng hải khác trong vùng nước cảng mà xét thấy có thể ảnh hưởng đến phương án phòng, chống cháy, nổ thì trước khi quyết định, Giám đốc Cảng vụ hàng hải phải lấy ý kiến chuyên môn của cơ quan chuyên trách về phòng, chống cháy, nổ ở địa phương.

Điều 46. Phối hợp tổ chức phòng chống cháy, nổ tại cảng

1. Giám đốc Cảng vụ hàng hải chịu trách nhiệm phối hợp với cơ quan phòng, chống cháy, nổ chuyên trách ở khu vực trách nhiệm của mình, xây dựng các phương án phòng, chống cháy, nổ cần thiết cho tàu thuyền hoạt động ở khu vực đó theo quy định có liên quan.

2. Giám đốc Cảng vụ hàng hải là người chịu trách nhiệm chỉ huy các hoạt động cấp cứu tàu thuyền bị cháy, nổ ở trong vùng nước cảng, cho đến khi người chỉ huy có thẩm quyền của lực lượng phòng, chống cháy, nổ chuyên trách có mặt tại hiện trường.

3. Giám đốc doanh nghiệp cảng là người chịu trách nhiệm chỉ huy hoạt động ngăn ngừa sự cố cháy, nổ xẩy ra trong vùng đất cảng cho đến khi người chỉ huy có thẩm quyền của lực lượng phòng, chống cháy, nổ chuyên trách có mặt tại hiện trường.

Điều 47. Yêu cầu đối với tàu dầu và tàu chở hàng nguy hiểm khác

Ngoài các quy định có liên quan của pháp luật về phòng ngừa ô nhiễm môi trường, tất cả các loại tàu dầu và tàu chở hàng nguy hiểm khác khi hoạt động tại cảng biển còn phải chấp hành nghiêm chỉnh những yêu cầu dưới đây :

1. Cấm hai tàu cập mạn nhau cùng một lúc bốc, dỡ loại hàng dễ cháy hoặc dễ nổ, trừ trường hợp cấp và nhận nhiên liệu giữa hai tàu thuyền và chuyển tải.

2. Tất cả các loại tàu chở dầu hoặc các loại hàng hoá nguy hiểm khác chỉ được phép tiến hành bốc, dỡ hàng hoá ở những khu vực đã được công bố. Cấm các loại tàu thuyền quy định tại khoản này neo đậu ở những nơi không được chỉ định.

3. ở các khu vực quy định tại khoản 2 Điều này phải được trang bị các trang thiết bị phòng chống cháy, nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cần thiết. Trong suốt thời gian bốc, dỡ hàng hoá, tất cả các trang thiết bị này phải liên tục được duy trì ở tình trạng sẵn sàng hoạt động.

4. Việc bốc, dỡ và bảo quản các loại hàng hoá dễ cháy, dễ nổ hoặc hàng hoá nguy hiểm khác phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy tắc an toàn kỹ thuật hiện hành.

5. Khi tiến hành lắp ráp các thiết bị bơm dầu thô, xăng, dầu, khí hóa lỏng, cặn dầu thì thuyền trưởng và các bên liên quan phải cử đại diện để cùng kiểm tra, giám sát.

6. Khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn liên quan đến việc bơm dầu hoặc việc bốc dỡ các loại hàng nguy hiểm khác, thuyền trưởng phải dừng ngay việc bơm dầu hoặc bốc, dỡ hàng hóa và kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn ngừa hiệu quả; đồng thời phải báo cáo ngay cho Cảng vụ hàng hải và các cơ quan chức năng liên quan để triển khai việc phối hợp cứu trợ.

Điều 48. Yêu cầu về phòng ngừa ô nhiễm môi trường

1. Tất cả các tổ chức, cá nhân, tàu thuyền khi hoạt động tại cảng biển đều phải có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện quy định của pháp luật về phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

2. Ngoài các quy định ở khoản 1 Điều này, tàu thuyền khi hoạt động tại cảng biển còn phải chấp hành những yêu cầu dưới đây :

a) Tất cả các van và thiết bị của tàu thuyền mà chất độc hại có thể thoát ra ngoài đều phải được niêm phong kẹp chì và phải có biển thông báo tại chỗ. Việc tháo bỏ niêm phong hoặc việc bơm thải các chất thải, nước bẩn qua những van hoặc thiết bị quy định tại khoản này chỉ được thực hiện với sự đồng ý của Giám đốc Cảng vụ hàng hải và có sự giám sát trực tiếp của nhân viên Cảng vụ hàng hải đó;

b) Khi tiến hành bơm các loại nước bẩn, nước thải có dầu hoặc các chất có đặc tính nguy hiểm khác qua đường ống trên mặt boong phải bịt kín các lỗ thoát nước mặt boong và có khay hứng ở những khớp nối của ống dẫn;

c) Tất cả các hoạt động liên quan đến việc bơm, xả dầu hoặc các chất nguy hiểm khác đều phải được ghi chép cụ thể vào nhật ký riêng và sẵn sàng xuất trình cho nhân viên cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kiểm tra khi cần thiết.

Điều 49. Báo cáo sự cố ô nhiễm môi trường tại cảng biển

1. Việc báo cáo sự cố ô nhiễm môi trường xẩy ra tại cảng biển phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, mọi tàu thuyền khi hoạt động tại cảng biển phải thực hiện các yêu cầu dưới đây :

a) Nếu phát hiện nguy cơ hoặc hành vi gây ô nhiễm môi trường, thì phải báo ngay cho Cảng vụ hàng hải; đồng thời, phải ghi rõ vào Nhật ký hàng hải về thời gian, địa điểm và đặc điểm của sự cố ô nhiễm đó.

b) Nếu sự cố gây ô nhiễm môi trường phát sinh từ tàu thuyền mình thì phải áp dụng ngay biện pháp ngăn ngừa hiệu quả, nhưng phải kịp thời báo cáo cho Cảng vụ hàng hải.

Chương IV

PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CHUYÊN NGÀNH TẠI CẢNG BIỂN

Điều 50. Nguyên tắc phối hợp hoạt động quản lý

1. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển thực hiện nhiệm vụ của mình theo nguyên tắc độc lập, nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật, không gây phiền hà, làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cảng, chủ tàu, chủ hàng, tàu thuyền và các tổ chức, cá nhân khác ở trong cảng. Cảng vụ hàng hải là cơ quan chủ trì, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau khi tiến hành nhiệm vụ của mình, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cảng, chủ tàu, chủ hàng, tàu thuyền và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan hoạt động an toàn, hiệu quả.

3. Trường hợp có vướng mắc phát sinh liên quan đến chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác đều phải được trao đổi thống nhất để giải quyết kịp thời; nếu cơ quan nào không thống nhất, thì phải kịp thời báo cho Cảng vụ hàng hải biết rõ lý do và biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Chỉ khi địa điểm làm thủ tục là trên tàu theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17, điểm a khoản 2 Điều 19 của Nghị định này, hay trong những hoàn cảnh đặc biệt khác do Giám đốc Cảng vụ hàng hải quyết định và chịu trách nhiệm, thì các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành mới được thành lập đoàn thủ tục do đại diện của Cảng vụ hàng hải làm Trưởng đoàn và mỗi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ được cử một người tham gia; riêng đối với tàu khách, để giải quyết nhanh thủ tục thì các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về biên phòng và hải quan có thể cử thêm người tham gia đoàn nhưng số lượng phải được Giám đốc Cảng vụ hàng hải chấp thuận. Nếu không cần thiết phải lên tàu thì các các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có thể không cử người tham gia Đoàn thủ tục theo quy định tại khoản này, nhưng phải báo ngay cho Cảng vụ hàng hải biết kết quả giải quyết thủ tục của cơ quan mình.

5. Trong trường hợp có vướng mắc phát sinh vượt quá thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nào thì cơ quan đó phải kịp thời báo cáo cơ quan quản lý cấp trên của mình để giải quyết ngay. Nếu xét thấy cần thiết, các Bộ liên quan có trách nhiệm cùng Bộ Giao thông vận tải phối hợp giải quyết, nhưng chậm nhất là 4 giờ kể từ khi nhận được báo cáo phải thông báo quyết định xử lý của mình cho cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan biết.

6. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan khác tại khu vực để tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật đối với mọi hoạt động hàng hải tại cảng biển.

Điều 51. Trách nhiệm phối hợp hoạt động quản lý

1. Trong việc tổ chức phối hợp hoạt động quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển, cảng vụ hàng hải có trách nhiệm sau đây :

a) Chủ trì, điều hành việc phối hợp hoạt động quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển;

b) Tổ chức và chủ trì các hội nghị, cuộc họp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hoặc với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan khác tại khu vực cảng để trao đổi thống nhất việc giải quyết những vướng mắc phát sinh;

c) Yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cảng thông báo kịp thời kết quả làm thủ tục và biện pháp giải quyết những vướng mắc phát sinh; yêu cầu doanh nghiệp cảng, chủ tàu, tàu thuyền và các cơ quan, tổ chức liên quan khác cung cấp số liệu, thông tin về hoạt động hàng hải tại cảng biển;

d) Kiến nghị với Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương tại khu vực giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền của tỉnh hoặc thành phố đó có liên quan đến quản lý nhà nước về chuyên ngành tại cảng biển.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác tại cảng có trách nhiệm :

a) Phối hợp chặt chẽ để giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các thủ tục liên quan đến tàu thuyền, hàng hóa, hành khách và thuyền viên khi hoạt động tại cảng biển theo Nghị định này;

b) Thông báo kịp thời cho Cảng vụ hàng hải biết kết quả giải quyết thủ tục liên quan đến tàu thuyền, hàng hóa, thuyền viên, hành khách khi hoạt động tại cảng;

c) Sau khi nhận và xử lý thông tin được Cảng vụ hàng hải hoặc chủ tàu cung cấp và khi làm xong thủ tục hoặc trường hợp có vướng mắc phát sinh, phải báo ngay cho Cảng vụ hàng hải biết để phối hợp giải quyết kịp thời.

Điều 52. Thanh tra, kiểm tra, giám sát, giám hộ chuyên ngành tại cảng biển

1. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, giám hộ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và các cơ quan có thẩm quyền khác đối với tàu thuyền, hàng hóa, hành khách, thuyền viên và những đối tượng khác khi hoạt động tại cảng biển đều phải được thực hiện theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.

2. Việc giám sát, giám hộ trực tiếp trên tàu thuyền của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau đây :

a) Tàu thuyền có dấu hiệu rõ ràng vi phạm pháp luật.

b) Trường hợp cần thiết để bảo đảm an ninh, quốc phòng, phòng chống dịch bệnh, trật tự và an toàn xã hội.

3. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, nhân viên của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và của các cơ quan có thẩm quyền khác có hành vi cửa quyền, cục bộ, bản vị, vụ lợi, sách nhiễu, gây phiền hà và các biểu hiện tiêu cực khác khi thực thi nhiệm vụ được giao; mọi vi phạm có liên quan đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 53. Trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển

1. Các Bộ, ngành và địa phương chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực thuộc thực hiện tốt việc phối hợp hoạt động quản lý nhà nước tại cảng biển.

2. Kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực thuộc và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật.

Chương V

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 54. Khen thưởng

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích thực hiện tốt Nghị định này thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 55. Xử lý vi phạm

Mọi hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân đối với các quy định của Nghị định này đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 56. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

2. Ban hành kèm theo Nghị định này 09 Phụ lục gồm các mẫu bảng để sử dụng trong quá trình thực hiện.

3. Nghị định này thay thế các văn bản quy phạm pháp luật dưới đây :

a) Nghị định số 13/CP ngày 25 tháng 02 năm 1994 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và các khu vực hàng hải ở Việt Nam;

b) Nghị định số 24/2001/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và các khu vực hàng hải ở Việt Nam, ban hành kèm theo Nghị định số 13/CP ngày 25 tháng 02 năm 1994 của Chính phủ;

c) Quyết định số 202/TTg ngày 28 tháng 12 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các cảng biển Việt Nam;

d) Quyết định số 55/2002/QĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm cải cách thủ tục hành chính tại các cảng biển khu vực thành phố Hồ Chí Minh;

đ) Quyết định số 178/2002/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm cải cách thủ tục hành chính tại cảng biển khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hải Phòng và Quảng Ninh;

e) Quyết định số 428/CP ngày 04 tháng 12 năm 1979 của Hội đồng Chính phủ về ban hành Quy chế quá cảnh tạm thời cho tàu thủy nước ngoài chở hàng vận tải khẩn cấp có tính chất nhân đạo đi qua đường sông Cửu Long đến Cam-pu-chia.

4. Các quy định liên quan đến hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực hàng hải quy định tại các văn bản pháp luật khác trái với quy định của Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Điều 57. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tổ chức, hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.