THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006
quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng
hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng
hóa với nước ngoài đối với hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên
ngành của Ngân hàng Nhà nước
____________
Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 41/2005/QĐ-TTg ngày 02/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cấp phép nhập khẩu hàng hoá;
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) hướng dẫn thực hiện việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này hướng dẫn việc nhập khẩu hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý nhập khẩu hàng hóa bằng 2 hình thức: cấp giấy phép nhập khẩu và chỉ định doanh nghiệp được phép nhập khẩu.
2. Ngân hàng Nhà nước công bố Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Mục III, Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài tại Phụ lục số 01 của Thông tư này.
II. QUY ĐỊNH VỀ NHẬP KHẨU HÀNG HÓA PHẢI CÓ GIẤY PHÉP
1. Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý bằng hình thức cấp giấy phép nhập khẩu đối với các máy móc, thiết bị sau:
a) Máy hủy tiền;
b) Cửa kho tiền.
2. Đối tượng được cấp giấy phép nhập khẩu máy huỷ tiền, cửa kho tiền: gồm các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và thương nhân khác.
3. Điều kiện nhập khẩu: Cửa kho tiền và máy huỷ tiền nhập khẩu phải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật cửa kho tiền, máy hủy tiền do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.
4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu:
a) Đối với doanh nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng và thương nhân khác:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu (theo mẫu tại phụ lục số 02);
- Bản sao hợp lệ: Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao có công chứng hoặc bản photocopy kèm theo bản gốc để đối chiếu);
- Tài liệu kỹ thuật của thiết bị, máy móc (bản gốc và bản dịch tiếng Việt).
b) Đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu (theo mẫu tại phụ lục số 02);
- Có ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho trang bị cửa kho tiền, máy hủy tiền nhập khẩu;
- Tài liệu kỹ thuật của thiết bị, máy móc (bản gốc và bản dịch tiếng Việt).
5. Thời hạn giải quyết việc cấp giấy phép:
Chậm nhất sau 06 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép nhập khẩu. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, trong thời hạn trên Ngân hàng Nhà nước có văn bản trả lời rõ lý do.
6. Thời hạn hiệu lực của giấy phép: Giấy phép có hiệu lực đến ngày cuối tháng của tháng mà đơn vị dự kiến nhập khẩu hàng hoá.
7. Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cấp giấy phép:
Cục Phát hành và Kho quỹ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 47 - 49 Lý Thái Tổ, Hà Nội.
8. Trách nhiệm của các đơn vị cấp giấy phép:
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao cho Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ xem xét, cấp giấy phép nhập khẩu cửa kho tiền, máy hủy tiền; theo dõi và quản lý việc sử dụng hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước đúng mục đích.
9. Trách nhiệm của đơn vị nhập khẩu hoặc uỷ thác nhập khẩu (nếu có):
- Thực hiện việc nhập khẩu đúng số lượng, chất lượng và chủng loại hàng hóa, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật do Ngân hàng Nhà nước quy định, tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về nhập khẩu hàng hóa.
- Đơn vị nhập khẩu hàng hoá phải sử dụng đúng mục đích hàng hóa đã xin nhập khẩu.
- Trong thời gian 03 tháng kể từ ngày thông quan, đơn vị nhập khẩu phải báo cáo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước (Cục Phát hành và Kho quỹ) về tình hình sử dụng hàng hóa đã nhập khẩu.
10. Gia hạn giấy phép:
a) Đơn vị đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu muốn gia hạn giấy phép nhập khẩu phải có văn bản nêu rõ lý do và thời hạn xin gia hạn gửi đến Ngân hàng Nhà nước trước thời gian hết hạn ghi trong giấy phép đã được cấp (kèm theo giấy tờ chứng minh sự chậm trễ của việc nhập khẩu hàng hóa).
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị gia hạn giấy phép nhập khẩu, Ngân hàng Nhà nước phải thông báo bằng văn bản việc chấp thuận hoặc không chấp thuận việc gia hạn giấy phép nhập khẩu.
III. QUY ĐỊNH VỀ HÀNG HÓA NHẬP KHẨU ĐƯỢC QUẢN LÝ THEO
HÌNH THỨC CHỈ ĐỊNH DOANH NGHIỆP ĐƯỢC PHÉP NHẬP KHẨU
Các mặt hàng quy định tại mục 3, 4, 5, 6, 7 trong phụ lục số 01 của Thông tư này là những mặt hàng do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Ngân hàng Nhà nước chỉ định Nhà máy in tiền Quốc gia (doanh nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nhà nước) nhập khẩu trực tiếp các mặt hàng này khi được sự đồng ý bằng văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành:
- Thông tư 06/2001/TT-NHNN ngày 24/8/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2001 - 2005 đối với hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước;
- Thông tư số 08/2004/TT-NHNN ngày 03/12/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 06/2001/TT-NHNN ngày 24/8/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2001-2005 đối với hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước./.